Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng qua đời

Thứ Năm, 31 tháng 5, 2012


Cha Antôn Phạm Đình Phùng đã qua đời hồi 5 giờ 30 sáng nay, 29/5/2012, tại bệnh viện Nhiệt Đới, Sài Gòn.
Cha Antôn sinh năm 1969 tại giáo xứ Bột Đà, giáo phận Vinh, chịu chức linh mục năm 1997, từng làm thư ký Tòa Giám mục, quản xứ Chánh Tòa Xã Đoài, giáo sư Đại Chủng viện Vinh Thanh và đang quản xứ Thuận Nghĩa.



Tối nay lúc 19:30 ngày 29/5/2012 tại trụ sở giáo phận Vinh ở Sài Gòn [trusovinh.net], sẽ có thánh lễ đồng tế cầu nguyện cho cha Anton. 



Thánh lễ an táng vào lúc 7 giờ thứ Sáu ngày 01 tháng 6 năm 2012 tại nhà thờ giáo xứ Thuận Nghĩa, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Xin mọi người cầu nguyện cho cha Antôn được sớm về với Vị Mục Tử Nhân Lành.

TIỂU SỬ LM ANTÔN PHẠM ĐÌNH PHÙNG

Linh mục Antôn Phạm Đình Phùng sinh ngày 02/10/1969 tại giáo xứ Bột Đà, xã Đà Sơn, huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An. Ngài là con trưởng trong gia đình có 9 người con, trong đó có 7 người sống ơn gọi tu trì.

+ 15/8/1997:
 Thụ phong Linh mục

+ Từ năm 1999 - 2003: Du học tại Pháp với bằng Cao học về Thần học Thánh Kinh.

+ Từ năm 2003 - 2010: Thư ký Tòa Giám mục.

+ Từ năm 2003 đến nay: Giáo sư Đại Chủng viện Vinh Thanh.

+ Từ năm 2003: Tuyên úy sinh viên Công giáo Vinh.

+ Từ năm 2005 - 2006: Phụ trách giáo xứ Yên Đại.

+ Năm 2006:  Phụ trách giáo xứ Cầu Rầm.

+ Từ năm 2006 - 2010: Trưởng Ban Giới trẻ Giáo phận.

+ Từ năm 2007 - 2010: Quản xứ Xã Đoài.

+ Từ năm 2010 đến nay: Quản xứ Thuận Nghĩa.

Do cơn bạo bệnh, ngài đột ngột từ trần hồi 5:30 ngày 29/5/2012. Hưởng dương 43 tuổi, 15 năm linh mục.

Có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?


Sống là đi tìm sự giải thoát. Trong dòng lịch sử, loài người đã thể hiện việc tìm kiếm đó qua các tôn giáo khác nhau. Các tôn giáo tiêu biểu cho khát vọng sâu xa đó của kiếp người. Có thể nói rằng: có bao nhiêu quan niệm về cứu rỗi, thì cũng có bấy nhiêu tôn giáo. 

Vậy có thể có ơn cứu độ nơi các tôn giáo chăng?

Bài viết này sẽ trình bày những suy tư thần học về ơn cứu độ nơi các tôn giáo.
   
      Bài liên quan >> Về ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo

Ý niệm cứu độ

Cứu độ, theo nguyên ngữ Hy Lạp là sôzô, có nghĩa là được giải thoát khỏi một sự dữ có thể làm nguy hiểm đến tính mạng. Từ nghĩa thông thường đó mà người ta dùng để diễn tả kinh nghiệm tôn giáo: Thiên Chúa cứu rỗi loài người, thần minh cứu độ chúng sinh (1).

Người ta thường nghĩ cứu độ là giải thoát khỏi một thực tại tiêu cực. Tuy nhiên, sự cứu thoát này tự nó không phải là điều cốt yếu: nó chỉ là bước chuyển biến để đạt tới tình trạng viên mãn. Bởi vì, cứu độ có nghĩa là đạt tới sự viên mãn, trọn vẹn, đầy đủ, thực sự là chính mình, là hoàn thành hoá chính mình.

Nói chung, các tôn giáo quan niệm cứu độ là con người được đưa đến cùng đích của đời mình, giúp họ hoàn thành chính mình, tìm thấy thân phận của mình. Con người đang sống là một hữu thể chưa thành toàn, luôn luôn ao ước một cái gì hơn và một cái gì tốt hơn. “Theo kiểu nói của thánh Augustin, đối với một thụ tạo, Thiên Chúa là hạnh phúc, sung mãn, mục đích cuối cùng. Được thông hiệp với Ngài là được tất cả, là thiên đàng, là cứu độ. Kinh thánh dùng nhiều hình ảnh và ẩn dụ để diễn tả trạng thái được cứu độ: yến tiệc, hôn lễ, đời sống vĩnh hằng, bất tử, không còn bị huỷ hoại, ánh sáng, bình an, an toàn, toại nguyện, viên mãn, hài hoà với mọi thụ tạo, trở về nhà Cha, quê hương đích thực, hiển trị với Thiên Chúa, diện kiến Ngài, tham dự sự sống vĩnh hằng và nhiệm màu của Thiên Chúa, hiệp thông trọn vẹn với các thiên thần, anh chị em đồng loại và vũ trụ vật chất.” (2)

Để đạt được tình trạng như thế, tự sức con người không thể vươn tới được, mà phải cần sự tác động của thần linh. Theo Kitô giáo, ơn cứu độ được thực hiện trước tiên nơi con người Đức Giêsu Nazareth; nó đồng hoá với chính con người đó. Và để dự phần vào ơn cứu độ, cần phải tiến vào sự thông hiệp với Ngài. Kinh nghiệm cứu độ trực tiếp gắn liền với việc tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa, là Đấng cứu độ.

Giáo lý cổ truyền: “Ngoài Giáo hội không có ơn cứu độ”

Trong bối cảnh tranh luận về giá trị của phép rửa trong các lạc giáo giữa thế kỷ thứ 3, thánh Syprien, giám mục thành Carthage, đã đưa ra câu châm ngôn trứ danh: “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ” ("Extra ecclesiam nulla salus").

Thánh Augustin cũng đồng ý với Syprien. Hai vị thánh đã áp dụng thành ngữ này cho trường hợp của những người Kitô lìa bỏ Giáo hội mà theo các lạc giáo; lý do là vì họ phạm đến đức ái, nên đã mất ân sủng.

Một nhân vật khác là Fulgence, giám mục thành Ruspe, là người bảo toàn di sản của thánh Augustin, ra sức chống lại xu hướng lạc đạo. Ông đồng ý với thánh nhân cho rằng việc gia nhập Giáo hội Công giáo là điều kiện để được cứu độ. Ngoài Giáo hội có thể có phép rửa, nhưng phép rửa chỉ đem lại ơn ích bên trong Giáo hội mà thôi. Ai lãnh nhận phép rửa tội ngoài Giáo hội Công giáo là lãnh nhận một bí tích nguyên vẹn, nhưng người đó không được hưởng hiệu quả của bí tích là ơn cứu độ (3), bởi vì “Ngoài Giáo Hội không có ơn cứu độ”.

