Lễ thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa tại giáo xứ Thuận Nghĩa

Thứ Hai, 26 tháng 11, 2012

Sáng ngày 24 tháng 11 năm 2012, Đức Giám mục giáo phận, Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã chủ tế thánh lễ mừng kính thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa tại giáo xứ Thuận Nghĩa. Đồng tế với ngài có 35 linh mục trong và ngoài giáo phận. Có khá đông tu sĩ nam nữ cùng hơn 5.000 giáo dân tham dự. 


Thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, linh mục tử đạo, là một trong  những tấm gương sáng trên cánh đồng truyền giáo Nghệ - Tĩnh - Bình từ thế kỷ XVIII. Ngài sinh năm 1790 tại làng Thuận Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Ngài là con thứ ba trong bảy người con của ông bà Phaolô Vũ Đình Tân và Maria Nguyễn Thị Loan. Ngài thụ phong linh mục năm 1820. Chịu tử vì đạo ngày 24/11/1838 với án xử giảo (dây siết cổ). Ngày 27.05.1900, Đức Thánh Cha Lê-ô XIII suy tôn cha Phêrô Vũ Đăng Khoa lên bậc chân phước. Ngày 19.06.1988, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II nâng ngài lên bậc hiển thánh. 

Với 48 tuổi đời và 18 năm linh mục, cha Phêrô Khoa đã thi hành trọn vẹn sứ vụ linh mục của mình: Hoà với của lễ vô giá là Đức Kitô, cha hiến tế chính mạng sống mình để dâng lên Thiên Chúa Cha, Đấng hằng yêu thương nhân loại và con người. Và khi về với nước Thiên Chúa ngài đã để lại cho Giáo Hội, đặc biệt là mảnh đất quê hương Thuận Nghĩa, một di sản tinh thần lớn lao. 

Nhìn vào cuộc đời của thánh nhân không phải để gợi lại nơi chúng ta một thời kỳ bách hại kinh hoàng, hay để nhắc lại một quá khứ trải đầy những gian truân và bất công, nhưng để gợi lại cho chúng ta một mùa gặt phong phú với hình ảnh người đổ mồ hôi gieo giống trên nương đồng, đến ngày thu hoạch thì vui ca tay ôm bó lúa chín vàng lựng hương (x. Tv 125). Nói cách khác, cuộc đời của thánh nhân là một bài ca tôn vinh Thiên Chúa cách đặc biệt nhất, vọng vào mai sau như lời gọi mời, thôi thúc thế hệ chúng ta không ngừng làm chứng cho Chúa Kitô trong thời đại hôm nay. 

Trước thánh lễ là chương trình tổng kết và phát thưởng giáo lý năm học 2011 - 2012. Đức Cha Phaolô đã trao bằng khen giải nhì cấp giáo phận cho giáo hạt Thuận Nghĩa. Cha Antôn Nguyễn Văn Thanh, quản xứ Cẩm Trường và đặc trách giáo lý giáo hạt, trao giải tập thể và cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong kỳ thi giáo lý năm vừa qua. Lễ tổng kết và phát thưởng giáo lý phần nào nói lên sự phát triển về giáo lý của hạt Thuận Nghĩa, giáo hạt luôn thuộc tốp dẫn đầu trong kỳ thi cấp giáo phận suốt những năm qua.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô đã điểm lại những mốc quan trọng trong cuộc đời của cha thánh Vũ Đăng Khoa. Ngài đã nhấn mạnh đến những lộ trình truyền giáo và công cuộc làm chứng cho Tin Mừng của thánh nhân với một đức tin kiên cường và lòng tín thác tuyệt đối vào Chúa Kitô. 

Vị chủ tế đã mượn câu nói của văn sĩ Tertulliano: “Sanguis martyrum semen christianorum est” (Apol., 50,13: CCL 1,171) - Máu của các vị tử đạo là hạt giống phát sinh các Kitô hữu - để nói về những hoa trái thiêng liêng mà các thánh tử đạo đã mang lại cho Giáo Hội. 

Đức Giám mục giáo phận nói: “Máu các thánh tử đạo đã củng cố niềm tin cho chúng ta. Chúng ta tin Chúa thì chúng ta cũng phải chấp nhận sống theo niềm tin đó. Đức tin được tuyên xưng phải kèm theo hành động của niềm tin nếu ko chỉ là đức tin bằng môi bằng miệng. Từ bỏ chính mình là từ bỏ những cảm dỗ, những ý riêng. Một đức tin chân thật phải được biểu lỗ bằng hành cụ thể đó là hành động công bình, bác ái, hành động hiệp nhất yêu thương. Chúng ta là con của các thánh tử đạo, đặc biệt đối với giáo dân Thuận Nghĩa, chúng ta hành diện có một người con gương mẫu của chúng ta đó là thánh Vũ Đăng Khoa - một vị thánh không những tuyên xưng Chúa bằng môi bằng miệng mà đã có những hành động của niềm tin. Ước mong giáo xứ chúng ta càng ngày càng yêu thương, mở rộng tấm lòng, đoàn kết yêu thưong nhau như thánh Vũ Đăng Khoa mà chúng ta mừng kính hôm nay”.

Giáo xứ Thuận Nghĩa hiện có 11500 giáo dân thuộc thị trấn Cầu Giát, Quỳnh Lưu, Nghệ An, do cha Antôn Nguyễn Văn Đính coi sóc. Giáo xứ hiện tại đang xây dựng lại ngôi thánh đường và một số công trình mục vụ trong khuôn viên nhà xứ. 
Jos. Văn Huệ

Tân Hồng Y Luis Tagle của Phi luật tân với một tương lai ngời sáng!

Trần Mạnh Trác

Những đồn đoán

Giống như hồi năm 2001 khi đức cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận nhận mũ đỏ Hồng Y, giới báo chí đã đồn thổi đây có thể sẽ là vị giáo Hoàng tương lai từ Á Châu.

Lúc đó Ngài đã 73 tuổi và không ai nghĩ rằng Ngài có nhiều cơ hội, tuy nhiên sự việc được mọi giới ngưỡng mộ như là "có khả năng làm giáo hoàng" (popeable) cũng đủ làm cho người Việt Nam hãnh diện lây. Không may cho Việt Nam, chỉ một thời gian chưa đầy 2 năm sau thì Ngài ngã bệnh và được Chuá gọi về trong nỗi ngỡ ngàng cuả mọi người.

Năm nay vào ngày 24 tháng 11 tới, khi đức Giáo Hoàng Benedict XVI trao mũ đỏ Hồng Y cho vị tổng giám mục Manila cuả Phi Luật Tân, đức 'Tổng' Luis Antonio Gokim Tagle, giới truyền thông và kể cả nhiều vị Giám mục cuả Phi Luật Tân cũng đã đồn đoán sôi nổi rằng cuối cùng thì bây giờ lại có một người Á Châu có thể làm giáo hoàng.

Một cái may cho người Phi Luật Tân, đó là vị tân Hồng Y cuả họ còn trẻ, mới có 55 tuổi thôi, là vị trẻ thứ hai trong Hồng Y đoàn (xem ghi chú *), và như vậy thì "không lần này thì cũng lần khác" ngài sẽ có cơ hội được 'đăng quang'.

