Bài giảng lễ an táng của Đức cha Giuse Nguyễn Tích Đức

Thứ Sáu, 27 tháng 5, 2011

Bài giảng của Đức cha Nguyễn Văn Hoà trong lễ an táng Đgm Giuse Nguyễn Tích Đức

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ,
Những lời cầu nguyện và hi lễ chúng ta dâng lên trong thánh lễ hôm nay, là để cầu cho Đức cha Giuse, nguyên là vị mục tử của giáo phận Ban Mê Thuột, sớm đạt được cuộc sống vĩnh cửu, muôn đời hưởng nhan Thánh Chúa.
Nhưng Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe lại muốn nuôi dưỡng chính chúng ta, là những người còn đang sống ở trần thế, để tiến tới một cuộc sống tốt đẹp, sẵn sàng cho một cuộc sống tốt đẹp hơn, khi Chúa gọi chúng ta về cuộc sống đích thực, vĩnh cửu.
I. Trong Cựu ước, Thiên Chúa đã hé mở, mạc khải về sự sống lại và hạnh phúc được hưởng nhan Thánh Chúa. Trong bài đọc I, ta nghe ông Gióp nói: “Tôi biết… ngày tận thế, tôi sẽ từ bụi đất sống lại… Tôi sẽ thấy Chúa tôi. Chính tôi sẽ thấy Người, và mắt tôi sẽ nhìn Người, chứ không ai khác”.
Mỗi khi kéo chuông nhà thờ, ta thấy đàn chó tru lên, vì tai nó rất thính, không chịu nổi tiếng chuông kêu. Cũng thế, mắt con người không đủ sức nhìn thẳng vào mặt trời, vì độ sáng của mặt trời quá mạnh. Thời xưa Chúa phán với Môisê trên núi Sinai: “Ngươi không thể xem thấy tôn nhan Ta, vì con người không thể thấy Ta mà vẫn sống.” (Xh 33, 20).
II. Ánh sáng cho ta hiểu phần nào về ánh sáng siêu việt của Thiên Chúa. Không ai đủ sức trông thấy Ngài trong sự cả sáng của Ngài. Khi chúng ta cầu nguyện cho Đức cha Giuse được hưởng nhan thánh Chúa là chúng ta xin Thiên Chúa mở mầu nhiệm của Ngài để Đức cha Giuse có đủ khả năng chiêm ngưỡng Ngài trực tiếp. Được hưởng nhan Chúa như thế đem lại một cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời, vượt trên mọi hạnh phúc mà con người có thể thấy ở trần gian. Hơn nữa, cuộc sống hạnh phúc tuyệt vời này sẽ bền vững mãi mãi không bao giờ mất được.
III. Nói đến sự sống, người ta thường nghĩ đến cuộc sống hiện tại ở đời này, với những niềm vui cùng với nhiều đau khổ. Một đàng thì người ta không muốn đau khổ, và muốn đẩy cái chết xa được chừng nào hay chừng đó. Đằng khác, nếu kéo dài mãi cuộc sống ở trần gian, với bệnh tật, tuổi cao sức yếu, thì lại không chịu nổi, và cũng chẳng có ai muốn như thế. Tóm lại, trong chúng ta có hai khuynh hướng trái ngược nhau: Một đàng chúng ta không muốn chết, những người thân cũng chẳng muốn chúng ta chết. Nhưng đàng khác, chúng ta cũng không muốn kéo dài cuộc sống này đến vô tận, vì nó sẽ trở thành một gánh nặng, một hình phạt.
IV. Tâm trí chúng ta như đứng trước ngã ba đường, thật lúng túng, không biết lựa chọn cách nào. Lời Chúa sẽ dẫn đường chỉ lối cho chúng ta:
a. Chúa Giêsu nói với môn đệ: “Thầy sẽ gặp lại các con, và lòng các con sẽ vui mừng, và không ai có thể lấy mất niềm vui ấy được” (Ga 16, 22).
b. Thánh Phaolô triển khai Lời Chúa và nói với chúng ta:
“Nếu ta cùng chết với Người, ta sẽ sống lại với Người” (2 Tm 2, 11).
“Đối với tôi, sống là Đức Kitô, và chết là một mối lợi” (Pl 2, 21).
c. Phụng vụ và các thánh giải thích thêm:
1. Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt tiêu tan, thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn trên trời”.
Lời kinh Tiền Tụng I cầu cho các tín hữu qua đời nhắc nhở chúng ta: cuộc sống trần gian là tạm bợ. “Sinh ký tử quy”, sống gửi thác về. Bởi vậy, không nên bám víu vào những thực tại.
2. Thánh Ambrôsiô đã từng nói: “Không nên than khóc cái chết, vì đó là nguyên do cứu độ loài người”.
3. Thánh Têrêsa Giêsu coi cái chết như cánh cửa mở ra để được nhìn thấy Chúa: “Con nóng lòng được nhìn thấy Chúa, nên con muốn chết”.
4. Đối với Thánh Têrêsa Hài Đồng: Điều mà người ta thường gọi là sự chết, thì ngài gọi là một bước tới sự sống. Ngài nói: “Tôi không chết, tôi đang bước vào cõi sống”.
V. Nói về Thiên đàng, nơi Chúa hứa ban cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu, thánh Phaolô đã diễn tả như sau:
“Điều mắt chẳng hề thấy, tai chẳng hề nghe, lòng người không hề nghĩ tới, đó lại là điều Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai mến yêu Người” (1 Cr 2,9).
Hạnh phúc khi con người được hiệp thông với Thiên Chúa, đồng thời, cũng được hiệp thông với tất cả những người ở trong Đức Kitô thì vượt quá sự hiểu biết và mọi sự diễn tả của con người. Thánh Kinh thường nói với chúng ta về mầu nhiệm này bằng các hình ảnh: Sự sống, ánh sáng, sự bình an, tiệc cưới, rượu Nước Trời, Nhà Cha, thành Giêrusalem thiên quốc, thiên đàng, thấy Thiên Chúa. Và giáo lý thường dùng kiểu nói: sự sống đời đời, cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu, cuộc sống ngàn thu…
VI. Cuộc sống đích thực và vĩnh cửu là cuộc sống mai sau, ở bên kia thế giới hiện tại mà chúng ta đang sống, nhưng lại liên quan mật thiết đến thế giới này. Có sống lương thiện, đạo đức ở đời này, thì mới được hưởng hạnh phúc đời sau.
VII. Chúa Giêsu dạy chúng ta những nhiệm vụ chính yếu đối với bản thân và đối với tha nhân. Ngài dạy chúng ta qua 8 mối Phúc Thật: không ham tiền bạc của cải, biết thương người, sống hiền lành nhẫn nhục, không gây thù oán, đi tìm sự thật và công lý, gieo rắc tinh thần bác ái, hòa thuận, kể cả khi bị bắt bớ về sự công chính, thì sẽ được Nước Trời làm phần thưởng.
Khi nói về cuộc phán xét chung, Ngài dạy ta: Hãy cho người đói ăn, người khát uống, người thiếu thốn có áo mặc, thăm người đau yếu, viếng người bị tù đày… và Ngài hứa đưa vào cõi sống ngàn thu.
Những công việc trên đây mà người ta thường gọi là công việc bác ái, được thực hiện không do một động cơ nào khác ngoài “tình yêu của Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5, 14).
Và khi thực hiện những công việc đó, người Kitô hữu không đặt mình cao hơn người khác, nhưng nhận rằng công việc này là do ân sủng, còn bản thân người thực hiện chỉ là đầy tớ vô dụng.
Riêng với Đức cha Giuse, tất cả cuộc đời linh mục và giám mục của Ngài là phục vụ giáo phận Ban Mê Thuột: 44 năm linh mục và 14 năm giám mục với nhiều công khó cho một giáo phận rộng lớn và đông đúc. Lại còn kiêm nhiệm vụ giáo sư Đại chủng viện Nha Trang.
Khoảng 20 năm qua, Đức cha lại bị chứng bệnh nan y. Đức cha nhận nhiệm vụ giám mục trong chính thời gian này. Trong tình trạng sức khỏe như vậy, hẳn Đức cha đã phải cố gắng vượt mức để có thể chu toàn nhiệm vụ. Đức cha đã vui lòng chấp nhận, luôn sống chung với bệnh trong tinh thần vui vẻ không một tiếng than vãn kêu ca. Dường như Đức cha đã tận dụng thời gian này để tiếp tục dâng hi sinh, làm việc tông đồ và cũng để dọn mình.
Trước đây ít ngày, khi tôi đến thăm, Đức cha đã tỏ cho thấy muốn thanh thỏa mọi công việc với mọi người như đang chuẩn bị cho một chuyến đi xa. Riêng với tôi: “Đức cha Phaolô mà về Naza nghỉ hưu thì tôi cũng về đó”. Rồi ngài quay sang nói với cha Thiều (phó giám đốc tu hội Naza Thủ Đức, nơi chuyên trị bệnh y học cổ truyền và chăm sóc người cao tuổi): “Cha Thiều ơi, dọn phòng đi nhá. Hễ Đức cha Hòa về thì tôi cũng về”.
Thật tôi cũng không ngờ đây là trối cuối cùng của Ngài. Trong thánh lễ hôm nay, tôi xin nói: “Đức cha Giuse về bên Chúa, cũng xin dọn chỗ cho giáo phận Ban Mê Thuột và cho tất cả chúng tôi nữa”.

