Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Ngày nay, người ta thường nói đến sự lãng phí của con người: lãng phí điện nước, lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền bạc, lãng phí sức khỏe… Trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều người nghèo, sự lãng phí bị lên án như một tội ác.
Tuy vậy, có một sự lãng phí nguy hiểm mà ít khi được nhắc tới, đó là lãng phí sinh mạng con người. Nếu lãng phí được định nghĩa là “làm mất một cách vô ích tiền tài, sức lực, thời gian” (theo Từ điển Từ và ngữ Việt Nam) thì xem ra con người ngày nay đang lãng phí sinh mạng tới mức báo động.
Lãng phí sự sống trước hết là nạn phá thai. Đã có biết bao chuyên viên nghiên cứu phân tích về những hậu quả tai hại của việc phá thai trong lãnh vực tâm lý, thể lý và tâm linh, vậy mà số thai nhi bị phá càng ngày càng tăng. Theo thống kê chưa chính xác, thì Việt Nam chúng ta là nước thứ ba trên thế giới về số thai nhi bị giết hại. Con số này từ một triệu rưỡi đến hai triệu ca mỗi năm. Thủ tục phá thai hiện nay rất đơn giản và nhanh chóng. Nhiều nơi phá thai được trá hình với cái tên rất đẹp “Khám chữa bệnh phụ khoa”, có những cò mồi, chèo kéo như những nhà hàng ăn uống. Biết bao sản phụ đã chết oan vì những “xưởng phá thai” kiểu này, nhưng xem ra người ta vẫn không sợ.
Lãng phí sự sống còn là sự thiếu cẩn trọng khi lao động và khi tham gia giao thông. Mỗi năm, nước ta có đến mười hai nghìn người chết vì tai nạn giao thông, tương đương với mỗi ngày có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên khắp các nẻo đường của đất nước chúng ta. Nếu so sánh với vụ tai nạn máy bay rơi khoảng từ 200 đến 300 người/vụ, thì tại Việt Nam cứ mỗi năm chúng ta có khoảng 40 vụ rơi máy bay (trích bài viết tại trang VnExpress.net ngày 19-11-2012). Những người này hầu hết là những người trụ cột trong gia đình, hoặc là thanh niên tuổi trẻ, là công nhân, sinh viên, học sinh, tức là những người đang có nhiều kỳ vọng ở tương lai. Biết bao nhiêu lời cảnh báo, biết bao nhiêu lần bị phạt, xem ra nhiều người vẫn không tỉnh ngộ. Vẫn còn đó những chàng trai cô gái đua xe, đùa với thần chết, coi sự chết như không. Họ thật lãng phí cuộc sống.
Từ vài năm trở lại đây, có một thứ “mốt” quái đản là… tự tử. Có nhiều người tự tử ở tuổi còn trẻ, thậm chí là vị thành niên. Những người chán sống không hẳn là người bị đẩy vào ngõ cụt của cuộc đời, mà đôi khi họ là những người thành đạt và đang ở đỉnh cao của danh vọng như một số ngôi sao điện ảnh, ca sĩ hay người mẫu. Cũng vì không muốn sống, một số người có chức có quyền cũng đã tìm đến cái chết khi có nguy cơ bị khui ra những việc làm mờ ám, hay vì những lý do có trời mới biết. Những người này cũng lãng phí mạng sống mình.
Vì thất vọng trước một cuộc sống trống rỗng vô ý nghĩa, nhiều bạn trẻ đã tìm đến ma túy và những thói ăn chơi sa đọa. Vì ham mê tìm đến với những cảm giác thần tiên nhất thời, họ đã đánh mất tương lai, trở nên mối họa cho gia đình và người thân. Họ đã tự đánh mất chính mình.
Khi coi thường mạng sống, người ta dễ liều mạng phạm tội.