Người đứng đầu ủy ban các vấn đề công cộng của Hội đồng Giám mục Phi Luật Tân, Đức Giám mục Deogracias Iniguez của Kalookan, thậm chí còn mạo hiểm nói rằng việc làm Giáo Hoàng là hầu như rõ ràng. ĐGM Iniguez lập luận rằng việc thăng tước HY cho ĐGM Tagle có nghĩa là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã đánh giá rất cao vai trò thần học của vị giám mục thành Manila.

Vị cựu đại sứ Phi Luật Tân tại Vatican, bà Henrietta de Villa, cũng cho biết rằng bà đã cầu nguyện liên lỉ ngay từ khi được biết linh mục Tagle trở thành giám mục vào năm 2001, và tin rằng ngài sẽ trở thành một vị giáo hoàng trong tương lai.

Tại sao không?

Linh mục Romulo Ponte, chuyên viết bình luận cho các tờ báo cuả Laguna, một tỉnh ngoại ô thành phố Manila, cho biết Đức giám mục Tagle không xa lạ gì với các hoạt động bên trong của Vatican.

Khi còn là một linh mục trẻ, cha Tagle đã phục vụ dưới trướng cuả Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, nay là Đức Giáo Hoàng Benedict XVI, tại Thánh Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Cha Ponte cho biết đích thân Đức Giáo Hoàng đã chọn ĐGM Tagle làm một trong hai giám mục châu Á để trở thành Niên Trưởng (Synod Father) trong Thượng Hội Đồng Giám Mục kéo dài một tháng tại Roma vừa qua.

Ngay bên Hoa Kỳ, ông John L. Allen Jr., một phóng viên cao cấp cuả tờ National Catholic Reporter đả từng theo dõi danh sách các hồng y từ nhiều năm, cũng liệt kê ĐGM Tagle trong danh sách "dài" có khả năng kế vị.

Tháng 5 vừa qua ông Allen viết: "ĐGM Tagle, chỉ mới có 54 tuổi thôi, mà đã trở thành một cái thước đo lường quan trọng cho những phát triển cuả đạo Công giáo ở châu Á, ngài là một ''nhân vật phải tìm tới' trong nội bộ hội đồng các giám mục Châu Á mỗi khi họ bàn thảo về hầu hết các vấn đề thần học.

Chân dung tân Hồng Y Tagle

Sinh năm 1957 tại Manila, là con trưởng cuả một gia đình ngoan đạo có gốc Hoa từ vùng Thượng Hải, vị hồng y tương lai đã tỏ ra là một thiếu niên xuất sắc và có chí đi tu. Ngay từ lúc mới 3 tuổi ngài đã có thể xướng kinh Mân Côi, và mặc dù cha mẹ mong muốn ngài trở thành một bác sĩ y khoa, cậu thanh niên Tagle đã quyết chí xin vào chủng viện sau khi tốt nghiệp cử nhân Triết tại đại học San Jose ở Manila năm 1977.

Trong thời gian học làm linh mục, thầyTagle đã sống tự túc bằng cách đi dạy học toàn thời gian, thầy tốt nghiệp summa cum laude (tối ưu **) tại cả hai trường một lúc, về thần học tại trường Loyola Ateneo và tại Chủng viện San Jose. ThầyTagle được thụ phong linh mục cho Giáo phận Imus ngày 27 tháng 2 năm 1982.

Cha Tagle du học tại Hoa kỳ từ năm 1987 cho đến 1991, tốt nghiệp văn bằng Tiến Sĩ thần học với hạng tối ưu (summa cum laude) tại đại học Catholic University of America ở Washington DC.

Từ 1997 đến 2002, ngài được chỉ định vào ủy ban thần học quốc tế và làm việc dưới quyền cuả hồng y Joseph Ratzinger, sau này là Giáo Hoàng Benedict. 

Cùng thời gian này, cha Tagle đã hợp tác với sử gia Alberto Melloni và Giuseppe Alberigo để soạn một bộ lịch sử cuả Công Đồng Vatican 2. Ngài viết một chương trong cuốn thứ 4 cuả bộ sử với tựa đề là "Một cơn bão tháng 11: Tuần lễ đen tối" trong đó ngài mô tả những khó khăn xảy ra giữa đức giáo hoàng Paul VI và nhóm người chủ trương cải tổ.

Bộ sử về Công Đồng Vatican 2 cuả nhóm, gọi là nhóm Bologna School, đã bị một số người chỉ trích vì mô tả Công Đồng như là một sự đứt đọan với quá khứ cuả Giáo Hội. Đây là một ý tưởng không phù hợp với chủ trương chính thức cuả Giáo Hội vẫn coi Công đồng như là một sự nối tiếp cuả giòng sử giáo hội.

Riêng về phần đóng góp cuả cha Tagle, ngài không đưa ra một lập trường nào về vấn đề trên mà chỉ phê bình sự kiện dựa theo những tư tưởng cuả Hồng Y Ratzinger. Về điều này thì một số sử gia theo nhóm 'cải cách' lại chê ngài là thiếu sự khách quan cuả khoa học (!)

Ngoài sự kiện 'Bologna School' ra, Ngài thường được coi như là một nhân vật có sức hấp dẫn lớn và có lập trường phù hợp với giáo huấn cuả Giáo Hội. Ngài hiện là chủ tịch cuả hội đồng giám mục về Tín Lý.

Ông John L. Allen Jr đã hết lời khen ngợi sức hấp dẫn cuả ngài như sau:

"Ngài có một năng khiếu giao tiếp đặc biệt, là một diễn giả được săn lùng bởi các hệ thống truyền thông. Tại Đại Hội Thánh Thể Quốc Tế tại Quebec năm 2008, Ngài đã thu hút khán thính giả đến nỗi làm cho toàn bộ cử toạ cuả sân vận động phải rơi nước mắt." 

Ông dưạ vào lời bình luận cuả một phóng viên Phi Luật tân để mô tả ngài như là một nhân vật có 'tâm trí của một nhà thần học, linh hồn của một nhạc sĩ và trái tim của một mục tử. "

Quan điểm cuả vị tân Hồng Y

Kể từ khi nhận chức Tổng Giám Mục Manila (2011) và trở thành vị giáo phẩm cao cấp nhất cuả cuả Phi Luật Tân, đức 'Tổng' Tagle đã tham gia nhiều hoạt động xã hội để cứu giúp người nghèo, bảo vệ môi sinh nhưng đồng thời cũng giữ vững một lập trường nhất quán chống lại nạn vô thần, phá thai, ngừa thai và chống lại Bộ Luật ngừa thai cuả chính phủ. 

Vận động một con số 2.5 triệu giáo dân Công Giáo ở tổng giáo phận Manila, đức 'Tổng' Tagle là một lực lượng đáng nể. Và ngài đã vận động lực lượng đó một cách khéo léo trong một giai đoạn khi mà các chủ trương cuả giáo hội không hoàn toàn phù hợp với thực tế chính trị.

Có lẽ ở đâu cũng vậy, giáo hội sẽ phải đương đầu với những khó khăn chính trị như thế bởi vì những điều giáo hội dạy thì nhiều hơn là những chủ trương cuả một đảng phái. Một phe 'bảo thủ' có thể hợp với giáo hội trên vài tiêu chí về đạo đức nhưng lại không phù hợp trên những tiêu chí về nhân sinh, ngược lại phe 'phóng khoáng' có thể là cộng tác viên cuả giáo hội trong vài công việc từ thiện nhưng lại chống chọi với giáo hội trong những vần đề phá thai.