Góp ý xây dựng Nghị định mới về Tín ngưỡng, tôn giáo

Chủ Nhật, 22 tháng 5, 2011

Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.
TÒA TỔNG GIÁM MỤC
180 Nguyễn Đình Chiểu . Q 3
Thành phố HCM
( (84.8) 3930 3828
Fax (84.8) 3930 0598
E.mail : tgmsaigon@vnn.vn


BẢN GÓP Ý XÂY DỰNG DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH THAY THẾ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/ 2005/ NĐ-CP

Kính Gửi: Ngài Thủ Tướng Chính Phủ
Qua Ban Tôn Giáo Chính Phủ

Chúng tôi nhận được Lời mời của Ban Tôn Giáo Chính phủ tới dự Hội thảo góp ý xây dựng Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 22/2005/NĐ-CP ngày 01/03/2005 hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo, vào lúc 8 giờ, ngày 26/04/2011 tại Hội trường C8, Nhà khách T8, 145 Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, Tp. Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, khi đến dự chúng tôi hoàn toàn bị động vì không có thời gian đủ để tìm hiểu bản dự thảo (lần 5). Theo ý kiến của mọi người dự cuộc hội thảo, chúng tôi về tìm hiểu, nghiên cứu bản Dự thảo để góp ý kiến xây dựng.

Ngày 13/05/2011 với sự hiện diện của đại diện các Giáo Phận Xuân Lộc, Phan Thiết, Đà Lạt, Phú Cường, Tp. HCM, Mỹ Tho, Vĩnh Long và Cần Thơ thuộc Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh dưới sự chủ toạ của Đức Hồng Y Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Thành phố Hồ Chí Minh, chúng tôi đã có buổi hội thảo đóng góp ý kiến thẳng thắn và nhất quán.

Trải qua thực tế các sinh hoạt tôn giáo từ sau khi Pháp Lệnh Năm 2004 Về Tín ngưỡng, Tôn giáo và Nghị Định số 22/2005/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp Lệnh ra đời, có những mặt tích cực nhưng cũng có nhiều bất cập thậm chí gây bất công cho các Tôn Giáo và các chức sắc trong các sinh hoạt tôn giáo thuần tuý và các nỗ lực trong việc tham gia xây dựng phát triển đời sống con người, xã hội và Đất nước. Vì thế, xin gửi đến quí vị bản ý kiến chung của Giáo tỉnh Thành phố Hồ Chí Minh như sau:

1. “Phục vụ con người là mục đích tối cao” của mọi tổ chức và cơ chế xã hội (Xem Nghị quyết Đại hội Đảng lần VI). Khẳng định này đặt con người làm mục đích và trọng tâm của mọi hoạt động, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện một hệ thống Pháp Luật trên nền tảng Pháp trị mà Đảng và Nhà Nước đang nỗ lực phát triển. Luật phải thực sự “vị nhân sinh”, mang tính tôn trọng sự sống, nhân phẩm và nhân quyền, tôn trọng sự bình đẳng giữa mọi thành phần và giai cấp xã hội, tôn trọng sự tự do làm người hữu ích cho cộng đồng xã hội, hướng đến một trật tự xã hội nhân bản hơn.

