Phỏng vấn Linh mục quản hạt Cầu Rầm về vấn đề đất Nhà thờ Cầu Rầm

Thứ Ba, 9 tháng 8, 2011

GPVO - Vào hồi 8h30 ngày 7/8/2011, sau thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ Cầu Rầm, gần 5.000 giáo dân giáo hạt Cầu Rầm đã xuống đường tuần hành nhằm phản đối quyết định của UBND tỉnh Nghệ An về việc lấy khu đất nhà thờ Cầu Rầm cũ làm nơi xây dựng đài tưởng niệm liệt sỹ, công viên công cộng… Cuộc tuần hành xuất phát từ nhà thờ Cầu Rầm trên quãng đường 7km tới Thạch Đài Đức Mẹ Lộ Đức tại giáo xứ Yên Đại. Cuộc tuần hành bằng xe máy diễn ra trong trật tự, giáo dân cầm trên tay các biểu ngữ thể hiện quan điểm và quyết tâm của mình. Phóng viên chúng tôi đã phỏng vấn Linh mục Fx. Hoàng Sỹ Hướng, quản xứ và quản hạt Cầu Rầm, xoay quanh sự kiện nói trên, về cái gốc của vấn đề… Sau đây là toàn bộ nội dung cuộc phỏng vấn:

PV: Xin Cha cho biết một số thông tin về cuộc tuần hành sáng Chúa nhật, ngày 7.8.2011 vừa qua tại Giáo hạt Cầu Rầm?
Lm. Fx. Hoàng Sỹ Hướng (Lm HSH): Sau Thánh Lễ Bế Giảng Năm Học Giáo Lý Giáo Hạt Cầu Rầm, tôi đã công bố nội dung công văn số 4284/UBND-NC, ngày 27/7/2011 của UBND Tỉnh Nghệ An cho giáo dân. Đây là công văn một chiều, UBND Tỉnh đơn phương thông báo lấy khu đất Nhà thờ Cầu Rầm có từ thế kỷ XIX để xây dựng công viên, sau nhiều lần bán đi bán lại cho tư nhân.
Như vậy, mục đích cuộc tuần hành này là nhằm phản đối quyết định trên của chính quyền Tỉnh Nghệ An. Cuộc tuần hành từ nhà thờ Cầu Rầm tới Thạch Đài Đức Mẹ Lộ Đức tại giáo xứ Yên Đại, quãng đường chừng 7km, ước lượng có khoảng trên dưới 5.000 người tham gia.
PV: Thái độ của giáo dân thì sao, thưa Cha?
Lm HSH: Mặc dù rất bức xúc nhưng người giáo dân vẫn biết kiềm chế sau lời kêu gọi của chúng tôi: “Giữ bình tĩnh, tôn trọng luật lệ giao thông, thể hiện nét đẹp của người Kitô hữu”.
Được biết, lúc đầu mọi người dự định tập trung tại khu đất lịch sử để cầu nguyện rồi tuần hành về Yên Đại nên chiều ngày 6/8/2011, chính quyền phường Cửa Nam có đến gặp tôi và sáng sớm ngày 7/8/2011, các vị chủ tịch UBND, trưởng Công an, chủ tịch Mặt trận Thành phố Vinh cũng đã đến gặp tôi đề nghị ngăn giáo dân lên cầu nguyện tại khu đất nói trên. Tôi bảo: “Giờ thì hơi muộn nhưng vì tôn trọng các vị đã đến đây, với khả năng của mình, tôi sẽ nhắc bà con không lên cầu nguyện trên đó nhưng vì lượng người cả giáo hạt Cầu Rầm sẽ tuần hành về Yên Đại rất đông nên tôi đề nghị  chính quyền phải thông đường để cho giáo dân đi trong trật tự. Nếu như có sự cọ xát, dân sẽ tập trung lại, lúc ấy, quý vị mới mời tôi đến ‘giải vây’ thì thật khó lòng”! Và các vị đã hứa sẽ thông đường. Quả thật cuộc tuần hành đã diễn ra trong trật tự, văn minh và đầy tình hiệp thông.
PVPhản ứng từ phía chính quyền địa phương như thế nào?
Lm HSH: Như tôi đã nói trên, chính quyền tỏ ra rất thận trọng. Chúng tôi cũng thấy rất nhiều công an mặc thường phục nhập đoàn tuần hành, có vị cũng cầm cờ vàng-trắng (?!); số khác rất đông mặc sắc phục của ngành mình, đứng đầy hai bên đường và các điểm quan trọng để giữ trật tự. Các vị tỏ ra rất nhã nhặn. Trong trụ sở UBND và Công an Tỉnh, có rất nhiều xe chữa cháy được huy động về không biết từ khi nào và để làm gì (?)
PV: Xin Cha cho biết thêm về thực trạng đất đai giáo xứ Cầu Rầm hiện nay: Cơ sở cũ gần hồ cá Cửa Nam và Cơ sở tại khối 6A?
Lm HSH: Diện tích 3,5ha của Nhà thờ Cầu Rầm tọa lạc cạnh hồ cá Cửa Nam từ năm 1888, khi lập xứ Cầu Rầm và liên tục tồn tại cho đến nay. Thời xưa về Vinh, người ta hay nói “Thượng Cầu Rầm, hạ Bến Thủy” là thế. Ngày này các văn bản pháp lý của Nhà nước gọi khu đất này là “đất Nhà thờ Cầu Rầm cũ”, chưa bao giờ được chuyển nhượng, bán, cho hoặc bất cứ hình thức trao đổi nào hợp pháp làm mất quyền sử dụng của giáo hạt Cầu Rầm trên khu đất này.
Năm 1968, nhà thờ bị trúng bom. Chính quyền Nghệ An đã làm đường từ Vinh đi Nam Đàn đè trên nền nhà thờ Cầu Rầm. Thế là giáo hạt Cầu Rầm mất nhà thờ. Qua nhiều lần gửi đơn thư, yêu cầu được xây dựng lại nhà thờ nhưng không được chấp nhận.
Năm 1998, giáo dân lên dọn ngôi nhà phòng đổ nát còn lại bức tường, che mái để đọc kinh cầu nguyện. Chính quyền lấy cớ khu đất này đã được quy hoạch làm khu di tích tội ác chiến tranh Đế quốc Mỹ và xây công viên để từ chối việc trả đất cho Cầu Rầm. Nhằm giải tỏa căng thẳng, họ cấp cho giáo hạt mảnh đất hiện tại: 10.800m2/35.000m2 đất cũ và giao phần đất khu vực giáp  sông Cửa Tiền cho giáo hạt quản lý, đồng thời giải tỏa giao thông thông thoáng trước sau. Như vậy, khu đất giáo hạt hiện đang sử dụng là khu đất thuộc diện “cấp cho” với hai điều kiện nói trên, phía chính quyền phải giữ.