Cho nên phương cách hành sử thành công cuả vị tổng giám mục Manila đang được học hỏi và noi theo. Người ta không ngạc nhiên khi tên tuổi cuả Ngài đã được đề cập đến nhiều trong khoá Thượng Hội đồng các Giám Mục họp tại Roma tháng vừa qua.

Sau khoá họp có một số người đã thất vọng khi không thấy có một 'chiến lược' rõ rệt nào được quyết định cho toàn thể Giáo Hội. Ngài giải thích:

Thực sự những gì "làm cho tôi được khích lệ nhất trong Thượng Hội Đồng là thấy tất cả mọi người đã mong muốn rằng việc phúc âm hóa không hẳn là một chiến lược mà chính là một cuộc sống gặp gỡ với Chuá Kitô phục sinh"

"Tôi nghĩ rằng trong nhiều thập kỷ qua, chúng ta đã rất tập trung vào việc phải làm thế nào để làm việc với toàn thế giới - các giáo hội đã cố gắng để lập ra những 'chiến thuật chiến lược' - Trong bản chất thì 'chiến thuật chiến lược' tự nó không phải là xấu. Nhưng chúng ta có lẽ đã quên rằng đức tin không phải là một sản phẩm của một chiến lược. "

"Đức tin có thể mang lại những chiến lược mới. Nhưng nếu nó không bắt nguồn từ tình bạn với Chúa Giêsu Kitô và tuân giữ những lời giảng dậy của Ngài, thì loại phúc âm hóa đó sẽ là gì ? "

Ngài kết luận "Những phức tạp đã được bàn cãi trong khoá Thượng Hội đồng đã dẫn đưa mọi người chúng tôi đến một tâm tình khiêm nhượng hơn. Do đó sự thiếu vắng những chiến thuật cụ thể cuả khoá họp thực sự là một cơ hội để mọi người khám phá thêm".

Cơ hội làm giáo hoàng

Hầu hết các giám mục Phi Luật Tân, mặc dù họ đang cầu nguyện cho đức 'Tổng' Tagle, nhưng khi bàn về việc làm giáo hoàng, nhiều người đã tỏ ra thực tế hơn.

Đức Tổng Giám mục Ramon Arguelles của Lipa cho rằng đức 'Tổng' Tagle là "một tài sản lớn cho Giáo Hội ngày nay" nhưng "chỉ có Chúa mới có thể quyết định ai sẽ là Giáo hoàng".

"Chức Giáo Hoàng không phải là một sự may rủi. Nó được quyết định từ trên Trời cao," ngài nói. "Không ai có một cơ hội lớn cả. Mỗi vị Hồng Y chỉ có một cơ hội nhỏ mà thôi" ĐGM Arguelles nói thêm.

Thẳng thừng hơn nữa, Đức Tổng Giám Mục Oscar Cruz đã về hưu, thì như muốn xối một gầu nước lạnh vào những giấc mơ của người Phi Luật Tân:

"Hồng Y Đoàn bầu Đức Thánh Cha mà phần đông các hồng y chủ yếu là từ châu Âu, Bắc Mỹ... vì vậy tôi sẽ không đi quá xa," ngài nói.

Đức Cha Cruz nói một lý do mà đức tổng Tagle được thăng Hồng Y là bởi vì ngài gần cận Đức Thánh Cha. "Có một sự thông cảm giữa hai người, do đó, Đức Thánh Cha biết tài năng và chuyên môn thần học của đức tổng (Tagle.)"

Đức Cha Cruz còn cho biết ngài sẽ không ngạc nhiên nếu Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chỉ định một chức vụ tại Vatican trong những tháng tới cho đức tổng Tagle. Điều đó sẽ tiếp tục khêu gợi trí tưởng tượng của người Phi Luật Tân hơn nữa.

Và có lẽ sẽ tiếp tục khêu gợi trí tưởng tượng cuả mọi người Á Châu nói chung.

Ghi chú * Vị hồng y trẻ nhất sẽ là tân Hồng Y Baselios Cleemis Thottunkal, 53 tuổi, Ấn Độ. Ngài là Tổng giám mục nghi lễ Đông Phương Syro Malankara.

Ghi chú ** Các trường Đại Học ở Mỹ và Phi Luật Tân áp dụng thứ hạng Latin về danh dự cho các văn bằng Đại Học. Có 3 hạng danh dự là:

Cum Laude (with honor)

Magna cum laude (with great honor)

Summa cum laude (with highest honor)

Thỉnh thoảng, một vài trường còn thêm tới 5 hạng danh dự như sau:

Cum Laude (with honor)

Magna cum laude (with great honor)

(Maxima cum laude (with very great honor))

Summa cum laude (with highest honor)

(Egregia cum laude (with outstanding honor)

Vietcatholic

Bế mạc kỳ tĩnh tâm linh mục giáo phận

Chủ Nhật, 25 tháng 11, 2012


Kỳ tĩnh tâm linh mục giáo phận Vinh gồm ba đợt, được bắt đầu từ ngày 05/11/2012, đã kết thúc tốt đẹp vào sáng ngày 23/11/2012.


Thánh lễ bế mạc diễn ra tại nhà nguyện Tòa giám mục Xã Đoài do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận chủ sự. Cùng đồng tế với ngài, có cha giảng phòng Marie Bảo Tịnh Trần Văn Bảo và khoảng 80 linh mục tham dự kỳ tĩnh tâm đợt III.

Trong tâm tình tạ ơn, Đức cha Phaolô cùng quý cha đã hiệp dâng lên Thiên Chúa lời tri ân đặc biệt, vì Người đã thương đồng hành với các tham dự viên trong suốt kỳ tĩnh tâm.

Bế mạc kỳ tĩnh tâm là khởi điểm mới và quan trọng đối với các linh mục giáo phận Vinh trong công cuộc Tân Phúc Âm hóa. Đức giám mục Phaolô đã nhấn mạnh đến ý tưởng này và mời gọi các linh mục: 

“Trong Năm Đức Tin và cũng là năm Tân Phúc Âm Hóa, Giáo hội mời gọi chúng ta củng cố đức tin của mình, đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng cứu độ duy nhất của thế giới; đồng thời Giáo hội mời gọi chúng ta ý thức trước sứ vụ loan báo Tin mừng của mình”
“Đối với các linh mục, giáo dục đức tin là trách nhiệm gắn liền với thừa tác vụ linh mục, đến nỗi các linh mục mắc nợ mọi người việc thông truyền cho họ chân lý Phúc âm mà các ngài đã nhận được từ nơi Chúa”.

Kỳ tĩnh tâm đã để lại nhiều dấu ấn tích cực đối với quý cha. Bầu khí thinh lặng thánh và huynh đệ đã tạo điều kiện cho những “người của Thiên Chúa” được gặp Chúa và anh em cách gần gũi, thân tình, mật thiết sau những tháng ngày phải đối diện với biết bao ồn ào, náo nhiệt trong hoạt động mục vụ.

“Tôi cảm thấy vui với kỳ tĩnh tâm năm nay. Chú trọng đến việc giữ thinh lặng trong thời gian tĩnh tâm theo nội quy đã đề ra, tôi dễ dàng gặp Chúa và suy gẫm sâu xa hơn về đề tài “Người của Thiên Chúa” muốn nhắn nhủ tôi điều gì trong tư cách là một linh mục!” – Một linh mục tham dự tĩnh tâm đợt II bày tỏ.