2. Từ Hiến Pháp đến Pháp Lệnh Về Tín ngưỡng, Tôn giáo đều khẳng định : “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo và Nhà nước bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân. Không ai được xâm phạm quyền tự do ấy”. Nhưng thực tế ngay trong các điều khoản của Pháp Lệnh năm 2004 và nghị định 22/2005/NĐ-CP đã có nhiều bất cập và bất bình đẳng đối với các Tôn giáo và các chức sắc. Đó là Nhà nước công nhận sự hiện diện, tồn tại của các tôn giáo nhưng không công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Do đó, chức sắc tôn giáo không được hưởng nhận những quyền công dân như các công dân khác và quyền đại diện cho tổ chức tôn giáo trước mặt pháp luật. Đồng thời, tổ chức tôn giáo không được hưởng quyền pháp nhân như các tổ chức xã hội hợp pháp khác theo hiến pháp và pháp luật. Vì thế, pháp luật cần phải xác định rõ ràng tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo và các chức sắc. Các tổ chức tôn giáo và chức sắc bị hạn chế; thay vì được hưởng những quyền lợi chính đáng thì phải đi xin những quyền đó như tự do tổ chức lễ nghi tôn giáo, truyền đạo, đào tạo, phong chức …

3. Pháp lệnh qui định tài sản hợp pháp thuộc các cơ sở tôn giáo được pháp luật “bảo hộ”; nhưng trong thực tế không có văn bản pháp qui nào trình bày rõ ràng thế nào là bảo hộ và quyền lợi về phía tôn giáo được bảo hộ như thế nào. Từ đó dẫn tới tình trạng nhiều cơ sở và đất đai của các tôn giáo bị chiếm dụng bất công. Luật về đất đai tuy đã sửa đổi nhiều lần nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng kịp đà biến chuyển trong đời sống xã hội, đặc biệt là chưa quan tâm đến quyền tư hữu chính đáng của người dân. Vì vậy, cần phải quan tâm tới quyền tư hữu của người dân như Tuyên ngôn Quốc tế của Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền đã khẳng định: “Mọi người đều có quyền tư hữu cho riêng mình hay chung với người khác… và không ai có thể bị tước đoạt tài sản của mình cách độc đoán” (số 17). ( Xem Quan Điểm Của Hội Đồng Giám Mục Việt Nam Về Một Số Vấn Đề Trong Hoàn Cảnh Hiện Nay công bố ngày 25.09.2008). Các tổ chức tôn giáo có quyền làm chủ tài sản và đất đai, đồng thời họ cũng phải nhận trách nhiệm của mình đối với xã hội về những tài sản đó.

4. Các tôn giáo đều có lý tưởng phục vụ con người và xã hội ngày càng thăng tiến hơn. Do đó, các tổ chức tôn giáo đều có các hoạt động xã hội, đặc biệt trong lãnh vực y tế và giáo dục. Theo Pháp Lệnh và Nghị định, các Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật nhưng lại chỉ hạn chế trong một số lãnh vực. Trong khi đó, với đường hướng phát triển xã hội hoá ngày nay, ngay cả công dân và tổ chức nước ngoài cũng được phép mở bệnh viện, mở trường học tới cấp đại học. Do đó, chúng tôi đề nghị các tổ chức tôn giáo phải được pháp luật nhìn nhận bình đẳng với các pháp nhân khác, trong lãnh vực y tế và giáo dục.

5. Nhìn chung Dự thảo Nghị Định thay thế Nghị Định 22/2005 (lần 5) là một sự thụt lùi nặng nề so với Nghị Định 22/2005, Pháp Lệnh Về tín ngưỡng, tôn giáo và Hiến Pháp. Thực chất, những dự định thay đổi của Nghị định muốn tái lập tình trạng Xin – Cho trong các sinh hoạt tôn giáo. Cơ chế Xin – Cho biến những quyền tự do của công dân thành những thứ quyền Nhà Nước nắm trong tay và ban bố lại cho người dân qua những thủ tục cấp phép. Như thế cơ chế Xin – Cho vừa xoá đi các quyền tự do của người dân, vừa biến một Nhà Nước của dân, do dân và vì dân thành một chủ nhân ông nắm trong tay các quyền tự do của người dân và thi ân cho họ theo cảm tính hoặc ngẫu hứng của mình.


Trên đây là môt số góp ý căn bản với lòng chân thành, Giới Công giáo chúng tôi muốn xây dựng một hệ thống pháp luật ngày càng tiến bộ, thực sự vì dân, do dân, nhờ đó mà đất nước ngày càng phát triển cách bền vững. Chúng tôi hiểu rằng mọi vấn đề trong xã hội đều phải có quá trình phát triển khách quan của nó. Tinh thần thượng tôn Pháp luật cũng thế, muốn có sự phát triển cần phải can đảm thay đổi não trạng, cần phải có sự tôn trọng chân lý khách quan và thực sự thay đổi từ chính nền tảng căn bản của nền pháp trị chứ không chỉ ở các qui định hay nghị định dưới luật.

Trân trọng kính chào.

Làm Tại Toà Tổng Giám Mục TP.HCM ngày 13 tháng 05, năm 2011

Gioan Baotixita PHẠM MINH MẪN
Hồng y Tổng giám mục
Đã ký

Thư ký
Lm. Giuse M. LÊ QUỐC THĂNG
Trưởng Ban Công lý và Hoà Bình Tổng giáo phận Tp.HCM
Đã Ký

------------------------------------------------------

DƯỚI ĐÂY LÀ PHẦN GÓP Ý CỤ THỂ:

Xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị Định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005
hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo

PHẦN I: NHỮNG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI NỘI DUNG NĐ 22/2005/NĐ-CP NGÀY 01/3/2005 (sau đây gọi tắt là NĐ 22/2005).

Ghi chú: Để thuận tiện cho việc theo dõi. Các điều có đề nghị sửa đổi được ghi
theo thứ tự của Dự thảo Nghị định (Dự thảo 5) Qui định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, sau đây được gọi tắt là Dự
thảo Nghị định và chỉ ghi tựa của các điều, không trích dẫn nội dung.

Điều 5. Đăng ký hoạt động tôn giáo

Điều 6. Hoạt động tôn giáo của tổ chức sau khi được cấp đăng ký

Nhận xét: 

Việc công nhận tổ chức tôn giáo chỉ có trong PL TNTG 2004 (Đ16). Tuy nhiên Điều
39 qui định rằng : Tổ chức tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công
nhận trước ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thì không phải làm thủ tục công nhận
lại. Đa số các tôn giáo hiện hữu như Công giáo, Tin lành, Phật giáo, Hồi giáo,
Cao đài, Hoà hảo đều đã được công nhận trước đây. Như vậy là qui định tại điều
16 chỉ áp dụng cho các tôn giáo mới đăng ký.

Nghị định của Chính phủ số 22/2005/NĐ-CP ngày 01 tháng 3 năm 2005 hướng dẫn thi
hành một số điều của PL TNTG 2004, theo qui định tại điều 6 thì “Để được hoạt
động tôn giáo, tổ chức có trách nhiệm gởi hồ sơ đăng ký đến cơ quan nhà nước có
thẩm quyền”. Hồ sơ đăng ký gồm nhiều loại giấy tờ và số liệu, trong đó đáng chú
ý là phải có cả số lượng tín đồ vào thời điểm đăng ký. Dự thảo Nghị định tại
Điều 5 còn qui định “Được hình thành hoặc du nhập vào Việt Nam từ hai mươi năm
trở lên”.

