Vinh, Việt Nam (2/08/2009) - Tối thứ Bảy ngày 1/08/2009, giáo xứ Mỹ Dụ tổ chức thánh lễ cầu nguyện cho hai linh mục và các giáo dân bị đánh đập dã man tại Tam Tòa. Mở đầu thánh lễ, cha Phạm Quang Long, chánh xứ Mỹ Dụ, nói: "Anh chị em rất thân mến, đây là một buổi tối rất đặc biệt khi chúng ta cùng với 178 giáo xứ, dưới sự hướng dẫn của hơn 170 linh mục trong giáo phận, đồng loạt dâng thánh lễ cầu nguyện cho hai linh mục và các giáo dân bị đánh đập dã man tại Ðồng Hới, Quảng Bình. Trong bài Tin mừng, Chúa Giêsu khẳng định "Ai đến với Tôi không hề phải đói; ai tin vào Tôi chẳng khát bao giờ!". Là Kitô hữu, chúng ta khao khát Thiên Chúa; là con người, chúng ta khao khát công lý, khao khát sự thật. Nguyện xin Thiên Chúa đáp ứng các khát vọng của chúng ta".
Trước thánh lễ, cộng đoàn nghe Thông Cáo số 4 của Tòa Giám Mục Xã Ðoài, xem lại đoạn băng video về cảnh giáo dân Tam Tòa bị đàn áp, hình ảnh đầy thương tích của cha Ngô Thế Bính và các nạn nhân, nghe phỏng vấn các nhân chứng biến cố Tam Tòa, và nghe đài RFA phỏng vấn cha Phạm Ðình Phùng, chánh văn phòng Tòa Giám Mục. Cộng đoàn còn nghe ông Nguyễn Ðức Thắng, chủ tịch Hội đồng Giáo xứ, tường trình về buổi làm việc với Ủy Ban Nhân Dân xã Hưng Châu chiều thứ Bảy 1/08/2009.
Không khí trong giáo xứ bắt đầu nóng lên, khi vào đầu giờ chiều thứ Bảy 1/08/2009, Ủy Ban Nhân Dân xã mời ông Nguyễn Ðức Thắng đến "bàn một số nội dung cần thiết". Ông Thắng cho biết:
"Khi tôi đến thì đã có 13 người chờ sẵn để "làm việc" với tôi. Trong đó 10 người thuộc xã Hưng Châu: gồm chủ tịch và phó chủ tịch xã, bí thư và phó bí thư, chủ tịch và phó chủ tịch mặt trận, cùng một số ban ngành khác. Ngoài ra còn có 3 người ở huyện Hưng Nguyên là các ông chủ tịch mặt trận, trưởng bộ phận tôn giáo và công an tôn giáo huyện.
"Họ cáo buộc giáo xứ phạm pháp khi treo hai tấm băng rôn "Cầu Nguyện Cho Giáo Dân Tam Tòa Bị Công An Quảng Bình Ðánh Ðập Và Bắt Giữ". Họ cũng đề cập đến việc giáo xứ xây dựng cơ sở vật chất mà không xin phép và việc phát thanh các bản tin về sự kiện Tam Tòa bằng loa công suất lớn.
"Lập luận của họ là: theo báo chí và truyền hình, Ðức Cha đã ký kết với chính quyền tỉnh Quảng Bình (có dấu của Tòa Giám Mục chiếu trên TV), việc làm của giáo dân là vi phạm pháp luật, và công an không đánh đập giáo dân... Khi treo biểu ngữ nói "công an Quảng Bình đánh đập giáo dân" thì có nghĩa là lên án nhà nước và chính phủ sai trái, bởi vì công an được nhà nước chỉ đạo. Và họ yêu cầu giáo xứ phải tháo băng rôn xuống. Có ý kiến khác cho rằng sự việc xảy ra ở Quảng Bình, không liên quan gì đến chúng ta ở đây, địa phương ở đây rất tốt với tôn giáo, vậy giáo xứ không được làm như thế mà gây mất đoàn kết lương giáo".
Tôi rrả lời họ rằng: "Chúng tôi chỉ thấy dấu và chữ ký của Ðức Cha, chứ nội dung thì không thấy chiếu lên TV. Hơn nữa, năm 2005 thì giáo phận Vinh mới tiếp nhận giáo xứ Tam Tòa, trong khi đó năm 1997 chính quyền đã quyết định lấy nhà thờ Tam Tòa làm di tích chiến tranh mà không thông qua Tòa Giám Mục Huế, là chủ sở hữu.
"Chúng tôi chỉ nói "công an Quảng Bình đánh đập giáo dân" chứ không nói nhà nước, còn các ông hiểu thế nào là tùy các ông. Các giáo xứ khác còn treo những băng rôn với lời mạnh hơn nữa! Ðạo chúng tôi là đạo hiệp thông và hiệp nhất, cho nên việc đánh đập giáo dân là xúc phạm đến chúng tôi, chúng tôi rất muốn tập trung người đi vô Tam Tòa.