Thành ngữ này thường bị tách rời khỏi bối cảnh lịch sử, đã chi phối truyền thống Kitô giáo cho đến thời Trung cổ và gần như đạt được tính chất tín lý. Các giáo phụ và các nhà thần học thời Trung cổ đã phổ quát hóa và đem thành ngữ ấy áp dụng vào trường hợp người Do Thái và lương dân. Trong một thế giới toàn tòng Kitô giáo, các ngài tưởng là mọi người trong thế giới đều đã nghe biết về Tin mừng, vì thế các ngài suy luận theo nghĩa đen và áp dụng chặt chẽ những lời Chúa Giêsu: “Ai tin và chịu phép rửa sẽ được ơn cứu độ; còn ai không tin sẽ bị kết án” (Mc 16,16). Không vào Giáo hội tức là đã từ chối Lời Chúa, và vì thế không thể được cứu rỗi.

Giáo thuyết này đã được huấn quyền phê chuẩn. Công đồng Latran IV (năm 1215) tuyên bố: “Chỉ có một Giáo hội toàn cầu: ở ngoài Giáo hội này, chẳng có ơn cứu độ” (Dz 802).

Năm 1302, trong tự sắc Unam sanctam, Đức Boniface VIII đã so sánh Giáo hội với tàu Noê, và khẳng định là không ai ở ngoài Giáo hội Công giáo hoặc thuộc Giáo hội Công giáo nhưng lại không vâng phục giám mục Roma mà có thể được cứu rỗi (Dz 870, 875).

Công đồng Firenze (năm 1442) trích dẫn và phê chuẩn luận đề của Fulgence de Ruspe: “Giáo hội Công giáo Rôma xác tín, tuyên xưng, và rao giảng rằng chẳng một ai trong những người ở bên ngoài Giáo hội Công giáo – không phải chỉ những người ngoại giáo mà cả những người Do thái giáo hay lạc giáo và ly giáo nữa – được tham dự vào cuộc sống vĩnh cửu, mà trái lại sẽ đi vào lửa đời đời đã dành sẵn cho cho ác quỉ và các sứ thần của nó, nếu như ít nhất trong giây phút cuối đời không gia nhập vào Giáo hội” (Dz 1351).

Quan niệm mới: Ơn cứu độ không biên giới

Nhờ việc khám phá ra châu Mỹ (1492), người châu Âu mới biết rằng rất nhiều dân tộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ chưa hề nghe nói đến Đức Kitô. Phần lớn trong số họ đều thuộc về một tôn giáo khác. Vì thế, vấn đề đặt ra là quan niệm thế nào về số phận của những người ngoài Kitô giáo. Không thể giữ vững lập trường kết án và loại trừ như trước đây. Bởi vì, không ai có thể bị kết án nếu không cố ý phạm tội. Đức Piô IX viết: “Phải tin chắc rằng những người không biết đạo thật, nếu là vô tri bất khả thắng, thì không thể coi họ là có tội trước mặt Chúa vì sự vô tri đó”. (4)
         
Chúng ta có thể tìm hiểu xem Kinh thánh quan niệm thế nào về vấn đề này. Trong trình thuật về biến cố dâng trẻ Giêsu vào đền thánh, Tin mừng Luca viết: “Ơn cứu độ Chúa đã dành sẵn cho muôn dân; đó là ánh sáng soi chiếu mọi nước” (Lc 2,30-31).

Thánh Phaolô quả quyết: Thiên Chúa “muốn tất cả mọi người được cứu độ và nhận biết chân lý” (1 Tm 2,4). Khi nói về sự phán xét của Thiên Chúa, thánh nhân tin rằng phần thưởng được ban cho mọi người làm điều thiện sẽ giống nhau cho tất cả chứ không phân biệt gì: “Người sẽ ban vinh quang, danh dự và bình an cho tất cả những ai làm điều thiện, trước là người Do Thái, sau là người Hy Lạp, vì Thiên Chúa không thiên vị ai” (Rm 2,10-11).

Căn cứ vào ý định cứu độ phổ quát của Thiên Chúa, công đồng Vaticanô II dạy rằng: “Nếu biết thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, biết cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong hành động của mình theo sự hướng dẫn của tiếng lương tâm, thì cả những kẻ không biết đến Phúc âm của Đức Kitô và Giáo hội Người, nhưng lại không do lỗi mình, cũng có thể được cứu rỗi” (LG 16). Sự chu toàn thánh ý Thiên Chúa, được nói ở đây, có nghĩa là làm điều thiện và tránh điều ác, là gắn bó với sự thật, là hoà hợp giữa niềm tin và cuộc sống, là tuân theo lương tâm ngay thẳng.

Nơi khác, công đồng dạy: “Giáo hội Công giáo không hề phủ nhận những gì là chân thật và thánh thiện nơi các tôn giáo. Với lòng kính trọng chân thành, Giáo hội xét thấy những phương thức hành động và lối sống, những huấn giới và giáo thuyết kia, tuy có nhiều điểm khác với chủ trương mà Giáo hội duy trì, nhưng cũng thường đem lại ánh sáng của chân lý, chân lý chiếu soi hết mọi người” (NA 2).

Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô, trong thông điệp Redemtoris Missio, đề cập đến sự hiện diện phổ quát của Chúa Thánh Thần: "không phải chỉ ở trong những người thiện chí với tư cách cá nhân, mà còn ở trong xã hội và lịch sử, trong các dân tộc, các nền văn hóa, các tôn giáo - và tất cả điều đó luôn qui chiếu về Đức Kitô" (số 82).

Như thế, Thần Khí cũng có thể hoạt động ngoài các bí tích, và cả bên ngoài Giáo hội nữa. Và Thần Khí cũng có thể dùng những tôn giáo khác nhau làm khí cụ cứu rỗi cho tín đồ của mình trong mức độ chỉ một mình Ngài biết.

Vai trò của các tôn giáo trong chương trình cứu độ

Các tôn giáo có phải là những trung gian cứu độ cho các tín đồ của mình không? Các nhà thần học không nhất trí với nhau, và lập trường của họ có thể phân chia thành hai nhóm.

Nhóm thứ nhất, đại diện là Jean Daniélou và Henri de Lubac, chủ trương các tôn giáo chỉ là những hình thái biểu lộ việc con người đi tìm chính lộ. Nói cách khác, các tôn giáo không phải là dụng cụ cứu rỗi do Chúa thiết lập, mà chỉ là sản phẩm phát sinh từ tâm tình đạo giáo của con người. Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho tín đồ các tôn giáo, nhưng không qua trung gian các tôn giáo. Giá như các tôn giáo có vai trò gì trong chương trình cứu rỗi, thì vai trò đó chấm dứt khi Đức Kitô hoàn tất việc cứu rỗi.

Nhóm thứ hai, đại diện là Karl Rahner và Ramond Pannikkar, cho rằng các tôn giáo nằm trong kế hoạch cứu rỗi của Thiên Chúa. Giáo lý và lễ nghi của các tôn giáo có thể ví như là những phương tiện Thiên Chúa dùng để ban ơn cứu rỗi cho các tín đồ. Các tôn giáo là những lối diễn tả có tính cách xã hội của con người với Thiên Chúa, nên có khả năng giúp tín đồ của họ tiếp nhận ân sủng. Như thế, mặc dù chúng còn chứa đựng những yếu tố bất toàn, nhưng các tôn giáo có thể có một giá trị cứu độ.