Một cha tham dự tĩnh tâm đợt III chia sẻ: “Đúng là kỳ tĩnh tâm của tình hiệp thông, hiệp thông giữa các linh mục với giám mục, hiệp thông giữa anh em linh mục với nhau”.

Đề tài của kỳ tĩnh tâm linh mục lần này đặc biệt chú trọng đến ơn gọi và vai trò của người linh mục trong tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và chính mình. Linh mục là “Người của Thiên Chúa”, trở nên dấu chỉ của tình yêu Thiên Chúa qua “đức ái mục vụ” là điều cần thiết nhất cho đời linh mục.

Tĩnh tâm theo Lecio Divina (đợt tĩnh tâm III), quý cha được lắng nghe tiếng Chúa mời gọi qua các bài đọc trong thánh lễ và nhìn lại cuộc sống ơn gọi của đời linh mục, từ đó có thể thực hành điều Chúa muốn cách cụ thể và triệt để hơn trong hành trình sứ vụ.

Xuyên suốt kỳ tĩnh tâm, lời kinh cầu cho các linh mục thường xuyên được cất lên với ước ước nguyện của toàn thể quý cha, “xin Chúa thương ban ơn soi sáng cho các linh mục biết liên kết mọi người nên một trong yêu thương và an bình, biết giúp cho dân Chúa chung sức kiến tạo Giáo hội thành muối men và ánh sáng Tin Mừng cho cộng đồng dân tộc cùng thế giới hôm nay” (Kinh cầu cho các linh mục).     

J.B Quốc Tuấn

Quốc hội Cộng hòa Séc phê chuẩn việc trả lại tài sản chiếm đoạt của Giáo hội

Thông tín viên Reuters



 Nhà thờ Tyn ở Prague

Quốc hội Séc đã phê chuẩn một kế hoạch trả lại tài sản của Giáo hội trị giá hàng tỉ đôla bị chiếm đoạt bởi nhà cầm quyền cộng sản trong một cuộc đầu phiếu được coi là thắng lợi của Thủ tướng Petr Necas ngày thứ Năm vừa qua.

Số tài sản trị giá khoảng 7 tỷ USD sẽ được trả lại trong 3 thập niên tới và gồm cả 6% đất đai và rừng của quốc gia nầy.

Chính phủ Séc hiện trả lương cho hàng giáo sĩ, nhưng theo thoả thuận, Giáo Hội sẽ dần dần mất sự tài trợ nầy của chính phủ. 





(Church of Mother of God before Týn in Prague, 2007/Zairon)
The Czech parliament on Thursday approved an ambitious plan to return billions of dollars worth of church property that was confiscated by the communists in a vote that represented a victory for Prime Minister Petr Necas.
The law envisages handing churches land, property, and financial compensation worth about $7 billion over a period of 30 years. Under the plan, the churches would become independent from the state and gradually stop getting government financing.
The agreement should unlock about 6 percent of the country’s forests and fields that once belonged to mostly Christian churches but which have been tied up pending a resolution of the restitution question.
That land, which was confiscated by the communists after 1948, could in future be developed, rented or sold.
The 200-seat lower house of parliament approved the necessary legislation with 102 MPs voting in favor, overturning a veto by the Senate, the upper house, which opposed the move.
After two decades of negotiations among politicians led by the Roman Catholic Church, the churches are delighted with the agreement, hoping it will restore their fortunes and reverse their declining role in Czech society.

Di dân giáo xứ Thuận Nghĩa tại miền Nam mừng lễ bổn mạng

Thứ Năm, 22 tháng 11, 2012



Ngày 18/11/2012 tại giáo xứ Nghĩa Sơn (giáo phận Xuân Lộc), anh chị em di dân của giáo xứ Thuận Nghĩa tại miền Nam đã tổ chức trọng thể lễ thánh Phêrô Vũ Đăng Khoa, quan thầy và cũng là đồng hương của họ.

Thánh lễ do cha Anton Nguyễn Văn Đính, quản xứ Thuận Nghĩa, chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có các cha: Anton Võ Thành Công, Tôma Võ Minh Danh (Đà Nẵng), GB Phạm Quang Long, Bosco Nguyễn Xuân Minh (O. Cist.), Giuse An Chu Văn Phương (O. Cist.), Phêrô Trần Văn Thanh, Pascal Nguyễn Ngọc Tĩnh (OFM).

Cộng đoàn tham dự ngoài anh chị em di dân Thuận Nghĩa còn có bạn bè từ các giáo xứ của giáo phận nhà.

Thánh Phêrô Vũ đăng Khoa sinh năm 1790 tại giáo xứ Thuận Nghĩa. Khi còn nhỏ, cậu Vũ đăng Khoa luôn tỏ ra là người con ngoan ngoãn, đạo đức có chí hướng sống và làm việc đạo.

Có thể ngài theo học ở Tiểu chủng viện Hướng Phương và Kẻ Vĩnh, vì thời bấy giờ giáo phận Tây Đàng Ngoài chỉ có 2 Tiểu chủng viện đó. 


Mãn tiểu chủng viện, ngài được gửi đi học tại Đại chủng viện Đàng Ngoài. Trong thời gian giúp xứ, ngài tỏ ra là con người “nết na, nghiêm trang, không hay chơi bời”, và "có lòng đạo đức sốt sắng", theo như nhận xét của giáo dân.


Năm 1830, ngài được thụ phong linh mục tại Kẻ Vĩnh ở tuổi 40 tuổi. Sau khi thụ phong, ngài từng giúp các xứ Bạch Bát (Ninh Bình), Thanh Chương (Nghệ An), Kẻ Đông (Hà Tỉnh), Lũ Đăng (Tân Phong, Quảng Bình) giúp cha thánh Vincent Nguyễn Thì Điểm, Làng Ngang (Vĩnh Phước - Hòa Ninh, Quảng Bình), Cồn Dừa (Kinh Nhuận, QB).

Cha Khoa bị bắt vào ngày lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Ysave, ngày 2 tháng 7 năm 1838; đến ngày 8/7/1838, bị giải vào Đồng Hới, Quảng Bình. Tại đây, ngài tử đạo ngày 24/11/1838 ở tuổi 48, sau 8 năm làm linh mục.



GB Phạm Quang Long

Tân Phúc âm hóa là gì?

Thứ Tư, 21 tháng 11, 2012

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã giải thích ý nghĩa của từ "tân Phúc âm hóa" trong bài giảng thánh lễ bế mạc kỳ tĩnh tâm thường niên lần thứ 7 của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 của giáo phận Vinh chiều ngày 19/10/2012. Sau đây là nguyên văn bài giảng đó. Tựa đề là của ban biên tập.


Một sự trùng hợp rất ý nghĩa khi lần tĩnh tâm năm nay của Gia đình Thánh Tâm cụm 4 đã diễn ra trong bầu khí của Năm Đức Tin và vào thời điểm Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới đang nhóm họp tại Roma về đề tài “Tân Phúc Âm Hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo”. Có thể nói đây là một trong những chủ đề quan trọng được Đức cố Giáo hoàng Gioan Phaolo II khai triển trong các văn kiện, cũng như trong các chuyến viếng thăm mục vụ ở nhiều nơi trên thế giới, đặc biệt tại Mỹ châu Latinh, châu Phi và châu Âu.