Qui định như vậy chỉ phù hợp với những tổ chức tôn giáo đã tồn tại trước đây
nhưng vì lý do nào đó chưa đăng ký chứ không phù hợp với những tổ chức tôn giáo
mới du nhập hay mới phát sinh ở Việt Nam. Lý do là vì theo điều 7 (NĐ số
22/2005/NĐ-CP) chỉ sau khi được cấp đăng ký, các tổ chức tôn giáo mới được “tổ
chức các cuộc lễ tôn giáo, thực hiện lễ nghi, truyền đạo, giảng đạo tại các cơ
sở tôn giáo đã đăng ký”. Qui định như vậy chẳng khác nào buộc tổ chức mới đó
phải truyền đạo, giảng đạo bất hợp pháp để có một số lượng tín đồ và trong suốt
thời gian chờ đăng ký thì hoạt động đều là bất hợp pháp.

Đề nghị : chỉ nên qui định số lượng tín đồ cần phải có khi đề nghị công nhận tôn
giáo mà thôi và bỏ điều kiện về thời hạn 20 năm mới được đăng ký.

------------------------------------------

Điều 7. Công nhận tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Về nội dung công nhận tôn giáo : PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 và Nghị
định hướng dẫn thi hành số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 đều không nói rõ nội
dung công nhận tôn giáo là gì. Dự thảo Nghị định cũng qui định tương tự. Từ công
nhận ở đây chưa rõ nghĩa. Nếu sự công nhận chỉ là công nhận sự tồn tại hợp pháp
của tổ chức tôn giáo thì đối với các tôn giáo đã tồn tại từ lâu, việc công nhận
này không có ý nghĩa gì. Chúng tôi cho rằng công nhận phải là công nhận tư cách
pháp nhân của tổ chức tôn giáo (như qui định pháp nhân trong Bộ Luật dân sự) để
các tôn giáo có thể hoạt động hợp pháp cũng như quản lý hợp pháp các tài sản của
mình. Rất tiếc vấn đề pháp nhân của các tổ chức tôn giáo chưa được đề cập trong
bất cứ văn bản pháp luật nào. Còn trong thực tế thì nhà nước đã có những quyết
định công nhận tư cách pháp nhân của một số tổ chức tôn giáo. Tuy nhiên xem xét
nội dung của các quyết định đó thì thấy rằng nội dung chỉ là công nhận hiến
chương của tổ chức tôn giáo và Ban trị sự hoặc chức sắc chứ không phải là công
nhận tư cách pháp nhân theo Bộ Luật dân sự. Như vậy là có độ vênh giữa khái niệm
pháp nhân trong quyết định công nhận tư cách pháp nhân của một số tổ chức tôn
giáo với qui định về pháp nhân của Bộ Luật dân sự.

Đề nghị: Đề nghị nghiên cứu việc công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn
giáo theo Bộ Luật dân sự 2005.

---------------------------------

Điều 10. Con dấu của tổ chức tôn giáo

Nhận xét: Việc cấp con dấu cho các tổ chức tôn giáo và các tổ chức trực thuộc
được công nhận là hợp lý. Điều quan trọng là phải công nhận tư cách pháp nhân
cho tổ chức tôn giáo, trong đó qui định rõ tổ chức tôn giáo cấp nào sẽ được công
nhận là pháp nhân.

Đề nghị: Đề nghị nghiên cứu việc công nhận tư cách pháp nhân của tổ chức tôn
giáo theo Bộ Luật dân sự 2005, từ đó việc cấp con dấu sẽ hợp lý và chính xác
hơn.

-------------------------------------------------

Điều 13. Thành lập trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo
Nhận xét : Việc xin phép thành lập trường đào tạo là hợp lý. Vấn đề là tiêu
chuẩn thế nào để được chấp thuận thì chưa rõ nên việc xin phép dễ rơi vào cơ chế
xin-cho.

Đề nghị: Qui định rõ đạt tiêu chuẩn nào thì được chấp thuận.

-------------------------------------

Điều 15. Quản lý đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo
Nhận xét : Điểm 3, Đ15 Dự thảo Nghị định qui định “Công dân VN theo học tại
trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành nghiêm
chỉnh pháp luật được UBND cấp xã nơi cư trú xác nhận”.

Việc xác nhận người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành nghiêm chỉnh
pháp luật là thuộc loại hành vi xin-cho cần phải loại bỏ.

Đề nghị: Bỏ việc xác nhận người chuyên hoạt động tôn giáo là người chấp hành
nghiêm chỉnh pháp luật, chỉ cần có sơ yếu lý lịch như là đủ, như qui định tại
Điều 25 Dự thảo Nghị định đối với người đi tu.

-------------------------------------

Điều 17. Mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo

Nhận xét: Điều này sử dụng từ “đề nghị”. Không rõ là đề nghị khác thế nào với
thông báo, đăng ký, xin phép. Việc mở các lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt
động tôn giáo mà phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh
nơi mở lớp thì không hợp lý vì đây là việc thuần tuý tôn giáo, chỉ nên qui định
đăng ký là đủ.

Đề nghị: - Bỏ điều kiện phải được sự chấp thuận của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân
cấp tỉnh nơi mở lớp bồi dưỡng những người chuyên hoạt động tôn giáo.

- Nên sử dụng từ một cách thống nhất và chỉ cần qui định đăng ký là đủ.
--------------------------------------

Điều 18. Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử

Điều 19. Phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài

Nhận xét: Theo điều 22 của PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 thì việc phong chức,
phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử hoàn toàn thuộc quyền quyết định của các
tôn giáo, chỉ phải đăng ký với cơ quan nhà nước. Đối với những trường hợp có yếu
tố nước ngoài thì còn phải có sự thỏa thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước
về tôn giáo ở trung ương. Các điều kiện mà người được phong chức, phong phẩm, bổ
nhiệm, bầu cử, suy cử phải đáp ứng qui định tại khoản 2, điều 22, PL TNTG 2004
(là công dân Việt Nam, có tư cách đạo đức tốt; có tinh thần đoàn kết, hoà hợp
dân tộc; nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật) không có gì đặc biệt và ai cũng có
thể đáp ứng được.

Quan điểm của nhà nước Việt Nam trong PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 về việc phong
chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử như đã nói trên là có thể chấp nhận
được. Vấn đề là sự thoả thuận trước với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở
trung ương trong những trường hợp có yếu tố nước ngoài được đặt trên cơ sở nào?
Chỉ cần đủ điều kiện qui định tại điều 22 nói trên là được chấp thuận hay là
việc thoả thuận thuộc lãnh vực xin-cho? Mức độ đáp ứng các qui định tại điều 22
thế nào? Chưa có câu trả lời thoả đáng về vấn đề này.

SL 223 ngày 14/6/1955 có một điều khoản đặc biệt: Điều 13: Chính quyền không
can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Riêng về Công giáo, quan hệ về tôn giáo giữa
Giáo hội Việt Nam với Toà thánh La Mã là vấn đề nội bộ của Công giáo.