Kết luận
         
Trong chương trình của Thiên Chúa, bất cứ ai cũng có thể được cứu độ. Các tôn giáo có thể dẫn đưa con người đón nhận các phương thức cứu độ phù hợp với ý định của Thiên Chúa.
Vì thế, cần phải tránh thái độ quá khích, hay coi rẻ các tôn giáo khác. Trái lại, cần phải nhận định và đánh giá cho đúng những gì là chân thực, thánh thiện tiềm ẩn nơi các tôn giáo, cũng như phải nhận ra những dấu chỉ hoạt động của Chúa Thánh Thần, đang gieo rắc vô vàn mầm mống chân, thiện, mỹ nơi các tôn giáo.

Do đó, công cuộc truyền giáo không đồng nghĩa với việc chiêu mộ tín đồ, nhưng là nhằm làm triển nở các mầm mống đó tới mức sung mãn. Truyền giáo là làm cho các các tín đồ khác vượt qua chính mình, vượt qua các nền văn hóa và tôn giáo, để vươn lên tới Đấng Tuyệt Đối.
Lời nhận định sau đây của Benneth L. Woodward cũng đáng cho chúng ta tâm niệm: “Mẹ Teresa Calcutta, tuy là nữ tu thừa sai của Chúa Kitô, mẹ nhấn mạnh rằng Thiên Chúa muốn người Ấn giáo phải là một tín đồ Ấn giáo đạo hạnh, người Hồi giáo phải là một tín đồ Hồi giáo tốt lành, người Phật giáo phải là một phật tử hiền hòa”.
Đó phải là tinh thần của chúng ta khi sống trong một xã hội đa tôn giáo.

Lm Gioan Phạm Quang Long

Chú thích

1.     Xem Điển ngữ Thần học Thánh kinh, mục từ cứu rỗi trang 399.
2.     P. Nguyễn Thái Hợp, OP, Đường vào thần học về các tôn giáo, Dấn thân – Houston 2004, trang 106.
3.     Tham khảo Peter Neuner, Giáo hội học qua các tác giả, trang 124-125
4.     Piô IX, diễn từ Singulari Quadam ngày 9-12-1854. 

Nhận định về một số tình hình tại Việt Nam hiện nay

Thứ Tư, 30 tháng 5, 2012

clip_image001Chủ trương đổi mới đã giúp Việt Nam hòa nhập vào dòng chảy chung của nhân loại và đưa đất nước từ một nền kinh tế nghèo nàn đến một trong những nước có tăng trưởng kinh tế cao nhất châu Á. Tiến trình hội nhập được cụ thể hóa qua việc Việt Nam trở nên thành viên của khối ASEAN, tham gia APEC, gia nhập WTO. Việt Nam cũng đã thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều quốc gia, tham gia vào nhiều tổ chức quốc tế và thu hút đầu tư của nhiều tập đoàn nước ngoài. Xã hội ngày càng trở nên năng động, sáng tạo và nhìn chung có vẻ giàu có hơn. Nhưng tình hình gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang mất định hướng, thiếu tính bền vững và nhân bản, vì đổi mới kinh tế không song hành đổi mới chính trị, cũng như tăng trưởng kinh tế không nối kết với phát triển xã hội và phát triển con người toàn diện.


Thư chung hậu Đại hội Dân Chúa năm 2010 mời gọi tất cả các thành viên của Giáo Hội Công giáo tại Việt Nam cố gắng nhận diện và phân định “hiện trạng xã hội Việt Nam dưới ánh sáng đức tin”. Chính trong viễn tượng đó, Ủy ban Công lý và Hòa bình thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam muốn bày tỏ một vài thao thức, suy nghĩ và nhận định về tình hình Đất nước, vừa với tư cách công dân, vừa với tư cách Kitô hữu.


Nền kinh tế Việt Nam

Sau gần hai thập niên đạt tăng trưởng kinh tế cao, Việt Nam đã ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp nhất, nhưng tình trạng mấy năm gần đây cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang bộc lộ những nguy cơ nghiêm trọng, tác động trực tiếp đến cuộc sống của người dân và tương lai của đất nước. Biểu hiện rõ nhất là quản lý kinh tế yếu kém, các tập đoàn Nhà nước thua lỗ nặng, doanh nghiệp phá sản càng nhiều ngân hàng lãi càng lớn, lạm phát tăng cao, chênh lệch giàu nghèo nới rộng, chất lượng cuộc sống của đại đa số dân chúng giảm sút, nhiều người rơi trở lại tình trạng nghèo trước đây… Phải chăng mô hình kinh tế hiện tại đang làm giàu cho nhóm đặc lợi hơn là cho toàn dân?

Định hướng kinh tế lấy quốc doanh làm chủ đạo đã tạo ra độc quyền và lạm quyền, làm méo mó sự vận hành cần có của nền kinh tế thị trường. Doanh nghiệp nhà nước đóng góp ít vào tăng trưởng kinh tế nhưng lại nhận nhiều đặc quyền đặc lợi, gây bất công và kìm hãm sự phát triển của khối tư nhân. Nợ nước ngoài và thâm thủng mậu dịch đã và đang gia tăng khiến nền kinh tế bị suy yếu và lệ thuộc. Lạm phát gia tăng cũng làm tăng đói nghèo, gây khó khăn hơn cho cuộc sống của người dân và cả các doanh nghiệp. Đình công tiếp tục tăng cao chứng tỏ quyền lợi của công nhân chưa được bảo vệ thỏa đáng. Một số chủ trương không hợp lòng dân mà vẫn được Nhà nước tiến hành như vụ khai thác bô-xit Tây Nguyên hoặc dự án xây nhà máy điện hạt nhân ở tỉnh Ninh Thuận.

Luật đất đai

Luật đất đai hiện hành, vừa đi ngược tự nhiên, vừa không tôn trọng Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền. Đó là nguyên nhân của khoảng 80% các khiếu kiện trong nước. Các vụ khiếu kiện này đã đi từ khiếu nại cá nhân đến khiếu kiện tập thể; từ khiếu kiện bằng đơn từ đến tập họp phản đối và nay là dùng vũ khí chống lại việc thu hồi đất.

Luật đất đai qui định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, nhưng do Nhà nước quản lý đã làm cho hàng triệu người cảm thấy mất đất và chẳng có quyền tự do hành xử trên “mảnh đất ông bà tổ tiên”. Trên  thực tế, sở hữu toàn dân không phải là phương thức quản lý đất đai tốt nhất, còn việc Nhà nước làm chủ sở hữu đã phát sinh đặc quyền, đặc lợi của chính quyền các cấp trong việc quy hoạch và thu hồi đất cho các dự án, tước mất quyền căn bản của người dân.