Tuy nhiên, sau năm 1998, chính quyền đã bán khu đất Nhà thờ này cho Công ty Cổ phần Trường Giang Sài Gòn xây khu thương mại và văn phòng cho thuê… Giáo hạt Cầu Rầm đã làm đơn khiếu nại yêu cầu trả lại đất Nhà thờ, nhưng không được chính quyền giải quyết theo đúng pháp luật.
Sau phản ứng dữ dội của bà con Giáo dân về việc làm sai trái này, chính quyền Tỉnh Nghệ An đã đối phó bằng công văn số 4284/UBND-NC Quyết định và giao cho UBND TP Vinh xây dựng công viên... Quyết định này không đáp ứng nhu cầu chính đáng của người dân. Vì lẽ, rõ ràng chính quyền đã không thấy có nhu cầu sử dụng đất Nhà thờ Cầu Rầm cũ làm công viên, nên đã cấp cho Công ty Trường Giang xây Trung tâm thương mại để kinh doanh, và trong phường Cửa Nam, dù lượng người ít, gần diện tích đất này đã có một công viên đang tồn tại. Việc làm này một lần nữa vẫn chỉ là đối phó, thể hiện ý đồ không trả đất nhà thờ cho giáo hạt Cầu Rầm. Chưa kể, theo Luật đất đai, việc sử dụng đất phải bảo đảm nguyên tắc: đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và đúng mục đích sử dụng đất (khoản 1, điều 11);  và việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đấtphải được điều tra, nghiên cứu, phân tích, tổng hợp điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và hiện trạng sử dụng đất; đánh giá tiềm năng đất đai... phải phù hợp với chiến lược, quy hoạch tổng thể, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninhQuy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của mỗi kỳ phải được quyết định, xét duyệt trong năm cuối của kỳ trước đó" (khoản 1, khoản 8 điều 21 và điểm a khoản 1 điều 23). Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phải được trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua đồng thời với kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội;(khoản 6, khoản 7 điều 25) và phải được công bố công khai (điều 28).
Như vậy, việc chỉ bằng công văn, với quãng thời gian ngắn ngủi, chính quyền Tỉnh Nghệ An và Thành phố Vinh đã tùy tiện quyết định sử dụng đất khu vực Nhà thờ làm đất kinh doanh, trưng cầu dân ý xây đài tưởng niệm liệt sỹ, xong lại chuyển sang làm công viên... Rõ ràng chỉ nhằm đối phó, và không tuân thủ luật đất đai.
Việc làm này chỉ khiến người ta thêm nghi ngại về thiện chí của chính quyền và gây bức xúc trong nhân dân mà thôi. Mặt khác, tại khu vực trước cửa nhà thờ đang sinh hoạt, chính quyền cho làm bến cát sạn suốt 13 năm nay, gây ô nhiễm và thể hiện sự thiếu tôn trọng môi trường tôn giáo. Khu vực này trước đây đã có chỉ thị giải tỏa mặt bằng và giao cho giáo hạt quản lý nhưng cuối năn 2010, thành phố Vinh làm đường sinh thái  mà không  có ý kiến gì với giáo hạt Cầu Rầm.
PV: Cha đã liên hệ với Tòa Giám mục để giải quyết vấn đề đất đai tại giáo xứ như thế nào?
Lm HSH: Mỗi lần gửi đơn tới các cơ quan chính quyền, chúng tôi đều có bản gửi về Tòa Giám mục để báo cáo. Đặc biệt, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đã ký xác nhận vào Đơn kiến nghị số 106/HCR/11, ngày 03/6/2011 của chúng tôi gửi các cấp chính quyền.
PV: Nếu chính quyền vẫn tiếp tục việc xây dựng công viên trên mảnh đất nhà thờ Cầu Rầm cũ thì giáo xứ sẽ có hướng giải quyết thế nào?
Lm HSH: Chúng tôi tiếp tục làm đơn lên các cấp cao hơn để yêu cầu giải quyết nguyện vọng chính đáng của dân.
Phía giáo dân, chắc chắn họ sẽ phản ứng dữ dội hơn. Chúng tôi đã tham khảo ý kiến của dân trong từng giáo họ, giáo xứ của giáo hạt thì tuyệt đại đa số giáo dân đều cương quyết: nhất định họ không để bị lừa một lần nữa. Dù có chết, họ cũng bảo vệ cho bằng được đất thánh. Chúng tôi rất lo ngại! Không hiểu chính quyền có hiểu được cái lo của chúng tôi không?
PVXin cám ơn Cha đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn.