Nhưng tân Phúc âhóa” là gì? Đâu là tầm quan trọng của nó trong Giáo Hội hôm nay? 

Về phương diện lịch sử, diễn ngữ “Tân Phúc Âm Hoá” có một xuất xứ khá rõ rệt. Trong chuyến viếng thăm mục vụ tại Ba Lan lần I, Đức Gioan Phaolô II đã dành ba ngày cuối cùng cho Tổng giáo phận Cracovie, nơi Ngài từng là Tổng Giám mục trước khi được bầu đảm nhận nhiệm vụ kế vị thánh Phêrô. Sáng Thứ bảy, ngày 9 tháng 6 năm 1979, ngài đến Mogila, một tu viện Xitô cổ kính, được xây dựng từ thế kỷ XIII, để gặp gỡ giới công nhân. Tu viện tọa lạc trên một sườn đồi, đối diện với Nowa Huta, một thành phố thợ thuyền Xã hội chủ nghĩa đầu tiên của Ba Lan, nơi sinh sống của khoảng 200.000 dân, đa số là công nhân trẻ.

Đối diện với thực trạng bi thảm của dân tộc Ba Lan, Đức Gioan Phaolô II yêu cầu phải trở về với truyền thống văn hóa dân tộc. Trong bài giảng lịch sử hôm đó cũng như một số bài diễn văn sau đó, hai từ “tân” và “tái phúc âm hoá” được sử dụng đồng thời và lẫn lộn. Một số ý kiến phản hồi đề nghị phân biệt “tân phúc-âm-hóa” với “tái phúc-âm-hóa”, bởi vì hạn từ “tái phúc-âm hóa” sẽ gây hiểu lầm là công cuộc rao giảng Tin Mừng trước đây thiếu sót, sai lạc hoặc không còn hiệu năng, cho nên phải xóa bàn làm lại tất cả và từ đầu. Có lẽ đề nghị này đã được Đức Gioan Phaolô II tiếp thu. Điều chắc chắn là chỉ ít lâu sau, trong các văn kiện chính thức người ta chỉ thấy diễn ngữ “tân phúc âm hoá”.

Đặc biệt nhất, ngỏ lời trước hội nghị các Giám-mục Mỹ châu La-tinh họp tại Port-au-Prince, Haiti, ngày 9 tháng 3 năm 1983, Đức Gioan Phaolô II xác quyết  rõ rệt quan niệm “tân phúc âm hoá” nói trên: “Việc kỷ niệm 500 năm loan báo Tin Mừng (tại Mỹ châu La-tinh) sẽ có một ý nghĩa tròn đầy nếu đi kèm với hành động dấn thân của quý chư huynh Giám mục, cùng với hàng linh mục và giáo dân; dấn thân, không phải để tái phúc-âm-hóa (re-evangelización), mà là tân phúc-âm-hóa (nueva evangelización). Mới trong sự nhiệt thành, trong phương pháp, trong lối diễn tả”.

Tài liệu làm việc của Thượng Hội đồng Giám mục Thế giới về đề tài “Tân Phúc âm hóa để thông truyền đức tin Kitô giáo” đã lấy lại nguyên văn định nghĩa trên. Ý nghĩa chữ “tân” hay “mới” ở đây không đề cập đến bản chất và nội dung của Tin Mừng, vì Lời Chúa hôm qua, hôm nay và mãi mãi vẫn bất biến, vẫn y nguyên, thiên thu vạn đại. Cái mới nói đây đúng hơn ám chỉ lòng nhiệt thành của các tín hữu trong hăng say dấn thân sống và loan báo Lời Chúa, cũng như trong việc sử dụng phương pháp, ngôn ngữ và cách thế diễn tả Tin Mừng thích hợp với nhu cầu thời đại và con người hôm nay.
Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI đã nhận định sâu sắc những thách đố mà thời đại đa văn hóa, đa phức tôn giáo và toàn cầu hóa đang đặt ra cho sứ vụ loan báo Tin Mừng. Ngài nêu rõ sự phức tạp, chập chùng ánh sáng và bóng tối mà những biến chuyển thời đại cống hiến cho chúng ta: “Xét về một mặt, nhân loại đã được hưởng những lợi ích không thể phủ nhận từ những thay đổi này, và Hội Thánh cũng đã rút ra được từ đó những kích thích để làm chứng cho niềm hy vọng mình ấp ủ; nhưng mặt khác, đã có một sự mất mát đáng lo ngại trong ý thức về sự linh thánh, nó thậm chí chất vấn cả những nền tảng mà có thời được coi là không thể lay chuyển, như niềm tin vào Đấng Sáng Tạo và Quan Phòng, mạc khải về Đức Giêsu là Đấng Cứu Thế duy nhất, và một sự hiểu biết chung về các kinh nghiệm cơ bản của con người: đó là sự sinh ra, sự chết, đời sống gia đình, và sự qui chiếu về một luật đạo đức tự nhiên”.

Đối diện với những thay đổi sâu rộng về khoa học kỹ thuật, xã hội, văn hoá..., các cộng đoàn Kitô giáo một lần nữa cần hăng hái đứng lên, can đảm dấn thân, cố gắng tìm ra thời giờ, nghị lực, phương tiện, ngôn ngữ và kinh nghiệm tôn giáo mới ngõ hầu đem Chúa đến cho con người hôm nay. Trách nhiệm này giả thiết khả năng canh tân kinh nghiệm đức tin của các cộng đồng Kitô giáo. Nói rõ hơn, để có thể loan báo Tin Mừng cho người khác, trước hết chúng ta phải Tin Mừng hóa bản thân, gia đình và xã hội.

Về lại Linh địa Trại Gáo trong Năm Đức tin của Giáo hội, tất cả chúng ta được mời gọi nghiêm chỉnh nhìn lại bản thân, kiểm điểm lại cuộc đời, kiểm tra lại cách thức “giữ đạo” của chúng ta. Phải chăng cho đến nay chúng ta chỉ giữ đạo theo thói quen, nặng hình thức, vụ luật, thiếu gương lành, thiếu tình bác ái yêu thương. Vì vậy, cách “giữ đạo” của chúng ta chưa có tính thuyết phục và sức lan tỏa cho người khác.

Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định sâu sắc: “Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ Chúa nhật, kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo vẫn là cái nôi nuôi dưỡng và thông truyền đức tin cho con cái. Tuy nhiên, nơi một số người, việc giữ đạo chỉ theo tập tục và thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực cho những chọn lựa quan trọng trong đời sống. Nơi một số người khác, đời sống đức tin quá thiên về tình cảm, chỉ giới hạn vào một số thực hành nghi lễ và luân lý. Ngoài ra, do ảnh hưởng của thời đại đề cao lối sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin, nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm thông truyền đức tin cho con cái”.

Trong Năm Đức Tin này, Hội đồng Giám mục thiết tha kêu gọi “mọi thành phần Dân Chúa tại Việt Nam củng cố đức tin của mình, hoán cải và đổi mới đời sống, trở về với Chúa là Đấng Cứu độ duy nhất của thế giới. Khi chúng ta tái khám phá niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say dấn thân cho công cuộc Tân Phúc Âm Hóa loan báo Tin Mừng cho 93% người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Phúc Âm thấm nhập mọi lãnh vực đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh theo những giá trị Tin Mừng và truyền thống văn hoá  của dân tộc”.