Vấn đề gây bức xúc nhiều nhất trong việc thu hồi đất là giá đền bù. Muốn giải quyết tranh chấp về giá đền bù giữa người bị thu hồi đất và cơ quan chức năng hoặc các nhà đầu tư, thì phải làm sao để người bị thu hồi đất được đền bù ngang giá với tài sản của họ bị trưng dụng và cuộc sống của họ phải tốt đẹp ngang hay hơn trước khi bị trưng dụng. Vì giá đất tăng gấp bội sau khi quy hoạch, nên người bị thu hồi đất cần được chia phần sự chênh lệch giá cả này bằng nhiều cách khác nhau. Điều cần thiết là nên cấp tốc sửa đổi Luật đất đai để người dân được quyền sở hữu đất và hạn chế tối đa quyền thu hồi đất của các cấp chính quyền.

Môi trường xã hội

Xã hội Việt Nam đang bộc lộ nhiều hiện tượng rất đáng quan ngại. Nổi bật nhất vẫn là hai tật xấu đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam cảnh báo từ năm 2008, đó là gian dối và bạo lực. Chúng không những phô bày nơi đường phố, trên thương trường và các phương tiện thông tin đại chúng, mà còn xâm nhập vào công sở và học đường. Dư luận đang bức xúc vì hiện tượng lạ lùng là tại một số nơi, cơ quan công quyền lại sử dụng bạo lực phi pháp để giải quyết các khiếu kiện dân sự.

Bên cạnh những tệ nạn đang tác hại xã hội Việt Nam hôm nay, nhiều người âu lo vì khuynh hướng sống hưởng thụ, chụp giựt, coi trọng đồng tiền, vô cảm trước nỗi đau của đồng loại… Hiện tượng này chứng tỏ tình trạng thiếu vắng các giá trị đạo đức nền tảng làm chuẩn mực cho đời sống xã hội, vì vậy một số người đã cảnh báo về một xã hội lệch chuẩn hay phi chuẩn.

Tham nhũng đã được coi là đại họa của quốc gia, ngày càng tinh vi và nghiêm trọng hơn, nhưng cho đến nay chưa một vụ án nào xứng tầm được đưa ra xét xử để răn đe, làm giảm sút niềm tin của người dân nơi công quyền.

Các vụ khiếu kiện, chủ yếu liên quan đến đất đai, trong đó có đất tôn giáo, vẫn tiếp diễn phức tạp và ngày càng trầm trọng, gây bất an và căng thẳng xã hội. Vụ việc ở Tiên Lãng, Hải Phòng, và Văn Giang, Hưng Yên, gây xúc động mạnh mẽ trên tất cả những người Việt Nam có tâm huyết, buộc Nhà nước phải nhìn lại cách giải quyết vấn đề, mà cốt yếu là sửa đổi Luật đất đai về mặt hạn điền, thời hạn sử dụng đất và giá đền bù…, nếu chưa đi đến chỗ nhìn nhận quyền tư hữu chính đáng của công dân.

Một yêu cầu cấp bách khác là cần thay đổi lề lối làm việc cửa quyền, không minh bạch và thiếu chuyên môn của cán bộ. Biểu hiện rõ rệt nhất ở sự áp đặt của Nhà nước về quan điểm và cách sống trong xã hội, đó là sự phân biệt đối xử trong chính sách công giữa các cá nhân làm việc cho Nhà nước với các doanh nhân và người lao động tự do, giữa người dân thành thị và người nhập cư ngoại tỉnh.

Lĩnh vực pháp luật

Hiến pháp và pháp luật của mỗi quốc gia phản ánh tính đặc thù và cá biệt theo truyền thống văn hóa dân tộc mình, nhưng cũng không vì thế mà bất chấp những chuẩn mực pháp lý quốc tế. Việt Nam có một hệ thống pháp luật đồ sộ, nhưng không hiệu quả từ lập pháp đến hành pháp, vì thiếu sự công khai, minh bạch, và nhất là thiếu sự độc lập về tư pháp.

Việc áp dụng luật pháp chưa nghiêm minh và tùy tiện, nhất là ở cấp địa phương, đã dẫn đến những oan sai và đôi khi đẩy người dân đến bước đường cùng. Bộ luật tố tụng hình sự đã quy định các thủ tục bắt người; vậy mà trong một số trường hợp, vẫn có các công dân bị bắt sai trái với các quy định của bộ luật ấy, cũng như với các tuyên ngôn và công ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia.

Việc giam giữ người không qua xét xử được che đậy dưới từ ngữ “đưa vào cơ sở giáo dục” có thời hạn và áp dụng cho những người bày tỏ sự bất đồng chính kiến là một hình thức vi phạm quyền cơ bản của con người. Hình thức “giáo dục” này thực ra là một biện pháp mà thực dân Pháp sử dụng ở nước ta, sau đó được lập lại bằng Nghị quyết 49/NQ-TVQH ngày 20/6/1961 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đã là cơ sở pháp lý cho việc tập trung cải tạo các công chức và quân nhân chính quyền Miền Nam cũ. Sau này có một chuyển biến tốt đẹp về biện pháp này khi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ban hành năm 1989 không sử dụng nó nữa. Nhưng với Pháp lệnh năm 1995, nó lại được tái lập dưới cái tên hiện nay và được Pháp lệnh năm 2002 nối tiếp. Hy vọng trong lần ban hành tới về xử lý vi phạm hành chính, kiểu “giáo dục” ấy sẽ được bãi bỏ.

Căn bệnh trầm kha trong quản lý và điều hành của các cấp chính quyền chỉ được giải quyết khi Việt Nam xây dựng một Nhà nước pháp quyền thực sự và hình thành một xã hội công dân năng động. Bất chấp những khó khăn hiện tại, đây là một xu thế không thể đảo ngược.

Biên cương, hải đảo và chủ quyền quốc gia

Vào những thập niên cuối cùng của thế kỷ XX, Biển Đông đã một vài lần nổi sóng. Nhưng trong những năm gần đây, sự căng thẳng đã lên đến mức độ nguy hiểm. Nhà cầm quyền Trung Quốc một mặt dùng lời lẽ hoa mỹ, với thông điệp rất êm tai, nhưng mặt khác, các hành động của họ về chủ quyền trên Biển Đông ngày càng phản ánh rõ rệt chủ trương Đại Hán.

Trong khi đó, bên Việt Nam, phản ứng của Nhà nước xem ra quá yếu ớt, tạo cớ cho các lực lượng thù nghịch lấn tới. Khó hiểu hơn nữa là việc chính quyền đã mạnh tay đàn áp các tổ chức và các cá nhân yêu nước phản đối hành động xâm lược trắng trợn. Thái độ lập lờ, thiếu nhất quán của các nhà lãnh đạo trong vấn đề phân định lãnh thổ vùng biên giới và bảo vệ chủ quyền ở Biển Đông đang gây bất bình trong dư luận. Nhiều nhân sĩ và các nhà trí thức tâm huyết đã lên tiếng cảnh báo những nguy cơ về an ninh quốc gia do một số dự án cho nước ngoài khai thác bô-xít và thuê đất, thuê rừng. Mặt khác, các thông tin về lĩnh vực này không đầy đủ, chậm chạp và thiếu công khai. Điều trước mắt đã xảy ra là “lao động phổ thông” nước ngoài ồ ạt vào Việt Nam để thực hiện các dự án trên đang gây bất ổn cho xã hội hiện tại và về lâu dài.