Linh mục và luật độc thân

Chủ Nhật, 7 tháng 8, 2011

Luật độc thân dành cho linh mục trong giáo hội Công giáo vẫn được nhiều người quan tâm, và trong thời gian gần đây lại được một số cổ võ cho vấn đề để linh mục lập gia đình.

Tháng 8 năm 2003, hơn 160 linh mục trong tổng giáo phận Milwaukee, Hoa Kỳ, ký đơn xin tổng giám mục Timothy Dolan cho họ được đem vấn đề Luật Độc Thân của linh mục ra bàn luận trong hội đồng linh mục, và họ yêu cầu luật này phải được coi là một Sự Lựa Chọn hơn là một Sự Bắt Buộc.

Gần đây, khi một số anh em linh mục Anh giáo xin gia nhập giáo hội Công giáo, đề tài Luật Độc Thân của linh mục cũng được đem ra bàn luận vì phần lớn những anh em Anh giáo đã có gia đình.

Riêng với giáo hội Công giáo La Mã, chúng ta hiểu gì về luật độc thân của linh mục? Trong bài này, tôi xin trình bày về lịch sử luật độc thân trong giáo hội hơn là ý nghĩa linh đạo của luật này.

Giáo Hội Công Giáo La Mã và Các Giáo Hội khác

Một trong những hiểu lầm của nhiều người ngoài Công giáo là đồng hoá vấn đề linh mục độc thân với những tín điều hay tín lý của giáo hội. Họ cho rằng trong Thánh Kinh, một số các tông đồ không sống độc thân, tại sao giáo hội Công giáo La Mã lại bắt các linh mục ngày nay sống độc thân? Một số anh em Tin Lành cực đoan còn kết án giáo hội Công giáo là đi ngược lại những gì không có trong Thánh Kinh.

Với giáo hội Công giáo, chính sách độc thân chỉ áp dụng cho linh mục của giáo hội Công giáo La Mã, vì giáo hội Công giáo Đông Phương không bắt các linh mục của họ sống độc thân. Cũng như giáo hội Chính Thống hay những giáo hội Đông Phương (nhưng không là Công giáo), giáo hội Công giáo Đông Phương cho phép linh mục được lập gia đình, nhưng không cho phép những người độc thân nhận chức linh mục lập gia đình sau khi đã làm linh mục. Nghĩa là, họ được phép lập gia đình trước khi chịu chức linh mục, nhưng không được phép sau khi nhận chức linh mục.

Với những người lập gia đình, nếu vợ qua đời, họ không được phép tục huyền (lấy vợ khác). Riêng với giám mục, giáo hội Công giáo Đông Phương chỉ chọn từ những linh mục độc thân mà thôi.

Trong giáo hội Công giáo La Mã, luật độc thân áp dụng cho linh mục và giám mục. Nhưng đây không là vấn đề thần học hay tín điều, nhưng chỉ là vấn đề kỷ luật mục vụ trong giáo hội mà thôi.

Chúng ta cùng nhau tìm hiểu luật mục vụ được giáo hội đặt ra trong lịch sử.

Những Thời Điểm Quan Trọng

Lịch sử luật độc thân thật ra không đồng nhất trong thời kỳ đầu của giáo hội. Bắt nguồn từ Do Thái giáo, những Kitô hữu đầu tiên thi hành những luật áp dụng cho Tư Tế trong đạo Do Thái. Những tư tế không được ăn ở với vợ trước khi dâng lễ hiến tế.

Đức giáo hoàng Siricus, trong một sắc lệnh ban bố ngày 10 tháng 2 năm 385 Directa Decretal đã nói đến tư tưởng bắt nguồn từ Cựu Ước này: “Chúng ta đã khám phá trong lời sách Lêvi, Đức Chúa phán: “Các ngươi phải nên thánh và phải thánh thiện, vì Ta là ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của các ngươi.” (Lêvi 20:7). Tại sao Chúa cảnh cáo những người làm công việc thánh thiêng những lời này: “Các con phải nên thánh như ta là thánh” (Lev 20:7). Cũng thế, tại sao những thầy Tư Tế nhận lệnh là trong suốt thời gian đến phiên trực Đền Thánh, họ bắt buộc phải sống trong đền thánh, xa gia đình? Điều qúa rõ ràng là vì như thế họ không bị tư tưởng xác thịt quyến rũ nghĩ đến đàn bà, ngay cả vợ họ, và như thế, lương tâm họ sáng láng, và họ có thể hiến dâng cho Thiên Chúa những của lễ xứng đáng của họ. Những người này, sau khi đã hoàn tất sứ vụ của họ, được phép về nhà với ăn ở với vợ chỉ cho một mục đích duy nhất là sinh con nối dõi, vì không ai ngoại trừ người thuộc dòng dõi Lêvi có thể được phép làm công việc hiến tế này”[1]

Trong Tân Ước, một số các tông đồ có gia đình (như trường hợp Phêrô đến nhà mẹ vợ Mk 1:30). Nhưng cũng có trường hợp độc thân như thánh Phaolô: “Với những người độc thân và quả phụ, tôi nói thế này: họ cứ ở vậy như tôi thì tốt cho họ” (1 Cor 7:8).[2]

