Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp thăm giáo xứ VN tại Paris

Thứ Sáu, 13 tháng 7, 2012


Paris. Chúa nhật 08/07/2012, Giáo xứ Việt Nam được hân hạnh đón tiếp Đức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám Mục Chính Tòa Địa phận Vinh, Chủ tịch Ủy Ban Công Lý – Hoà Bình.


Nhân chuyến công du mục vụ Rôma và Âu châu, Đức cha Phaolô đã ghé thăm Giáo Xứ Việt Nam Paris, chủ tế thánh lễ đồng tế với Tân Linh Mục Phêrô Nguyễn Văn Hoàn và Ban Giám Đốc Giáo Xứ, chia sẻ Lời Chúa và nghe báo cáo của HĐMV về giới trẻ và về giáo điểm mục vụ CERGY.


1. Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, giám mục của «Sự thật và Tình yêu»

Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP, sinh ngày 01-02-1945 tại Giáo xứ Làng Anh (Nghi Phong, Nghi Lộc, Nghệ An), Giáo phận Vinh; Ngày 15-8-1964, vào Tập viện Dòng Ða Minh tại Vũng Tàu; Từ 1965 đến 1972, học triết học và thần học tại Học viện Ða Minh Vũng Tàu và Thủ Ðức; Từ 1968 đến 1971, học tại Ðại học Văn khoa Sài Gòn. Tốt nghiệp Cử nhân Triết học Ðông Phương.

Ngày 8-8-1972, Ngài được thụ phong Linh mục tại Sài Gòn; Từ 1972 đến 1978, tiếp tục theo học tại Ðại học Fribourg (Thụy Sĩ) và tốt nghiệp Tiến sĩ Triết học Tây phương; Trong hai năm 1978-1979, học chính trị kinh doanh tại Ðại học Genève, Thụy sĩ; Từ 1981 đến1986, Giáo sư tại Phân khoa Thần học Lima, Péru; Từ 1984 đến 1991, Giáo sư và Giám đốc Học vụ của Học Viện Thần học Gioan XXIII, Lima, Péru; Từ 1989 đến 1994, nghiên cứu tại Trung tâm Bartolomé de Las Casas, Lima, Péru; Năm 1994, tốt nghiệp Tiến sĩ Thần học Luân lý tại Phân khoa Thần học Ðức Mẹ Lên Trời, São Paulo, Brazil. Từ đó, Ðức Cha đã giảng dạy ở nhiều trường Ðại học trong Nước và ngoài Nước; Ðức Cha đã có nhiều cơ hội tiếp xúc và dấn thân trong nhiều môi trường giáo dục, văn hóa và xã hội: Giáo sư tại Phân khoa Xã hội thuộc Ðại Học Giáo Hoàng Thánh Tôma Aquinô, Roma (1996-2004); Giám Ðốc Học vụ của Tỉnh Dòng Ða Minh Việt Nam (2004-2007); Từ năm 2000 đến 2010, ngài thuyết giảng môn Luân Lý và Học Thuyết Xã Hội của Giáo Hội tại Trung Tâm Nguyễn Văn Bình (mà ngài làm chủ nhiệm) và tại nhiều Học Viện các dòng tu. Ngài cũng là Giáo Sư Tôn Giáo Học tại Ðại Học Quốc Gia Thành Phố Saigòn.

Ðược Ðức Thánh Cha Bênêđictô XVI bổ nhiệm làm Giám mục Giáo phận Vinh ngày 13 tháng 5 năm 2010, Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp được tấn phong Tân Giám mục Chính tòa Giáo phận Vinh tại Nhà thờ Chính tòa Xã Ðoài và là vị Giám mục thứ 105 của Giáo hội Công giáo Việt Nam.

Khi được hỏi về khẩu hiệu giám mục, ngài đã cho biết « Châm ngôn mục vụ của tôi là Sự thật và Tình yêu. Châm ngôn này được gợi hứng từ Thánh Kinh và muốn nhấn mạnh hai yếu tố căn bản của Kitô giáo: Sự thật được diễn tả bằng hai màu “đen-trắng”, lấy từ logo của Dòng Đa Minh, còn trái tim bao bọc chung quanh là biểu hiệu của tình yêu. Thấp thoáng bên dưới là hình ảnh con thuyền Giáo hội đang rẽ sóng tiến về “Sự thật và Tình yêu”. Tất cả được nối kết với nhau và gắn chặt vào thập giá của Đức Kitô. Thật vậy, đối với các Kitô hữu, Đức Kitô chính là “con đường, sự thật và sự sống” (Ga 14, 6). Không ai có thể đến với Thiên Chúa mà không ngang qua Người. Và cũng chẳng ai được cứu rỗi, nếu không yêu thương như Người đã yêu thương chúng ta.