Môi trường sinh thái

Theo dự báo của các cơ quan chuyên môn, Việt Nam sẽ là một trong bốn nước phải gánh chịu hậu quả nghiệt ngã nhất của biến đổi khí hậu. Nguyên nhân một phần do tác động của biến đối khí hậu toàn cầu, nhưng một phần khác do chúng ta thiếu quan tâm đến môi trường sinh thái và tính bền vững trong phát triển.
Điều đáng quan ngại nhất là chúng ta vụng về và vội vàng trong khai thác tài nguyên. Những năm gần đây Nhà nước đã cho nước ngoài đầu tư nhiều dự án có nguy cơ hủy hoại môi trường, thay đổi hệ sinh thái và làm biến đổi khí hậu: khai thác bô-xit tại Tây nguyên, cho thuê rất nhiều khu rừng đầu nguồn thuộc 18 tỉnh từ Bắc chí Nam, rất nhiều tỉnh đã khoanh biển và bờ biển cho các công ty ngoại quốc thuê để xây khách sạn, lập bãi tắm hoặc các dự án khác, mà không quan tâm đến môi trường sinh thái.

Vai trò của Trí thức

Gần 1000 năm trước, cùng với việc thành lập Quốc Tử Giám, tổ tiên chúng ta đã nhận thức sâu sắc rằng: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì nước yếu mà thấp hèn” (Bia Văn Miếu). Điều này vẫn luôn đúng và càng đúng hơn cho kỷ nguyên chất xám, thời đại của nền kinh tế tri thức hôm nay.

Bỏ ra ngoài hiện tượng gia tăng đột biến số lượng các tiến sĩ mà chất lượng còn đáng nghi ngại, Việt Nam còn khá nhiều hiền tài đích thực, những trí thức thực tài và có tâm huyết với nước, với dân. Chỉ tiếc rằng vai trò của họ chưa được coi trọng, có khi còn bị gạt ra bên lề hoặc bị kỳ thị, mà nguyên nhân, trong nhiều trường hợp, chỉ là do sự khác biệt về quan điểm đánh giá hiện thực xã hội hoặc về tầm nhìn tương lai của Dân tộc. Phải chăng cơ chế Nhà nước bất cập và chưa đủ mở rộng để thu hút người tài, cũng như chưa cải tổ cho phù hợp với đòi hỏi của xã hội tân tiến? Bao giờ vai trò của xã hội dân sự được nhìn nhận và thực sự có cơ hội tích cực góp phần xây dựng đất nước?

Giáo dục và Y tế

Tương lai của Dân tộc tùy thuộc phần lớn vào giáo dục. Không thể phủ nhận rằng nền giáo dục quốc gia đã sản sinh một số nhân tài và góp phần vào việc phát triển Đất nước. Nhưng nhìn chung, trong mấy thập niên qua, nền giáo dục của chúng ta có quá nhiều bất cập về nội dung, phương pháp dạy và học… Việt Nam đã có nhiều nỗ lực “cải cách giáo dục” nhưng không đi đến những đột phá thực chất. Vì sao? Phải đau đớn mà nói rằng vì chúng ta thiếu hẳn một triết lý giáo dục mang tính nền tảng và chiến lược lâu dài.

Hậu quả thê thảm của thực trạng trên là những gì chúng ta đang nhìn thấy trước mắt: Gia tăng các tệ nạn khủng khiếp trong học đường, tội phạm tuổi học sinh sinh viên ngày càng nhiều,  gian dối trong thi cử trở thành bình thường, bằng cấp giả hay nguy hiểm hơn nữa, bằng cấp thật mà kiến thức giả. Kết quả cay đắng là Đất nước có nguy cơ bị tụt hậu về nhiều phương diện.

Nhờ áp dụng các công nghệ mới, y tế Việt Nam trong thời gian qua đã đạt được một số thành tựu trong việc khám chữa bệnh và y tế dự phòng. Nhân viên y tế ngày càng được đào tạo bài bản và có chuyên môn cao hơn. Nhưng do hệ quả của nền giáo dục nói trên, cũng như  khuynh hướng tập trung vào sức khỏe thể chất và thiếu định hướng y tế toàn diện, nên hệ thống y tế đang bị sa lầy. Bên cạnh tình trạng quá tải trầm trọng tại các bệnh viện Trung ương và việc tăng viện phí ảnh hưởng mạnh tới người nghèo, dư luận nói nhiều đến sự vô cảm, nhũng nhiễu, thiếu trách nhiệm và phẩm chất đạo đức của nhân viên y tế…

Nhà nước đã kêu gọi “xã hội hóa” giáo dục và y tế, thiết tưởng nên tạo điều kiện để các tôn giáo trong nước được tham gia trực tiếp vào hai lĩnh vực này.

Lĩnh vực tôn giáo

Trong thời gian qua, nhà cầm quyền đã tạo cơ hội thuận tiện cho các sinh hoạt tôn giáo, hầu hết các cơ sở tôn giáo bị tàn phá trong thời chiến tranh đã được trùng tu, nhiều cơ sở mới đã và đang được xây dựng. Tuy nhiên, qui định pháp luật liên quan đến các tôn giáo vẫn còn nhiều bất cập và chưa đáp ứng được nguyện vọng của các tín đồ, cụ thể nhất là về tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo. Điểm mấu chốt là các tôn giáo đã được nhìn nhận, nhưng lại chưa có tư cách pháp nhân, nên không thể thực thi và bảo vệ các quyền hiến định của mình, như các tổ chức xã hội và nghề nghiệp khác.

Hiện nay, Nhà nước dự định ban hành một Nghị định “Quy định chi tiết và biện pháp thi hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo”, thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ – CP ngày 01-03-2005. Thật đáng hoan nghênh nếu văn bản này được soạn thảo trên tinh thần đổi mới, thực sự cầu thị để tạo thuận lợi cho tín đồ các tôn giáo được tự do hoạt động, góp phần vào việc phục vụ đồng bào và bảo vệ Tổ quốc. Nhưng một số người đang băn khoăn vì sợ văn bản này lại là một bước thụt lùi, so với Nghị định nêu trên. Câu hỏi nền tảng là bao giờ các công dân có tôn giáo được đối xử bình đẳng với các công dân khác, theo Hiến pháp và Dân luật, mà không cần đến một Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo nữa?

* * *

Những nhận định trên đây phát xuất từ niềm tin Kitô giáo và trách nhiệm công dân với ước nguyện góp phần nhỏ bé của mình vào công cuộc xây dựng một đất nước phát triển vững bền, dân chủ và nhân ái. Trong vấn đề này, huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI, ngày 27-06-2009, với các Giám mục Việt Nam vẫn là định hướng căn bản của Ủy ban Công lý và Hòa bình: “Giáo Hội không hề muốn thay thế Chính quyền, nhưng chỉ mong rằng trong tinh thần đối thoại và hợp tác tôn trọng nhau, Giáo Hội có thể góp phần mình vào đời sống của đất nước, nhằm phục vụ tất cả mọi người dân”.


