Ngày lễ di dân giáo phận Vinh tại Sài Gòn 2012

Thứ Ba, 18 tháng 12, 2012

Lm Phạm Quang Long

Sài Gòn ngày 16/12/2012, những người sống xa quê của giáo phận Vinh tại miền Nam đã có một ngày lễ di dân thật thân tình và sốt sắng tại dòng Con Đức Bà Phù Hộ, Tam Hà, Tam Phú, Thủ Đức.

Tham dự sự kiện này có khoảng 2000 đồng hương Vinh đang học hành và làm ăn ở Bình Dương, Đồng Nai, Sài Gòn và Vũng Tàu, trong đó phần lớn là những người trẻ.

Ngay từ sớm, từng nhóm người hối hả đi về Tam Hà. Người ta có thể nhận ra nét gì đó rất riêng của họ, nhất là màu áo xanh nhạt của các bạn sinh viên Vinh.

Các bạn trẻ đã khởi động ngày hội với những màn múa tập thể khá sôi động và hào hứng. 

Tiếp đó, Đức Giám mục giáo phận đã nói chuyện với các bạn về việc sống Năm Đức Tin.

Ngài nói: "Năm Đức Tin là năm tân phúc âm hóa... Không phải rao giảng một loại tin mừng mới mà là cách thức mới, ngôn ngữ mới, phương thế mới. Mỗi thời đại chúng ta có phương pháp loan báo khác nhau. Ở thế kỷ 18 và 19 không có internet, không có facebook và các mạng xã hội. Chính vì vậy Giáo hội mời gọi chúng ta phải cố gắng để loan báo Tin mừng bằng liên kết mới và phương pháp mới, đòi hỏi mỗi người Công giáo với tư cách là môn đệ của Chúa Giêsu phải cố gắng làm sao nói lời Chúa, để trình bày lời Chúa cho người khác đòi hỏi chúng ta học giáo lý Công giáo, đào sâu giáo lý."

"Trong lá thư Mục vụ gửi cộng đồng dân Chúa nhân dịp Năm Đức tin, Hội đồng Giám mục Việt Nam nhận định rằng: Tại Việt Nam, phần đông các tín hữu vẫn trung thành dự lễ ngày Chúa nhật và kể cả ngày thường. Đa số các gia đình công giáo là nôi nuôi dưỡng và truyền thông đức tin cho con cái. Đó là điểm son, đó là điểm đặc biệt mà bất cứ người ngoại quốc nào khi đến Việt Nam đều nhận thấy điều đó. Tuy nhiên, nơi một số người thì việc giữ đạo chỉ là tập tục và là thói quen, chưa trở thành xác tín cá nhân và động lực quan trọng trong cuộc sống".

"Ở Vinh chúng ta, vì hoàn cảnh xã hội, trong suốt nhiều thập niên chúng ta phải gồng mình lên để giữ đạo, thật sự chưa sống đạo, chưa truyền cho người ta thấy cái hay, cái tốt, cái đẹp của đạo… Một số người khác thì đời sống niềm tin chỉ giới hạn ở chỗ thực hành các nghi lễ mà quên đi bản chất của đạo. Thành thử ra những giới răn quan trọng, những giới răn yêu thương, yêu thương cả kẻ thù, thực sự chưa đi vào cuộc sống của chúng ta, như HĐGM nói "nơi một số người giữ đạo vì theo tập tục thói quen, chưa thực sự trở thành xác tín cá nhân và động lực trong đời sống". 

"Chính vì vậy, khi ta ra khỏi môi trường sống của chúng ta thì chúng ta thường gặp khó khăn, vì chúng ta được đào tạo để giữ đạo chứ không phải để sống đạo trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau. Thành thử hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta đào tạo và tự đào tạo để có thể sống đạo, sống niềm tin trong những môi trường khác nhau."

"Do ảnh hưởng của thời đại, đề cao đời sống vật chất và hưởng thụ, nhiều người trẻ Công giáo ngày nay cảm thấy bị lung lạc trong đời sống đức tin. Nhiều đôi vợ chồng trẻ không còn ý thức trách nhiệm truyền thông đức tin cho con cái. Đặc biệt nhiều người trẻ chạy theo kinh tế thị trường, chạy theo yếu tố vật chất hưởng thụ mà quên đi giá trị đạo đức, giá trị truyền thống."

"Chúng ta cùng củng cố đức tin, hoán cải đời sống trở về với ơn cứu độ duy nhất. Đó là điều đòi hỏi chúng ta năm đức tin này. Mỗi năm, chúng ta quy tụ về đây gọi là ngày di dân, chúng ta suy nghĩ về đức tin của chúng ta, suy nghĩ về những gì chúng ta đã làm, những gì tích cực, những gì chưa và những gì nên làm, để làm sao mỗi năm ngày sinh hoạt di dân của giáo phận Vinh ở Sài Gòn càng thêm khởi sắc. Đặc biệt liên đới đến vấn đề tân phúc âm hóa, chúng ta rao giảng Tin mừng cho người khác, khi chúng ta tái phát tán niềm vui đức tin, chúng ta sẽ hăng say trong công cuộc tân phúc âm hóa cho chính chúng ta và cho người Việt Nam chưa biết Chúa, đem tinh thần Tin mừng xâm nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, góp phần xây dựng một xã hội lành mạnh, theo giá trị Tin mừng truyền thống của dân tộc. Đó là điều chúng ta phải suy nghĩ."

Sau đó là giờ sám hối tập thể, do cha Phêrô Trần Văn Thanh hướng dẫn, và nhiều người đã lãnh bí tích giao hòa.

Chủ đề cuộc hội ngộ lần này là hiệp nhất và tin yêu.

Cả đoàn người thực sự hiệp nhất nên một trong thánh lễ do Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ tế. Cùng đồng tế với ngài có các linh mục Antôn Võ Thành Công, Tôma Võ Minh Danh (đặc trách di dân Đà Nẵng)Phêrô Nguyễn Văn Hải, dòng Đức Mẹ người nghèo, GB Phạm Quang Long (đặc trách di dân Vinh), Tôma Aquinô Nguyễn Bá Lộc, Antôn Nguyễn Quang Thanh, Phêrô Trần Văn Thanh, Bernado Phùng Bá Luận (OSB). Ngoài ra, còn có 2 thầy phó tế giúp lễ.

Trong bài giảng, Đức Giám mục giáo phận mời gọi cộng đoàn cải thiện đời sống trong khi mong chờ Chúa đến: 

"Gioan Tẩy Giả kêu mời toàn dân hoán cải, sửa lại con đường cho ngay thẳng. Chúng ta có thể nhìn thấy đó đây con đường chúng ta đi có thể không được ngay thẳng như Tin mừng đòi hỏi."

"Tôi rất buồn khi nghe tin có những xí nghiệp từ chối không nhận công nhân chỉ vì họ là người Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa. Đây là một sự loại trừ tập thể đáng trách. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhìn lại bản thân mình xem: có thể là chúng ta đã có lối sống và cách ứng xử thái quá chăng?"

Vị chủ chăn giáo phận đã mượn lời của thánh Phaolô để khuyên nhủ con cái giáo phận rằng: "Những gì là chân thật, cao quý, những gì là chính trực, tinh tuyền, những gì là đáng mến và đem lại danh thơm tiếng tốt, những gì là đức hạnh, đáng khen, thì xin anh em hãy để ý. Và Thiên Chúa là nguồn bình an sẽ ở với anh em" (Pl 4,8.9).

Cuối thánh lễ, cha đặc trách di dân của giáo phận Vinh tại miền Nam đã bày tỏ niềm vui vì được gặp những người đồng hương: "Chúng ta đã có một ngày hội rất vui và ý nghĩa. Tôi cảm nhận được tình hiệp thông của giáo phận khi có sự hiện diện đông đảo của anh chị em chung quanh đức giám mục. Cộng đoàn hôm nay như giáo phận thu nhỏ".

"Gần ngày lễ Giáng Sinh rồi, xin chúc mọi người một mùa Giáng Sinh an lành, thánh đức và một năm mới vui tươi, hạnh phúc. Con cũng thay lời cho toàn thể anh chị em xa quê mừng lễ Đức cha, chúc Đức cha một ngày lễ đầy ân sủng và một năm mới bình an."

"Nhân dịp này, tôi xin giới thiệu với các bạn giao diện mới của trang giáo phận tại địa chỉ www.gpvinh.org. Trang này chạy trên nền google nên khá nhanh và tiện lợi. Trang này sẽ là trang đầu tiên đưa tin về ngày lễ hôm nay."

Sau thánh lễ, có bữa cơm thân mật cho tất cả mọi người tham dự.

Giáo phận Vinh có số người di dân khá đông tại miền Nam, với số lượng ước tính khoảng 20 ngàn người. 

Đây là lần thứ hai di dân giáo phận Vinh có một cuộc hội ngộ như vậy. Ngày hội năm tới dự định vào ngày 14 tháng 12 năm 2013.

>> Xem thêm hình ảnh

Phỏng vấn Đức cha Bùi Văn Đọc về Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu (FABC)

Maria Vũ Loan

MỸ THO - Sau Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu, Đức Cha Phaolô Bùi Văn Đọc, Giám mục Giáo phận Mỹ Tho đã dành cho chúng tôi một chút thời gian chia sẻ tâm tình và nhận định của ngài về Hội nghị Liện Hội đồng Giám mục Á châu lần thứ X tại Xuân Lộc. 

PV - Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu vừa kết thúc, xin Đức Cha chia sẻ tâm tình của một vị giám mục tham dự với tư cách là đại diện cho HĐGMVN?


ĐC PHAOLÔ - Đại hội thứ X của Liên Hiệp các Hội Đồng Giám mục Á Châu diễn ra còn tốt đẹp hơn lòng chúng tôi mong ước. Đức Tổng Giám Mục Bosco Puthur, thuộc nghi lễ Syro Malabar, tiểu bang Kerrala Ấn Độ, cùng lớp với Đức Ông Giuse Đinh Đức Đạo, đã chia sẻ với một linh mục Ấn Độ đang làm luận án tiến sĩ tại Paris, nói rằng: “Tôi rất vui vì nhận thấy giáo dân ở Việt Nam có lòng yêu mến Giáo hội cách đặc biệt, hơn ở bên Ấn Độ nhiều và tôi cho rằng đó là dấu chỉ rõ rệt nhất của Đức tin kitô giáo ở Việt Nam”. Niềm vui của các Giám mục từ 28 quốc gia Á Châu và một số đại diện các HĐGM Châu Đại Dương, Châu Âu, Châu Mỹ La tinh cũng được biểu lộ rõ rệt qua những câu nói, những nụ cười thoải mái. Tôi xác tín rằng, chính Chúa Thánh Thần là “Niềm Vui, là Vĩnh Phúc của Thiên Chúa”, đã được Thiên Chúa ban tràn đầy cho Giáo hội tại Việt Nam trong những ngày Đại hội vừa qua. Các Giám mục Việt Nam, và riêng cá nhân tôi, sẽ cố gắng giữ mãi niềm vui đó cho Giáo phận, cho Giáo hội tại Việt Nam, không để cho bất cứ điều gì làm cho giảm thiểu.

Điều thứ hai làm chúng tôi rất vui mừng là “Tình huynh đệ giữa các Giám mục”, tuy đến từ nhiều vùng đất khác nhau, có những ngôn ngữ và văn hoá khác nhau, nhưng rõ ràng là anh em một nhà. Tất cả họ đều nói với chúng tôi rằng: “Trong các lần tham dự các Đại Hội FABC, chỉ có lần này là chúng tôi cảm thấy vui nhất, vì chúng tôi cảm thấy như ở nhà mình”. Hai Đức Cha Xuân Lộc, Đại Chủng Viện Xuân Lộc, và cả Giáo phận Xuân Lộc đã góp một phần rất lớn trong việc tạo bầu khí vui tươi, thoải mái, sốt sắng. Đây không chỉ là vấn đề tình cảm, mà là vấn đề môi trường tâm linh, môi trường đạo đức, môi trường của Thần Khí Chúa. Môi trường này thật là thuận lợi cho các Giám mục chúng tôi thực hiện tinh thần “Đồng đoàn” (Collegiality), mà Công Đồng Vatican II đề ra trong Hiến Chế Lumen Gentium (Ánh Sáng muôn dân). Chúng tôi trao đổi với nhau một cách rất thoải mái, trong nhóm làm việc (Workshop), cũng như tại hội trường. Tinh thần “Đồng đoàn”này chắc sẽ tiếp tục ảnh hưởng trên Giáo hội Việt Nam, trong cách làm việc chung của Hội đồng Giám mục.

PV - Kính thưa Đức Cha, các giám mục đến từ nhiều quốc gia khác nhau với những nền văn hóa và bối cảnh khác nhau, vậy làm thế nào các ngài chia sẻ và thông đạt kinh nghiệm cũng như nối kết với nhau trong các dự án tông đồ tương lai? 

ĐC PHAOLÔ - Có một số Giám mục, tôi đã quen từ lâu, như Tổng giám mục Chamniern, chủ tịch Hội Đồng Giám mục Thái lan, Đức Hồng Y John Tong, Giám mục Hồng Kông, Đức Hồng Y Toppo, Tổng Giám mục Ranchi, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Ấn Độ theo nghi lễ Roma. Các vị đó có người là bạn cùng lớp, có người là đàn anh của tôi khi còn học ở Roma, và cha Trần Công Nghị là giám đốc của VietCatholic cũng biết khá rõ các vị này. Tôi cũng có cơ hội để có những bạn mới rất vui tính như Giám mục Martinus, OFM Cap, Giám mục Padang thuộc Indonesia, lúc nào cũng tươi cười và “sôi nổi”, hay Giám mục Louis Marie Linh, chủ tịch HĐGM Lào-Kampuchia, Giám mục Bosco Lin Chi Nan là Giám mục Giáo phận Tai Nan, Taiwan. Chúng tôi rất muốn đi thăm nhau trong những năm sắp tới, nhưng sợ không có thời gian, vì ai nấy cũng bù đầu với công việc. Thực tế hơn là cần phải bắt tay với các vị có các trách nhiệm khác nhau trong tổ chức FABC, liên lạc với các Văn phòng chuyên trách, như Văn phòng Đối thoại các Tôn giáo, Văn phòng Đặc trách Phát triển, Văn phòng Đặc trách Giáo dân và Gia đình, Văn phòng Đặc trách Loan báo Tin mừng, Văn phòng về “Biến đổi khí hậu”, để họ có thể giúp chúng ta nhiều hơn nữa, và để HĐGMVN hội nhập sâu hơn nữa vào sinh hoạt mục vụ của các Giáo hội chị em tại Châu Á. Quan trọng hơn cả là hội nhập vào nỗ lực chung để hiện diện cách mới mẽ hơn, phù hợp với tinh thần của Công Đồng Vatican II, dấn thân vào công cuộc Tân Phúc Âm hóa theo lời mời gọi của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI và Thượng Hội đồng các Giám mục thế giới nhóm họp vào tháng 10 vừa qua tại Rôma.

PV - Xin Đức Cha cho biết qua về nội dung bài tham luận mà Đức Cha đã trình bầy trước hội nghị? 