"Việc tháo băng rôn xuống thì không thể được, vì theo như cha quản xứ chúng tôi nói là sẽ treo cho đến khi vụ việc trong Tam Tòa giải quyết ổn thỏa. Nói rằng địa phương ở đây rất tốt với tôn giáo, thì tại sao các ông lại mời tôi lên đây làm gì? Ngày Chúa Nhật vừa rồi (26/07/2009) chúng tôi đi dự lễ ở nhà thờ Cầu Rầm, có tất cả 5 giáo xứ trong 3 huyện. Sau thánh lễ, chúng tôi tuần hành qua quảng trường HCM, qua tỉnh ủy, công an tỉnh, rồi đi về cầu nguyện ở giáo xứ Yên Ðại, mà không thấy chính quyền phản đối gì cả. Về việc xây dựng cơ sở vật chất: chúng tôi chuyển nhà trường cũ về phía sau nhà thờ, làm các công trình phụ như nhà vệ sinh, phòng để đồ, để xe. Chả lẽ làm nhà vệ sinh mà phải xin phép sao?"
Giảng trong thánh lễ, cha Phạm Quang Long đề cập đến những đói khát của con người. Người ta phải đương đầu với nhiều cơn khát: khát được tôn trọng, khát lời động viên, khát hy vọng, khát niềm tin, đói công lý, đói sự thật, và sau cùng là đói khát Thiên Chúa.
Nói về khát vọng công lý và sự thật, cha Long nhấn mạnh: "Chúng ta sống trong một điều kiện thông tin bị bưng bít thế nào đó, mà chúng ta không thể tiếp cận với thực tại khách quan. Cả nước có khoảng 700 tờ báo thì chỉ có một tổng biên tập. Nếu anh chị em đọc 10 tờ báo thì cũng thấy viết hoàn toàn như nhau, chỉ khác tác giả mà thôi.
"Thông tin ở trên các phương tiện truyền thông đã được chỉ đạo và đổi trắng thay đen. Ðiển hình là vụ Thái Hà và Tam Tòa, đến nỗi Tòa Giám Mục phải ra thông báo rằng "Thông tin về Tam Tòa trên báo đài nhà nước và của Quảng Bình là không đúng sự thật". Giáo dân ở Thái Hà, ở An Bằng, ở Sơn La và nhất là ở Tam Tòa bị đối xử bất công và bị đàn áp. Tại sao nhà thờ của mình, đất của mình mà mình đến đó thì bị kết án là vi phạm pháp luật?"
Và kết thúc bài giảng bằng lời kinh của mẹ Teresa Calcutta:
"Lạy Chúa Giêsu,
Xin hãy giải thoát con,
Khỏi ham muốn được yêu,
Khỏi ham muốn được ca tụng,
Khỏi ham muốn được vinh danh,
Khỏi ham muốn được ca ngợi,
Khỏi ham muốn được yêu thích hơn,
Khỏi ham muốn được bàn hỏi,
Khỏi ham muốn được chấp thuận,
Khỏi ham muốn được nhiều người biết tới,
Khỏi lo sợ bị hạ nhục,
Khỏi lo sợ bị khinh khi,
Khỏi lo sợ bị khiển trách,
Khỏi lo sợ bị vu khống,
Khỏi lo sợ bị quên lãng,
Khỏi lo sợ bị đối xử bất công,
Khỏi lo sợ bị diễu cợt,
Khỏi lo sợ bị nghi ngờ."
Sau thánh lễ là đến mục thắp nến cầu nguyện. Có 4 lời nguyện do cha chủ sự xướng lên:
- Cầu cho các linh mục và giáo dân Tam Tòa bị bách hại, xin Chúa nâng đỡ và đỗ tràn Thần Khí giúp họ sống kiên nhẫn và yêu thương và luôn luôn xử sự như những chứng nhân đích thực của Tin Mừng.
- Cầu cho Ðức Giám Mục Phaolô, các linh mục và toàn thể giáo dân trong giáo phận hiệp nhất với nhau, đặc biệt là trong giai đoạn khó khăn này.
- Cầu cho các nhà lãnh đạo quốc gia và nhà cầm quyền Quảng Bình biết nhận ra sự thật, biết xây dựng hòa bình và tôn trọng tự do tôn giáo.
- Cầu cho hòa bình và công lý được hiển hiện trên quê hương đất nước Việt Nam, để mọi người được hưởng một nền hòa bình đích thực.
Giữa các lời nguyện, cộng đoàn lặp lại điệp khúc "Mẹ ơi đoái thương xem nước Việt Nam, trời u ám chiến tranh điêu tàn. Mẹ hãy giơ tay ban phúc bình an, cho Việt Nam qua phút nguy nan". Bài hát này được cha xứ Mỹ Dụ giải thích rằng: cho dù ngày nay chúng ta không có chiến tranh, nhưng máu của các linh mục và giáo dân đã đổ ra tại Tam Tòa, và vẫn còn có đấu tranh tâm lý, đấu tranh trên mặt trận văn hóa tư tưởng.
Ánh nến lung linh cùng với lời kinh tha thiết làm xúc động lòng người.
Tuyên Nguyễn