Ngày 15 tháng 5 năm 2012, kỷ niệm 121 năm Thông điệp Rerum Novarum (Tân Sự)

ỦY BAN CÔNG LÝ & HÒA BÌNH / HĐGMVN

Ân sủng rẻ tiền và ân sủng đắt giá

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

GM Phêrô Nguyễn Văn Khảm: Bài giảng lễ phong chức phó tế tại Sài Gòn ngày 26/5/2012 


Một vị giám mục cao tuổi nhận được thiệp mời dự lễ Trao tác vụ linh mục. Ngài hỏi tôi: gọi là trao tác vụ linh mục có đúng không, hay phải gọi là truyền chức linh mục? Ngài có lý, vì cách nói trao tác vụ linh mục hay tác vụ phó tế có thể gây hiểu nhầm rằng linh mục hay phó tế chỉ là một nhiệm vụ, một công việc, dù là công việc thánh. Đang khi đó, chức linh mục, chức phó tế không chỉ là một nhiệm vụ mà là điều gì đó sâu xa hơn nhiều. Trước hết và trên hết, đó là một ân sủng, “hồng ân Thánh Thần, cho phép thực thi một quyền thánh chức, quyền này chỉ có thể phát xuất từ chính Đức Kitô, qua Hội Thánh của Người” (GLHTCG số 1537). Chỉ trên nền tảng đó mới có thể nói đến tác vụ linh mục hay phó tế. Hiện hữu đi trước hành động. Chức linh mục thừa tác đi trước và làm nền cho thừa tác vụ linh mục. Dù khi già yếu bệnh tật hoặc trong hoàn cảnh không thể thi hành nhiệm vụ, linh mục vẫn là linh mục. Và chức linh mục hay phó tế ấy trước hết là một ân sủng: “Không ai tự gán cho mình vinh dự là thượng tế nhưng phải được Thiên Chúa kêu gọi, như ông Aharon đã được gọi” (Dt 5,4).
Vì là ân sủng được trao ban cho nên người lãnh nhận không có lý do gì để tự kiêu tự đắc cả, mà đúng hơn, phải biết đón nhận với lòng biết ơn và khiêm tốn. Sự khiêm tốn ấy vừa phát sinh từ ý thức về sự cao cả của hồng ân mình lãnh nhận, vừa phát xuất từ ý thức về sự mỏng dòn yếu đuối của bản thân.
Cách cụ thể, trong nghi thức phong chức hôm nay, vị giám mục chủ phong trao sách Phúc Âm cho từng tân chức với lời căn dặn: “Con hãy nhận lấy Phúc Âm Đức Kitô mà con đã trở thành người rao giảng, và con phải biết là hãy tin điều con đọc, dạy điều con tin và thi hành điều con dạy”. Vậy có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ sống cách hoàn hảo Lời mà tôi rao giảng? Bằng sức riêng của mình, tôi sẽ làm cho mọi người tin vào Chúa Kitô là Đường, Sự Thật và Sự Sống?
Cũng trong nghi thức hôm nay, các tân chức thề hứa vâng phục Đấng bản quyền và sống độc thân trọn đời. Có ai trong anh em dám tự hào rằng, bằng sức riêng của mình, tôi sẽ trung thành trọn đời và trọn vẹn lời thề hứa đó, nghĩa là từ trong tâm hồn chứ không chỉ là tránh những vi phạm bên ngoài?

Tự đặt cho mình những câu hỏi như thế để khám phá sự mỏng dòn và yếu đuối của mình, nhờ đó sống khiêm tốn hơn. Chính sự khiêm tốn ấy thúc đẩy chúng ta cậy trông vào Chúa, và cầu nguyện là sự diễn tả niềm cậy trông ấy. Tôi nhớ lại hình ảnh Đức hồng y John Henry Newman. Là một linh mục Anh giáo và nhà tư tưởng nổi tiếng ở Oxford lúc ấy, nhưng khi nghiên cứu, ngài khám phá ra chỉ có Hội Thánh công giáo mới là Hội Thánh đích thực của Chúa Kitô. Thế nhưng quả là sự giằng co xâu xé khi phải giã từ Anh giáo cùng với biết bao đau khổ gây ra cho những người thân yêu, tin tưởng nơi ngài. Với tâm trạng ấy, trên chuyến tầu giữa biển cả mênh mông và sương mù giăng kín, ngài đã viết nên lời cầu nguyện nổi tiếng Lead, kindly Light:


“Ánh sáng dịu êm, xin dẫn con.
Dẫn con đi tới giữa đêm mịt mùng…
Dẫn con vững bước trên đường
Con không cầu thấy chân trời xa xôi.
Dẫn con, dẫn con từng bước,
Từng bước một thôi”.
Hãy mang lấy những tâm tình cầu nguyện ấy, lời cầu nguyện của những tâm hồn khiêm tốn và đầy ắp niềm trông cậy. Đồng thời, khi nói đến ân sủng, đừng nghĩ rằng ân sủng miễn trừ mọi nỗ lực và cố gắng của con người. Bởi lẽ, nói theo ngôn ngữ của Dietrich Bonhoeffer, ân sủng mà chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá chứ không phải thứ ân sủng rẻ tiền. Là một mục sư Tin Lành Lutheran, Bonhoeffer bị Đức quốc xã bắt giam và bị treo cổ. Chính trong những ngày bị nhốt trong tù, ông đã viết ra những dòng này:
“Ân sủng rẻ tiền là lời rao giảng ơn tha thứ mà không đòi hỏi hoán cải, chịu Phép Rửa mà không cần sống theo giáo huấn của Giáo Hội, rước lễ mà không cần xưng tội, nhận ơn xá giải mà không cần thống hối. Ân sủng rẻ tiền là thứ ân sủng không đòi hỏi phải sống đời sống người môn đệ, thứ ân sủng không có thập giá, thứ ân sủng không có Đức Giêsu Kitô, Đấng hằng sống và nhập thể làm người. Còn ân sủng đắt giá là kho tàng chôn giấu trong ruộng sâu, và vì kho tàng đó mà một người vui mừng bán đi tất cả những gì mình có để mua cho bằng được.
Đó là viên ngọc vô giá mà người lái buôn sẵn sàng bán đi tất cả của cải để mua lấy. Đó là lề luật vương giả của Chúa Kitô có thể khiến cho một người dám móc mắt mà quăng đi nếu nó gây trở ngại. Đó là lời mời gọi của Chúa Kitô khiến cho các môn đệ bỏ cả thuyền và lưới mà đi theo Người. Ân sủng đắt giá là Tin Mừng phải được tìm đi tìm lại, là ơn ban ta phải khấn xin, là cánh cửa ta phải gõ vào… Ân sủng đó đắt giá vì Thiên Chúa đã phải trả giá bằng chính sự sống của Con Một Ngài, và cái khiến Thiên Chúa phải trả giá đắt dứt khoát không thể nào là rẻ tiền đối với chúng ta”.
Vâng, ân sủng mà hôm nay chúng ta lãnh nhận là ân sủng đắt giá. Và vì đắt giá nên chúng ta phải trả bằng cả con người và cuộc đời mình, một cuộc đời dám sống cho Chúa và phần rỗi các linh hồn. Xin anh chị em cầu nguyện cho các tân chức và cho tất cả chúng tôi, các giám mục và linh mục có mặt ở đây, sống được như thế.
Ngày 26-05-2012
Lễ phong chức phó tế cho các đại chủng sinh Sài Gòn

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm
Nguồn: WHĐ

Trang web của trụ sở Giáo phận Vinh tại Sài Gòn

Thứ Tư, 23 tháng 5, 2012

http://trusovinh.net/ 
trang mục vụ di dân của giáo phận Vinh tại miền Nam,
đặc biệt đăng tải những tài liệu liên quan đến di dân và hôn nhân và gia đình.