ĐC PHAOLÔ - Bài tham luận của tôi hoàn toàn mang tính mục vụ truyền giáo. Theo tôi, muốn làm mục vụ cách tốt đẹp và hữu hiệu, chúng ta phải luôn lưu tâm đến bối cảnh xã hội trong đó chúng ta sống và phục vụ, vì không có cách nào khác. Mục vụ, theo định nghĩa của Đức Giáo Hoàng Gregorio Cả trong tác phẩm “Qui tắc mục vụ” (Regula Pastoralis) là “nghệ thuật đệ nhất”, “nghệ thuật trên mọi nghệ thuật” (Ars artium): là nghệ thuật hướng dẫn tâm hồn của con người, nghệ thuật chăm sóc đời sống đức tin của Dân Chúa. Tác giả siêu việt của nghệ thuật này là Chúa Thánh Thần. Các mục tử trong Giáo hội là những nghệ nhân cộng tác mật thiết với Chúa Thánh Thần. Bối cảnh xã hội Việt Nam có các tôn giáo, có các nền văn hoá, và có cả “xã hội vô thần duy vật”, mà chúng ta không thể tránh né và không nên tránh né. Bởi vì nếu tránh né, thì chúng ta không thể nào chăm sóc các giáo dân đang hiện diện trong lòng xã hội, và cũng không thể hướng tới lương dân để loan báo Tin Mừng cho họ. Bối cảnh của Việt Nam đòi hỏi cần lưu tâm tới một lãnh vực khác nữa ngoài ba lãnh vực “các tôn giáo, người nghèo, các nền văn hoá”. Cần một cuộc đối thoại trên bốn mặt, thay vì ba. Mặt thứ tư chính là xã hội vô thần duy vật, mà chúng ta có thể coi như là một phần của “Sân Chư Dân” (Courtyard of the Gentiles) mà Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI từng đề cập đến, hay là “Diễn Đàn mới” (New Forum). Làm thế nào để những người vô thần cũng được loan báo Tin Mừng của Chúa Giêsu. Nại vào lý do này hay lý do khác, để thoái thác sứ mạng này, chúng ta sẽ phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa. Giáo hội đang cố gắng tối đa để làm việc này tại Trung Quốc, mặc dù hết sức khó khăn và gặp rất nhiều trở ngại, Đức Hồng Y Tong của Hồng Kông vẫn luôn nuôi hy vọng rằng càng ngày sẽ càng có nhiều người dân Trung Quốc biết Chúa Giêsu. 

Trong Năm Đức Tin, chúng ta được mời gọi để tái khám phá ý nghĩa của đức tin. Chúng ta phải trở về với Chúa Kitô, thay đổi não trạng của chúng ta, não trạng chắc còn nhuộm màu sắc trần tục. Là môn đệ của Chúa Giêsu, vấn đề chính yếu vẫn là làm thế nào để, tuy vẫn ở trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian. Chúng ta phải vượt qua mặc cảm Đạo Công Giáo là Đạo của Phương Tây. Chúng ta cố gắng làm chứng cho Tin Mừng Tình Yêu và Công Lý. Cố gắng vun trồng “Sự sống thiêng liêng, tâm linh”, cho một xã hội trong đó còn rất nhiều người khao khát được hướng dẫn về tâm linh. Chúng ta cố gắng tìm ra cách thế loan báo Tin Mừng bằng ngôn ngữ mà con người thời nay hiểu được: ngôn ngữ của Tình Yêu, ngôn ngữ của Sự Thật, và ngôn ngữ của Cái Đẹp. Chân Thiện Mỹ là những giá trị cao cả nhất trong đời sống con người. Chân Thiện Mỹ đích thực và tuyệt đối mang “Khuôn Mặt” mà chúng ta được kêu gọi để giới thiệu cho mọi người, Khuôn Mặt ấy là chính Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta và là Đấng Cứu Độ Duy Nhất.

Tôi cảm thấy rất vui khi đã trình bày điều mình muốn nói, và tôi nhận thấy cử tọa lắng nghe rất chăm chỉ, có một số người đắc ý gật gù như Đức Hồng Y John Tong của Hồng Kông, Đức Hồng Y Toppo của An Độ, có một số người khác, vào giờ giải lao, đến xin bài tham luận. Nỗ lực của tôi là đi vào đường lối cởi mở và đối thoại của FABC.

PV - Trong nghị hội lần này, đâu là những điểm then chốt mà các giám mục Á châu đã đề cập tới, và đâu là những thách đố còn đang cần phải chú ý tới sau Hội nghị?

ĐC PHAOLÔ - Không có đủ thời giờ để trao đổi về các vấn đề nêu ra ở nhóm cũng như trong giờ họp chung. Có mấy vấn đề nổi bật là vấn đề “Sự Sống”. Đây là một vấn đề gai góc nhất và đau đớn nhất: ngày nay, khắp nơi có quá nhiều hình thức xâm phạm đến sự sống con người, và không làm sao mà ngăn cản được. Khắp nơi trên thế giới, và ở Á Châu cũng thế, vấn đề bạo lực về thể lý hay về tinh thần còn phổ biến. Tại nhiều nơi, Giáo hội vẫn chưa tìm được giải pháp, vì tại những nơi ấy Giáo Hội chỉ là một thiểu số rất nhỏ bênh vực sự sống, phải đương đầu với một xã hội không phò sự sống. Vấn đề môi sinh: môi trường tâm linh cũng như vật chất đều bị ô nhiễm trầm trọng bởi những khí thải độc hại do nền văn minh hiện đại. Vấn đề biến đổi khí hậu là một vấn đề ngày càng cho thấy rõ hậu quả tai hại. 

Vấn đề lớn nhất mà ai ai cũng thấy và quốc gia Á Châu nào cũng phải đối diện là hố ngăn cách ngày càng lớn giữa thiểu số giàu có và đại đa số nghèo khó. Hố ngăn cách này không những là một sự bất công và còn là nguyên do của bao nhiêu xung đột đau thương và đẩm máu. Một vấn đề lớn nữa, cũng là vấn đề nóng bỏng và nguy hiểm nhất, là những quan điểm cực đoan về tôn giáo cũng như về chính trị. Ở nơi nào tại Á Châu mà các thế lực cực đoan càng nhiều và càng mạnh, thì Giáo hội Chúa Kitô càng phải đau khổ. Việc đối thoại với khối Hồi Giáo vẫn là một vấn đề gai góc. Vấn đề những người di dân và tị nạn cũng là một thực trạng quan trọng được lưu tâm rất nhiều. Mục vụ cho người di dân và tị nạn cần phải được làm thật tốt, thì mới có thể nói rằng các mục tử trong Giáo hội đã chu toàn trách nhiệm. 

Theo như tôi, vấn đề thực tế nhất là sự ảnh hưởng rất mạnh mẽ, nhanh chóng và rộng rãi của tiến trình “Toàn cầu hóa cả về mặt kinh tế lẫn văn hoá” trên đời sống mọi hạng người, mà đặc biệt là gia đình, giới trẻ và thanh thiếu niên. Rõ ràng là ảnh hưởng này có hai mặt đối nghịch nhau rất rõ rệt. Một mặt rất tích cực là làm cho thế giới như thu nhỏ lại và người ta như gần nhau hơn, liên đới với nhau hơn, hiểu biết nhau nhiều hơn, sự phổ biến những khám phá mới của nhân loại cũng làm cho con người được mở mang đầu óc và trí tuệ rất nhiều. Nhưng mặt tiêu cực hết sức nặng nề và trầm trọng: tội ác và bạo lực trở nên phổ biến; sự suy đồi về mặt luân lý và đạo đức lây lan rất nhanh, nhiều khi không kịp ngăn chặn. Giáo hội phải làm thế nào để giúp cho mọi người, đặc biệt là người Kitô hữu, một cách nhanh chóng và hữu hiệu, phân định tốt xấu, lành dữ, nhân bản hay phi nhân, phù hợp với lẽ tự nhiên, lẽ Trời, thánh ý Thiên Chúa, hay đối nghịch lại. Giáo huấn của Giáo hội, mà đặc biệt là Học thuyết xã hội của Giáo hội càng ngày càng tỏ ra rất ích lợi và nhiều khi cần thiết nữa. Nói chung là cần phải lưu ý tối đa tới công việc giáo dục, mà đặc biệt là giáo dục đức tin và lương tri con người. Các Giáo hội tại Á Châu, muốn noi gương Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, tuy đã cao niên, vẫn là một Mục Tử chủ trương dùng những phương tiện hiện đại nhất để loan báo Tin Mừng Chúa Kitô.

PV - Chúng con xin cảm ơn Đức Cha đã dành cho chúng con thời gian quí báu và những tâm tình của Đức Cha sau Đại hội FABC. Xin kính chúc Đức Cha một Mùa Giáng Sinh tràn đầy hồng ân Thiên Chúa và một Năm Mới khang an hồn xác.


Nguồn: Vietcatholic

Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp dâng lễ tại giáo điểm Con Cuông

Thứ Hai, 17 tháng 12, 2012


Micae Ánh

Sáng nay, Chúa Nhật ngày 04 tháng 11 năm 2012, Đức Giám Mục giáo phận Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp, đã dâng thánh lễ cầu nguyện cho các giáo dân tại giáo Điểm Con Cuông. Cùng đồng tế với ngài, có Cha Quản hạt Bột Đà Antôn Hoàng Đức Luyến, Cha Tổng Đại Diện Phêrô Nguyễn Văn Viên.

Trong khi chờ Đức Cha, khoảng hơn 100 giáo dân đã có mặt đông đủ tại nhà bà Cường (địa điểm dâng thánh lễ). Nhìn khuôn mặt của mọi người, thấy ai cũng ánh lên niềm vui sướng và hạnh phúc, vì hôm nay Đức Giám Mục giáo phận sẽ về dâng thánh lễ cầu nguyện cho bà con sau bao ngày chờ đợi. Đến 9h00, Đức cha, cha Tổng Đại Diện và cha quản xứ Quan Lãng đã có mặt tại nhà bà Cường, trước khi thánh lễ bắt đầu, Đức Cha đã đưa quyết định của UBND tỉnh Nghệ An cho người nhà của bà Cường đọc cho mọi người có mặt ở đây được biết.

Quyết định này đã nói rõ: UBND tỉnh đã đồng ý việc dâng thánh lễ cầu nguyện cho các linh hồn tại nhà Bà Cường vào Chúa Nhật ngày 04 tháng 11 năm 2012, do Đức Giam Mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp chủ tế và được phép đồng tế không quá hai linh mục. Các linh mục này phải đăng ký tên đầy đủ.

Theo quyết định này, hai cha Giuse Ngô Văn Hậu và Gioan Baotixita Nguyễn Đình Thục không được dâng lễ tại Con Cuông. UBND tỉnh cũng chấp nhận cho bà con giáo dân Con Cuông một địa điểm tại xã Bồng Khê để bà con sinh hoạt và tham dự thánh lễ các ngày Chúa Nhật.

Sau khi đã công bố quyết định cho bà con được biết, Đức Cha đã khai lễ với ý cầu nguyện cho các linh hồn của những người thân tại giáo điểm Con Cuông. Và cầu nguyện cho công cuộc truyền giáo tại giáo điểm này.


Trong phần giảng lễ, Đức Cha đã nhấn mạnh đến Lời Chúa trong ngày hôm nay, là mến Chúa và yêu người. Đặc biệt những người dân ở Con Cuông thì lòng mến Chúa và yêu người lại càng phải được thể hiện nhiều hơn vì bà con ở đây đang phải chịu nhiều thử thách trong việc tuyên xưng đức tin và tình yêu Thiên Chúa của mình. Đức Cha cũng kêu mời mọi người giáo dân ở đây hãy sống can đảm, vững tin vào tình yêu và sự quan phòng của Thiên Chúa, biết sống quảng đại tha thứ và yêu thương mọi người nhất là những kẻ thù của mình.

Đức Cha cũng thông báo cho bà con giáo dân được biết là tòa giám mục Xã Đoài đã làm việc với UBND tỉnh Nghệ An và đã thống nhất một địa điểm mới cho bà con sinh hoạt và tham dự thánh lễ Chúa Nhật hàng tuần tại xã Bồng Khê, huyện Con Cuông.

Đến phần phụng vụ Thánh Thể, có người đến cắt điện nhằm phá hoại và làm dán đoạn thánh lễ, nhưng thánh lễ vẫn diễn ra và mọi người vẫn sốt sắng nâng tầm hồn lên để dâng cho Chúa những hi sinh và những thử thách mà họ phải chịu hàng ngày.

Sau thánh lễ, Đức Cha đã động viên bà con hãy can đảm để vượt qua những thử thách sống trong đời sống chứng nhân của mình. Ngài cũng có nhã ý vào dịp Giáng Sinh hay dịp năm mới sẽ tổ chức một bữa cơm thân mật và có sự tham dự của Đức Cha, cha quản xứ và đông đủ bà con giáo dân ở đây. Thời gian và địa điểm sẽ do cha quản xứ và bà con quyết định.

Thánh lễ kết thúc, mọi người ra về bình an, không có sự cố gì xảy ra.

Sau thánh lễ, Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện, Cha Quản hạt, cha Quản xứ, các thầy và một số bà con giáo dân đã đến nhà ông Trận và nhà nguyện nơi các sơ đang ở để thăm các chị và gia đình ông Trận và dùng bữa cơm thân mật với mọi người ở đây.

Trên đường về, Đức Cha, Cha Tổng Đại Diện, Cha Quản hạt và cha Quản xứ Quan Lãng đã đến thăm địa điểm mới, nơi mà các cha sẽ dâng thánh lễ cho bà con giáo điểm Con Cuông trong các Chúa Nhật tới đây. Địa điểm này gần nơi quốc lộ 7, nơi này trước kia, Cha Phêrô Nguyễn Quyền cũng đã dâng thánh lễ cho bà con ở đây. Nếu không có gì thay đổi thì vào Chúa nhật tuần tới, sẽ có thánh lễ  tại địa điểm này do Cha Quản hạt chủ tế.

Từ trái sang: cha hạt Bột Đà, cha xứ Quan Lãng, ĐGM và cha Tổng Đại diện




Nguồn: giaohatbotda.net


Sứ điệp của ĐGH Benedicto XVI nhân ngày Hòa bình Thế giới 01/01/2013

Chủ Nhật, 16 tháng 12, 2012

"Phúc cho những ai kiến tạo hòa bình" là chủ đề của sứ điệp của Đức Thánh Cha Benedict XVI gửi Ngày Hoà Bình Thế Giới lần thứ 46 sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 1 năm 2013 tới đây. Sứ điệp lần này gồm 7 số, sau đây là toàn văn sứ điệp này: 

1. Năm mới luôn mang lại cho chúng ta niềm hy vọng về một thế giới tốt đẹp hơn. Trong ánh sáng này, tôi nguyện xin Thiên Chúa, là Cha của nhân loại, ban cho tất cả chúng ta sự hoà thuận và bình an để những khao khát của chúng ta về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng có thể được thành tựu.

Năm mươi năm sau ngày khai mạc Công Đồng Vaticano II vốn là sự kiện giúp chúng ta đào sâu sứ mạng của Giáo hội trong thế giới, chúng ta phấn khởi nhận ra rằng những người Kitô hữu, như là Dân Thiên Chúa trong việc bước theo Người và sống giữa lòng thế giới, chúng ta dấn thân vào lịch sử để chia sẻ vui mừng và hy vọng, ưu sầu và lo lắng[1], khi chúng ta công bố ơn cứu độ của Đức Kitô và thăng tiến hòa bình cho nhân loại.

Thực tế, thời đại của chúng ta được đánh dấu bởi sự toàn cầu hoá với những khía cạnh tích cực và tiêu cực của nó, cũng như sự tiếp nối của những xung đột bạo lực và những đe doạ của chiến tranh, đòi hỏi một sự dấn thân mới mẻ và mang tính hợp tác trong việc theo đuổi ích chung cũng như sự phát triển của mọi người, và sự phát triển toàn diện của con người. 

Thật đáng báo động khi chứng kiến sự lan tràn của những căng thẳng và xung đột gây ra bởi sự phát triển của sự bất bình đẳng giữa giàu và nghèo, sự lan tràn của não trạng cá nhân và ích kỷ vốn tìm thấy sự biểu hiện của nó trong chủ nghĩa tư bản tài chính thiếu sự kiểm soát. Bên cạnh những hình thức đa dạng của chủ nghĩa khủng bố và tội ác quốc tế, hoà bình cũng bị đe doạ bởi trào lưu chính thống và chủ nghĩa cuồng tín, bóp méo bản chất tôn giáo đích thực, vốn mời gọi cổ võ tình liên đới và sự hoà giải giữa mọi người.

Thời nào cũng vậy, những nỗ lực khác nhau trong việc kiến tạo hoà bình nhan nhãn trong thế giới chúng ta chứng minh rằng ơn gọi căn bản của con người là hoà bình. Nơi mỗi người, khao khát hoà bình là một khao khát căn bản, trong một cách thức nào đó, hoà hợp với nỗi khao khát về một đời sống hạnh phúc và thịnh vượng tròn đầy. Nói cách khác, nỗi khát khao hoà bình liên quan đến một nguyên lý luân lý nền tảng, nghĩa là liên quan đến nghĩa vụ và quyền lợi nơi sự phát triển của cộng đồng và xã hội, vốn cũng là một thành phần trong kế hoạch của Thiên Chúa dành cho con người. Con người được sáng tạo cho sự hoà bình vốn là một qùa tặng của Chúa. 