Châm ngôn có hai vế. Vế đầu nhấn mạnh đến trách nhiệm kiếm tìm và phục vụ Chân lý. Thánh Đa Minh đã lấy việc loan báo Tin Mừng và phục vụ chân lý như ơn gọi của Dòng Giảng thuyết. Đòi hỏi đầu tiên của ơn gọi này là phải tôn trọng phản ánh chính xác của sự vật khách quan, cũng như các quy luật và giá trị của chúng. Yêu cầu tôn trọng sự thật khách quan vẫn được coi là thái độ lương thiện trí thức. Đức Giêsu cũng thường căn dặn các môn đệ: “Hễ có thì phải nói có, không thì phải nói không. Thêm thắt điều gì là do ác quỷ” (Mt 5,37). Theo thánh Tôma Aquinô, việc truy tầm chân lý đòi hỏi thái độ chân thành và biết mở rộng tâm hồn để đón nhận sự thật “bất cứ từ đâu tới và bất kỳ do ai nói”.

Đối với các Kytô hữu, ngoài sự thật tự nhiên nói trên còn phải kiếm tìm sự thật siêu nhiên, có sức cứu độ và giải thoát con người. Đó chính “Anh sáng vĩnh cửu chiếu soi trần gian”, mà Đức Kitô đem đến. Chính Ngài đã tuyên bố với người Do Thái: Sự thật sẽ giải phóng các ông và làm cho các ông được tự do, trái lại tội lỗi và lầm lạc sẽ nô lệ hóa con người, làm cho họ bị vong thân, băng hoại, khốn khổ (x. Ga 8, 31-36).

Thánh Phaolô đã diễn tả một cách thật sắc nét phần thứ hai của châm ngôn qua Bài ca đức ái (1Cor 13,1-14). Vị Tông đồ dân ngoại, mà tôi được hân hạnh nhận làm thánh quan thầy, quả quyết: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu, hay có được tất cả đức tin đến chuyển núi dời non, mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì. Giả như tôi có đem hết gia tài cơ nghiệp mà bố thí, hay nộp cả thân xác tôi để chịu thiêu đốt, mà không có đức mến, thì cũng chẳng ích gì cho tôi…”.

Chính Đức Giêsu đã coi “yêu thương” là điều răn căn bản của Kitô giáo: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em trên Trời” (Mt. 5,43-45). Bài giảng trên núi khai triển giáo lý căn bản này và trở thành một thứ Hiến chương Nước Trời: “…Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương… Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa. Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5, 7-10).

Thánh Gioan đã dám định nghĩa “Thiên Chúa là tình yêu” và quả quyết “ai không yêu thương thì không biết Thiên Chúa”(1Ga 4,8). Đây là mạc khải tối cao và nét đặc trưng của niềm tin Kitô giáo. Trong diễn văn từ biệt, chính Đức Giêsu cũng long trọng tuyên bố: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau … như Thầy đã yêu thương anh em”. Kể từ đó “yêu thương” trở thành dấu chỉ để nhân loại nhận diện người môn đệ của Đức Kitô (x. Ga 13, 34-35) (1)


2. Đức cha Phaolô chia sẻ Tin Mừng về Thiên Chúa toàn năng và những kẻ cứng lòng tin

Tin Mừng thánh Mac-cô 6, 1-6, tường thuật viêc « Đức Giêsu trở về quê quán của Ngưới, có các môn đệ đi theo. Ðến ngày sabát, Người bắt đầu giảng dạy trong hội đường. Nhiều người nghe rất đỗi ngạc nhiên. Họ nói: "Bởi đâu ông ta được như thế? Ông ta được khôn ngoan như vậy, nghĩa là làm sao? Ông ta làm được những phép lạ như thế, nghĩa là gì? Ông ta không phải là bác thợ, con bà Maria, và anh em của các ông Giacôbê, Gioxê, Giuđa và Simon sao? Chị em của ông không phải là bà con lối xóm với chúng ta sao?" Và họ vấp ngã vì Người. Ðức Giêsu bảo họ: "Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy ». Đoạn Tin Mừng này là một trả lời cho vấn nạn: « Tại sao một Thiên Chúa toàn năng lại không thể làm được phép lạ nào nơi quê hương của mình » ?