Các văn bản pháp luật về tôn giáo sau này không kế thừa nội dung qui định này.
Nếu thực hiện được như Đ13 trên đây thì sẽ tránh được rất nhiều rắc rối cho cả
Giáo hội lẫn Nhà nước.

Ngoài ra, NĐ 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 còn qui định hợp lý : Điều 16.5:
Thời hạn trả lời:

a) Sau 45 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ban Tôn giáo Chính phủ
không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn giáo theo
chức danh đã được đăng ký;

b) Sau 30 ngày kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và ủy ban nhân dân cấp
tỉnh không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn giáo
theo chức danh đã được đăng ký.

Điều này đã bị Dự thảo Nghị định sửa đổi theo hướng các cơ quan có trách nhiệm
phải trả lời bằng văn bản và chỉ khi có văn bản chấp thuận thì những người được
phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử mới được hoạt động tôn giáo
theo chức năng đã đăng ký. Đây là một bước lùi so với NĐ 22/2005/NĐ-CP.

Đề nghị: - Qui định rõ những tiêu chí phải đạt được trong sự thoả thuận trước
với cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở trung ương là những tiêu chí nào.

- Đề nghị giữ lại qui định hợp lý tại điều 16.5 của NĐ.

22/2005/NĐ-CP, chỉ sửa thời hạn trả lời, cụ thể như sau:

Thời hạn trả lời:

a) Sau 20 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ban Tôn giáo
Chính phủ không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn
giáo theo chức danh đã được đăng ký;

b) Sau 10 ngày làm việc kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ và Ủy ban nhân
dân cấp tỉnh không có ý kiến khác, thì chức sắc, nhà tu hành được hoạt động tôn
giáo theo chức danh đã được đăng ký.

-----------------------------------

Điều 21. Thông báo về việc thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc,
nhà tu hành.

Điều 22. Đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành.

Nhận xét: Điều 23 PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 đã dùng ba khái niệm: thông báo,
đăng ký, chấp thuận để qui định các trường hợp khác nhau. Việc thuyên chuyển nơi
hoạt động tôn giáo của chức sắc, nhà tu hành trong trường hợp bình thường chỉ
cần đăng ký. Chỉ trong trường hợp thuyên chuyển nơi hoạt động tôn giáo của chức
sắc, nhà tu hành vi phạm pháp luật thì mới cần phải được sự chấp thuận của của
Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh nơi đến, khác với qui định trong các văn bản pháp luật
trước đây, bất cứ sự thuyên chuyển nào cũng phải được chấp thuận. Qui định này
rõ ràng đã tạo sự dễ dàng trong việc điều chuyển nhân sự trong các tôn giáo. Tuy
nhiên Pháp lệnh và văn bản hướng dẫn thi hành đều không nói rõ là qui định về
việc thuyên chuyển này được áp dụng cho việc thuyên chuyển trong phạm vi giáo
phận, tỉnh, thành phố hay cả nước.

Ngoài ra, Điều 19.3 NĐ 22/2005/NĐ-CP còn qui định hợp lý: Sau 30 ngày kể từ
ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, nếu Ủy ban nhân dân cấp huyện không có ý kiến khác,
thì chức sắc, nhà tu hành có quyền hoạt động tôn giáo tại địa điểm đã đăng ký.

Qui định hợp lý này đã bị Dự thảo Nghị định thay đổi theo hướng các cơ quan có
trách nhiệm phải trả lời bằng văn bản.

Đề nghị: - Đề nghị qui định rõ thêm là thủ tục thuyên chuyển này được áp dụng
trong phạm vi cả nước.

- Đề nghị giữ lại qui định hợp lý như tại Điều 19.3 NĐ 22/2005/NĐ-CP, chỉ
sửa thời hạn trả lời.

GHI CHÚ ĐẶC BIỆT VỂ VIỆC TRẢ LỜI CỦA CÁC CƠ QUAN CHỨC NĂNG

Hiện nay, có một điều mà các tổ chức tôn giáo rất bức xúc đó là việc không được
các cơ quan chức năng trả lời đúng hạn hoặc bị từ chối không có lý do chính đáng
nhưng các cơ quan chức năng không hề bị chế tài gì. Vì thế qui định cho phép sau
một thời gian kể từ ngày nộp đủ hồ sơ đăng ký hợp lệ mà các cơ quan chức năng
không có ý kiến khác, thì tổ chức tôn giáo được hoạt động tôn giáo theo những
nội dung đã được thông báo, đăng ký là một qui định hợp lý, nên cần được áp dụng
cho mọi trường hợp mà pháp luật về tôn giáo qui định phải thông báo, đăng ký. Do
đó, đối với các điều mà Dự thảo Nghị định đã qui định là chỉ phải đăng ký hoặc
thông báo thì đề nghị qui định luôn là tổ chức tôn giáo được đương nhiên được
hoạt động tôn giáo theo những nội dung đã được thông báo, đăng ký nếu các cơ
quan chức năng trả lời trễ hạn. Ngoài ra, đối với các trường hợp bị từ chối
không có lý do chính đáng thì Dự thảo Nghị định nên qui định rằng các tổ chức
tôn giáo có quyền khiếu nại.

------------------------------------

Điều 23. Đăng ký chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm của tổ chức tôn giáo
cơ sở

Điều 24. Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký của tổ chức tôn giáo
cơ sở

Nhận xét: Việc qui định chương trình hoạt động tôn giáo hàng năm chỉ phải đăng
ký một lần một năm tại Uỷ ban nhân dân cấp xã là hợp lý. Trường hợp tổ chức hoạt
động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký thì mới phải xin phép (Đ12 PL TNTG
2004 ngày 18/6/2004). Các qui định trước PL TNTG 2004 cũng đều yêu cầu phải đăng
ký.

Tuy nhiên việc tổ chức hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo cơ sở, cấp trung ương 
hoặc toàn đạo hoặc các cấp khác (qui định tại Đ18 PL TNTG 2004) lại không
thuộc trường hợp được đăng ký mà phải được UBND chấp thuận. Vấn đề là nếu các
hội nghị, đại hội đó diễn ra hàng năm hoặc theo chu kỳ thì sao, phải xin phép
từng lần hay được đăng ký hàng năm?

Đề nghị: Để giảm tải cho cơ quan nhà nước và tạo thuận lợi cho tôn giáo thì nên
cho đăng ký tất cả những hoạt động tôn giáo diễn ra theo chu kỳ (từng năm hoặc
nhiều năm).

-----------------------------------

Điều 30. Các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo

Nhận xét: một điều chưa được giải quyết là nếu UBND không trả lời đúng thời hạn
thì giải quyết thế nào. Nếu UBND trả lời trễ hạn thì có nguy cơ cuộc lễ phải hủy
bỏ làm hao tốn công sức và tiền bạc.