Chắc hẳn những ai có lương tri đều đắng lòng khi đọc những thông tin liên tục về các vụ án được xử mà kết cục là án tử hình. Họ là những thanh niên trẻ trung, mang dáng vẻ thư sinh, nhưng lại liều lĩnh phạm tội và trở thành những kẻ sát nhân máu lạnh. Họ được cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng hai ba chục năm, đặt rất nhiều hy vọng ở tương lai, vậy mà bây giờ họ trở nên mối nguy hiểm cho xã hội. Hy vọng của cha mẹ và gia đình họ đã bị tắt lịm. Người vào tù đau khổ vì mối ân hận day dứt. Người ở ngoài đau khổ vì bia miệng tiếng đời. Tiếc rằng, con số những vụ việc như nêu trên tăng nhanh tới mức chóng mặt.
Mục đích những bản án tử hình hay tù tội là nhằm giáo dục và răn đe những người khác. Thế nhưng, mặc dù có biết bao lời lên án mỗi khi có một vụ án nghiêm trọng, nhưng xem ra người ta không sợ. Vẫn liên tiếp xảy ra những vụ cướp của giết người. Vụ sau tinh vi và nguy hiểm hơn vụ trước. Người ta lãng phí sự sống và đem sinh mạng của mình ra làm trò đùa.
Một linh mục Dòng Tên người Hàn Quốc, Cha Joseph Kim Yong-hae, đã nhận định: “Tỷ lệ phá thai gấp hai lần tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ tự tử đứng đầu danh sách các nước trong Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế. Hiện tượng này, cùng với một số vụ việc khác đã khiến người ta có cảm giác xã hội Hàn Quốc đã chìm sâu trong nền văn hóa sự chết và tuyệt vọng” (Ucan News, bản tin 21-5-2012).
Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã báo động về một nền văn hóa mang tên sự chết. Đó là một lối sống ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ, không nghĩ đến tha nhân và cũng chẳng quan tâm đến ngày mai. Nền văn hóa này đang có nguy cơ thấm nhập vào xã hội của chúng ta, kéo theo những hệ lụy là sự dối trá, thù hận, thủ đoạn và vô trách nhiệm. Văn hóa sự chết chối bỏ các giá trị tôn giáo và nhân bản.
Giáo lý Công giáo dạy: “Sự sống con người phải được coi là linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội”(Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, số 2258).
Chúa cũng truyền lệnh trong Điều thứ năm của Thập điều: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13). Lệnh truyền này phải được hiểu theo hai chiều: không được cất mạng sống người khác, đồng thời cũng không có quyền tự cất mạng sống mình.
Tuân theo Luật Chúa, Giáo hội luôn luôn đấu tranh để bảo vệ sự sống con người. Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi hủy bỏ án tử hình tại những quốc gia còn giữ bản án này, vì các nhà nước vẫn có khả năng chế ngự tội ác cách hữu hiệu mà không cần phải tước đoạt cách vĩnh viễn mạng sống của các tội nhân (x SGLCG số 2267). Giáo hội cũng đưa ra những chỉ dẫn trong đời sống gia đình nhằm bảo vệ sự sống và góp phần thăng tiến con người. Ngay cả trong những quốc gia khuyến khích việc phá thai hay việc chết êm dịu, Giáo hội vẫn thi hành chức năng ngôn sứ của mình, lên án những hình thức giết người, trực tiếp hay gián tiếp, vì đó là sự vi phạm đến Luật Chúa và nhân phẩm con người.
Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Con Thiên Chúa xuống thế làm người dưới hình hài một trẻ thơ trong hang đá. Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả thế giới. Lễ Giáng sinh là lễ của hòa bình. Lễ Giáng sinh cũng là lễ của sự sống, vì Đức Giêsu mang lấy thân phận con người để nâng cao phẩm giá của con người, thông truyền cho họ sự sống siêu nhiên. Hài Nhi Giêsu trong hang đá máng cỏ là lời kêu gọi bảo vệ sự sống, từ những thai nhi còn trong lòng mẹ đến những người đang sống trên cõi đời này.
Nếu mỗi người đều biết tôn trọng sự sống của mình và của những người xung quanh, thì cuộc sống này sẽ rất an bình và vui tươi. Mong sao điều ấy được thực hiện nơi xã hội Việt Nam chúng ta.
Nguồn: WHĐ