Tôi nhớ một câu chuyện ở Sài Gòn. Cha sở đến khảo các em học giáo lý. Ngài hỏi Chúa là ai ? Các em thưa: Chúa là đấng quyền phép. Ngài làm được mọi sự, ở tùm lum tùm la. Câu trả lời của các em diễn tả một điểm giáo lý quan trọng mà Công Đồng Vatican II tóm tắt rằng « Chúa là Đấng toàn năng, dựng nên trời đất, ở khắp mọi nơi. Nhưng Chúa đặc biệt hiện diên trong phép Thánh Thể, trong Lời Chúa, trong Cộng đồng và trong người nghèo hèn. Ngài có thể làm được mọi sự ».

Thiên Chúa toàn năng ấy đã làm gì nơi quê hương của mình ? Chúa Giêsu nhập thể, đã mặc lấy thân xác con người, và sống như mọi người khác, đến độ đồng hương của ngài, suốt 30 năm ở với Ngài, cũng đã không nhận ra sự khác biệt của ngài, mà chỉ nhìn thấy Ngài là bác thợ, con bà Maria, anh em của ông Giacô bê, Giuđa và Simon, bà con lối xóm với họ.

Khi Ngài đã nổi danh và trở về quê hương, thì những người này ngạc nhiên và nói về Ngài: Tại sao ông ta được như thế ? Ông ta được khôn ngoan như vậy nghĩa là làm sao ? Ông ta làm được những phép lạ như vậy nghĩa là gì ? Và họ vấp ngã vì Ngài. Ngài bảo họ: « Ngôn sứ có bị rẻ rúng, thì cũng chỉ là ở chính quê hương mình, hay giữa đám bà con thân thuộc, và trong gia đình mình mà thôi." Người đã không thể làm được phép lạ nào tại đó; Người chỉ đặt tay trên một vài bệnh nhân và chữa lành họ. Người lấy làm lạ vì họ không tin. Rồi Người đi các làng chung quanh mà giảng dạy.

Tại sao một Thiên Chúa toàn năng lại không thề nào làm được một phép lạ nào nơi quê hương mình ? Chúng ta biết rằng Chúa Giêsu đã làm các phép lạ không phải cho vinh danh riêng của mình, cũng không như một thuật phù thủy, để tìm sự cảm phục. Tất cả những phép lạ ngài làm chỉ là để khai mở, củng cố hay đáp trả một niềm tin. Với các bệnh nhân được chữa, người hủi được lành, người tật được khỏi,…Ngài đều nói với họ: Đước tin của con đã cứu con.

Bởi vậy, nơi nào chỉ có những tâm hồn nghi nan, khép kín, vấp ngã, nơi nào không có niềm tin, thì chính Thiên Chúa toàn năng cũng không thể làm gì được. Không có cái mù nào ghê bằng cái mù của người có mắt mà không thấy. Không có cái điếc nào ghê bằng cái điếc của người có tai mà không nghe. Không có cái thê thảm nào ghê hơn là cái thê thảm của những người đã nhận được nhiều tín hiệu mà không tin.

Đã nhiều lần Chúa khóc. Khóc vì con người cứng lòng, khóc vì những bạo lực, những lỗi lầm, những bất công, những khổ đau mà con người đã làm cho nhau. Và để giải quyết những bất công, những vô cảm, những ức hiếp, những độc đoán, những bóc lột ấy, Chúa đã không dùng bạo lực, nhưng dùng chân lý và tình thương. Ngài đồng hành, lấy thân phận của nạn nhân để đồng hành với nạn nhân, lấy thân phận của kẻ yếu hèn để đồng hành với người yếu hèn.

Ước mong rằng tại nơi đây, tại Giáo xứ Việt Nam Paris của chúng ta, tại Quê hương Việt nam của chúng ta, tại Giáo Điểm Con Cuông địa phận Vinh, Chúa luôn tìm được những tâm hồn rộng mở, biết nhìn, biết nghe, để đón nhận đức tin, thành những con người của niềm tin, trở thành những Kytô hữu biết rung động trước những đau khổ của đồng hương, đồng bào, và biết mang niềm tin, niềm hy vọng cho thế giới hôm nay,

3. Đức cha Phaolô chia sẻ ưu tư của Giáo xứ về tương lai của giới trẻ trong cộng đoàn và tương lai của giáo xứ

Sau thánh lễ, thầy sáu Nha đọc Thông báo mục vụ, trong đó có « Vấn đề người trẻ trong Cộng đoàn ». Đây là mối ưu tư lớn của Đức Ông Giám Đốc. Theo Đức ông, « sự hiện diện của giới trẻ trong giáo xứ tại Paris cũng như tại các cộng đoàn ngoại ô, từ 5 năm nay giảm sút một cách trầm trọng. Ngài sợ rằng không bao lâu nữa, Giáo xứ và các cộng đoàn Việt nam vùng Paris sẽ rơi vào tình trạng của các xứ đạo Pháp. Ngài rất ưu tư và tìm hiểu nhiều về điểm mục vụ quan trọng này.

