GPVO - Cuộc sống của linh mục càng ngày càng trở nên bận rộn. Tình trạng này có thể làm cho người ta “có nguy cơ trở nên cứng cỏi, chai đá” trong đời sống nội tâm. Vì thế, cần có thời gian để hồi tâm, thinh lặng và lắng nghe.
38 linh mục trong giáo phận đã có cuộc tĩnh tâm đợt thứ nhất tại Tòa Giám mục Xã Đoài từ ngày 5 đến ngày 10/11/2012.
Mỗi năm các linh mục phải dành một số ngày để tĩnh tâm, đó là đòi buộc theo giáo luật điều 533, số 2.
Những ngày cách li khỏi các sinh hoạt của giáo xứ – thăm viếng, gặp gỡ, xây dựng và các công việc mục vụ khác – quả là cơ hội hiếm có trong năm của một cha sở.
Năm nay các linh mục tĩnh tâm theo phương pháp linh thao, do cha Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J., hướng dẫn.
Ngoài các giờ kinh phụng vụ, thánh lễ và chầu Thánh Thể, những người dự cuộc tĩnh tâm nghe giảng 2 lần và có 3 tiếng đồng hồ cầu nguyện mỗi ngày. Đây là những phương thế giúp các linh mục thánh hóa và canh tân đời sống trong ân sủng, để trở thành những con người mới theo hình ảnh của Chúa Giêsu mục tử và trở thành những chứng nhân của Tin Mừng cho thế giới ngày nay.
Người của Thiên Chúa
Người của Thiên Chúa, đó là chủ đề của cuộc tĩnh tâm lần này. Theo đó, vị tu sĩ của dòng Tên đã trình bày các đề tài giúp suy tư về ơn gọi, sứ vụ và căn tính của linh mục.
Định nghĩa tốt nhất về ‘người của Thiên Chúa’ theo Cựu Ước là: người được “thánh hiến cho Thiên Chúa”. Các tư tế được thánh hiến cho Thiên Chúa (Xh 29,1), để lo việc tế tự hay những hiến sinh – nazir (Ds 6,7), đặt biệt là các ngôn sứ, như trường hợp Giêrêmia (Gr 1,5).
Theo thánh Phaolô, một người của Thiên Chúa là người sống giữa thế gian nhưng bày tỏ những đặc tính của Thiên Chúa mà người ấy thấu hiểu, vì luôn luôn ở gần và sống trong sự dâng hiến đời mình cho Thiên Chúa, với tâm tình là mình hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa.
Sống gần Thiên Chúa, được nuôi dưỡng bởi Lời Chúa, người ấy thấu hiểu tư tưởng của Thiên Chúa, nhờ thế có thể nói và hành động nhân danh Thiên Chúa.
Khi gọi Timothê là người của Thiên Chúa, thánh Phaolô muốn gợi lên một thực tại là người môn đệ được dành riêng và “thánh hiến” cho việc phụng sự Thiên Chúa.
Cũng theo nghĩa ấy – tức theo nghĩa tư tế và ngôn sứ của Cựu Ước – Giáo hội quen gọi linh mục là người của Thiên Chúa, người được chọn gọi, tách rời, dành riêng để thuộc trọn về Chúa, làm công việc của Chúa.
Đức giáo hoàng Phaolô VI cho một nghĩa khá đầy đủ về “người của Thiên Chúa”: “Đúng như cách diễn tả của mọi người, linh mục là “người của Thiên Chúa, nghĩa là “một con người mà lẽ sống là phụng thờ Thiên Chúa, say mê tìm kiếm người, nghiên cứu và nói về Người và phục vụ Người” (TGM Montini, lời tựa cho quyển sách của Pierre Veuillot, Chức linh mục của chúng ta, Fleurus, 1954).
Lm Giuse Hoàng Văn Quảng, S.J. Ảnh Đức Ngợi
Đức giáo hoàng Bênêđictô XVI nói với các linh mục tại Roma vào đầu mùa Chay 2010 rằng: “Linh mục là những con người của Thiên Chúa, sống hiệp thông với Chúa Kitô để dẫn đưa nhân loại đến sự hiệp thông với Thiên Chúa.”
“Sự chọn lựa sống này đòi hỏi linh mục phải phát huy những tâm tình và cảm thức theo ý muốn Thiên Chúa. Điều này giả thiết một sự hoán cải, vốn không đơn giản, vì đi ngược lại với não trạng đương thời.”