Tất cả những thao thức trên thúc đẩy tôi chọn chủ đề cho Thông Điệp năm nay từ những lời của Đức Giêsu: “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa” (Mt 5,9).

Mối phúc Tin Mừng

2. Các mối phúc mà Đức Giêsu công bố là những lời hứa. Trong truyền thống Kinh Thánh, mối phúc là một thể loại văn chương liên quan đến những tin tốt lành, một “Tin Mừng”, là chóp đỉnh của một lời hứa. Do đó, các mối phúc không chỉ là những khích lệ về mặt luân lý, cổ võ người ta tuân giữ để thấy trước, thường là trong đời sống mai hậu, những phần thưởng hay những vị thế hạnh phúc trong tương lai. Đúng hơn, phúc lành mà các mối phúc nói đến hệ tại ở việc viên mãn của một lời hứa dành cho tất cả những ai để cho mình được hướng dẫn bởi những đòi hỏi của chân lý, công bình và bác ái. Trong con mắt của thế gian, những người tin tưởng vào Thiên Chúa như thế thường bị xem là kẻ khờ khạo và xa rời thực tế. Tuy nhiên, Đức Giêsu nói cho họ rằng, không chỉ ở đời sau nhưng ngay tại đời này, họ sẽ khám phá ra mình là con cái của Thiên Chúa, và rằng Thiên Chúa đã, đang và sẽ mãi ở bên cạnh họ. Họ hiểu rằng mình không lẻ loi, bởi vì Thiên Chúa là đồng minh với những con người dấn thân cho chân lý, công bình và bác ái. Đức Giêsu, mạc khải Tình yêu của Chúa Cha, không do dự trao ban chính mình như một sự tự hiến. Mỗi khi chúng ta đón nhận Đức Giêsu, Đấng là Thiên Chúa và là con người, chúng ta kinh nghiệm được niềm vui về một quà tặng lớn lao: sự sẻ chia chính sự sống của Thiên Chúa, đời sống ân sủng và là lời hứa về sự hiện hữu hạnh phúc tròn đầy. Cụ thể, Đức Kitô ban cho chúng ta bình an đích thực phát sinh từ một cuộc gặp gỡ đầy tin tưởng giữa con người với Thiên Chúa.

Mối phúc của Đức Giêsu nói cho chúng ta biết hoà bình là một món quà của Đấng Mesia nhưng đồng thời cũng là hoa trái phát sinh từ những nỗ lực của con người. Thực vậy, hoà bình giả thiết về sự mở ra của con người đối với siêu việt. Nó là hoa trái của một món quà hỗ tương, của một sự phong phú mang tính hai mặt. Nhờ vào quà tặng này, một quà tặng có nguồn cội nơi Thiên Chúa, chúng ta có thể sống với và sống cho người khác. Nền đạo đức của hoà bình là đạo đức của tình liên đới và chia sẻ. Điều tuyệt đối cần thiết là những nền văn hoá của chúng ta trong thời đại ngày nay cần vượt qua những hình thức nhân loại học và đạo đức dựa trên những giả định vốn chỉ mang tính chủ quan và thực dụng, nơi đó mối tương quan đồng tồn tại được gợi hứng bởi các tiểu chuẩn về quyền lực và ích lợi, phương tiện trở thành cùng đích chứ không phải ngược lại, văn hóa và giáo dục chỉ đơn thuần tập trung vào thiết bị, kỹ thuật và hiệu quả.

Điều kiện cần thiết để có hoà bình là sự xoá bỏ chế độ độc tài của chủ nghĩa tương đối và của một giả định về nền luân lý hoàn toàn tự trị vốn không thừa nhận luật luân lý tự nhiên, được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của mỗi người nam và người nữ. Hoà bình cần được xây dựng trên sự đồng hiện diện của những thuật ngữ lý trí cũng như luận lý, được đặt nền tảng trên những tiêu chuẩn vốn không phải do con người tạo nên, nhưng đúng hơn là do Thiên Chúa. Thánh Vịnh 29 nói rằng: Xin Yavê ban uy lực cho dân Người, Yavê chúc lành cho dân Người bình an” (câu 11).

Hoà bình: Quà tặng của Thiên Chúa và hoa trái của nỗ lực con người

3.Hoà bình liên quan đến con người xét như toàn thể và nó đòi hỏi sự dấn thân trọn vẹn. Hoà bình với Thiên Chúa là một đời sống được sống theo ý muốn của Ngài. Hoà bình cũng là một sự bình an nội tâm nơi chính mình và hoà bình ngoại tại với tha nhân và với các tạo vật. Trên hết, như chân Phước Gioan 23 đã viết trong thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), mà chúng ta sẽ kỷ niệm 50 vào những tháng tới, hòa bình đòi hỏi xây dựng trên một sự đồng tồn tại được đặt nền tảng trên chân lý, tự do, bác ái và công bình[2]. Sự khước từ điều làm nên bản chất đích thực của con người trong những chiều kích thiết yếu nhất, trong khả năng nội tại để biết chân lý và sự thiện, và một cách tối hậu, là khả năng nhận biết chính Thiên Chúa, sẽ gây nguy hại cho việc kiến tạo hòa bình. Không có chân lý về con người vốn được Đấng Tạo Hóa ghi dấu trong trái tim con người, tự do và bác ái trở nên giả tạo, và công bình đánh mất đi nền tảng tồn tại của chính mình.

Để trở nên người kiến tạo hòa bình đích thực, chúng ta cần phải luôn nhớ về chiều kích siêu việt của mình và phải đi vào một cuộc đối thoại liên lỉ với Thiên Chúa là Cha giàu lòng thương xót, ngang qua đó chúng ta sẽ khám phá ra ơn cứu chuộc mà Người Con Duy Nhất của Ngài đã mang đến cho chúng ta. Nhờ đó, con người có thể vượt qua được những bóng mờ của sự tiến bộ và sự khước từ hòa bình vốn là tội lỗi trong tất cả hình thức của nó: ích kỷ, bạo lực, kiêu căng, khao khát quyền lực và thống trị, thiếu lòng khoan dung, ghen ghét và các cơ cấu bất công.

Thành tựu hòa bình phụ thuộc trước hết vào việc chúng ta nhận ra, nơi Thiên Chúa chúng ta là một gia đình nhân loại. Như Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris) dạy rằng, gia đình này được cấu trúc bởi các mối tương quan liên vị và các thể chế vốn được hỗ trợ và được làm sống động bởi cộng đồng “chúng ta”, đòi hỏi một trật tự luân lý nội tại cũng như ngoại tại, mà trong đó, hợp với chân lý và công bình, các quyền hỗ tương và các nghĩa vụ tương ứng được chân nhận. Hòa bình là một trật tự được sống động và hòa hợp bởi đức ái, trong đó chúng ta sẽ cảm thấy nhu cầu của tha nhân cũng là của chính mình; chúng ta chia sẻ thiện ích với tha nhân và lao tác cho thế giới cho một sự hiệp thông lớn hơn về những giá trị tinh thần. Hòa bình là một giá trị đạt được trong tự do, nghĩa là trong một cách thế phù hợp với phẩm giá của con người, với bản chất của mình như là những hữu thể có lý trí, con người chịu trách nhiệm cho hành động của mình.[3]

Hòa bình không phải là một giấc mơ hay một điều gì đó không tưởng, nhưng là một điều khả thi. Chúng ta cần nhìn sâu xa hơn, vượt qua những vẻ bề ngoài và các hiện tượng bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra một thực tại tích cực tồn tại trong trái tim con người, vì mỗi người nam và nữ đã được sáng tạo theo hình ảnh của Thiên Chúa và được mời gọi để lớn lên và góp phần vào việc xây dựng một thế giới mới. Chính Thiên Chúa, ngang qua mầu nhiệm nhập thể của Người Con và công trình cứu chuộc của Người, đã đi vào lịch sử và đã mang đến một cuộc tạo dựng và một giao ước mới, giao ước giữa Thiên Chúa và con người (xem Gr 31,31-34), và ngài cũng ban cho chúng ta một “trái tim mới” và một “thần khí mới” (xem Gr 36,26).

Vì lý do này, Giáo Hội nhận ra một nhu cầu cấp thiết trong việc tái công bố về Đức Giêsu, là yếu tố đầu tiên và nền tảng của sự phát triển hội nhất nơi con người và cũng là của sự hòa bình. Đức Giêsu là hòa bình đích thực, là công bình và sự hòa giải của chúng ta (x. Ep 2,14; 2Cr 5,18). Người kiến tạo hòa bình, theo mối phúc của Đức Kitô, là người tìm kiếm thiện ích cho người khác, thiện ích trọn vẹn nơi linh hồn và trong thân xác, hôm nay cũng như mai sau.
Từ lời dạy này, người ta có thể suy ra rằng, mỗi người và mỗi công đoàn, cho dù thuộc về tôn giáo, nền giáo dục và văn hóa nào đi nữa, tất cả đều được mời gọi để lao tác cho hòa bình. Hòa bình là một sự thành tựu những thiện ích nơi một xã hội trong mọi mức độ khác nhau, ở mức độ cơ sở, trung cấp, quốc gia, quốc tế và toàn cầu. Rõ ràng, vì lý do này con đường để đạt đến thiện ích chung cũng chính là con đường phải đi trong việc theo đuổi hòa bình.

Người kiến tạo hòa bình là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống trong sự toàn vẹn của nó
4. Con đường đạt đến thiện ích chung và hòa bình trên hết cần phải tôn trọng phẩm giá con người trong mọi chiều kích, bắt đầu từ khi thụ thai, thông qua sự phát triển cho đến cái chết tự nhiên của nó. Người kiến tạo hòa bình đích thực phải là người yêu mến, bảo vệ và thăng tiến sự sống con người trong sự toàn vẹn của nó, cá nhân, cộng đoàn và siêu việt. Sự sống trong ý nghĩa trọn vẹn nhất chính là đỉnh cao của hòa bình. Bất cứ ai yêu mến hòa bình thì không thể xem nhẹ những tấn công và tội ác chống lại sự sống. 

Những ai không tôn trọng sự sống con người, và hệ quả là, trong số những điều khác, cổ võ việc tự do phá thai, những người này không nhận ra rằng, khi làm như vậy, họ đang theo đuổi một thứ hòa bình giả tạo. Sự chối bỏ trách nhiệm, hạ thấp phẩm giá con người, và thậm chí giết chết những trẻ em vô tội và không có khả năng tự vệ, sẽ không bao giờ có thể đem lại hạnh phúc và bình an. Thực vậy, làm sao một người có thể tuyên bố mình đang kiến tạo hòa bình, mang lại sự phát triển toàn diện cho con người hay bảo vệ môi trường trong khi không bảo vệ những con người yếu thế nhất, những con người chưa cất tiếng khóc chào đời. Mọi xúc phạm chống lại sự sống, đặc biệt trong giai đoạn đầu của nó, sẽ gây ra những thiệt hại không thể sửa chữa được cho sự phát triển, hòa bình và môi trường. Người ta không chỉ khôn khéo đưa vào luật những quyền và những thứ tự do giả tạo mà, dựa trên nền tảng của quan điểm giản lược và tương đối về con người, họ còn khéo léo sử dụng những diễn tả mập mờ nhắm đến việc thăng tiến quyền ủng hộ việc phá thai và chết êm dịu. Những mánh khóe đó đang đe dọa quyền cơ bản của sự sống.

Cũng cần phải nhìn nhận và thăng tiến cơ cấu tự nhiên của gia đình, là sự kết hợp của một người nam và một người nữ, chống lại những toan tính đồng hóa về mặt pháp lý cơ cấu tự nhiên này với những hình thức hoàn toàn khác biệt; những nỗ lực đồng hóa như thế thực sự làm thương tổn và góp phần làm xáo trộn nền tảng của hôn nhân, che khuất bản chất đặc biệt và làm lu mờ vai trò của nó trong đời sống xã hội.

Những nguyên lý này vốn không phải là những chân lý đức tin, và nó cũng không đơn thuần là kết quả của quyền về tự do tôn giáo. Chúng được ghi khắc trong bản chất con người, có thể tiếp cận bởi lý trí và chung cho tất cả mọi người. Do đó, những nỗ lực của Giáo hội để thăng tiến chúng không mang đặc nét của niềm tin, nhưng muốn ngỏ lời với tất cả mọi người, không kể nguồn gốc tôn giáo của họ. Những nỗ lực như thế càng cần thiết hơn khi những nguyên lý này bị khước từ hay hiểu lầm, vì điều này tạo nên một sự xúc phạm chống lại chân lý về con người, và gây nên một thiệt hại nghiêm trọng cho công lý và hòa bình.

Một phương thế quan trọng khác để kiến tạo hòa bình là các hệ thống pháp luật và việc thực thi công lý nhìn nhận quyền được sử dụng nguyên tắc phản kháng lương tâm trước những luật lệ và biện pháp của chính quyền chống lại phẩm giá con người như phá thai và làm cho chết êm dịu. Cũng liên quan đến hòa bình thế giới, một trong những quyền nền tảng của con người là quyền của cá nhân và cộng đoàn đối với tự do tôn giáo. Vào thời điểm này của lịch sử, điều có tầm quan trọng khẩn thiết là phải thăng tiến quyền này, không chỉ từ khía cạnh tiêu cực, nghĩa là tự do khỏi - ví dụ, khỏi những ràng buộc và những giới hạn liên quan đến việc chọn lựa tôn giáo – nhưng còn ở khía cạnh tích cực, trong những diễn tả khác nhau của nó, nghĩa là tự do để, ví dụ, tự do để làm chứng và loan báo, thực hiện những hoạt động giáo dục và từ thiện, hiện hữu và hành động như một tổ chức xã hội hợp với những nguyên lý học thuyết và mục đích của nó. Đáng buồn thay, tình trạng áp bức tôn giáo vẫn gia tăng kể cả ở những nước có truyền thông Kitô giáo lâu đời, đặc biệt liên quan đến Kitô giáo và những người mang những dấu hiệu nói lên căn tính tôn giáo của mình.

Những người kiến tạo hòa bình cũng cần nhớ rằng, trong sự phát triển của quan điểm công chúng, những ý thức hệ về tự do cực đoan và chế độ kỹ trị đang cố gắng thuyết phục người ta rằng sự phát triển kinh tế nên được theo đuổi kể cả khi nó phương hại đến trách nhiệm xã hội của một quốc gia và những mạng lưới liên đới của xã hội dân sự, cũng như các quyền và nghĩa vụ mang tính xã hội. Nên nhớ rằng, các quyền và nghĩa vụ này vốn là nền tảng để hiện thực hóa những quyền và nghĩa vụ khác, khởi đi từ những quyền dân sự và chính trị.

Một trong những quyền và nhiệm vụ cơ bản nhất đang bị đe dọa trong thế giới ngày nay là quyền làm việc. Lý do là vì sự thừa nhận quyền lợi về tình trạng pháp lý của công nhân đang không ngừng bị xem nhẹ. Vì sự phát triển kinh tế được xem là một yếu tố phụ thuộc hoàn toàn và chính yếu vào những thị trường tự do. Trong khi đó, lực lượng lao động bị coi là một biến số phụ thuộc vào cơ chế kinh tế và tài chính. Liên quan đến điều này, tôi xác nhận rằng phẩm giá con người và các yếu tố kinh tế, chính trị và xã hội, đòi hỏi chúng ta tiếp tục “ưu tiên mục tiêu tạo ra việc làm ổn định cho mọi người” [4]. Để thực hiện được mục tiêu đầy tham vọng này, điều kiện tiên quyết là phải đổi mới cái nhìn về lao động, dựa trên những nguyên tắc đạo đức và những giá trị tinh thần vốn xem khái niệm lao động là một thiện ích cơ bản đối với cá nhân, gia đình và xã hội. Điều này đòi phải nghiên cứu và thực hiện những chính sách can đảm và mới mẻ để mọi người có công ăn việc làm.