Điều rõ ràng là vai trò của những người lãnh đạo cộng đoàn Kitô hữu thời đó (tương đương với các giám mục ngày nay),[3] là những người có gia đình. Trong thư thánh Phaolô gởi cho Timôthê, Ngài nêu lên người tiêu chuẩn cần thiết để chọn một người làm giám quản: “Vậy giám quản phải là người không ai chê trách được, chỉ có một đời vợ, tiết độ, chừng mực, nhã nhặn, hiếu khách, có khả năng giảng dạy; người ấy không được nghiện rượu, không được hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, không hay gây sự, không ham tiền, biết điều khiển tốt gia đình mình, biết dạy con cái phục tùng cách rất nghiêm chỉnh, vì ai không biết điều khiển gia đình mình, thì làm sao có thể lo cho Hội Thánh của Thiên Chúa được? Người ấy không được là tân tòng, kẻo lên mặt kiêu căng mà bị kết án như ma quỷ. Người ấy còn phải được người ngoài chứng nhận là tốt, kẻo bị sỉ nhục và sa vào cạm bẫy ma quỷ.” (1 Tim 3:2-8).

Luật độc thân cho linh mục được giáo hội cổ võ và dần dần bắt buộc áp dụng cho các linh mục qua thời gian.

Vào giữa thế kỉ thứ hai, ở Bắc Phi, giáo phụ thần học gia Tertullian (160-225) tin là các tông đồ kiêng khem việc xác thịt khi làm việc mục vụ.[4] Trong tác phẩm De praescriptione haereticorum (Những Qui Định Chống Lại Lạc Giáo), Tertullian nói đến kiêng khem tính dục là một trong những thói quen của giáo phái Mithra (phát triển ở Tiểu Á và Trung Đông) mà theo ông là họ bắt chước từ Kitô giáo.[5]

Trong Didascalia Apostolorum, viết bằng tiếng Hy Lạp vào nửa đầu thế kỷ thứ ba, tác giả cũng nói đến yêu cầu cần thiết về điều kiện sống tiết dục cho những giám mục và những người vợ của họ (không được quan hệ vợ chồng), và đòi hỏi những người trước khi được phong giám mục phải hứa “liệu có sống khiết tịnh, và liệu vợ họ có là một người có đức tin và hứa sống khiết tịnh, và liệu người đó có chăm lo cho con cái trở nên những người con kính sợ Thiên Chúa không.”[6]

Nhiều bằng chứng cho thấy có nhiều giám mục trong thế kỷ thứ ba có gia đình như Passivus, giám mục Fermo, Cassius, giám mục Narmi, Aetherius, giám mục Vienne, Aquilinus, giám mục Évreux, Faron, giám mục Meaux, Magnus, giám mục Avignon, Filibaud, giám mục Aire-sur-l’Adour, là cha của thánh Philibert de Jumièges, Sigilaicus, giám mục Tours và là cha của thánh Cyran of Brenne. Điều chúng ta không rõ là là các giám mục này có con sau khi làm giám mục hay chỉ trước khi làm giám mục.

Luật độc thân được áp dụng rõ ràng hơn bắt đầu từ thế kỉ thứ tư. Năm 313, đại đế Constantine chấm dứt tất cả những áp bức và bắt bớ Kitô hữu qua việc hợp thức hoá Kitô giáo. Từ đó Kitô giáo được công khai sinh hoạt.

Vào thời kỳ này, giáo hội phải đương đầu với rất nhiều những lạc giáo, nào là những giáo phái từ chối thiên tính hay nhân tính của Chúa Giêsu Kitô, từ chối vai trò Chúa Thánh Thần là Thiên Chúa, từ chối sự tiếp nối giữa Cựu Ước với Tân Ước… nói chung là giáo hội có rất nhiều vấn nạn để đối phó. Bên cạnh đó, đời sống của phó tế, linh mục và giám mục cũng cần phải có những qui định cụ thể để ổn định và thống nhất đời sống sinh hoạt của giáo hội.

Những qui định được biểu quyết qua các hội nghị hay công đồng, dù không được áp dụng đồng nhất, nhưng chắc chắn được phổ biến rộng rãi trong giáo hội.