Mỗi đôi hôn phối, sau khi cứ hành bí tích tại đây,
ngoài chứng thư gửi cho các giáo xứ liên quan,
http://trusovinh.net/ cũng lưu giữ chứng thư hôn phối
để giúp các linh mục quản xứ có tư liệu ghi sổ.

Trụ sở Giáo phận Vinh
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm
Đakao, quận 1, TPHCM
Email: trusovinh@gmail.com
Phone: 08-3911-0669 (gọi trong giờ hành chính)

Linh mục phụ trách: Gioan Phạm Quang Long

Về ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

LTS: Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng trong bài nhận định liên quan đến bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đã đề cập đến vấn đề ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo như sau:

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta 



Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng
Thánh Gioan, một trong các tông đồ, thấy một người không trong nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ liền cấm người này làm thế. Khi ông thuật lại điều này với Chúa Giêsu, Chúa phán với ông rằng “Đừng ngăn cản người ta …vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39, 40).

Đây là chủ đề có một tầm quan trọng hiện nay. Chúng ta nghĩ thế nào về những người ngoại, những người ăn ở nhân lành và có những dấu chỉ của thần khí, mặc dù không tin nơi Đức Kitô và không thuộc về Giáo Hội. Họ có thể được cứu rỗi không?

Thần học đã luôn nhìn nhận khả năng, theo đó, Thiên Chúa có thể ban ơn cứu độ cho một số người theo những cách thức bên ngoài những cách thức thông thường là có đức tin nơi Đức Kitô, chịu phép rửa tội và là thành viên của Giáo Hội. 

Xác tín này đã được củng cố thêm trong thời đại tân tiến này, sau các khám phá địa lý và những tiến bộ trong khả năng truyền thông giữa các dân tộc khiến cho cần thiết phải ghi nhận rằng có vô số những con người, mà không phải lỗi tại họ, đã không hề được nghe lời công bố Tin Mừng, hay nghe trong một cách thế không phù hợp, từ những người đi chinh phục đất mới hay những kẻ thực dân lừa đảo, đến mức khó có thể chấp nhận được. 

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng “Thánh Thần, trong một cách thế chỉ mình Chúa biết, ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, và do đó, được cứu rỗi” ["Gaudium et Spes – Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng" số. 22]. 

Đức tin Kitô Giáo của chúng ta đã thay đổi chăng? Không, chừng nào chúng ta tiếp tục tin vào hai điều này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là, một cách khách quan và chân thật, đấng trung gian và đấng cứu độ duy nhất của toàn thể loài người, và rằng những ai không biết Ngài, nếu họ được cứu rỗi, đã được cứu rỗi nhờ vào Ngài và vào cái chết cứu độ của Ngài. Thứ hai, là những ai, dù không thuộc vào Giáo Hội hữu hình, nhưng có “ý hướng” khách quan về Giáo Hội, hình thành một Giáo Hội rộng lớn hơn mà chỉ có Chúa biết.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dường như đòi hỏi hai điều từ những người “ngoại”: họ không “chống” lại Ngài, nghĩa là họ không tích cực chống lại đức tin và các giá trị của đức tin, chẳng hạn, họ không tự nguyện đặt mình chống lại Thiên Chúa. 

Thứ hai, nếu họ không thể phụng sự và yêu mến Thiên Chúa, tối thiểu, họ phụng sự và yêu mến hình ảnh của Ngài, là con người, đặc biệt, những người đang cần giúp đỡ. Thật vậy, đoạn Tin Mừng tiếp tục nói về những người “ngoại” với những lời sau: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Tuy nhiên, sau khi minh xác về tín lý, tôi tin cũng thực cần thiết để sửa đổi một số sai lầm khác: thái độ nội tâm của chúng ta, tâm lý của chúng ta như những tín hữu. Ta có thể hiểu, nhưng không thể chia sẻ, mâu thuẫn khó che đậy của một số tín hữu khi thấy đặc quyền liên quan đến đức tin vào Chúa Kitô và địa vị thành viên trong Giáo Hội của mình sụp đổ. Người ta nói: “Vậy thì là một Kitô hữu tốt có ích gì cơ chứ?”.

Trái lại, chúng ta nên vui mừng vô biên trước những khai mở mới này của thần học Công Giáo. Biết rằng anh chị em bên ngoài Giáo Hội cũng có cơ may được cứu rỗi thì còn có gì có sức giải thoát và thuyết phục về lòng quảng đại và ý chí vô biên của Thiên Chúa hơn là lời này “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2:4). Chúng ta hãy biến ao ước của Môsê thành ước vọng của chính chúng ta như đã được ghi trong bài đọc thứ Nhất Chúa Nhật tuần này: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người!”. (Ds 11:29).

Biết như thế liệu chúng ta có nên để mọi người yên trong xác tín của họ và ngừng truyền bá đức tin nơi Chúa Kitô vì người ta cũng có thể được cứu rỗi bằng những con đường khác mà? Dĩ nhiên là không.

Nhưng điều mà chúng ta nên làm là nhấn mạnh đến lý do tích cực hơn là lý do tiêu cực. Lý do tiêu cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì ai không tin vào Ngài sẽ bị kết án muôn đời”; lý do tích cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì thật là tuyệt vời để được tin nơi Ngài, được biết Ngài, để được có Ngài kề bên như đấng cứu độ trong cuộc sống và trong giờ chết”.