Đây là một cơ hội hồng phúc giúp chúng ý thức rằng một đức tin toàn diện phải bao gồm các mặt: tuyên xưng, cử hành, sống và làm chứng. Chính vì vậy, hơn bao giờ hết, chúng ta cần vun đắp giáo phận, giáo xứ, hội đoàn và nhất là gia đình vững mạnh. Thật vậy, “trong suốt lịch sử mấy trăm năm của Giáo Hội công giáo tại Việt Nam, gia đình vẫn là cái nôi thông truyền đức tin cho con cái, là trường dạy giáo lý đầu tiên cho thế hệ trẻ, là nơi đào tạo những Kitô hữu vững mạnh trong đức tin và gương mẫu trong đời sống đạo đức. Ngày nay, dù phải đối diện với nhiều lo toan trong cuộc sống, xin anh chị em cố gắng duy trì và phát huy truyền thống tốt đẹp này của gia đình công giáo. Hãy xây dựng gia đình mình thành ngôi nhà thờ phượng Chúa, trường dạy đức tin, và mái ấm tình thương. Đây là phương thế cụ thể và hữu hiệu nhất để anh chị em góp phần vào công cuộc Tân Phúc Âm Hóa mà Chúa Giêsu đã trao phó cho Giáo Hội và từng người chúng ta”.

Nếu sứ điệp trên được gửi đến tất cả các gia đình Công giáo, thì chắc chắn nó sẽ mang một ý nghĩa đặc biệt cho Gia đình Thánh Tâm nói riêng. Thiết tưởng dịp tĩnh tâm này là cơ hội tốt để các thành viên Gia đình Thánh Tâm nhìn lại mối tương quan của mình đối với Chúa và với anh chị em đồng loại. Chúng ta chỉ khư khư giữ bằng được một số lễ nghi tập tục hay cố gắng sống và loan báo Tin Mừng? Ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô đòi hỏi chúng ta phải sống tốt và gương mẫu hơn người khác, thì phải chăng mỗi thành viên của Gia đình Thánh Tâm có nhiệm vụ sống tốt hơn nữa. Chính vì vậy, không thể chấp nhận hiện tượng các thành viên xuống cấp, gây gương mù và xáo trộn trong cộng đồng. Hơn ai hết, phải chăng các thành viên Gia đình Thánh Tâm phải hăng say loan báo Tin Mừng cho người chưa biết Chúa, với nhiệt huyết, phương pháp và ngôn ngữ mới?

Nguyện xin Thiên Chúa, nhờ lời bầu cử của Đức Maria, Đấng được chúc phúc vì đã tin và các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúc lành cho toàn thể giáo phận Vinh, cũng như các thành viên của Gia Đình Thánh Tâm hiện diện cũng như vắng mặt.

Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp

Nghi thức chúc lành khi hành hương Năm Đức Tin

Những điều cần biết trước

Trong đời sống mục vụ, nên coi trọng những cuộc hành hương đến những nơi thánh, hoặc để tổ chức một cử hành đặc biệt, vì chúng thôi thúc các tín hữu ăn năn hối cải, nuôi dưỡng đời sống Kitô giáo và cổ vũ sáng kiến tông đồ.

Phải lo giữ lại điều riêng biệt của việc hành hương Kitô giáo, là bản chất thiêng liêng của chúng, và lo trình bày cũng như chuẩn bị cách thích hợp để những người hành hương thực sự trở nên "những người lên đường đi rao giảng Chúa Kitô" (CĐ Vaticanô II: Sắc lệnh về Tông đồ giáo dân, số 14) và để họ nhận được hiệu quả dồi dào do việc hành hương này.

Vậy để những người hành hương dễ đạt được điều đó, thì thường rất có ích là lúc khởi đầu và kết thúc cuộc hành hương, nên tổ chức một cử hành thích hợp để những người hành hương được nhận lãnh phép lành đặc biệt.

Nếu vào lúc khởi đầu hay kết thúc cuộc hành hương mà muốn cử hành thánh lễ hay một giờ kinh phụng vụ, hoặc một cử hành phụng vụ nào khác, thì có thể kết thúc các cử hành đó bằng một chúc lành đặc biệt cho những người hành hương, theo nghi thức đề nghị dưới đây.

Cả linh mục lẫn phó tế có thể sử dụng nghi thức trình bày dưới đây. Cần giữ lại cấu trúc và những yếu tố quan trọng hơn, rồi có thể thích ứng theo hoàn cảnh của cuộc hành hương hay của địa phương.

1. NGHI THỨC CHÚC LÀNH KHI BẮT ĐẦU LÊN ĐƯỜNG CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

Tại các giáo xứ

1.1. Nghi thức mở đầu

Khi đoàn người hành hương đã tụ họp lại, nên hát thánh vịnh 121 (122), hoặc ca khúc nào khác thích hợp. Kết thúc bài hát, chủ sự đọc:

Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần.

Mọi người làm dấu Thánh giá trên mình và thưa:
Amen.

Rồi chủ tế chào những người hiện diện và nói:

Xin Thiên Chúa là Đấng cứu độ và là niềm an ủi của chúng ta, ở cùng tất cả anh chị em.

Đ. Và ở cùng cha

Bấy giờ chủ sự dùng những lời sau đây hoặc tương tự để dọn lòng những người hiện diện đón nhận phép lành.

Anh chị em rất thân mến, lên đường tham dự cuộc hành hương cử hành Năm Đức Tin, chúng ta hãy hồi tưởng lại xem tư tưởng nào đã làm cho chúng ta có quyết định thánh thiện này.

Việc cử hành chúng ta sẽ tham dự làm chứng cho đức tin của chúng ta đối với Thiên Chúa, Đấng đã ban cho chúng ta đức tin, nhờ đó, chúng ta được trở nên con cái Chúa, đáng được hưởng gia tài của Chúa. Vì thế, khi hành hương về, chúng ta hy vọng sẽ được mạnh mẽ hơn trong quyết tâm thăng tiến đời sống đức tin và hăng hái thông truyền đức tin đó cho mọi người, đạc biệt là những người chưa nhận biết Chúa.

1.2. Lời Chúa: Dt 10,19-25

Trích thư gửi tín hữu Do Thái.

Thưa anh em, nhờ máu Ðức Giêsu đã đổ ra, chúng ta được mạnh dạn bước vào cung thánh. Người đã mở cho chúng ta một con đường mới và sống động qua bức màn, tức là chính thân xác của Người. Chúng ta lại có một vị tư tế cao trọng đứng đầu nhà Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta hãy tiến lại gần Thiên Chúa với một lòng chân thành và một đức tin trọn vẹn, vì trong lòng thì đã được tẩy sạch mọi vết nhơ của lương tâm, còn ngoài xác thì đã được tắm rửa bằng nước tinh tuyền. Chúng ta hãy tiếp tục tuyên xưng niềm hy vọng của chúng ta cách vững vàng, vì Ðấng đã hứa là Ðấng trung tín. Chúng ta hãy để ý đến nhau, làm sao cho người này thúc đẩy người kia sống yêu thương và làm những việc tốt. Chúng ta đừng bỏ các buổi họp, như vài người quen làm; trái lại, phải khuyến khích nhau, nhất là khi anh em thấy Ngày Chúa đến đã gần.