Xây dựng thiện ích hòa bình ngang qua một mô hình mới về phát triển và kinh tế 

5. Ngày nay, ở nhiều nơi người ta thấy cần một mô hình phát triển mới, cũng như một cách thế tiếp cận mới đối với lĩnh vực kinh tế. Sự phát triển bền vững và hội nhất trong tình liên đới và thiện ích chung đòi hỏi một bậc thang đúng đắn về giá trị và thiện ích, một cấu trúc nhìn nhận Thiên Chúa như là điểm tham chiếu tối hậu của mình. Việc sẵn có các phương tiện và chọn lựa cho dẫu là một điều tốt nhưng chưa đủ. Sự đa dạng các thiện ích cổ võ sự phát triển cũng như sự sẵn sàng của những chọn lựa khác nhau phải được sử dụng nhắm đến việc đảm bảo cho một đời sống tốt, một cách hành xử đúng đắn vốn ý thức về vị trí ưu việt của giá trị thiêng liêng và lời mời gọi lao tác cho thiện ích chung. Nếu không chúng sẽ đánh mất đi ý nghĩa đích thực của mình, và cuối cùng là trở nên những thứ ngẫu tượng mới.

Để có thể thoát khỏi cuộc khủng hoảng tài kinh tế và tài chính hiện nay – vốn đưa đến sự bất bình đẳng ngày càng lớn hơn – chúng ta cần những con người, nhóm người và các thể chế thăng tiến sự sống, cổ võ cho sự sáng tạo của con người. Họ có thể rút ra từ chính cuộc khủng hoảng này một cơ hội nhận định và tìm kiếm một mô hình kinh tế mới. Mô hình kinh tế thịnh hành trong những thập niên gần đây thường tìm kiếm lợi nhuận và tiêu thụ tối đa, dựa trên nền tảng của não trạng cá nhân và ích kỷ, nhắm đến việc đánh giá con người chỉ dựa trên khả năng của họ trong việc đáp ứng những đòi hỏi của cạnh tranh. Nhưng xét trên một quan điểm khác, sự thành công đích thực và lâu dài chỉ đạt được ngang qua món quà là chính chúng ta. Vì bên cạnh khả năng tri thức và kỹ năng nghề nghiệp, sự phát triển kinh tế nhân bản đích thực và “sống động” còn đòi hỏi nguyên tắc nhưng không và lô-gích của quà tặng hiểu như cách biểu lộ tình huynh đệ[5]. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, người kiến tạo hòa bình là người thiết lập nên mối dây công bình và tương trợ lẫn nhau nơi các công ty, công nhân, khách hàng và người tiêu thụ. Họ dấn thân vào hoạt động kinh tế vì thiện ích chung. Họ kinh nghiệm sự dấn thân này như là một điều gì đó vượt lên trên lợi ích cá nhân mình, vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai. Thực thế, họ làm việc không chỉ cho bản thân, nhưng còn để đảm bảo cho người khác có tương lai và một công việc xứng đáng.

Trong lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các quốc gia cần đưa ra các chính sách phát triển nông nghiệp và công nghiệp quan tâm đến sự thăng tiến xã hội và phát triển của các quốc gia lập hiến cũng như dân chủ. Việc tạo ra các cấu trúc đạo đức cho thị trường tiền tệ, tài chính và thương mại cũng là một yếu tố nền tảng và không thể bỏ qua; những hệ thống này cần được ổn định, phối hợp và kiểm soát tốt hơn để tránh phương hại đến những người nghèo. 

Người kiến tạo hòa bình cũng cần phải tập trung vào cuộc khủng hoảng lương thực, vốn còn nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng tài chính. Vấn đề an toàn lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của các chính sách quốc tế, như một hệ luận của các cuộc khủng hoảng, vấn đề gia tăng đột biến trong giá cả của các lương thực thiết yếu, những hành vi thiếu trách nhiệm của một vài tổ chức kinh tế, và về phần mình, các chính phủ và các tổ chức cộng đồng quốc tế thiếu sự kiểm soát cần thiết. Để đối diện với cuộc khủng hoảng này, những người kiến tạo hòa bình được mời gọi làm việc với nhau trong tinh thần liên đới, từ mức độ địa phương tới cộng đồng quốc tế, với mục đích là giúp người nông dân, đặc đặc biệt cho những nông dân nhỏ bé, thực hiện các công việc của mình trong một cách thức cao quý và bền vững xét từ quan điểm kinh tế, môi trường và xã hội.

Giáo dục một nền văn hóa hòa bình: vai trò của gia đình và các thể chế

6. Tôi mạnh mẽ xác nhận rằng những người kiến tạo hòa bình được mời gọi để nuôi dưỡng một lòng khao khát dành cho thiện ích chung của gia đình và công bình xã hội đồng thời dấn thân một cách hiệu quả vào lãnh vực giáo dục xã hội.

Không nên phớt lờ hay đánh giá thấp vai trò tiên quyết của gia đình, vốn là tế bào nền tảng của xã hội xét từ quan điểm nhân khẩu học, đạo đức, kinh tế, giáo dục và văn hóa. Ơn gọi tự nhiên của gia đình là thăng tiến đời sống: Gia đình đồng hành với mỗi cá nhân cho đến khi họ trưởng thành và khuyến khích một sự phát triển hỗ tương và phong phú ngang qua sự chăm sóc và sẻ chia. Cụ thể, gia đình Kitô giáo phục vụ như là một vườn ươm cho sự trưởng thành của cá nhân theo tiêu chuẩn tình yêu Thiên Chúa. Gia đình là một trong những chủ thể xã hội không thể thay thế được trong việc đạt được một nền văn hóa hòa bình. Quyền của các bậc cha mẹ và vai trò chính yếu của họ trong giáo dục con em mình trong lĩnh vực luân lý và tôn giáo phải được bảo vệ. Chính trong gia đình mà những con người kiến tạo hòa bình tương lai, những người thăng tiến nền văn hóa tình yêu và sự sống, được sinh ra và được dưỡng dục.[6] 

Các cộng đoàn tôn giáo cũng dấn thân trong một cách thế đặc biệt trong nhiệm vụ giáo dục hòa bình. Giáo hội tin rằng mình đang chia sẻ trách nhiệm lớn lao này ngang qua sứ mạng Tân Phúc Âm Hóa vốn đặt trọng tâm vào trong việc hoán cải để đến với chân lý và tình yêu của Đức Kitô và, kết quả là sẽ dẫn đến một cuộc tái sinh về luân lý và thiêng liêng nơi các cá nhân và cộng đoàn xã hội. Việc gặp gỡ Đức Kitô khuôn đúc nên những con người kiến tạo hòa bình, những con người biết dấn thân cho cộng đồng và vượt qua mọi bất công.

Các thể chế văn hóa, trường học và các trường đại học có một sứ mạng đặc biệt về giáo dục hòa bình. Họ được mời gọi để đưa ra những đóng góp quý giá không chỉ ngang qua việc huấn luyện các thế hệ lãnh đạo tương lai, nhưng còn đổi mới các thể chế công cộng, ở cấp độ quốc gia cũng như quốc tế. Họ có thể góp phần vào những phản tỉnh mang tính khoa học vốn sẽ là nền tảng cho các hoạt động kinh tế và tài chính dựa trên một nền tảng nhân học và đạo đức vững chắc. Thế giới hôm nay, đặc biệt là thế giới chính trị, cần được hỗ trợ bởi một lối tư duy mới và một sự tổng hợp văn hóa mới để có thể vượt qua những phương pháp tiếp cận thuần kỹ thuật và hòa hợp những khuynh hướng chính trị khác nhau với quan điểm về thiện ích chung. Thiện ích chung, được xem như là một toàn thể những mối tương quan liên vị tích cực và có tính cơ cấu trong việc phục vụ cho sự phát triển hội nhất của các cá nhân và nhóm, chính là nền tảng của một nền giáo dục hòa bình đích thực.

Một khoa sư phạm cho những người kiến tạo hòa bình

7. Cuối cùng, chúng ta thấy cần phải đề nghị và thăng tiến một khoa sư phạm về hòa bình. Điều này đòi hỏi một đời sống nội tâm phong phú, những quan điểm luân lý rõ ràng và giá trị, cùng với những thái độ và lối sống thích hợp. Những hoạt động kiến tạo hòa bình thường kéo theo những thành tựu về thiện ích chung; những hoạt động này tạo ra những lợi ích cho hòa bình và dưỡng nuôi nó. Những suy nghĩ, lời nói và cử chỉ hòa bình thường tạo ra một tâm thức và một nền văn hóa hòa bình cùng với một bầu khí tôn trọng, yêu thương và thân ái. Vì vậy, cần dạy người ta biết yêu thương nhau, nuôi dưỡng hòa bình và sống cách nhân từ chứ không chỉ bao dung. Một sự khích lệ căn bản đối với thái độ sống này là “nói không với hận thù, nhận ra những bất công và chấp nhận những lời xin lỗi cho dù không tìm kiếm nó, và cuối cùng là biết thứ tha” [7]. Trong cách thức này, những lỗi lầm và những thù hận có thể được nhận ra trong chân lý, để cùng nhau đi đến sự hòa giải. Điều này cũng đòi hỏi phải không ngừng lớn lên trong khoa sư phạm tha thứ. Thực vậy, sự dữ chỉ có thể vượt qua nhờ sự thiện, và công bình chỉ có thể tìm thấy ngang qua việc bắt chước Thiên Chúa là Cha yêu thương tất cả con cái mình (xem Mt 5, 21-48). Đây chắc chắn là một tiến trình lâu dài, vì nó giả thiết một sự tiến triển thiêng liêng, một nền giáo dục về những giá trị cao quý và một cái nhìn mới về lịch sử nhân loại. Cũng cần biết từ bỏ thứ bình an giả tạo mà những ngẫu tượng thế gian hứa ban, cùng với những nguy hiểm luôn đi kèm với nó. Thứ bình an giả tạo này chỉ làm lu mờ lương tâm và đưa người ta đến một lối sống ích kỷ và dửng dưng. Trái lại, khoa sư phạm về hòa bình ám chỉ đến hoạt động, tình yêu thương, sự liên đới, lòng can đảm và sự kiên định.

Chính Đức Giêsu là hiện thân cho tất cả thái độ sống này trong đời sống của Ngài, thậm chí Ngài đã tự hiến mình, đến nỗi từ bỏ chính mạng sống mình (xem Mt 13,39; Lc 17,33; Ga 12,25). Ngài đã hứa với các môn đệ rằng sớm muộn gì họ cũng khám phá ra những điều tuyệt diệu mà tôi đã nói ở trên, nghĩa là Thiên Chúa ở trong thế giới và Thiên Chúa của Đức Giêsu là Đấng luôn hiện diện với con người. Ở đây, tôi muốn nhắc lại lời cầu nguyện, lời nguyện xin Thiên Chúa biến chúng ta thành những khí cụ bình an của Ngài, để chúng ta có thể mang tình yêu đến nơi hận thù, đem tình thương đến với người đau khổ, chân lý đức tin vào chốn lỗi lầm. Về phần mình, chúng ta hãy cùng chân phước Gioan 23 cầu xin Thiên Chúa soi sáng cho các vị lãnh đạo, để ngoài việc quan tâm đến lợi ích vật chất của dân tộc mình, họ còn biết đảm bảo cho người dân món quà quý giá là sự bình an, phá vỡ những bức tường chia cắt, đẩy mạnh mối dây yêu thương lẫn nhau, lớn lên trong sự hiểu biết và sẵn sàng thứ tha cho kẻ làm hại mình. Nhờ đó, ngang qua sức mạnh và thần hứng của Thiên Chúa, mọi người dân trên trái đất sẽ kinh nghiệm được tình huynh đệ, và sự hòa bình mà họ hằng mong mỏi, sẽ nở hoa và cư ngụ giữa họ. 

Với lời nguyện này, tôi muốn bày tỏ niềm hy vọng của mình rằng tất cả mọi người sẽ trở thành người kiến tạo hòa bình đích thực, nhờ đó thành đô của nhân loại sẽ lớn lên trong sự hòa hợp huynh đệ, trong thịnh vượng và hòa bình.

Từ Vatican 8 tháng 12 năm 2012
Benedicto XVI
giáo hoàng

Nguyễn Minh Triệu sj chuyển ngữ

[1] Xem, Công Đồng Vaticano II, Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay, Gaudium Et Spes, số 1.
[2] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 265-266.

[3] Xem, Ibid.: AAS 55 (1963), 266.

[4] Beneditto XVI, Thông Điệp Đức Ái Trong Chân Lý (29 – 06 -2009), 32: AAS 101 (2009), 666-667.

[5] Xem ibid, 34 và 36: AAS 101 (2009), 668-670 và 671-672.

[6] Đức Gioan Phaolo II, Sứ Điệp Nhân Ngày Hòa Bình Thế Giới Năm 1994 (3 tháng 12 năm 1993) AAS 86 (1994), 156-162.

[7]Đức Thánh Cha Biển Đức, Bài Nói trong cuộc gặp với các thành viên chính phủ Lenbanon (15 tháng 9 năm 2012) báo Quan Sát Viên Roma (16-9-2012), trang 7.

[8] Xem Thông điệp Hòa Bình Trên Thế Giới (Pacem in Terris), 11 tháng 4 năm 1963: AAS 55(1963), 304.