Giáo phận Vinh: Các công trình trọng điểm đang được xây dựng

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012



Các công trình trọng điểm đang được tiến hành xây dựng và quy hoạch lại tại Giáo phận Vinh: 
* Tòa Giám mục cho tân Giáo phận Hà Tĩnh,
* Đại Chủng viện Vinh Thanh,
* Trung tâm chăm sóc người khuyết tật Kim Lâm (Hà Tĩnh),
* Trung tâm trẻ mồ côi & mẹ đơn thân

Lễ Chúa nhật mà phải trình báo với nhà cầm quyền

Thứ Năm, 10 tháng 5, 2012

Trụ sở Giáo phận Vinh
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm
P Đakao, quận 1, TP HCM
THƯ TRÌNH BÁO
Về ngày lễ Chúa nhật 13/5/2012
Kính gửi Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh
Ngày 09 tháng 5 năm 2012, có 10 ông bà thuộc cán bộ chính quyền các cấp đến trụ sở Giáo phận Vinh, hỏi thăm về một ngày lễ tại đây.
Ngày 10 tháng 5 năm 2012, lại có ông Vũ Huy Long, thuộc Ban Tôn giáo thành phố, và ông Bùi Thế Hùng, thuộc Phòng Nội vụ quận 1, thành phố Hồ Chí Minh, có đến trụ sở Giáo phận Vinh, yêu cầu chúng tôi trình báo về ngày lễ cho doanh nhân sắp tới.
Để đáp ứng các yêu cầu trên, chúng tôi xin trình báo sự việc cụ thể như sau:
Vào hồi 17 giờ ngày 13 tháng 5 năm 2012 tại trụ sở Giáo phận Vinh, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, P. Đakao, quận 1, TP HCM, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp sẽ chủ sự thánh lễ cầu nguyện cho giới doanh nhân Giáo phận Vinh đang làm việc tại Miền Nam.
Thực sự đây chỉ là một ngày lễ Chúa nhật bình thường, ngoại trừ một điều là dành riêng cho giới doanh nhân mà thôi.
Số lượng người tham dự thì chúng tôi không được biết; dầu vậy, có thể ước tính là không quá 100 người.
Chúng tôi xin kính báo để quí vị được rõ.
Sài Gòn ngày 11/5/2012
Lm Phạm Quang Long
Giám đốc trụ sở

Câu chuyện về hai vị thiền sư

Chủ Nhật, 6 tháng 5, 2012

Có một vị thiền sư trú trong túp lều tranh ở trên núi, một buổi tối khi đi thiền hành trở về, nhìn thấy một tên trộm đang chiếu cố túp lều tranh của mình nhưng tìm không được vật gì cả. Ngài bèn cởi chiếc áo ngoài đang mặc trên người và đứng ngoài cửa đợi tên trộm ra, vì ngài sợ làm kinh động tên trộm.
Tên trộm vừa quay ra thì gặp thiền sư, trong lúc tên trộm hốt hoảng vị thiền sư liền nói: “Anh bạn! Đường sá xa xôi vất vả lên núi thăm tôi, tôi không đành lòng để anh về tay không, đêm khuya rồi, khoác chiếc áo này mà về cho đỡ lạnh. Nói xong ngài cầm chiếc áo khoác lên thân tên trộm. Tên trộm xấu hổ, cúi đầu rồi chạy thẳng xuống núi không dám nhìn lại.

Thiền sư nhìn dáng tên trộm khuất dần trong núi rừng mờ mịt, không ngừng thương cảm và nói: “Rất đáng thương, tôi muốn tặng cho anh cả vầng trăng để chiếu sáng con đường cho anh xuống núi”.

Vài hôm sau, khi thiền sư đang mở to đôi mắt nhìn ánh bình minh xuất hiện, thì nhìn thấy chiếc áo mà ông khoác lên thân tên trộm mấy hôm trước đó được xếp rất ngay ngắn đặt trước cổng, thiền sư vui vẻ nói: “ Cuối cùng thì ta cũng đã tặng anh ta cả vầng trăng sáng rồi”.

Lại có câu chuyện khác cũng tương tự. Trong thiền viện của thiền sư Tiên Nhai, có một vị học tăng rất ham chơi, vị này không chịu nổi cái cảnh vắng lặng yên bình của chốn thiền môn. Vào những buổi tối vị tăng sinh này thường ra vách tường sau chùa, đặt một cái ghế để leo qua tường ra bên ngoài chơi.

Sau khi thiền sư biết được, ngài không nói với ai. Một lần, vị tăng sinh này trèo tường trốn đi chơi, ngài đi theo phía sau và đem chiếc ghế để qua một bên rồi ngồi vào chỗ đó đợi vị học tăng trở về. Đêm khuya vắng vẻ, vị học tăng trở về, không biết chiếc ghế đã bị di chuyển nên vẫn leo qua vách tường và thò chân xuống ghế như mọi khi để vào chùa, nhưng khi vừa đặt chân xuống thì cảm thấy chiếc ghế dưới chân mình sao mềm mại, là lạ, cúi xuống nhìn thì hoá ra mình đang đứng trên vai vị thiền sư thầy mình. Lập tức vị học tăng hồn bay phách tán quỳ xuống nói không ra lời. 

Thiền sư liền đỡ vị học tăng đứng lên và nhẹ nhàng nói: “Đêm khuya sương nhiều, cẩn thận chứ ướt lạnh, hãy nhanh vào phòng nghỉ ngơi”.

Sau khi về phòng vị tăng sinh cứ phập phồng lo sợ không yên, trắng đêm không ngủ, lo sợ thiền sư sẽ trách phạt mình trước mặt đại chúng. Nhưng sự việc thì ngược lại, cứ ngày ngày trôi qua, thiền sư không nhắc đến chuyện, cũng không nói cho ai biết. Vị tăng trẻ tự trong lòng cảm thấy rất hổ thẹn vô cùng, từ đó về sau không dám trốn ra ngoài chơi mà quyết chí tu học, cuối cùng trở thành một vị tăng nổi tiếng đương thời.

Nếu bạn là thiền sư bạn sẽ xử lý thế nào với hai sự việc như thế? Tôi nghĩ, trong câu chuyện thứ nhất. Những người bình thường thì sẽ cùng tên trộm vật lộn hoặc sẽ la lớn lên “trộm, trộm…”. Câu chuyện thứ hai, đối những với người bình thường thì sẽ đem lỗi của vị học tăng nói trước mặt mọi người, sau đó sẽ có hình thức trách mắng quở phạt riêng cho vị ấy.

Nếu làm như vậy kết quả sẽ như thế nào nhỉ? Tôi nghĩ có thể xảy ra hậu quả thế này, câu chuyện thứ nhất: tên trộm sẽ đánh bị thương hoặc giết chết vị thiền sư hoặc có thể vị thiền sư đánh tên trộm bị thương và tên trộm sẽ trở lại trả thù thiền sư vào một ngày gần đó. Câu chuyện thứ hai, sau khi vị học tăng bị quở phạt trước mọi người sẽ cảm thấy rất xấu hổ với bạn bè, trong lòng buồn phiền thối chí tu học cuối cùng trở thành con người bình thường, và có thể từ bỏ lối sống thiền môn.

Hai vị thiền sư này xử sự không giống những người bình thường như chúng ta, mà lấy sự khoan dung đại trí, đại bi để thay đổi một tên lãng tử thành vị danh tăng. Con người không phải là thánh nhân nên tất nhiên có những sai trái, đối với những người phạm lỗi chúng ta nên có thái độ rộng lượng khoan dung. Im lặng mà hơn cả to tiếng trách móc đây là phương pháp giáo dục tốt nhất. 

Khoan dung là một phẩm chất đạo đức tốt, khoan hồng tha thứ lỗi cho người giống như ngọn gió mùa xuân mang mưa xuân đến thấm nhuần cây cỏ làm vạn vật thêm xanh tươi. Khoan dung còn hơn cả vàng, khoan dung là một phẩm chất không thể thiếu trong mỗi con người chúng ta.


Tác giả: Văn Đan
Người dịch: Như Nguyện