Đề nghị: Nếu quá thời hạn qui định mà UBND không trả lời thì tổ chức tôn giáo
được thực hiện các cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo như
văn bản đề nghị.

-------------------------------------------

Điều 31. Việc giảng đạo, truyền đạo của chức sắc, nhà tu hành ngoài cơ sở tôn
Giáo

Nhận xét: Qui định tại điều này chưa hợp lý vì truyền đạo có nghĩa là phải đến
với những người ở những nơi chưa biết đạo (chưa có cơ sở tôn giáo) để truyền đạo
chứ không chỉ truyền đạo trong các cơ sở tôn giáo (đã có). Nói khác đi, việc
phải được Uỷ ban nhân dân cấp huyện chấp thuận khi truyền đạo ngoài các cơ sở
tôn giáo có nghĩa nhà nước chỉ muốn các tôn giáo hoạt động trong phạm vi các cơ
sở tôn giáo. Việc chấp thuận này thuộc lãnh vực xin-cho nên dễ bị lợi dụng nhằm
hạn chế hoạt động tôn giáo.

Ngoài ra, từ ngữ “phạm vi phụ trách” trong PL TNTG 2004 chưa được giải thích rõ
ràng nên còn gây cản ngại cho hoạt động truyền đạo.

Đề nghị: Đề nghị sửa lại theo hướng tạo điều kiện cho các chức sắc, nhà tu hành
được tự do thực hiện việc truyền đạo, giảng đạo trên toàn bộ địa bàn phụ trách
không có gì cản ngại.

--------------------------------------

Điều 37. Việc tham gia hoạt động tôn giáo ở nước ngoài

Điều 38. Việc tham gia khoá đào tạo tôn giáo ở nước ngoài

Nhận xét : Việc mời tổ chức, người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động do có liên
quan đến an ninh trật tự của Việt Nam nên qui định như Đ36, Dự thảo Nghị định là
hợp lý. Còn việc tổ chức tôn giáo Việt Nam tham gia hoạt động tôn giáo ở nước
ngoài thì đâu có ảnh hưởng gì đến an ninh trật tự của Việt Nam đâu mà cần phải
qui định quá chặt như Đ37, Đ38.

Đề nghị: Đề nghị bỏ Đ37, Đ38 của Dự thảo Nghị định.

-----------------------------------------

PHẦN II: NHỮNG ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI MÀ NĐ 22/2005/NĐ-CP NGÀY 01/3/2005 CHƯA ĐỀ CẬP.

A/ GIÁO DỤC, Y TẾ, TỪ THIỆN

Nhận xét:

- SL 223 ngày 14/6/1955 có qui định rất hợp lý:

“Điều 8: các tổ chức của các tôn giáo có tính chất kinh tế, văn hoá, xã hội đều
được hoạt động sau khi đã xin phép chính quyền và được chính quyền chuẩn y
chương trình, điều lệ. Những tổ chức ấy đều coi như những tổ chức của tư nhân và
được pháp luật bảo hộ”.

“Điều 9: Các tôn giáo được phép mở trường tư thục. Các trường tư thục đó phải
dạy theo chương trình gíao dục của Chính phủ. Ngoài giờ dạy theo chương trình
gíao dục của Chính phủ, có thể dạy thêm giáo lý cho những học sinh nào muốn
học”.

- PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 hiện hành đã qui định những việc thuộc lãnh vực
giáo dục, y tế, xã hội mà các tổ chức tôn giáo được thực hiện như sau :

Điều 33

1. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện để tổ chức tôn giáo tham gia nuôi dạy
trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người
tàn tật, người nhiễm HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần; hỗ trợ phát triển các
cơ sở giáo dục mầm non và tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện nhân
đạo phù hợp với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp
luật.

2. Chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến khích tổ chức
hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo theo quy định của pháp luật.

Như vậy PL TNTG 2004 chỉ cho phép các tổ chức tôn giáo được thực hiện các hoạt
động sau đây:

Về giáo dục:

- Tham gia nuôi dạy trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt;

- Hỗ trợ phát triển các cơ sở giáo dục mầm non;

Về y tế: Hỗ trợ cơ sở chăm sóc sức khoẻ người nghèo, người tàn tật, người nhiễm
HIV/AIDS, bệnh nhân phong, tâm thần;

Về xã hội: Tham gia các hoạt động khác vì mục đích từ thiện, nhân đạo phù hợp
với hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo và quy định của pháp luật. Theo
qui định của pháp luật thì các hoạt động từ thiện đều phải thông qua các tổ chức
nhà nước.

Như vậy có thể thấy rằng:

- Không có sự giải thích nào về lý do không cho tổ chức tôn giáo tham gia các
hoạt động trong các lãnh vực như giáo dục phổ thông, đại học, bệnh viện.

- Với qui định như trên, nhà nước đã làm lãng phí nhiều nguồn nhân, vật lực lớn
của các tổ chức tôn giáo trong các hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện cũng như
thiếu nhất quán trong chủ trương xã hội hoá các hoạt động xã hội.

- Việc chấp nhận chức sắc, nhà tu hành với tư cách công dân được Nhà nước khuyến
khích tổ chức hoạt động giáo dục, y tế, từ thiện nhân đạo nhưng không cho tổ
chức tôn giáo tham gia không có lý do xác đáng. Nếu chỉ với tư cách cá nhân, các
tu sĩ không có khả năng tài chánh để thực hiện lý do là vì các tu sĩ thường
không có tài sản cá nhân còn tài sản mà họ quản lý thuộc quyền sở hữu của Giáo
hội.

Trong khi hạn chế các tổ chức tôn giáo hoạt động trong lãnh vực giáo dục thì
nhà nước lại tạo điều kiện cho người nước ngoài như sau : “Khuyến khích việc hợp
tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo có chất lượng cao của nước ngoài;
khuyến khích mở các cơ sở giáo dục đào tạo có chất lượng cao, có uy tín bằng
100% vốn đầu tư nước ngoài; . . .”(Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP
ngày 18/4/2005 Về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể
dục, thể thao). Thành ra người nước ngoài được mở trường các cấp tại Việt Nam
còn các tổ chức tôn giáo trong nước bị cấm mở trường từ tiểu học trở lên. Điều
này trái với qui định tại Điều 70 Hiến pháp 1992 hiện hành như sau : “Công dân
có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các
tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”.

- Chính phủ đã có Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 “Về đẩy mạnh xã
hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục, thể thao” trong đó đã
định hướng như sau:

Về giáo dục:

“Khuyến khích thành lập các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề ngoài công
lập; chuyển một số cơ sở công lập sang loại hình ngoài công lập. Hạn chế mở thêm
các cơ sở công lập ở những vùng kinh tế phát triển. Không duy trì các cơ sở bán
công, các lớp bán công trong trường công”.