Nguồn: Radio Vaticana

Lãng phí sinh mạng

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Ngày nay, người ta thường nói đến sự lãng phí của con người: lãng phí điện nước, lãng phí tài nguyên, lãng phí tiền bạc, lãng phí sức khỏe… Trong bối cảnh xã hội vẫn còn nhiều người nghèo, sự lãng phí bị lên án như một tội ác.
Tuy vậy, có một sự lãng phí nguy hiểm mà ít khi được nhắc tới, đó là lãng phí sinh mạng con người. Nếu lãng phí được định nghĩa là “làm mất một cách vô ích tiền tài, sức lực, thời gian” (theo Từ điển Từ và ngữ Việt Nam) thì xem ra con người ngày nay đang lãng phí sinh mạng tới mức báo động.
Lãng phí sự sống trước hết là nạn phá thai. Đã có biết bao chuyên viên nghiên cứu phân tích về những hậu quả tai hại của việc phá thai trong lãnh vực tâm lý, thể lý và tâm linh, vậy mà số thai nhi bị phá càng ngày càng tăng. Theo thống kê chưa chính xác, thì Việt Nam chúng ta là nước thứ ba trên thế giới về số thai nhi bị giết hại. Con số này từ một triệu rưỡi đến hai triệu ca mỗi năm. Thủ tục phá thai hiện nay rất đơn giản và nhanh chóng. Nhiều nơi phá thai được trá hình với cái tên rất đẹp “Khám chữa bệnh phụ khoa”, có những cò mồi, chèo kéo như những nhà hàng ăn uống. Biết bao sản phụ đã chết oan vì những “xưởng phá thai” kiểu này, nhưng xem ra người ta vẫn không sợ.
Lãng phí sự sống còn là sự thiếu cẩn trọng khi lao động và khi tham gia giao thông. Mỗi năm, nước ta có đến mười hai nghìn người chết vì tai nạn giao thông, tương đương với mỗi ngày có hơn 30 người đột ngột và vĩnh viễn từ bỏ cuộc sống trong khi đi lại trên khắp các nẻo đường của đất nước chúng ta. Nếu so sánh với vụ tai nạn máy bay rơi khoảng từ 200 đến 300 người/vụ, thì tại Việt Nam cứ mỗi năm chúng ta có khoảng 40 vụ rơi máy bay (trích bài viết tại trang VnExpress.net ngày 19-11-2012). Những người này hầu hết là những người trụ cột trong gia đình, hoặc là thanh niên tuổi trẻ, là công nhân, sinh viên, học sinh, tức là những người đang có nhiều kỳ vọng ở tương lai. Biết bao nhiêu lời cảnh báo, biết bao nhiêu lần bị phạt, xem ra nhiều người vẫn không tỉnh ngộ. Vẫn còn đó những chàng trai cô gái đua xe, đùa với thần chết, coi sự chết như không. Họ thật lãng phí cuộc sống.
Từ vài năm trở lại đây, có một thứ “mốt” quái đản là… tự tử. Có nhiều người tự tử ở tuổi còn trẻ, thậm chí là vị thành niên. Những người chán sống không hẳn là người bị đẩy vào ngõ cụt của cuộc đời, mà đôi khi họ là những người thành đạt và đang ở đỉnh cao của danh vọng như một số ngôi sao điện ảnh, ca sĩ hay người mẫu. Cũng vì không muốn sống, một số người có chức có quyền cũng đã tìm đến cái chết khi có nguy cơ bị khui ra những việc làm mờ ám, hay vì những lý do có trời mới biết. Những người này cũng lãng phí mạng sống mình.
Vì thất vọng trước một cuộc sống trống rỗng vô ý nghĩa, nhiều bạn trẻ đã tìm đến ma túy và những thói ăn chơi sa đọa. Vì ham mê tìm đến với những cảm giác thần tiên nhất thời, họ đã đánh mất tương lai, trở nên mối họa cho gia đình và người thân. Họ đã tự đánh mất chính mình.
Khi coi thường mạng sống, người ta dễ liều mạng phạm tội.
Chắc hẳn những ai có lương tri đều đắng lòng khi đọc những thông tin liên tục về các vụ án được xử mà kết cục là án tử hình. Họ là những thanh niên trẻ trung, mang dáng vẻ thư sinh, nhưng lại liều lĩnh phạm tội và trở thành những kẻ sát nhân máu lạnh. Họ được cha mẹ sinh ra và nuôi dưỡng hai ba chục năm, đặt rất nhiều hy vọng ở tương lai, vậy mà bây giờ họ trở nên mối nguy hiểm cho xã hội. Hy vọng của cha mẹ và gia đình họ đã bị tắt lịm. Người vào tù đau khổ vì mối ân hận day dứt. Người ở ngoài đau khổ vì bia miệng tiếng đời. Tiếc rằng, con số những vụ việc như nêu trên tăng nhanh tới mức chóng mặt.
Mục đích những bản án tử hình hay tù tội là nhằm giáo dục và răn đe những người khác. Thế nhưng, mặc dù có biết bao lời lên án mỗi khi có một vụ án nghiêm trọng, nhưng xem ra người ta không sợ. Vẫn liên tiếp xảy ra những vụ cướp của giết người. Vụ sau tinh vi và nguy hiểm hơn vụ trước. Người ta lãng phí sự sống và đem sinh mạng của mình ra làm trò đùa.
Một linh mục Dòng Tên người Hàn Quốc, Cha Joseph Kim Yong-hae, đã nhận định: “Tỷ lệ phá thai gấp hai lần tỷ lệ sinh đẻ và tỷ lệ tự tử đứng đầu danh sách các nước trong Tổ chức Phát triển và hợp tác kinh tế. Hiện tượng này, cùng với một số vụ việc khác đã khiến người ta có cảm giác xã hội Hàn Quốc đã chìm sâu trong nền văn hóa sự chết và tuyệt vọng” (Ucan News, bản tin 21-5-2012).
Đức Chân phước Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã báo động về một nền văn hóa mang tên sự chết. Đó là một lối sống ích kỷ, chỉ lo hưởng thụ, không nghĩ đến tha nhân và cũng chẳng quan tâm đến ngày mai. Nền văn hóa này đang có nguy cơ thấm nhập vào xã hội của chúng ta, kéo theo những hệ lụy là sự dối trá, thù hận, thủ đoạn và vô trách nhiệm. Văn hóa sự chết chối bỏ các giá trị tôn giáo và nhân bản.
Giáo lý Công giáo dạy: “Sự sống con người phải được coi là linh thánh, vì từ lúc khởi đầu của mình, sự sống đó ‘đòi phải có hành động của Đấng Tạo Hóa’ và mãi mãi được liên kết một cách đặc biệt với Đấng Tạo Hóa, là cùng đích duy nhất của mình. Chỉ có Thiên Chúa là Chúa của sự sống từ khi sự sống khởi đầu cho đến khi kết thúc: không ai, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể dành cho mình quyền trực tiếp đem cái chết đến cho một thụ tạo nhân linh vô tội”(Sách Giáo lý của Giáo Hội Công giáo, số 2258).
Chúa cũng truyền lệnh trong Điều thứ năm của Thập điều: “Ngươi không được giết người” (Xh 20,13). Lệnh truyền này phải được hiểu theo hai chiều: không được cất mạng sống người khác, đồng thời cũng không có quyền tự cất mạng sống mình.
Tuân theo Luật Chúa, Giáo hội luôn luôn đấu tranh để bảo vệ sự sống con người. Giáo hội vẫn không ngừng kêu gọi hủy bỏ án tử hình tại những quốc gia còn giữ bản án này, vì các nhà nước vẫn có khả năng chế ngự tội ác cách hữu hiệu mà không cần phải tước đoạt cách vĩnh viễn mạng sống của các tội nhân (x SGLCG số 2267). Giáo hội cũng đưa ra những chỉ dẫn trong đời sống gia đình nhằm bảo vệ sự sống và góp phần thăng tiến con người. Ngay cả trong những quốc gia khuyến khích việc phá thai hay việc chết êm dịu, Giáo hội vẫn thi hành chức năng ngôn sứ của mình, lên án những hình thức giết người, trực tiếp hay gián tiếp, vì đó là sự vi phạm đến Luật Chúa và nhân phẩm con người.
Chúng ta đã bước vào Mùa Vọng, là thời gian chuẩn bị mừng lễ Giáng Sinh. Con Thiên Chúa xuống thế làm người dưới hình hài một trẻ thơ trong hang đá. Hài Nhi Giêsu sinh ra là niềm vui cho cả thế giới. Lễ Giáng sinh là lễ của hòa bình. Lễ Giáng sinh cũng là lễ của sự sống, vì Đức Giêsu mang lấy thân phận con người để nâng cao phẩm giá của con người, thông truyền cho họ sự sống siêu nhiên. Hài Nhi Giêsu trong hang đá máng cỏ là lời kêu gọi bảo vệ sự sống, từ những thai nhi còn trong lòng mẹ đến những người đang sống trên cõi đời này.
Nếu mỗi người đều biết tôn trọng sự sống của mình và của những người xung quanh, thì cuộc sống này sẽ rất an bình và vui tươi. Mong sao điều ấy được thực hiện nơi xã hội Việt Nam chúng ta.
Nguồn: WHĐ

Chúa nhật 4 MV năm C: Vội vã lên đường

Thứ Bảy, 15 tháng 12, 2012

Trích trong Manna

Suy Niệm
Bài Tin Mừng hôm nay cho ta gặp hai phụ nữ. Cả hai đang mang thai lần đầu cách diệu kỳ. Cả hai đều được Thiên Chúa đoái thương tuyển chọn.
Theo lời sứ thần, Đức Maria đi thăm bà Êlisabét. Hai bà mẹ gặp nhau tạo điều kiện cho hai thai nhi gặp nhau. Đấng Cứu độ nhân loại đi thăm vị Tiền hô của mình. Cuộc gặp gỡ thật bình thường, nhưng lại rất linh thánh, được diễn ra trong bầu khí tràn ngập Thánh Thần.
Thánh Thần vẫn luôn tác động trên Đức Maria, và làm cho thai nhi Giêsu lớn lên từng ngày. Thánh Thần đã đầy tràn Gioan từ trong lòng mẹ khiến ông nhận ra Đức Kitô và nhảy mừng chào đón. Thánh Thần bỗng chốc đến với bà Êlisabét làm bà nhận ra điều mắt thường không thấy được, đó là chuyện cô em Maria thụ thai Đấng Cứu Thế.
Maria đem đến cho Êlisabét niềm vui và sự phục vụ, nhưng chính Mẹ cũng nhận được sự đỡ nâng. Mẹ xác tín hơn về lời thiên sứ loan báo cho mình, khi Mẹ thấy quả thật bà chị hiếm muộn đã có thai. Mẹ ngỡ ngàng khi thấy mầu nhiệm kín ẩn mà Mẹ âm thầm đón nhận trong lòng tin, nay lại được Thánh Thần tỏ bày cho bà chị họ. Niềm hứng khởi và những lời chúc mừng của bà đã khiến Mẹ cất lời ngợi khen Thiên Chúa (x. Lc 1,46-55).
Cuộc đi thăm nào cũng làm tôi hiểu hơn về mình, và ý thức sâu hơn về những ơn tôi đã lãnh nhận. Maria biết mình có phúc hơn mọi phụ nữ vì Mẹ được chọn để cưu mang Đấng Mêsia. Maria biết mình diễm phúc, vì dám tin vào Lời Chúa. Cuộc gặp gỡ với bà Êlisabét giúp Maria vững tin hơn vào tính khách quan của kinh nghiệm mình được gặp Chúa.
Mầu nhiệm nhập thể là mầu nhiệm Ngôi Lời được cưu mang. Khi chấp nhận làm người, Con Thiên Chúa cần một người mẹ. Ngài được thụ thai cách lạ lùng trong lòng một trinh nữ, và Ngài đã lớn lên bình thường trong dạ mẹ. Dạ mẹ là mái nhà êm ấm đầu tiên, là Đền Thánh trước khi Con bước vào thế giới.
Khi được nuôi bằng sự sống của Mẹ Maria, Con đã thánh hóa tất cả những gì thuộc về Mẹ.
Tất cả những gì nằm trong tiến trình làm người như thụ thai, mang thai, sinh đẻ, dưỡng nuôi bú mớm... đều trở nên thánh thiêng, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận.
Con Thiên Chúa đã từng là thai nhi trước khi chào đời, nên mỗi thai nhi đều là hình ảnh Chúa cần trân trọng. Như Gioan nhảy mừng lúc còn trong dạ mẹ, mỗi thai nhi đã biết diễn tả buồn vui, đã cần được yêu mến. Lễ Giáng Sinh đòi ta quan tâm đến các bà mẹ và thai nhi.
Hàng năm có cả triệu vụ phá thai trong nước... Kính trọng thân xác phụ nữ, tôn trọng sự sống thai nhi: đó là Tin Mừng Giáng Sinh cho khắp thế giới.
Gợi Ý Chia Sẻ
Các nhà nghiên cứu xã hội phỏng đoán có tối thiểu khoảng 2 triệu người phá thai mỗi năm trong cả nước. Bạn có biết những nguy hiểm về thể xác và tinh thần cho các bà mẹ phá thai không?
Các tệ nạn xã hội gia tăng dẫn đến đại dịch AIDS. Bạn nghĩ gì về chuyện buôn bán thân xác phụ nữ? Có cách nào giải quyết không?
Cầu Nguyện
Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa, xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.
Xin ban cho con quả tim đơn sơ, mau quên những nỗi buồn phiền. Một quả tim hào hiệp dám hiến thân, dịu dàng để cảm thông. Một quả tim trung thành và quảng đại, không quên ơn, không báo oán.
Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn, yêu mà không mong được yêu lại, hân hoan xóa mình đi để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác. Một quả tim vĩ đại và bất khuất, không khép lại trước những vô ơn, không chán nản trước người lạnh nhạt. Một quả tim khắc khoải lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô, quả tim mang vết thương vì yêu Ngài, vết thương chỉ lành khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Đồng hương hạt Can Lộc họp mặt lần thứ 12

Thứ Năm, 13 tháng 12, 2012


Hàng năm, cứ độ xuân về, khi Sài Gòn vốn nóng nực trở nên se lạnh vào mỗi sáng, lòng người con xa xứ của quê hương giáo hạt Can Lộc, Giáo phận Vinh, lại dâng lên một nỗi niềm xao xuyến khó tả và ngày họp mặt đồng hương hằng năm trở thành nỗi mong chờ của anh chị em đồng hương xa quê, đặc biệt là các bạn trẻ.


Để có được ngày gặp mặt truyền thống đầy thân tình và ấm áp, ngay từ những ngày đầu tháng 11/2012, dưới dự chỉ đạo của Ban Điều hành, hàng loạt các hoạt động đã được tổ chức với mục đích thắt chặt tình đoàn kết, giúp đỡ sẻ chia với nhau những buồn vui trong cuộc sống. Ra đi từ miền “nước mặn đồng chua” và “đất cày lên sỏi đá” cho nên dù sống giữa nơi phồn hoa đô hội, lòng người con tha hương vẫn luôn khắc khoải về quê hương, về xứ sở, nơi đã gắn bó như là máu thịt.  
Trước ngày đại hội, công tác liên lạc đã được triển khai một cách tích cực. Bằng những tin nhắn hay email, các bạn trẻ trong toàn giáo hạt đã đồng loạt truyền cho nhau, nên dẫu đang ở tận Bình Dương, Bình Phước hay Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, mọi người vẫn cố gắng góp mặt đông đủ.
Chiều ngày 8-12-2012, dòng người cứ nườm nượp kéo về quận Gò Vấp, Sài Gòn. Và như những năm trước, tu viện Don Bosco lại rộng mở chào đón đoàn con ly hương như lòng mẹ ngóng chờ con thơ xa nhà lâu ngày trở về đoàn tụ. Sau ít phút nghỉ ngơi, các bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc chuẩn bị cho ngày gặp mặt được thành công nhất. Phía ngoài khuôn viên, một không gian rộng lớn đã được ban điều hành của Hội Đồng Hương tận dụng tổ chức đêm lửa trại. Chưa tới 19h, mọi công việc phục vụ cho đêm hội với chủ đề “Di dân giáo hạt Can Lộc sống đức tin” đã được hoàn tất chu đáo.
Có lẽ sự có mặt và những lời động viên ân cần của cha Giuse Nguyễn Xuân Đình, tân đặc trách di dân giáo hạt, cùng quý thầy, quý xơ, cũng như tình cảm nồng ấm mà những người trẻ trao tặng cho nhau nơi miền xa xứ lạ là những động lực giúp các bạn nhanh chóng hòa nhập cũng như hoàn thành tốt công việc chuẩn bị. Có thể nói, giữa đất Sài thành ồn ào với đầy đủ những hoạt động giải trí thú vị cho ngày cuối tuần mà Hội Đồng Hương  Can Lộc quy tụ được đông đảo bạn trẻ tham gia buổi họp mặt truyền thống đã là thành công ngoài sức mong đợi.
Không chỉ có vậy, biết bao hoạt động đã được các bạn dày công tập luyện, từ văn nghệ tới thể thao đã được diễn ra hết sức tốt đẹp. Dù không nói ra, nhưng nhìn sâu vào ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khi vui chơi lửa trại, ai ai cũng cảm nhận được nhựa sống tràn trề đang lan tỏa trong mỗi tâm hồn. Buổi lửa trại kết thúc khi chuông đồng hồ đã báo hiệu sang ngày mới nhưng chẳng ai muốn rời xa. Cảm giác thân thương ấm áp của ngày gặp mặt như xoa dịu bao nỗi lắng lo, ưu tư thường nhật trong cuộc sống tha hương. Dẫu vậy, khi lửa tàn, anh chị em đã cầm trên tay ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa của lòng mến, lòng tin, và chuyền cho nhau để gắn kết và tự nhủ lòng hãy quyết tâm!
Sáng ngày 9/12/2012, mặc dù đã trải qua một đêm giao lưu sôi nổi, đâu đó có những bạn trẻ không giấu nổi chút mệt mỏi, nhưng bằng sự năng động và nhiệt huyết của tuổi trẻ, toàn thể các bạn trẻ khởi động ngày mới với những vũ khúc, những trò chơi và tiếp đến các bạn di dân có dịp để giao lưu học hỏi với quý cha, quý thầy và đặc biệt là với những người thành đạt.
Ngày hội di dân giáo hạt Can Lộc năm 2012 được kết thúc bằng thánh lễ gắn kết tình liên đới và hiệp nhất của anh chị em đồng hương. Trong thánh lễ cha đặc trách di dân đã ân cần chia sẻ rất nhiều tâm sự. Ngoài những thông điệp, những tri ân dạy dỗ của vị mục tử dành cho đoàn chiên, ngài còn nói lên những ưu tư, trăn trở và khó khăn mà các bạn trẻ có thể phải đối mặt trong thời đại hôm nay. Vị chủ chăn nhắn nhủ các bạn trẻ thực hành sống đức tin trong cuộc sống hằng ngày, vì “đức tin không có việc làm là đức tin chết”.
Mọi người chia tay nhau bằng vũ khúc Lạy Chúa, con lên đường, với lời tâm niệm dù cuộc sống muôn vàn khó khăn thử thách, vẫn có Chúa luôn dõi bước và đồng hành với chúng ta trên mọi nẻo đường.
                                                                                                Giuse Lâm Văn Học

Di dân giáo xứ Hòa Ninh mừng lễ quan thầy

Thứ Tư, 5 tháng 12, 2012

Sài Gòn ngày 02/12/2012, đồng hương Hòa Ninh tại miền Nam đã tổ chức mừng lễ thánh Phanxico Xavie tại trụ sở giáo phận Vinh, 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.