Đầu thế kỷ thứ tư, các thánh giáo phụ Ambrose và Jerome cũng đồng ý rằng giám mục có gia đình thì không trái ngược với luật của Chúa, nhưng nếu là giám mục thì phải biết sống kiêng khem và nếu vợ chết thì không được tục huyền.[7]

Công đồng miền họp tại Elvira (năm 306) đòi buộc các giám mục, linh mục phải kiêng khem hoàn toàn với vợ, đòi hỏi họ không được sinh con. Ai vi phạm thì bị kỷ luật và bị loại bỏ (luật 33).[8]

Công đồng chung Nicea năm 325, trong điều luật 3 nói: “cấm tất cả giám mục, linh mục, phó tế hay bất cứ tu sĩ (nam) không được có một người nữ ở với mình, ngoại trừ người đó là mẹ, chị em gái, dì hay những người không tạo nên nghi ngờ.”

Thư của Đức giáo hoàng Siricus từ Roma (năm 385) và công đồng họp ở Carthage (năm 390) cũng lặp lại luật này, là bắt buột tất cả những giám mục, linh mục, hay phó tế đang có gia đình, không được ăn ở vợ chồng. Công đồng viện lý do là việc làm này có truyền thống từ thời các tông đồ.[9]

Từ thế kỷ thứ năm trở đi, giáo hội Công giáo tây phương đòi hỏi những ứng viên làm linh mục, giám mục phải hứa sống độc thân. Lời hứa được công đồng miền vùng Orange (năm 441) và Arles (năm 524) chấp thuận. Đến cuối thế kỷ thứ 9, công đồng miền vùng Metz và Mainz cũng nhắc lại việc cấm linh mục, giám mục lập gia đình.

Sở dĩ giáo hội lặp đi lặp lại việc sống độc thân của linh mục trong nhiều công đồng vì thời kỳ đó, dù luật là không được lập gia đình, nhưng trong thực tế Kitô hữu vẫn có liên lạc giữa giáo hội Tây Phưong và Đông Phương, mà giáo hội Đông Phương không theo luật đặt ra của giáo hội Tây Phương, nên một số linh mục trong thực tế vẫn lập gia đình (nên biết giáo hội Đông-Tây chia rẽ năm 1054).

Cuối thế kỷ mười một, Đức giáo hoàng Gregoria đã cải tổ luật giáo hội trong đó có luật độc thân và bắt buộc áp dụng cho mọi linh mục, giám mục.

Công đồng Lateran I (năm 1123) nhấn mạnh: “Chúng tôi tuyệt đối cấm linh mục, phó tế, phụ phó tế không được liên hệ với phụ nữ, hay sống với họ như điều khoảng 3 công đồng Nicea công bố, với lí do cần thiết được phép, những người đó là mẹ, chị em, hay cô dì, hay bất cứ một người nữ nào mà không gây nghi ngờ” (Điều 3). Nếu có linh mục hay phó tế… nào vi phạm luật này mà lập gia đình, công đồng công bố là hôn nhân đó cần phải được giải, và người đó phải bị lên án và chịu kỷ luật (điều 21).

Công đồng Lateran II (năm 1139) tái khẳng định: (1) những linh mục, phó tế hay phụ phó tế nào vi phạm luật độc thân sẽ bị loại trừ khỏi chức vụ (điều khoản 6); và (2) theo lời dạy của các giáo hoàng tiền nhiệm Gregory VII, Urbano, và Paschal, công đồng cấm giáo dân dự lễ những linh mục vi phạm luật này (điều khoản 7).[10]

Công đồng Trento (1545-1563), trong phiên họp thứ 24, đã khẳng định lại giáo huấn này. Tiếp tục lời phán quyết của công đồng Lateran II, công đồng Trentô còn tuyên bố là những hôn nhân của những người vi phạm này là Vô Hiệu (không có hiệu lực, hay không thành): “Nếu ai nói rằng, những tu sĩ đã có chức thánh, hay có những lời khấn trọng giữ mình khiết tịnh, mà lại lập gia đình, thì hôn phối đó vô hiệu” (điều 9).

Từ thế kỉ 16, các giáo phái Tin Lành cổ động cho việc tu sĩ lập gia đình, giáo hội Công giáo La Mã vẫn giữ vững luật độc thân cho các nam nữ tu sĩ, nhất là cho linh mục.