Chỉ tiêu định hướng đến năm 2010:

“Chuyển phần lớn các cơ sở đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở
giáo dục không đảm nhận nhiệm vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế
cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc
tư thục”.

Về y tế:

“Khuyến khích mở bệnh viện, phòng khám tư nhân, bác sĩ gia đình”.

Tuy nhiên đường hướng xã hội hoá rất tốt đẹp này lại không thể áp dụng cho các
tổ chức tôn giáo vì bị cản trở bởi PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 (qui định tại
Điều 33 như đã nói trên).

Đề nghị: Vì vậy để phù hợp với tinh thần tự do tôn giáo, Nhà nước nên chấp
thuận cho các tổ chức tôn giáo được thực hiện tất cả các hoạt động giáo dục, y
tế theo định hướng xã hội hoá trong Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005,
cụ thể là sửa đổi PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 để các tổ chức tôn giáo có thể
tham gia các hoạt động giáo dục ở các cấp (tiểu học, trung học, đại học, cao
đẳng, dậy nghề và các loại trường lớp khác phục vụ cho các đối tượng đặc thù);
có thể tham gia vào lãnh vực y tế như mở bệnh viện, phòng khám, phòng bán thuốc
. . .

Để các tổ chức tôn giáo có thể có đầy đủ tư cách pháp lý thực hiện các hoạt động
giáo dục, y tế, đề nghị Nhà nước sớm công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức
tôn giáo (theo Bộ Luật dân sự).

Đối với các tài sản của Giáo hội như trường học, bệnh viện . . . mà Nhà nước
đang quản lý, đề nghị Nhà nước xem xét và trả lại cho Giáo hội theo đúng định
hướng và giải pháp đã được đề ra trong Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP
ngày 18/4/2005. Chẳng hạn như khi Nhà nước chủ trương “Chuyển phần lớn các cơ sở
đào tạo và dạy nghề công lập và một phần các cơ sở giáo dục không đảm nhận nhiệm
vụ giáo dục phổ cập sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ. Chuyển tất cả
các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục”, nếu các cơ sở giáo dục
công lập hay bán công đó trước đây là của Giáo hội Công giáo thì xin giao lại
cho Giáo hội.

B/ TÀI SẢN CỦA TÔN GIÁO

a/ Tài sản hợp pháp

Nhận xét: Điều 26 PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 qui định tài sản hợp pháp thuộc
cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo hộ. Tuy nhiên thế nào là tài sản
hợp pháp thì chắc còn nhiều điều phải bàn cãi. Lý do là vì hiện nay có một số
tài sản của tôn giáo vì nhiều lý do khác nhau đang do nhà nước quản lý sử dụng
nhưng vấn đề sở hữu chưa được giải quyết rốt ráo. Mặt khác, vì các tổ chức tôn
giáo chưa được công nhận là pháp nhân (theo Bộ Luật dân sự) nên có một số tài
sản của Giáo hội phải đứng tên cá nhân. Điều quan trọng nhất để giải quyết vấn
đề tài sản hợp pháp của tôn giáo là việc nhà nước phải công nhận tư cách pháp
nhân (theo Bộ luật dân sự) để các tôn giáo có thể sở hữu hợp pháp các tài sản
của mình. Rất tiếc, PL TNTG 2004 và văn bản hướng dẫn thi hành đều không đề cập
vấn đề pháp nhân của các tổ chức tôn giáo mà chỉ đề cập việc công nhận tôn giáo.
Vấn đề pháp nhân là các tổ chức tôn giáo hiện đang bị bỏ ngỏ do đó chưa có thể
xác định thế nào là tài sản hợp pháp của tổ chức tôn giáo.
Đề nghị : công nhận tư cách pháp nhân của các tổ chức tôn giáo (theo Bộ luật dân
sự)

b/ Cơ sở tôn giáo

Nhận xét:

- Ngay sau khi thành lập nước, Chủ tịch Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà đã ra sắc lệnh SL 35 ngày 20/9/1945 về cơ sở tôn giáo. Điểm đặc biệc là Sắc
lệnh này chỉ có 2 điều và chỉ nói về một vấn đề duy nhất đó là: “Đền chùa, lăng
tẩm, nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ tôn giáo nào, nhân
dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm.”

- Sau khi hoà bình được lập lại, vào năm 1955, nhà nước lại có SL 223, trong đó
Điều 6 qui định: “Các nhà thờ, chùa, đền, miếu, thánh thất và các đồ thờ, các
trường giáo lý của tôn giáo được luật pháp bảo hộ.”

- PL TNTG 2004 điều 4 nói rõ nhất: “ Chùa, nhà thờ, thánh đường, thánh thất,
đình, đền, miếu, trụ sở tổ chức tôn giáo, các cơ sở đào tạo của tổ chức tôn
giáo, những cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo hợp pháp khác, kinh bổn và các đồ dùng
thờ cúng được pháp luật bảo hộ.”

Trong tất cả các văn bản pháp luật về tôn giáo, nhà nước đều công nhận việc các
cơ sở thờ tự và các cơ sở tôn giáo khác được bảo hộ, không bị xâm phạm. Rất
tiếc, thực tế không phải như vậy mà thực tế là đã có rất nhiều cơ sở tôn giáo
của Công Giáo (nhà thờ, tu viện, chủng viện, cơ sở đào tạo . . . bị nhà nước
quản lý (thực sự là tịch thu) với nhiều lý do khác nhau, có khi là mượn, buộc
phải giao, tự tiện chiếm hữu không có lý do hoặc với những lý do hết sức vô lý.

Khi Giáo hội Công giáo khiếu nại đòi Nhà nước trả lại các cơ sở đã bị tịch thu
thì đều bị Nhà nước từ chối trả lại căn cứ vào các văn bản:

- Luật đất đai 2003, điều 10

- Nghị định của Chính phủ số 26/1999/NĐ-CP ngày 19/4/1999 về các hoạt động tôn
giáo, điều 11.

- Quyết định số 111/CP ngày 14/4/1977 của Hội đồng Chính phủ ban hành chính
sách quản lý và cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nhà đất cho thuê ở các đô thị
và các tỉnh phía Nam.

- Nghị quyết số 23/2003/QH11 về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng
trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo
xã hội chủ nghĩa trước ngày 1/7/1991.

Các văn bản pháp luật nói trên đều có một nội dung tương tự như đã được ghi
trong Nghị Quyết số 23/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội là:

“Nhà nước không xem xét lại chủ trương, chính sách và việc thực hiện các chính
sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà
đất đã ban hành trước ngày 1/7/1991.

Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại nhà đất mà nhà nước đã quản lý, bố trí sử
dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách
cải tạo xã hội chủ nghĩa liên quan đến nhà đất”.

Và nội dung này đã được viện dẫn như một lý do chính yếu để bác các đơn đòi lại
cơ sở tôn giáo của Công giáo đã bị chiếm dụng.