“Ba khía cạnh cốt yếu của đời sống linh mục để có một chứng từ hữu hiệu: tình bạn với Chúa Kitô, sự tận hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa và sự hiệp thông trong tình yêu”.
Người ta chờ đợi gì nơi linh mục?
Khi được hỏi “Bạn chờ đợi gì nơi linh mục?” thì Francois Mauriac (1885-1970), văn sĩ Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1933, giải Nobel về văn chương 1952, trả lời: “Tôi chỉ xin các ngài cho tôi Thiên Chúa, chứ không xin các ngài nói về Thiên Chúa. Đối với tôi, việc rao giảng hiệu nghiệm của linh mục luôn là chính đời sống của ngài. Một linh mục tốt không cần có gì để nói với tôi: tôi nhìn ngài và điều đó là đủ cho tôi rồi.”
“Dòng tu nói tốt hơn hết về Thiên Chúa, đó là các đan sĩ Biển Đức, vì họ không bao giờ lên tòa giảng, nhưng làm cho chúng ta sống thảm kịch thánh lễ... Tôi hiểu Kierkegaard biết bao khi ông ta nói: Thiên Chúa là một Ai đó mà ta nói với, chứ không phải là Đấng mà ta nói về” (Qu’attandez-vous du prêtre? Paris 1949, p. 91).
Jean Guitton (1901-1999) là triết gia và thần học gia Công giáo, hàn lâm viện Pháp năm 1961, quan sát viên giáo dân duy nhất tại Công đồng Vatican II, nói về linh mục trong một bài báo như sau:
“Chúng tôi xin các linh mục, trước hết và trên hết, hãy cho chúng tôi Thiên Chúa, qua quyền năng tha tội và tế lễ. Linh mục là người của Thiên Chúa, sứ giả mầu nhiệm của đức tin. Nhân loại bị chìm đắm trong bóng tối và sương mù bao phủ. Con người bị lường gạt và thất vọng bởi những cái tương đối, nên chỉ khao khát một Đấng Tuyệt Đối” (Le Figaro 22/4/1982).
Anh làm việc cho ai?
Chiều kia, một rabbi đi dạo quanh một nông trại gần đó, và gặp một người bảo vệ, được thuê để canh gác nông trại.
Vị rabbi hỏi: “Này anh bạn trẻ, anh bảo vệ nông trại cho ai?”
Người bảo vệ nói tên chủ mình và anh hỏi lại: “Còn ngài, thưa rabbi, ngài đang canh cho ai?
Một chốc thinh lặng để cố tìm câu trả lời, ông đáp: “Hiện giờ tôi không canh cho ai cả”. Rồi vị rabbi thêm: “Anh bạn có muốn làm việc cho tôi không?”
“Dĩ nhiên, tôi rất thích” – người bảo vệ trả lời – “nhưng tôi phải làm gì?”
Vị rabbi đáp: “Anh có bổn phận nhắc tôi là tôi đang canh gác cho ai.”
Hiện giờ tôi đang làm việc cho ai? Có thể tôi đang làm việc mệnh danh là ‘của Chúa’ nhưng lại làm ‘cho tôi’.
Tôi có quá bận tâm đến công việc của Chúa đến mức quên Chúa của các công việc không?
“Chúng tôi đã từng nhân danh Chúa mà nói tiên tri, nhân danh Chúa mà trừ quỉ, nhân danh Chúa mà làm nhiều phép lạ đó sao? ... Ta không biết các ngươi, xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều ác (xem Mt 7,21-23).
* * *
Trên đây là tóm lược một số ý tưởng trong tập linh thao Người của Thiên Chúa, được cha giảng phòng trình bày cho các linh mục trong tuần tĩnh tâm vừa qua.
Những ngày tĩnh tâm của các linh mục đã kết thúc với thánh lễ cầu nguyện cho việc tân Phúc âm hóa tại nhà thờ chính tòa Xã Đoài sáng thứ bảy ngày 10/11/2012. Thánh lễ do Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ sự.
Sau thánh lễ các linh mục ra viếng nghĩa trang giáo phận, tưởng nhớ và cầu nguyện cho các linh mục đàn anh đã qua đời.
Chiều nay, 12/11/2012, các linh mục sẽ bắt đầu tuần tĩnh tâm đợt thứ hai.
[Bài kế tiếp sẽ nói về những mẫu gương của đời linh mục.]
Lm Phạm Quang Long ghi
Ảnh Đức Ngợi