Kết Luận

Luật độc thân dành cho linh mục Công giáo là một quyết định có tính cách kỷ luật về mục vụ hơn là thần học. Giáo hội tiếp tục khẳng định lời cam kết này trong những giáo huấn hiện tại. Chúng ta có thể kết thúc đề tài này với lời dạy trong Giáo Lý Công Giáo số 1579: “Trong Giáo Hội La-tinh, trừ các phó tế vĩnh viễn, mọi thừa tác viên có chức thánh thường được tuyển chọn từ những người nam sống độc thân và có ý giữ độc thân "vì Nước Trời" (Mt 19,12). Ðược mời gọi tận hiến cho Chúa để "lo việc của Người" (x. 1Cor 7, 32), các ngài hiến thân trọn vẹn cho Thiên Chúa và con người. Ðời sống độc thân là dấu chỉ của sự sống mới mà các thừa tác viên của Hội Thánh được thánh hiến để phục vụ. Nếu hân hoan đón nhận đời sống độc thân này, các ngài sẽ loan báo Nước Trời hữu hiệu hơn (x. PO 16).

Số 1580: “Trong các Giáo Hội Ðông Phương, từ nhiều thế kỷ nay, có một tập tục khác: chỉ các giám mục được tuyển chọn trong những người độc thân; còn linh mục và phó tế có thể được tuyển chọn trong những người đã lập gia đình. Tập tục này từ lâu vẫn được coi là chính đáng. Các linh mục này thi hành thừa tác vụ hữu hiệu giữa cộng đoàn (x. PO 16). Hơn nữa, sự độc thân của các linh mục rất được trân trọng trong các Giáo Hội Ðông Phương và nhiều linh mục đã tự nguyện sống độc thân vì Nước Trời. Ở Phương Ðông cũng như Phương Tây, người đã nhận chức thánh không được phép lập gia đình nữa.”

[1] Trích trong Epistola Decretalis Papae Siricii, VII. De clericis incontinentibu.

[2] Đoạn kinh thánh này thuyết phục nhiều người tin rằng Phaolô là một người độc thân, không lập gia đình. Có người trích: “Phải chăng tôi không có quyền ăn uống, không có quyền đem theo một người chị em tín hữu như các tông đồ khác, như các anh em của Chúa và như ông Kêpha?” (1 Cor 9:4-5) và nói Phaolô có vợ. Thật ra, đây không là một bằng chứng rõ đủ để nói lên điều đó, mà có thể câu nói để biện minh về quyền có gia đình thì đúng hơn, nghĩa là, Phaolô cũng như bao người khác có quyền lập gia đình, và nếu có gia đình thì họ có quyền đem theo vợ trong khi làm công việc mục vụ như Phêrô hay các tông đồ khác. Có người khác cho là Phaolô đã có gia đình nhưng có thể vợ chết, hoặc li dị vợ nên sống đời độc thân. Không có tài liệu chính xác nào nói đến những đồn đãi này, ngoại trừ người ta biết chắc là sau khi trở lại, Phaolô sống như một người độc thân.

[3] Danh từ được dùng trong Thánh Kinh bằng tiếng Hy Lạp là episkopos để chỉ những người mà Tân Ước tiếng Việt dịch là Giám quản. Cũng danh từ đó, ngày nay ta gọi là giám mục.

[4] Xem trong De Monogamia, ch. VIII.

[5] “Habet et uirgines, habet et continentes" (Họ cũng có những người đồng trinh; họ cũng có những người kiêng khem) trích trong De praescriptione haereticorum, XL, 5.

[6] Trích trong Didascalia Apostolorum, ch. IV, ii, 2.

[7] Xem Saint Ambrose, Epistle LXIII, 62.

[8] Thật ra, không chỉ giám mục và linh mục, công đồng còn đòi hỏi cả phó tế và những người làm mục vụ ở những chức vụ khác nữa. Xem Canon 33.

[9] Xem Công đồng Carthage, canon 3.

[10] Trước đó, Đức giáo hoàng Nicholas II (năm 1059) và Đức giáo hoàng Gregory VII (năm 1075) đã cấm các linh mục vi phạm luật độc thân làm lễ, và cấm giáo dân đến dự lễ họ dâng, và cấm các vị này thi hành các chức vụ trong giáo hội.

Lm. Nguyễn Khắc Hy, pss

Bộ sưu tập hình các giám mục VN

Thứ Bảy, 6 tháng 8, 2011