Chúng tôi cho rằng lập luận như trên là không thể chấp nhận được mà phải thấy
rằng cơ sở tôn giáo luôn được pháp luật khẳng định là được nhà nước bảo hộ nên
không phải là đối tượng quản lý của bất kỳ chính sách quản lý nhà đất và chính
sách cải tạo xã hội chủ nghĩa nào. Vậy nếu các cơ sở tôn giáo đó không phải là
đối tượng bị quản lý mà vẫn bị tịch thu thì đây là việc làm sai trái, đi ngược
lại chính sách tôn giáo của nhà nước. Đáng lẽ hành vi chiếm đoạt này phải bị
trừng trị và tài sản phải được trả lại vì đã xâm phạm vào tài sản hợp pháp của
Giáo hội Công giáo, làm cho giáo dân Công giáo nghi ngờ chính sách của nhà nước
đối với tôn giáo và phần nào đã làm phương hại đến chính sách đoàn kết quốc gia
chứ nhà nuớc không thể bảo vệ cho việc làm sai trái của cán bộ của mình bằng
cách tuyên bố không xem xét lại.

Đề nghị: Xem xét trả lại các cơ sở tôn giáo đã bị chiếm dụng bất hợp pháp.

c/ Đất đai

Nhận xét:

Qui định của pháp luật về đất đai của tôn giáo trước 1975

- Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953, điều 10 qui định: “Ruộng đất của
tôn giáo (Nhà Chung, nhà chùa, thánh thất, tu viện, v.v.) thì trưng thu và trưng
mua. Trường hợp có mua chính đáng thì trưng mua”.

- Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo số 223-SL ngày 14/6/1955 điều 10 qui
định: “Trong cải cách ruộng đất, khi Chính phủ trưng thu hoặc trưng mua ruộng
đất của các tôn giáo để chia cho nông dân, thì sẽ để lại cho nhà thờ, nhà chùa,
thánh thất một số ruộng đất đủ cho việc thờ cúng và cho những nhà tu hành có
điều kiện sinh sống để làm việc tôn giáo”.

Quy định của pháp luật về đất đai của tôn giáo sau 1975

- Luật đất đai ngày 29/12/1987, điều 32 qui định: “Chùa, nhà thờ, thánh thất
tôn giáo đang sử dụng đất hoặc chưa được giao đất sử dụng nếu có yêu cầu chính
đáng và có khả năng sử dụng có hiệu quả thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực
thuộc trung ương và đơn vị hành chánh tương đương căn cứ vào chính sách tôn giáo
của nhà nước và khả năng đất đai của địa phương để quyết định được giao cho
chùa, nhà thờ, thánh thất đó”.

- Luật đất đai ngày 14/7/1993, điều 51 qui định: “Ủy ban nhân dân tỉnh, thành
phố trực thuộc trung ương căn cứ vào chính sách tôn giáo của nhà nước, quỹ đất
đai của địa phương quyết định diện tích đất giao cho nhà chùa, nhà thờ, thánh
thất tôn giáo trên cơ sở đất đai mà nhà chùa, nhà thờ, thánh thất tôn giáo đang
sử dụng”.

- Hai lần sửa đổi Luật đất đai vào các năm 1998 và 2001, điều 51 nói trên vẫn
được giữ nguyên.

- Luật đất đai ngày 26/11/2003, điều 99 qui định: “1/ Đất do cơ sở tôn giáo sử
dụng gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào
tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được nhà nước cho phép hoạt
động”. 2/ Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào
chính sách tôn giáo của nhà nước và quỹ đất đai của địa phương quyết định diện
tích đất giao cho cơ sở tôn giáo”.

- PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004, Điều 27 qui định:

“ 1/ Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng gồm đất thuộc chùa, nhà
thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo những người chuyên hoạt
động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà
nước cho phép hoạt động được sử dụng ổn định lâu dài.

2/ Đất có các công trình là đình, đền, miếu, am, từ đường, nhà thờ họ được sử
dụng ổn định lâu dài.

Việc quản lý và sử dụng đất quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này được thực
hiện theo quy định của pháp luật về đất đai”.

Nhận xét: pháp luật về đất đai của tôn giáo đã có nhiều thay đổi, từ trưng
thu, trưng mua toàn bộ trong Luật Cải cách ruộng đất ngày 19/12/1953 đến để lại
cho cơ sở tôn giáo một phần trong Sắc lệnh ban hành chính sách tôn giáo ngày
14/6/1955. Luật đất đai ngày 29/12/1987, Luật đất đai ngày 14/7/1993 vẫn còn chủ
trương cấp đất cho tôn giáo sử dụng (đất đai nói chung, không chỉ là đất thuộc
chùa, nhà thờ . . .). Đến Luật đất đai ngày 26/11/2003 đất được giao cho cơ sở
tôn giáo được giới hạn chỉ còn là “đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh
đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, các cơ sở khác của tôn giáo”
chứ không phải là các loại đất khác như đất sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất
khác. PL TNTG 2004 ngày 18/6/2004 qui định rõ hơn : đất mà các cơ sở tôn giáo
được sử dụng ổn định lâu dài là “Đất có các công trình do cơ sở tôn giáo sử dụng
gồm đất thuộc chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo
những người chuyên hoạt động tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo, các cơ sở
khác của tôn giáo”. PL TNTG 2004 không nói đến các loại đất khác như đất để sản
xuất nông nghiệp hay sản xuất khác.

Chúng tôi cho ràng qui định như Luật đất đai và PL TNTG 2004 hiện hành là đã
tước đi quyền sử dụng đất của các nhà tu hành. Họ cũng là công dân và phải được
quyền sử dụng đất để sản xuất như những công dân khác, nhất là đối với các cơ sở
tôn giáo chỉ sinh sống bằng sản xuất nông nghiệp hay sản xuất khác. Vì thế đối
với đất đai mà các cơ sở tôn giáo đang sử dụng hợp pháp để sản xuất thì nhà nước
phải cấp quyền sử dụng đất cho họ chứ không chỉ cấp quyền sử dụng đất đối với
đất thuộc nhà thờ, nhà chùa . . .

Cũng đề nghị Nhà nước cho phép tổ chức tôn giáo được chọn cách giao đất cho tổ
chức tôn giáo không thu tiền sử dụng đất (để làm các cơ sở thờ tự) hoặc cách
giao đất có thu tiền sử dụng đất (để dùng vào các mục đích khác) chứ không phải
chỉ có một cách giao đất cho tổ chức tôn giáo không thu tiền sử dụng đất như
hiện nay.

Đề nghị:

- Cấp quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp hay sản xuất khác cho các cơ sở tôn
giáo;

- Cho phép tổ chức tôn giáo được chọn cách giao đất cho tổ chức tôn giáo không
thu tiền sử dụng đất hoặc có thu tiền sử dụng đất.