Tuỳ nghi, chủ sự có thể nói ít lời với những người hiện diện, giải thích bài đọc Kinh Thánh để họ có thể hiểu được ý nghĩa của việc cử hành.

1.3. Lời nguyện chung

Chúng ta hãy tin tưởng nguyện cầu Thiên Chúa cho cuộc lữ hành của loài người chúng ta và nguyện rằng:

Đ. Lạy Chúa, xin thương đồng hành với chúng con.

Lạy Cha chí thánh, xưa chính Cha đã tự nguyện làm người hướng dẫn và là đường đi cho dân Cha lữ hành trong sa mạc: xin cho chúng con vững tin vào sự quan phòng đầy yêu thương của Cha trong quãng đời lữ thứ trần gian này, đặc biệt khi chúng con gặp nghi nan bối rối. Đ.

Cha đã ban Con Một Cha làm đường dẫn chúng con về với Cha, xin cho chúng con biết vững lòng phó thác và kiên nhẫn đi theo Người. Đ.

Cha đã ban Đức Maria trọn đời đồng trinh cho chúng con như hình ảnh và mẫu gương cuộc sống đức tin, xin cho chúng con luôn biết nhìn ngắm Đức Mẹ mà dấn bước trên những nẻo của Tin Mừng. Đ.

Nhờ Chúa Thánh Thần, Cha đưa dẫn Hội Thánh lữ hành trần thế đi về với Cha, xin ban ơn để khi tìm kiếm Cha trên hết mọi sự, chúng con biết chạy theo đường mệnh lệnh của Cha. Đ.

Cha kêu gọi chúng con đến với Cha qua nẻo đường công lý và bình an, xin ban ơn, để, ngày kia, chúng con được chiêm ngắm Cha trên quê hương muôn đời. D.

1.4. Lời nguyện chúc lành

Bấy giờ chủ sự dang tay đọc tiếp:

Lạy Thiên Chúa toàn năng, Chúa luôn tỏ lòng thương xót những ai yêu mến Chúa và, ở bất cứ nơi đâu, Chúa vẫn gần gũi những người tìm kiếm Chúa, xin  hiện diện kề bên các tôi tớ Chúa đang hành hương với tâm hồn đạo đức và dẫn đường cho họ đi theo thánh ý Chúa, để ban ngày họ được Chúa phủ bóng chở che cho được an toàn và ban đêm được ánh sáng ơn thánh Chúa soi đường, hầu, có Chúa đồng hành, họ có thể hân hoan đạt tới nơi họ muốn tới. Chúng cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.

Đ. Amen

1.5. Kết thúc nghi lễ

Bấy giờ chủ sự kết thúc nghi thức và đọc:

Xin Thiên Chúa dẫn lối chỉ đường cho chúng ta và sắp đặt để đường chúng ta đi được an toàn may mắn.

Đ. Amen

Xin Chúa ở bên chúng ta và đoái thương đồng hành với chúng ta.

Đ. Amen

Nhờ Chúa phù trợ, xin cho chúng ta hân hoan hoàn tất lộ trình mà giờ đây chúng ta tin tưởng khởi hành.

Đ. Amen

Nên hát một bài thích hợp.
2. NGHI THỨC CHÚC LÀNH KHI KẾT THÚC CỬ HÀNH NĂM ĐỨC TIN

Kết thúc thánh lễ, giờ kinh phụng vụ hay một cử hành khác, thay vì phép lành thông thường, chủ sự sẽ chúc lành cho mọi người hành hương theo công thức sau đây:

2.1. Nghi thức mở đầu

Chủ sự: Chúa ở cùng anh chị em.
Cộng đoàn: Và ở cùng cha.
Rồi chủ tế nói với những người hiện diện:
Chủ sự: Anh chị em thân mến,
Thiên Chúa đã ban cho chúng ta một thời gian đặc biệt của ơn thánh. Vậy chúng ta đã tin tưởng vào việc cử hành Năm Đức Tin này, giờ đây chúng ta được thúc đẩy từ bên trong để canh tân tâm hồn. Nơi mà chúng ta đã cùng nhau tụ họp lại để khai mạc Năm Đức Tin là dấu chỉ tòa nhà của Thiên Chúa, tòa nhà không do tay người phàm làm ra, đó chính là Thân Thể Đức Kitô, mà chúng ta là những viên đá sống động được tuyển chọn, được dựng xây trên Người là viên đá góc. Giờ đây trở về nhà, chúng ta hãy sống ơn gọi đức tin của chúng ta, nhờ ơn gọi này, chúng ta thực sự là dòng dõi được tuyển chọn, là tư tế hoàng vương, là dân thánh và là đoàn dân được cứu chuộc, để chúng ta loan báo quyền năng của Người là Đấng đã kêu gọi chúng ta ra khỏi nơi tối tăm để vào trong ánh sáng kỳ diệu của Người.
2.2. Lời cầu
Từ những lời cầu đề nghị dưới đây, chủ tế có thể chọn những lời cầu xem ra thích hợp hơn hoặc thêm vào những lời cầu khác liên hệ tới hoàn cảnh đặc biệt của những người hành hương hoặc của sự việc.
Chúng ta hãy khẩn khoản nài xin Chúa là Chúa trời đất, Đấng đã muốn cho nhân tính của Đức Kitô có trọn vẹn thần tính, và nguyện rằng:
Đáp: Lạy Chúa, từ đền thánh Chúa xin nhìn đến và chúc lành cho dân Chúa.
Lạy Cha chí thánh, Cha đã muốn dùng cuộc xuất hành vượt qua để hình dung cách mầu nhiệm cho dân Cha thấy trước con đường cứu độ phải đi, xin ban ơn để khi dấn bước trên những nẻo đường đời, chúng con biết mở rộng cõi lòng và tự nguyện đi theo Cha. - Ðáp.
Cha đã đặt Giáo Hội như một đền thánh nơi trần gian để nên ánh sáng đích thực chiếu soi mọi người, xin làm cho nhiều dân tộc ở khắp nơi tìm về với Hội Thánh và bước đi trên những nẻo đường của Cha. - Ðáp.
Là Thiên Chúa, Cha đã quả quyết rằng không thành đô nào nơi trần gian có thể tồn tại, xin cho chúng con biết tin tưởng tìm kiếm thành đô thiên quốc. - Ðáp.
Cha đã dạy phải nhận ra sự hiện diện của Cha trên mọi nẻo đường đời, xin cho chúng con được Con Cha làm bạn đồng hành lúc đi đường, và là vị đồng bàn khi bẻ bánh. - Ðáp.
2.3. Lời nguyện chúc lành
Chủ tế dang tay và đọc tiếp:
Chúc tụng Thiên Chúa là Cha Đức Giêsu Kitô Chúa chúng con, từ mọi dân tộc, Chúa đã chọn cho Chúa một dân biết tôn kính Chúa và thực thi những việc tốt lành: Chính Chúa đã ban thần khí đánh động tâm hồn những người anh chị em này để họ trung thành gắn bó với Chúa và mau mắn phụng thờ Chúa hơn, chúng con nài xin Chúa đoái thương đổ tràn phúc lành xuống trên những người này, để khi vui mừng trở về nhà, họ biết dùng lời nói mà ca ngợi và dùng việc làm mà công bố cho mọi người những kỳ công của Chúa. Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con.
Đ. Amen.
2.4. Kết thúc nghi thức
Chủ tế: Xin Thiên Chúa là Chúa trời đất, Đấng đã thương hiện diện với anh chị em trong cuộc hành hương này, luôn che chở gìn giữ anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa là Đấng đã làm cho con cái Ngài đang bị phân tán được đoàn tụ trong Đức Kitô Giêsu, cũng làm cho anh chị em được nên một lòng một ý với nhau trong Người.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa là Đấng đã đoái thương gợi lên nơi anh chị em ý muốn hành hương và giúp anh chị em thực hiện ý muốn đó để làm đẹp lòng Ngài, ban phúc lành củng cố lòng đạo đức của anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Xin Thiên Chúa toàn năng là Cha + và Con và Thánh Thần ban phúc lành cho anh chị em.
CĐ. Amen.
CT: Lễ xong chúc anh chị em đi bình an.
CĐ. Tạ ơn Chúa.
Nên kết thúc bằng một bài hát thích hợp. Có thể hát bài “Lạy Chúa con tin” hay "Cánh cửa đức tin"