Tham dự thánh lễ có đông đảo bà con đồng hương từ Bình Dương, Đồng Nai và Sài Gòn. Số lượng ước tính khoảng 100 người, bao gồm những bà con ra đi từ Hòa Ninh trước năm 1954, cùng với các bạn trẻ có gia đình còn ở làng Hòa Ninh nay đi học và làm ăn trong vùng lân cận.

Chủ sự thánh lễ là cha GB Phạm Quang Long, một người con Hòa Ninh, giám đốc trụ sở giáo phận Vinh tại Sài Gòn, đồng thời đặc trách di dân giáo phận Vinh tại miền Nam. Đồng tế với ngài có cha Anton Võ Thành Công, một linh mục của giáo phận Vinh chuẩn bị đi du học.

Mở đầu thánh lễ, cha chủ tế bày tỏ niềm vui được gặp gỡ đồng hương ở nơi xa xôi này.

Ngài nói: "Chính thánh Phanxico đã qui tụ chúng ta trong ngày lễ của ngài. Thật là vui mừng khi có nhiều thế hệ Hòa Ninh gặp nhau tại ngôi nhà chung của giáo phận: chúng ta được làm quen với các ông bà di cư từ năm 1954, các anh chị thuộc thế hệ thứ hai được sinh ra tại miền Nam và các bạn có gia đình hiện sống tại quê hương bọ mạ nhưng nay vì kế sinh nhai phải đi làm ăn xa quê."

Ngài cũng nhắc nhớ đồng hương về truyền thống đạo đức của cha ông:

"Đạo Hòa Ninh mấy chục năm ni
thờ Chúa, có nhiều cha lên cung thánh
có bà phước trắng tinh màu từ thiện,
có ông già sùng đạo Vatican.

Áo Đức Bà, tràng hạt ríu rít trước thánh đường"
                                       (Lương giáo Hòa Ninh)

Qua đó, vị linh mục đồng hương mời gọi cộng đoàn sống lại truyền thống đức tin của cha ông ngày xưa.

Trong bài giảng, cha Antôn Võ Thành Công đã giải thích đoạn Tin mừng và các bài đọc của ngày Chúa nhật I mùa Vọng, và mời gọi cộng đoàn "hãy cảnh giác những lối sống lệch chuẩn với giá trị Tin mừng, hãy kiên trì giữ vững đức tin và tiến triển trong đời sống mến Chúa yêu người trong khi đón chờ Chúa đến".

Sau thánh lễ, ông trưởng ban liên lạc đồng hương Hòa Ninh tại Sài Gòn đã chào mừng và cám ơn hai cha và mọi người hiện diện. Ông nói: "Từ nay, cứ đến ngày lễ thánh Phanxicô, chúng ta sẽ tổ chức thánh lễ tại đây. Chúng ta cảm thấy ấm lòng khi trở về ngôi nhà chung thân thiết với bao thế hệ đồng hương giáo phận Vinh từ trước năm 1975".

Trong khi đó, tại nhà thờ Tam Thái, giáo phận Xuân Lộc, ngày 3 tháng 12, cộng đồng Hòa Ninh ở khu vực Ngã Ba Ông Đồn, Long Khánh có tổ chức họp mặt mừng lễ thánh quan thầy Phanxicô Xaviê.

Thánh lễ do cha sở và cha phó đồng tế, cầu bằng an cho đồng hươn Hòa Ninh và cầu nguyện cho cha FX Phạm Sĩ Tăng và FX Nguyễn Hữu Hòa, hai linh mục Hòa Ninh từng sống và phục vụ tại giáo xứ Tam Thái. 

Số người Hòa Ninh tham dự thánh lễ khoảng 70 người. Mọi người chia sẻ những sinh hoạt của cộng đồng trong năm qua, nhắc lại lịch sử làng, nhà thờ và lòng đạo của người Hòa Ninh.

>> Xem thêm hình

Tuần tin Giáo hội Công giáo từ 26/11 - 02/12/2012


TÍN HỮU CÔNG GIÁO PHẢI ĐỐI MẶT TRỰC TIẾP VỚI ĐE DOẠ ĐÁNG SỢ VỀ TỰ DO TÔN GIÁO(*)
Rất lâu trước khi trở thành Giáo Hoàng, Đức Biển-Đức XVI đã tiên đoán: “Giáo Hội sẽ trở nên nhỏ và sẽ phải hầu như bắt đầu lại từ đầu”. Khi những “con sư tử Leviathan” (*)bắt đầu gầm thét,thì những người Công giáo chỉ có trên danh nghĩa sẽ lủi mất khỏi vũ đài. Đạo Công Giáo La Mã đối với những người ngoại được rửa tội đã trở thành một thứ đạo Công giáo đáng yêu,với những yêu tinh,những ban nhạc nhảy nhót lễ hội và Ông Già Noel thay vì xưng tội,cầu nguyện và trung thành với giáo lý. Nhưng đằng sau mỗi yêu tinh Thánh Patrick đang nhìn chằm chặp và đằng sau mỗi ban nhạc múa may lễ hội,Đức Bà Guadelup đang khóc và đằng sau mỗi Ông Già Noel,chính Chúa Giêsu đang xét xử”. (LM George W.Rutler)
(*) Leviathan (phát âm : lɨˈvaɪ.əθən; tiếng Do Thái |לִוְיָתָן|Livyatan|Liwyāṯān|), là một loài sinh vật biển thần thoại xuất hiện trong Kinh Thánh. Trong ngành khoa học nghiên cứu ma quỷ, Leviathan là một trong bảy hoàng tử của địa ngục và canh giữ cổng địa ngục. Leviathan được mô tả trong sách Job.