Ngài nhận định rằng: Một cách chung thì số các bạn trẻ tham dự mỗi ngày một thu nhỏ lại, trong thánh lễ và sinh hoạt hàng tháng. Nguyên nhân về phía người trẻ thì vì họ bị ảnh hưởng tiêu cực của xã hội, học đường, thành ra đời sống đức tin hay đới sống đạo hạnh thành thụ động, không cởi mở, không được bồi dưỡng, mau già cỗi, mất dần ý nghĩa. Về phía những người có trách nhiệm, là Ban Giám Đốc, Hội Đồng Mục Vụ và các phụ huynh, thì không chạy theo kịp đà thay đổi, không đáp ứng được nhu cầu của tuổi trẻ, thiếu gương sáng cho người trẻ, không khắc phục được những lý luận của tuổi trẻ.

Hậu quả là Cộng đoàn sẽ thành già cỗi, thiếu bầu khí sống động và thu hút. Thiếu nhân lực, kéo theo thiếu tài lực, Sinh hoạt của giáo xứ thành đình trệ, tê liệt.

Giải quyết: Xin quý phụ huynh trao đổi, phổ biến về vấn đề này và cố gắng tìm giải pháp để chúng ta chuẩn bị cho những dịp cùng trao đổi chung trong năm mục vụ tới, kể từ tháng 10.2012.

Gốc là nhà văn hóa giáo dục, tha thiết và có nhiều kinh nghiệm về việc đào tạo giới trẻ, Đức cha Phaolô cảm kích và chia sẻ mối ưu tư này của Ban Giám Đốc về người trẻ trong công đoàn và về tương lai của giáo xứ. Sau thánh lễ, được mời ghi đôi lời lưu niệm vào sổ vàng của Giáo Xứ, Đức cha viết: « Đã hân hạnh đến giáo xứ nhiều lần, nhưng đây là lần đầu được trở lại dâng thánh lễ với giáo xứ với tư cách là Giám mục Giáo phận Vinh.

Ước vọng sâu xa là Giáo xứ ngày càng phát triển và có khả năng trả lời câu hỏi tổng kết được đọc sau thánh lễ: Đâu là tương lai của Giáo xứ và giới trẻ của Giáo Xứ Việt nam tại Paris sẽ đi về đâu » ?

Qua một cuộc gặp gỡ vắn vỏi, cùng tin và cùng dâng thánh lễ bày tỏ lòng tin vào Chúa, vào những người có lòng tin, vào bí tích Thánh Thể, vào các linh mục, đặc biệt là các tân linh mục trẻ, như cha mới Phêrô Nguyễn Văn Hoàn và vào Lời Chúa; chia sẻ với Cộng đoàn dân Chúa ở Paris về « Thiên Chúa toàn năng, quyền phép, nhưng không làm được gì trước những kẻ cứng lòng tin »; thông cảm và chia sẻ mối ưu tư của Ban Giám Đốc về sự hiện diện và tham dự sa sút của giới trẻ vào đời sống đức tin, cũng như về tương lai nhiều khó khăn của giáo xứ,..

Đức cha Phaolô đã là một hấp lực lôi kéo sự quí mến của giáo dân, nhiều người xin chụp hình chung, xin gặp riêng vài phút. Ngài đã để lại trong lòng giáo dân sự quí mến. Phải chăng vì do tâm tình Sự thật và Tình yêu dồi dào của Đức cha? Phải chăng vì do nhiệt tình cho Công lý và Hoà Bình của Đức cha ? Phải chăng vì do lòng can đảm bênh đỡ người yếu hèn, nghèo túng của Đức Cha ? Phải chăng vì do lòng dấn thân yêu thương giới trẻ của đức cha ? Phải chăng vì do đường hướng mục vụ Văn Hóa và Đức Tin rất việt nam của đức cha ?



Paris, ngày 12 tháng 07 năm ZO12
Trần Văn Cảnh
Chú thích