Vài cảm nhận về tuần tĩnh tâm linh mục

GPVO - Một linh mục vừa tham dự tuần tĩnh tâm đợt thứ hai đã gửi cho GPVO cảm nhận của mình về những ngày tĩnh tâm vừa qua. Xin giới thiệu cùng độc giả để biết cảm nghĩ của người trong cuộc như thế nào.

Anthony Hoàng Nguyễn

Linh mục là người nhà Thiên Chúa, là cánh cộng sự viên của giám mục trong việc điều hành giáo phận, với một thánh chức kèm theo một sứ vụ cao cả mà ngay cả các Thiên Thần cũng không thể có: đó là việc coi sóc các linh hồn! Tắt một lời: các ngài là những mục tử.

Tuy nhiên, là linh mục, trước hết, các ngài vẫn là con người đầu đen, máu đỏ, được sinh ra, lớn lên trong giai đoạn lịch sử cụ thể. Vì thế, ngài cũng cần được cứu rỗi.

Thánh Augustino đã từng nói rất chí lý: "Cho anh em, tôi là mục tử; với anh em, tôi là Kitô hữu."

Như cỗ máy, theo thời gian sử dụng, cần được chỉnh sửa, bảo dưỡng định kỳ kịp thời, đúng lúc, các linh mục cũng cần được tiếp tục huấn luyện, bồi dưỡng, nâng cao về nghiệp vụ và tâm linh.

Trải qua dòng lịch sử, các đấng bề trên dành mối quan tâm hằng đầu về vấn đề này. Cụ thể, các ngài đã tạo mọi điều kiện tốt nhất, tìm thầy chạy thợ, mời các chuyên viên hàng đầu trong lĩnh vực tâm linh, về giúp giảng huấn trong tuần tĩnh tâm.

Hằng năm, ngoài tuần tĩnh tâm còn có các kỳ thường huấn chuyên đề. Nếu như kỳ thường huấn được tổ chức với mục đích giúp cho các linh mục ôn lại, rà soát, nắm vững các vấn đề cơ bản cũng như nâng cao về thần học tín lý, luân lý, mục vụ, giáo luật..., thì tuần tĩnh tâm nhấn mạnh đến ơn gọi và phần rỗi của các linh mục. 

Tuần tĩnh tâm năm nay được chia làm ba đợt dành cho ba nhóm, chia theo năm chịu chức linh mục. Ngoài lý do kỹ thuật mục vụ, còn do điều kiện cơ sở vật chất Toà giám mục không thể tổ chức tĩnh tâm cùng lúc cho hơn 200 linh mục.

Với mục đích giúp cho tuần tĩnh tâm đạt kết quả cao nhất, mang lại nhiều ích lợi thiêng thánh cho cá nhân từng linh mục và giáo phận, ban tổ chức đã chuẩn bị chu đáo. Cụ thể, nhà ăn và cũng là hội trường đã được tu sửa cách cơ bản. Khuôn viên, hàng rào được chỉnh trang, đẹp đẽ, thoáng mát.

Vị giảng phòng năm nay là cha Giuse Hoàng Văn Quảng, một linh mục dòng Tên, chuyên viên về tĩnh tâm và linh thao. Ngài đã chọn lại chủ đề: Người của Thiên Chúa. Chủ đề này tuy không mới, cũ rồi, nhưng nói mãi, nghe không chán, không đủ và không cùng. 

Với chất giọng trầm ấm, nhẹ nhàng, ngài đã đưa các linh thao viên đi vào sa mạc tĩnh lặng, để ở đó, các vị khám phá chính bản thân mình trong mối tương quan với Chúa và tha nhân. Từ đó, các linh thao viên, được hướng dẫn tìm gặp Thiên Chúa, rồi nghỉ ngơi trong Ngài, cảm nghiệm được tinh thần của Ngài, lắng nghe nhịp đập con tim của Chúa đang vọng bên tai. Với sự kinh nghiệm của mình, vị giảng phòng đã giúp cho các linh thao viên ý thức được vai trò, sứ mạng người mục tử trong bối cảnh xã hội đương đại. 

Là người của Thiên Chúa, các linh mục được mời gọi kết hợp với Chúa mọi nơi, mọi lúc, khi đi ngủ cũng như lúc thức dậy, khi ở nhà cũng như lúc đi đường. Nhờ đó, mà các linh mục mới thực sự là hiện thân của Chúa giữa lòng đời, là địa chỉ tìm về cho những tâm hồn bơ vơ, lạc lối, thất vọng, hoài nghi hôm nay.

Bên cạnh chủ đề mang tính thời sự, hữu ích, người hướng dẫn giàu kinh nghiệm và thông thái, thì thời khoá biểu hợp lý và không gian tĩnh lặng bên ngoài cũng là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của tuần tĩnh tâm.

Có thể mạnh dạn nói rằng tuần tĩnh tâm linh mục giáo phận Vinh thành công, mang lại nhiều điều bổ ích cho các linh mục. 

Chúng tôi, những người trong cuộc, xin mạo muội cảm ơn Đức cha đã lo lắng, đồng hành chia sẻ trong suốt cả thời gian hồng phúc này. Xin chân thành cảm ơn cha giảng phòng đã mang đến một đề tài hay, chứa đựng lịch sử thánh Cựu Ước, cũng như những kinh nghiệm gặp gỡ Chúa của cha và các thánh cho chúng tôi. 

Xin chân thành cảm ơn quý cha, quý thầy, quý xơ và các nhân viên Toà giám mục đã hy sinh, tận tuỵ giúp đỡ chúng tôi. 
Chúng tôi, những mục tử hẳn, không bao giờ quên những lời cầu nguyện của anh chị em xa gần của giáo phận nhà và cả những đoàn thể, giáo xứ lân cận đến động viên, tặng quà cho chúng tôi trong dịp này. 

Xin Chúa trả công bội hậu cho những người làm phúc cho chúng con.

Mỗi dịp tĩnh tâm là mỗi dịp lấy lại đà, tiếp thêm sức mạnh, để bước tiến một cách chắc chắn trên hành trình thiêng liêng và sứ vụ của mình. Xin Chúa chúc lành cho các linh mục của Ngài.