TU ES PETRUS số 31 (26.11 – 02.12.2012):  TUẦN TIN GIÁO HỘI CÔNG GIÁO
+ (Fides 23/11) Vai trò Gia Đình và đào tạo Giới Trẻ hướng tới hôn nhân Ki-tô giáo hạnh phúc
“Gia đình và việc đào tạo giới trẻ mặc lấy một vai trò quan trọng đối với những vợ chồng tương lai sẽ sống đời hôn nhân Ki-tô giáo”: đó là xác tín của ĐHY John Tong,GM Gp Hong Kong và là chủ tịch Hội đồng Cố vấn Hôn Nhân Công Giáo Hong Kong, mà ngài muốn truyền cho những người tự nguyện và những thành viên của cơ quan nầy tụ họp nhau ngày 16/11 nhân dịp đại hội thường niên lần thứ 46. ĐHY nhấn mạnh rằng : ”người ta có thể nói việc đào tạo cho hôn nhân khởi đầu từ khi mới sinh ra”. Bà giám đốc Hội Đồng nầy nói rằng Gp Hong Kong sẽ tổ chức Ngày Hôn Nhân vào tháng Hai năm sau,để nhấn mạnh giá trị của hôn nhân Ki-tô giáo. Trong đại hội nầy, Cha A.Deignan,thành viên Hội Đồng, đã xác định rằng “việc đào tạo tiền hôn nhân không đủ: phải có việc đào tạo lâu dài” do đời sống gia đình và hôn nhâb Ki-tô giáo bị đe doạ trên các mặt trận khác nhau giữa lòng xã hội hiện nay. Năm ngoái Hội Đồng nầy đã giải quyết 470 trường hợp khủng hoảng hôn nhân và nhận hơn 1.000 cuộc gọi điện thoại . Với sự giúp đỡ của nhà cầm quyển dân sự, đã đề ra một kế hoạch thí điểm trung gian gia đình đề ra một dịch vụ trung gian, giới thiệu một tính cách chung chung. Hội Đồng nầy được lập ra năm 1965 là một dịch vụ tự nguyện được Giáo phận và nhà cầm quyền dân sự tài trợ. Mục đích của nó là giúp các cặp vợ chồng sống một kinh nghiệm hôn nhân hạnh phúc và hỗ trợ các phụ huynh thực hiện ơn gọi của chính họ.
+ BỔ NHIỆM MỚI.
- (VIS 23/11) Đức Thánh Cha bổ nhiệm ĐGM James MichaelHarvey làm Linh mục tổng quản Vương Cung Thánh Đường Đức Giáo Hoàng Thánh Phao-lô Ngoại Thành. Hiện nay Ngài là Thị thần phủ giáo hoàng.
- (VIS 24/11) Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên HĐ. Giáo hoàng về Các Văn Bản Luật : ĐHY Fernando Filoni, Tổng trưởng Thánh Bộ Rao Giảng Phúc Âm các Dân; TGM Gerhard Ludwig Muller, Tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin.
- (VIS 24/11) Đức Thánh Cha bổ nhiệm làm thành viên HĐ. Giáo hoàng về Truyền Thông Xã Hội: ĐHY Francisco Robles Ortega, TGM Gp Guadalajara,Mexico và ĐGM Jose Horacio Gomez, TGM Los Angeles.
- (VIS 24/11) Đức Thánh Cha bổ nhiệm Cha Edmondo Caruana, Dòng Carmel, làm trưởng ban biên tập Thư Viện Vatican
+ (VIS 23/11) Một trung tâm cho đối thoại liên tôn.
Ngày 26/11 sẽ khánh thành ở Vienne Trung Tâm quốc tế về đối thoại liên tôn và liên văn hoá Vua Abdullah Bin Abdulaziz,theo ý muốn của nhà vua Xê-út,mà Áo và Toà Thánh là đồng sáng lập. Toà Thánh nhận lời mời tham gia vào KAICHD với tư cách Quan Sát viên – Sáng lập., sẽ gửi một phái đoàn cao cấp tới dự lễ khánh thành. Giám đốc văn phòng báo chí Toà Thánh cho biết như sau- Trung tâm nầy là “một cơ sở mới nhằm tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các tôn giáo và các nền văn hoá. Và rất thích hợp khi tham gia vào để hiểu biết và chung sống hoà bình giữa các dân tộc,ưu tiên đối với nhân loại hôm nay và ngày mai. Nhà vua Ả Rập Xê-út đã nói về kế hoạch nầy với Đức Thánh Cha trong lần gặp gỡ ngày 06/11/2007 ở Vatican. KAICHD không được giới thiệu như một cơ sở riêng của Ả Rập Xê-út,nhưng như một tổ chức quốc tế độc lập được LHQ công nhận và được ba quốc gia sáng lập,trong đó hai quốc gia có truyền thống Khi-tô giáo kỳ cựu. Do vậy đây là một cơ hội và một không gian đối thoại, ở đó sẽ rất tốt vì có mặt để làm cho kinh nghiệm của Toà Thánh trong trong đối thoại liên tôn sinh hoa kết trái.Quy chế Quan Sát viên – Sáng lập là thích hợp nhất để bảo đảm một sự hiện diện như vậy,trong khi vẫn giữ được bản chất riêng của Toà Thánh. Với các tín ngưỡng khác, GH Công giáo thuộc về Ban Giám Đốc, động lực của những sáng kiến của trung tâm Vienne nầy. GH Công giáo sẽ do Cha Miguel Ayuso Guixot,thư ký HĐ.Giáo hoàng về đối thoại liên tôn,làm đại diện.
+  (UcaNews 24/11) Sắm sửa cho một Hồng Y tốn kém bao nhiêu?
Sáu vị tân Hồng Y có thể nhận ra rằng những chiếc mũ đỏ chẳng rẻ chút nào. Các thợ may của Giáo Hội  bắt đầu vào việc tức thì để may các lễ phục cho các vị “hoàng tử” mới được phong của Giáo Hội. Khi một GM được phong làm Hổng Y, các ngài thôi mang phẩm phục màu tím họ mặc trước đó và thay thế bằng phẩm phục màu đỏ. Các thợ may chuẩn bị một danh sách mọi áo quần và phụ tùng mà các Hồng Y sẽ cần. Những ai muốn tặng quà cho một Hồng Y,có thể tham khảo danh sách nầy. Đây là giá cả hiện hành cho những món đồ được Gammarelli,một thợ may nổi tiếng của Roma,chuẩn bị (theo truyền thống,ông cũng là thợ may của Đức Giáo Hoàng), Cái áo choàng ngắn mà các Hồng Y khoác với lễ phục giá khoảng 200 euros,nhưng giá nầy sẽ cao hơn nếu chọn các nút khuy dây – làm bằng tay và rất được chuộng,cứ mỗi nút có giá 20 euros – thay vì nút vải. Áo đỏ giá trên dưới 800 euros,trong khi chiếc mũ ba cạng không có cung,vốn đặc trưng cho các Hổng Y,có thể giá giữa 80 đến 120 euro. Chiếc dây đỏ và có vàng cho Thánh Giá trước ngực giá khoảng 80 euros : các giá tiền nầy thay đổi tuỳ theo nó thanh lịch ra sao và kích cở của cái cung sau lưng như thế nào. Chiếc băng đỏ được mang với chiêc áo đỏ và áo đen với đường viền đỏ có giá khoảng 200 euro. Một áo chùng đen với viền đỏ giá khoảng 600 euros,trong khi chiếc mũ sọ màu đỏ của Hồng Y được ghi giá khoảng 40 euros. Cuối cùng, những tiếc tất đỏ giá khoảng 15 euros một đôi. Nếu tính mỗi Vị Hổng Y sắm hai bộ như thế,thì chi phí sẽ vào khoảng 5.000 euros [# 120 triệu VN$.ND]. Còn nhẫn Hồng Y do Đức Thánh Cha tặng.
+ (Zenit 23/11) Đức Thánh Cha tiếp tổng thống Liban,Sleimane.
Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã tiếp ngài Michel Sleimane,tổng thống nước Liban ngày 23/11. Ông là một Ki-tô hữu Maronit và đang ở Roma nhân dịp phong Hồng Y chp thượng phụ Maronit Bechara Boutros Rai. Cuộc đàm luận kéo dài khoảng 15 phút. Tổng thống Liban cám ơn Đức Thánh Cha về chuyến công du tháng Chín vừa qua (14 – 16/09/2012) và dâng Đứxc Thánh Cha một cuốn album hình những ngày lịch sử nầy. Một phái đoàn Liban khoảng 500 người,trong đó có các đại diện chính trị,kể cả một đại diện nhóm Hezbollah đến chờ đón dự lễ phong hồng y cho Vị thượng phụ Maronit.
+ (EWTN 23/11) Các nhà phê bình tìm thấy cú hích ngừa tránh thai của LHQ có hại cho nữ giới
Một báo cáo dân số của LHQ kêu gọi sự tiếp cận ngừa tránh thai toàn cầu đã làm bực tức các bác sĩ và những người ủng hộ bảo vệ sự sống cho rằng quỹ tài trợ nầy tốt hơn nên dùng ngăn ngừa những cái chết của thai phụ. Ngày 14/11, Quỹ Dân Số LHQ phát hành báo cáo hằng năm về “Tình Tạng Dân Số Thế Giới”. Báo cáo năm nay liên kết kế hoạch hoá gia đình với sự phát triển quốc tế, tuyên bố đó là một “quyền” trên toàn thế giới cho phụ nữ và kêu gọi gỡ bỏ bất cứ trở ngại xã hội và tái chính nào đối với nó. UNFPA tính đến sự ủng hộ một kiểm soát dân số nào đó và mô tả sự tiếp cận kế hoạch hoá gia đình là một “sự đầu tư kinh tế đúng đắn”. UNFPA cũng khẳng định rằng việc sử dụng các phương pháp ngừa tránh thai sẽ “cải thiện” sức khoẻ toàn cầu. Bác sĩ Brehany phản bác rằng các viên uống ngừa tránh thai “ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ nữ giới bằng nhiều cách đáng kể – bằng việc tăng tỷ lệ ung thư vú, đột quỵ và STD (bệnh lây nhiễm qua đường tình dục). Ông cũng chỉ ra rằng một bài viết trong tờ “The Lancet” số ra tháng Giêng cho thấy rằng việc dùng thuốc tiêm ngừa tránh thai ở Châu Phi đã làm tăng gấp đôi nguy cơ nhiễm HIV. Ông nói :” nhu cầu lớn nhất của nữ giới là về giáo dục và chăm sóc y tế tiền sinh sản,trẻ sinh ra an toàn và sức khoẻ chung. Cung cấp nhận thức về những phương pháp sinh sản và điều hoà tự nhiên chẳng những rẻ hơn các phương pháp ngừa tránh thai nhân tạo, mà húng còn tốt hơn cho sức khoẻ nữ giới và cho sự ổn định của hôn nhân”. Bản tóm tắt báo cáo của UNFPA nói rằng kế hoạch hoá gia đình được công nhận gần như trên toàn thế giới như là một quyền thuộc bản chất phải có giá trị với mọi người và phải được xúc tiến như “một quyền” làm cho đủ loại những quyền khác có khả năng. Wendy Wright,một giới chức ở Viện Nhân Quyền và Gia Đình Công Giáo và là nguyên thủ lĩnh Nữ Giới Lo Âu cho nước Mỹ, gọi điều đó là “buồn cười và lố bịch” :”LHQ không có thẩm quyền tuyên bố ngừa tránh thai là một quyền con người,nhưng đặc biệt một cơ quan của LHQ càng không có quyền tuyên bố một điều gì đó là một quyền con người. Nó trái với toàn bộ khái niệm về nhân quyền khi tuyên bố một mặt hàng hoặc một sản phẩm là một quyền con người”. LHQ đã không tuyên bố lương thực là một quyền con người và chúng ta cần lương thực để tồn tại. Vì vậy thật lố bịch khi cho rằng ngừa tránh thai là một quyền con người,khi các nhu yếu phẩm cần cho sự tồn tại của con người đã không được coi là những nhân quyền….Bà cũng chỉ ra rằng “nhiều quốc gia đang trải nghiệm sự giảm dân số. Đáng buồn thay, UNFPA không công nhận tình trạng hiện hành của dân số thế giới và rằng những vấn nạn nghiêm trọng nhất là giảm dân số,chứ không phải bùng nổ dân số.
+ (AsiaNews 24/11) Morsi,nhà độc tài mới của Ai Cập đang đẩy đất nước vào hiểm nguy trầm trọng.
“Ai Cập đang lâm nguy nghiêm trọng. Tổ chức Huynh Đệ Hồi giáo nay kiểm soát mọi quyền hành : lập pháp,hành pháp và tư pháp. Không ai có thể ngăn cản họ”. Đó là lời Cha Rafic Greiche. Các tu chính án hiếp pháp vừa qua của tổng thống Morsi “là một động thái ban cho Huynh đệ Hồi giáo và nhóm Salafi một sự kiểm soát chặt chẽ quyền lực”. Theo Cha, Huynh Đệ Hồi giáo đang đi theo một kế hoạch rõ rệt nhằm đặt Ai Cập dưới luật Sharia. Với những nét bút,tổng thống Morsi thay đổi sắc lệnh hiến pháp,đặt chức vụ ông trên các toà án,gồm cả toà án hiến pháp. Một luật vào tháng 6 làm cho mọi tuyên bố,luật lệ và sắc lệnh do tổng thống đưa ra là không thể thay đổi và bắt buộc và vượt trên thách thức của bất kỳ cơ chế quốc gia nào. Theo Cha Greiche, lãnh tụ Hồi giáo nầy muốn làm sao lãng tâm trí công luận khỏi mục tiêu đích thực của ông. Những sắc lệnh khác bảo vệ cho Hội đồng Shura – nay đã bị giải tán – khỏi những thách thức của tính phi hiến và đặt vào tay ông quyền hành giải tán Hội đồng lập hiến do Hồi giáo chi phối. Trong báo chí Ai Cập,nhiều người theo chủ nghĩa tự do phê bình gay gắt tổng thống vì hành động của ông. Ông Mohammed el-Baradei,nguyên chủ tịch Cơ quan năng lươngg nguyên tử quốc tế và nguyên là ứng cử viên tổng thống, nói “ngày nay Morsi tiếm mọi quyền hành quốc gia và tự phong mình làm một pharaoh mới của Ai-Cập. Một cú tát nặng cho cuộc cách mạng vốn đã có thể có những hậu quả thảm khốc”. Ở Alexandria, những đụng độ bạo lực nẩy ra giữa các nhà hoạt động vì dân chủ và Huynh đệ Hồi giáo.
+ (Fides 24/11) Dân chúng tham gia quy mô lớn cuộc diễu hành vì sự sống và chống nạo phá thai
“Tôi yêu sự sống”: Ngày 23/11 chính quanh khẩu hiệu nầy mà dân chúng ở Santa Cruz đã tham gia với quy mô lớn cuộc diễu hành vì sự sống,theo sáng kiến của hơn 300 cơ sở,trong đó có Hội đồng miền Giới trẻ,GH Công giáo và uỷ ban công dân nữ. Sáng kiến nầy muốn bày tỏ công khai sự bất hoà hoàn toàn của những người tham dự với các dự án luật đề nghị hợp pháp hoá nạo phá thai trong đất nước nầy. TGM phó Gp Santa Cruz, Sergio Gualberti, đã mời tất cả dân chúng “hãy tham dự quy mô lớn và nhiệt tình vào cuộc Diễu Hành vì sự sống nầy và từ chối nạo phá thai và an tử mà những tổ chức có ý thức hệ ngoại quốc muốn áp đặt. Đối mặt với tình hình nầy,với tư cách là những tín hữu Công giáo,chúng tôi muốn bày tỏ công khai đức tin của chúng tôi vào Thiên Chúa của sự sống,sự sống không thể bị xâm phạm từ giây phút đầu tiên thụ thai co tới khi chết tự nhiên”. Edwin Bazan,phát ngôn nhân của GH Công giáo sở tại, lưu ý rằng những điều khoản luật kiểu nầy nhắm làm sao cho “văn hoá sự chết”, – thường được các chính trị gia chấp nhận một cáh giáo điều – bén rể ở Bolivia”. Qua cuộc Diễu Hành nầy, GH muốn nhắc với họ rằng họ phải thúc đẩy một luật vì sự sống :” Chúng tôi muốn nói với các chính trị gia rằng chúng tôi, những người đã bỏ phiếu cho họ, chúng tôi là một dân tộc muốn sự sống chứ không muốn những kế hoạch sự chết. Chúng tôi tin rẳng sự sống là một hồng ân của Thiên Chúa và phải được tôn trọng”. Đã đến lúc phải hành động đi đôi với cầu nguyện. Cuộc diễu hành nầy là một thông điệp rõ ràng chó giới chính trị”. Nạo phá thai chẳng qua chỉ là một từ ngữ êm dịu để nói “quyền sinh sát”,bởi vì khi một con người được thụ thai,thì nó đã có quyền được sống”.
+ (Fides 25/11) Nhiệt tình thiêng liêng của giới trẻ trong khuôn khổ Năm Đức Tin với Youcat
Trong Năm Đức Tin, giới trẻ Công giáo ở bán đảo Ả Rập sẽ đào sâu đức tin và sẽ nghiên cứu học hỏi các nội dung đức tin nhờ vào Youcat,sách giáo lý dành cho giới trẻ có bằng tiếng Anh lẫn tiếng Ả-rập. Đó là lời của D9GM Camillo Ballin,đại diện tông toà ở Bắc Ả-rập,khi nói về cách mà các cộng đoàn địa phương sống Năm Đức Tin. GH địa phương nầy đã tìm cách tạo một đà đặc biệt cho giới trẻ,qua cuộc tụ họp lớn các thanh thiếu niên Công giáo thuộc bán đảo,diễn ra ở Abu Dhabi, các Tiểu Vương quốc thống nhầt Ả-rập,từ 15 đến 17/11. “Cuộc tụ họp nầy là một thời khắc để tìm lại nhiệt tình trong đức tin. Hơn 2.500 thanh thiếu niên Công giáo đã tham dự, đa số là người Á châu,nhưng cũng có cả những người Ả-rập. Các thanh thiếu niên đã hào hứng đáp lại,kề vai sát cánh nhau ở các Bí tích như BT hòa giải và Thánh Thể”. Hơn 600 thanh thiều niên đã xưng tội trong ba ngày đó và rất đông những người đã nhận được cảm hứng sâu xa và cảm động vì những cuộc trao đổi và dạy giáo lý. ĐGM Ballin lưu ý :”thông điệp đúc kết là một thông điệp của niềm vui,một lời mời đừng sợ hãi và hãy nên một sức mạnh cho xã hội,cho GH và cho thế giới”. Ngoài ra,Vị Đại diện Tông Toà cũng gửi đền toàn thể dân chúng Công giáo trong lãnh thổ của Ngài – khoảng 300.000 tún hữu – một thư mục vụ đặc biệt,chú giải kinh Tin Kính và làm đối tượng học hỏi,suy tư và xét mình trong khuôn khổ các buổi họp mặt sẽ diễn ra trong Năm Đức Tin.
+ (VIS 26/11) Buổi triều yết dành cho các tân Hồng Y.
Sáng 26/11, Đức Biển-Đức XVI đã tiếp sáu tân Hổng Y và các nhóm tháp tùng. Nguời gợi lại thời gian cầu nguyện và hiệp thông trong những ngày vừa qua “ với ý thức một sự kiện quan trọng vho GH hoàn vũ, được gọi để nên một dấu chỉ hy vọng cho tất cả mọi dân tộc”. Đoạn Người nhắc lại rẳng trong các GH địa phương cũng như trong các bộ ngành Giáo Triều, các Hồng Y phải chia sẻ cách đặc biệt sự lo lắng của Đức Giáo Hoàng đối với GH hoàn vũ”. Sau khi đã chào ĐHY James Michael Harvey (Mỹ), Người quay sang Thượng phụ Maronit,Bechara Boutros Rai để ủng hộ “đời sống và sự hiện diện của các Ki-tô hữu ở trung và Cận Đông,vùng mà trong đó họ phải được sống đức tin của họ một cáh tự do”. Và tạo điều kiện cho việc thiết lập hoà bình. “GH khuyến khích mọi nỗ lực nhằm đạt đến hoà bình trên thế giới và trong vùng nầy,một hoà bình chỉ có hiệu lực khi được đặt nền móng trên sự tôn trọng tha nhân”. Nói với những người dân Colombia tháp tùng ĐHY Tube N. Salazar Gomez, Đức Thánh Cha nói cầu nguyện để cho đất nước họ tiến lên trong hoà bình và hoà hợp,trên những con đường công lý,hìa giải và đoàn kết. Sau cùng,Người kêu gọi những thành viên mới của Hồng Y đoàn theo đuổi nhiệm vụ thiêng liêng và tông đồ của các Ngài,mạnh mẽ và tin tưởng trong Chúa Kitô,”với việc củng cố tình yêu của các ngài đối với GH. Đó là một tình yêu mà các thánh dạy chúng ta, những gì thành toàn nhất trong GH mà các vị ấy đã yêu mến, và các vị ấy đã để cho Chúa Kitô dẫn dắt và đã hoàn toàn xả thân để mọi người nhận được ánh sáng rạng chiếu trên khuôn mặt của Giáo Hội”.
+ (CathNews 26/11) Nhiều tội ác do thành kiến tôn giáo hơn chống lại  tín hữu Công giáo Scotland
Theo một báo cáo vừa được đưa ra của tờ The Tablet : Các tín hữu Công giáo ở Tô Cách lan là nạn nhân của nhiều tội ác do thành kiến tôn giáo hơn bất kỳ nhóm nào khác trong đất nước nầy. Những con số thống kê được chính quyền Tô Cách Lan đưa ra cho thấy một sự gia tăng 26% trong những tội ác do thành kiến tôn giáo trong 2011-2012. Những cuộc tấn công bài Công giáo – cấu thành 58.1% tất cả tội ác do thành kiến tôn giáo – thường thấy nhiều hơn trên tất cả các nhóm tôn giáo khác cộng lại. Đức TGM Gp Glasgow,Philip Tarraglia, nói rằng tín hữu Công Giáo Tô Cách Lan vẫn tận tâm nên một phần của xã hội Tô Cách Lan. Ngài nói :” Thật đáng buồn, dường như nay không thể chối cãi rằng vấn nạn của chúng ta không còn là chủ nghĩa bè phái,mà là chủ nghĩa bài Công giáo. Văn hoá bình dân đang bịa đặt ra đủ thứ những lý do mới để đặt ra bên lề và thù ghét tín hữu Công Giáo. Đối diện với điều đó, cộng đồng Công giáo của Tô Cách Lan vẫn vững vàng không dao động trong đức tin”.
+ (AsiaNews 26/11) Món quà Năm Đức Tin : Phong Cân Phước cho giáo dân Ấn Độ đầu tiên
Một “món quà” cho Năm Đức Tin,một “phép lành” và một “trải nghiệm đức tin mãnh liệt” cho dân tốc Ấn Độ. Đó là lời của ĐGM Peter Remegius,GM Gp Kottar (Tamil Nadu), chaào mừng việc phong Chân phước cho Devasahayam Pillai, một tín hữu thế kỷ 18 trở lại đạo. ĐHY Angelo Amato,tổng trưởng Thánh Bộ Phong Thánh sẽ chủ trì lễ nghi nầy vào ngày 02/12. Nhân dịp nầy,Gp Kottar – nơi Devasahayam sinh năm 1712 – sẽ tổ chức những sự kiện và những buổi cầu nguyện đặc biệt. Devasahayan Pillai sẽ là giáo dân Ấn Độ được phong Chân Phước. Theo ĐGM Remigius, cuộc  tử vì đạo của người nầy “tượng trưng một sự kết hợp độc nhất giữa lòng sốt sắng,can đảm và đau khổ”,sẽ thúc đẩy “đối thoại liên tín và liên văn hoá trong xã hội đa nguyên của Ấn Độ. Ngài nói : Đối thoại liên tôn ‘kêu gọi sự tôn trọng lớn hơn đối với các truyền thống tôn giáo khác với truyền thống riêng của chúng ta và sự tự do thực hành các niểm tin riêng của mình và theo lương tâm của mình mà không phải chịu bách hại hoặc bị tẩy chay, cả khi trở lại đạo. Ngài nói thêm :” Chúng ta tất cả đều là con cùng một Cha. Và không ai nên phải chịu đau khổ như Devasahayam,bị tử vì đạo do đã cố sống đức tin của mình”. Devasahyyam sinh ra trong một gia đình Ấn giáo,thuộc giai cấp chiến binh (nair) và sớm được hoàng gia ở Travancore (nay thuộc vùng nam Kerala) trọng thị. Trong thời gian ấy, anh gặp thuyền trưởng hải quân Đức,Eustachius De Lannoy. Bị nhà vua bỉ tù nhưng sớm được thả ra và được bổ nhiệm làm chỉ huy các lực lượng vũ trang Travancore, De Lannoy là nguyên do Devayaham quan tâm tới đức tin Kitô giáo. Năm 1745, Devasahayam được rửa tội. Lo dợ việc ngài trở lại đạo sẽ làm nhiều gia đình rời bỏ Ấn giáo, một giáo sĩ Ân giáo đã tố cáo ngài tội phản quốc,lôi ngài ra khỏi diinh và biến ngài thành nạn nhân chịu tra tấn cực hình. Năm 1752, Devasahayam Pillai bị giết,có lẽ là do quân lính của nhà vua bắn. Ngày nay,di hài của Ngài được tìm thấy gần bàn thờ Nhà thờ chính toà Thánh Phanxicô Xaviê ở Kottar.
+ (CAN 27/11) Sụt giảm con số nạo phá thai phản ảnh sự thay đổi các quan điểm
Một báo cáo mới của chính phủ ước lượng con số nạo phá thai ở Hoa Kỳ giảm 5% vào năm 2009 – từtrung bình 1 triệu vụ mỗi năm, còn 785.000 – (do các Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Bệnh dựa trên thống kê từ 43 bang và hai thành phố công bố hôm 21/11,không bao gồm California,nơi cung cấp nhiều nhất việc nạo phá thai), được những người chủ trương và nghiên cứu bảo vệ sự sống ca ngợi. Họ cho rằng sự sụt giảm nầy có thể là do sự gia tăng con số người Mỹ bảo vệ sự sống.Michael J. New,giáo sư khoa học chính trị đại học Michgan-Dearborn nói :”Chúng ta đã nhìn thấy một xu hướng đi xuống gần 25% kể từ đầu thập niên 1990”. Ông nói rất khó để xác định đâu là nguyên nhân của điều nầy và gợi ý về một sự phối hợp của các luật thiên về bảo vệ sự sống hơn, việc thiếu những bệnh viện nạo phá thai ở nhiểu nơi trong nước và sự thay đổi “ lòng trí con người” về nạo phá thai. Đa số các vụ nạo phá thai thực hiện vào khoảng 8 tuần tuổi thai kỳ. 85% phụ nữ tìm phá thai là những người không lập gia đình. Phụ nữ da trắng có tỷ lệ nạo phá thai thấp nhất (8,5% trên 1.000 ở tuổi có thai),trong khi phụ nữ da mầu có tỷ lệ là 34.2/% trên 1.000. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm nầy có thể là do việc sử dụbg phổ biến rộng hơn và công hiệu hơn các phương tiện ngừa tránh thai,tuy nhiên Gs New hồ nghi về điều ấy, và nói rằng đó chỉ là phỏng đoán, vì theo ông,không có bất kỳ số liệu nào cho thấy từ năm 2009 nữ giới dùng ngừa tránh thai thường xuyên hơn hoặc bắt đầu dùng các phương tiện ngừa tránh tahi công hiệu hơn.
+ (EWTN News 27/11) “Công giáo Vì Một Lựa Chọn Tự Do” : hàng triệu USD ủng hộ nạo phá thai
Tổ chức “CGVMLCTD” chủ trương nạo phá thai đã đầu tư hơn 13 triệu USD trong thập niên gần đây nhất nhằm thúc đẩy việc hợp pháp hoá nạo phá thai ở Nam Mỹ. Tài liệu thuế vụ (IRS) cho thấy giữa các năm 2002 đến 2010, tổ chức nầy đã chi 13,716,697 USD để xúc tiến thủ tục ở Trung và Nam Mỹ. Thành lập năm 1973, tổ chức nầy có quỹ thường niên là 3 triệu USD,có được qua các tổ chức vốn tài trợ công khai nạo phá thai,như là Ford Foundation (300,000 năm 2011), McArthur Foundation (275,000), William & Flora Hewlett Foundation (600,000), Playboy Foundation cũng nằm trong nhím tài trợ nầy. Tháng 10 năm nay, phát ngôn nhân của HĐGM Hoa Kỳ, nữ tu Mary Ann Walsh nói với tờ The Washington Times rằng “CGVMLCTD” không phải là một tổ chức Công giáo :”Nó chưa bao giờ là một tổ chức Công giáo và được lập ra để chống lại lập trường Công giáo về nạo phá thai”. Các văn phòng chính của tổ chức nầy là ở Washingtob DC,nhưng có các chi nhánh ở Peru,Achentina,Bolivia,Chile,El Salvador,Nicaragua,Paraguay và Tây Ban Nha. Ngân sách bình quân thường niên cho các chiến dịch vận động nạo phá thai ở Nam Mỹ ước khoảng 1,2 triệu USD.
(*) Câu nói về tổ chức nầy : Họ là Kitô hữu KHI SINH,nhưng là Phản Kitô giáo KHI CHỌN LỰA
+ (Zenit 27/11) Đức Biển-Đức XVI,Vị Giáo Hoàng của kỷ nguyên kỹ thuật số và các mạng xã hội.
Việc Đức Biển Đức XVI có mặt trên Twitter – tài khoản: @BenedictusPPXVI – và các phương tiện truyền thông mới của Vatican sẽ được giới thiệu ở Vatican vào ngày 03/12. Đức Biển Đức XVI,vị giáo hoàng của kỷ nguyên kỹ thuật số và các mạng xã hội,là vị giáo hoàng đầu tiên gửi tin nhắn sms. Người cũng sẽ là vị Giáo Hoàng đầu tiên pho thác các thông điệp và lời kêu gọi cho Twitter. Đức Piô XI đã tung ta Radio Vatican vào ngày 12/02/1931. Và đã phổ biến thông điệp truyển thanh đầu tiên của Người,bằng tiếng la-tinh,với sự hiện diện của Guglielmo Marconi. Đức Gioan – Phaolô II lần đầu tiên đã công bồ một Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng – về Giáo Hội ở Châu Đại Dương – khi ấn trên một laptop vào tháng 11/2001. Đức Biển Đức XVI là vị Giáo Hoàng đầu tiên gửi những “sms” cho giới trẻ kỳ Đại Hội Thế Giới Giới trẻ Sydney năm 2008. Người cũng trở thành Vị Giáo Hoàng “kỹ thuật số” đầu tiên gửi các “tweet” và thích viết các diễn văn bằng tay. Tài khoản của Người trên Twitter là @BenedictusPPXVI và đã có hàng ngàn người đăng ký. Tài khoản nầy có từ mùa xuân 2012.
+ (Zenit 27/11) “Giáo Hội ở Châu Mỹ”, đại hội ở Vatican
Đó là chủ đề một đại hội sẽ được giới thiệu ở Vatican vào thứa Ba,ngày 04/12 và sẽ diễn ra ở Vatican từ 09 đến 12/12.do Uỷ ban Giáo hoàng về Nam Mỹ và các Hiệp Sĩ Columbus xúc tiến. Đại hội sẽ được ĐHY người Canada,Marc Ouellet,PSS,chủ tịch uỷ ban nầy,giới thiệu, cùng với Ngài Guzman Carriquiry,thư ký uỷ ban và Ngài Carl Anderson,Đại Hiệp Sĩ. “Giáo Hội ở Châu Mỹ” cũng là chủ đề của Tông Huấn hậu Thượng Hội Đồng của Đức Gioan-Phaolô II năm 1999,trong mạch Thượng hội đồng Châu lục,chuẩn bị cho Năm Thánh 2000. Đức Thánh Cha kết luận tài liệu của Người bằng lời hô hào truyền bá Phúc Âm vẫn không mất tính thời sự :”Cha mời gọi tất cả các tín hữu Công Giáo Châu Mỹ tham gia tích cực vào các sáng kiến rao giảng Tin Mừng,mà Thánh Linh khơi dậy trong tất cả mọi nơi thuộc châu lục mênh mông nầy, đầy những tiểm năng và hy vọng cho tương lai. Cha mời gọi cách đặc biệt các gia đình Công giáo hãy nên những “Giáo Hội – Tổ Ấm”,ở đó đức tin Ki-tô giáo được sống và được truyền cho các thế hệ mới như một kho tàng và ở đó người ta cầu nguyện vùng với nhau. Nếu các gia đình Công giáo biết hiện thực nơi bản thân họ lý tưởng mà Thiên Chúa giao phó cho họ, thì họ sẽ biến cải thành những tổ ấm rao giảng Phúc Âm đích thực”.
+ (CAN 27/11) Lãnh đạo Giáo hạt Tòng nhân Anh Giáo nhắc lại niềm vui của năm đầu tiên
Gần một năm sau khi được bổ nhiệm chăn dắt các cộng đoàn Anh giáo tìm cách gia nhập GH Công Giáo, Đức Ông Jeffrey N.Steenson cho biết những tháng qua chan tưới phúc lành:” Tôi cho rằng những niềm vui đích thật là được nhìn thấy các cộng đoàn vồn đã đấu tranh với quyết định phân tích có nên trở thành Công giáo chăng và đã có chọn lựa ấy và họ đã gia nhập”. Ngài mô tả “niềm vui trên gương mặt họ” khi họ gia nhập GH Công Giáo và nói “Đó là điều dính vào tâm trí tôi nhiểu nhất”. ĐÔ Steenson dẫn dắt Giáo Hạt Tòng Nhân Ngai Toà Thánh Phê-rô – được lập ra theo giáo luật ngày 01/01/2012. Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đã phê chuẩn việc lập giáo hạt nầy,vốn tương tự như một giáo phận,nhưng bao gồm các cộng đoàn trêb khắp Hoa Kỳ và Canada. Đặt trụ sở ở Houston, Giáo hạt tòng nhân nầy cho phép những cộng đoàn trọn vẹn hiệp thông trọn vẹn với GH Công Giáo mà vẫn được giữ những yếu tố di sản và những thực hành phụng vụ Anh giáo của họ,như là Sách Cầu Nguyện Chung.Tính đền 01/11, Giáo Hạt có 1.336 thành viên, 23 LM,69 chủng sinh và 35 cộng đoàn,gồm những nhóm lớn ở Texas,Maryland,Florida và Pennsylvania. Là một cựu GM Anh giáo, ĐÔ Steenson và vợ ông gia nhập GH Công giáo năm 2007 và thụ phong LM Công Giáo năm 2009. Ngài có bằng tiến sĩ về Các Giáo Phụ ở đại học Oxford và giữ một vai trò quan trọng trong việc thiềt kế chương trình đào tạo các cựu LM Anh giáo muốn được thụ phong LM dưới giáo hạt mới nầy. Vì đã lập gia đình, Đức Ông Steenson không thể làm giám mục. Thay vào đó ngài là một “giám chức” giữ mọi thẩm quyền của một GM,ngoại trừ việc truyền chức cho các linh mục…Hơn một năm qua, ĐÔ Steenson thấy được an ủi khích lệ lớn lao trong sự nâng đỡ ủng hộ không thể tin được của các tín hữu Công giáo Hoa Kỳ,nhất là các GM Hoa Kỳ.Năm Đức Tin hiện tại là một phúc lành đặc biệt cho các thành viên của Giáo hạt. Trong năm nầy, Đức Thánh Cha khuyến khích các tín hữu Công giáo lớn lên trong đức tin qua cầu nguyện và học hỏi về Vatican và giáo lý. Nhìn về phía trước, ĐÔ Steenson hy vọng rằng giáo hạt sẽ có thể lớn lên trong quan hệ với phần còn lại của GH và cung cấp một “sự làm phong phú đời sống Công giáo với văn hóa và di sản nầy”.
+ (Fides 28/11) 80 nữ tu người Trung Quốc chạy Marathon quốc tế ở Bắc Kinh
“Can đảm lên các Soeurs, hãy chạy vì những công tác từ thiện của Giáo Hội”. Đó lá tiếng hô vang dậy nhất nghe được ở cuộc chạy Marathon quốc tế diễn ra ở Bắc Kinh ngày 27/11. 80 nữ tu đã tham gia nhằm thúc đẩy các công trình bác ái từ thiện,là hình ảnh đẹp nhất trong 30.000 người tham dự. 80 nữ tu nầy đền từ 16 tỉnh thuộc Trung Quốc để hỗ trợ 30 dự án từ thiện. Soeur Yu Chun Jing thuộc Dòng Các Linh Hồn Nơi Luyện Ngục ở Xing Tai,một trong các nữ tu đầu tiên tham dự Marathon kể từ năm 2009 và ngày nay vẫn còn tiếp tục,nói tại một cuộc họp báo ngày 23/11 : Các nữ tu đã chạy vì những người già,những người nghèo,những trẻ em khuyết tật,vì các cô nhi và vì tất cả những công trình từ thiện mà Giáo Hội đã giao cho họ. Ngoài ra,Hội từ Thiện Jinde,cơ quan bác ái Công giáo trung Quốc tổ chức “Chạy vì các công trình từ thiện của Giáo Hội” cũng đã đánh động cộng đoàn Công giáo Bắc Kinh nhằm xúc tiến sáng kiến và hỗ trợ cho các dự án nầy. Trong Thánh lễ ngày 24/11 tại giáo xứ Vô Nhiễm Thai, các tín hữu đã góp được 17.399 nhân dân tệ (khoảng 3.000 USD). Năm 2009, chỉ có 10 nữ tu thuộc hai tỉnh chạy Marathon vì tò mò. Năm kế đó,44 nữ tu đã trình diện,chạy vì 13 dự án từ thiện. Năm 2011, năm chính thức tung ra sáng kiến “Chạy vì các công trình bác ái từ thiện của Giáo Hội”, 52 nữ tu – cùng với 4 LM và 2 chủng sinh – đã tham gia với danh nghĩa 14 dự án. Ngoài ra,7 nữ tu – trong đó 5 vị thuộc dòng Nữ Tỳ Thánh Linh -  và 1 LM đã chạy toàn bộ 42,195 cây số chỉ hơn 5 giờ.
+ (AsiaNews 28/11) Đức Đạt Lai Lạt Ma “mâu thuẫn” về Ki-tô giáo và những cuộc cải đạo
Nhận định của Đức Đạt Lai Lạt Ma về Ki-tô giáo và các cuộc cải đạo là “mâu thuẫn” và có thể tỏ ra gần với các ý tưởng của ý thức hệ Hindutva (chủ nghĩa dân tộc Ấn giáo) và dẫn tới những hiểu sai. Lời chỉ trích nầy đền từ Sajan George,chủ tịch Hội Đồng Toàn Cầu Các Ki-tô hữu Ân Độ (GCIC),khi nói về bài diễn văn mà thủ lãnh Phật giáo Tây Tạng đọc ngày 27/11 tại hội nghĩ Khoa Học và Tôn Giáo ở Đại Học Chúa Ki-tô ở Bangalore. Nhà thủ lĩnh tinh thần Tây Tạng nói :” Một tôn giáo phải tự hạn chế ở những can thiệp có định hướng phục vụ như là phổ biến giáo dục và cung cấp các hệ thống y tế,chứ không được cho mình hưởng vui thích những cuộc cải đạo”. Dù “các Ki-tô hữu đã có những đóng góp lớn lao nhất cho giáo dục, thì các tổ chức tôn giáo cũng phải tập chú vào việc giúp đỡ xã hội. Nói về các cuộc cải đạo, nhà lãnh đạo Phật giáo nầy chỉ trích mạnh mẽ việc rủ gia nhập đạo được thực hiện bằng việc đút lót tiền bạc. Theo quan điểm của ngài, chúng làm hại như là chính những phản đề các giới luật Ki-tô giáo. Tuy nhiên cải đạo – theo Ngài – tự nó không đáng chê trách,nếu như một người chọn nó với ý thức và hiểu biết đầy đủ. Đồng thời, các phản ứng với các cuộc cải đạo qua hận thù và bạo lực,đốt phá nhà thờ và huỷ hoại tài sản, như những người Ấn giáo đang làm, là không xứng đáng với bản tính bao dung và truyển thống hiếu hoà của tôn giáo xưa nhất thế giới nầy. Với Sajan George,Đức Đạt Lai Lạt Ma mâu thuẫn với lịch sử Phật giáo. Ông giải thích :”Chứng minh được rằng sau khi giác ngộ, Đức Phật chia sẻ kinh nghiệm của Ngài và dạy những người khác đi theo con đường trung dung. Ngài đã hành trình qua vùng Đông Bắc Ấn Độ nhiều thập niên, giải thích triết lý của ngài cho những ai quan tâm,không phân biết giới tính và đẳng cấp xã hội”. Ngược lại, các quan điểm cỷa Đức Đạt Lai Lạt Ma về cải đạo có vẻ giống như các quan điểm của ý thức hệ Ấn giáo.
+ (AsiaNews 28/11) Nepal : kiểm tra dân số. Ki-tô hữu vượt hơn 1%.
Các Ki-tô hữu Nepal đang tăng. Trong 10 năm, con số từ 0,4% đã tăng lêb 1,4% trong 26 triệu dân,theo kết quả kiểm tra dân số gẩn đây nhất được chính phủ do phe theo Mao kiểm soát,đưa ra,lần đầu tiên sau khi chấm dứt nển quân chủ vào năm 2007. Đáng ngạc nhiên là tín đồ Ấn giáo tăng từ 80 lên 81%. Hồi giáo vẫn giữ mức 4,4%. Tín đồ Phật giáo giảm từ 10,7% xuống còn 9%. Thủ tướng Baburam Bhttarai đã tiết lộ nghiên cứu nầy. Trong diễn văn,ông tuyên bố rằng không tôn giáo nào được dùng các kết quả nầy để đòi hỏi những đặc quyền: “Quốc gia nầy là thế tục và dân chúng thuộc mọi tôn giáo thiểu số sẽ được hưởng quy chế bình đẳng. Chương trình của chính phủ sẽ tập chú vào nữ giới và các nhóm thiểu số vì họ đã chịu thiệt thòi trong quá khứ”. Rất nhiểu chuyên gia và lãnh đạo tôn giáo chỉ trích tính xác thực của các số liệu nầy, vì thông tin không chình xác,nhất là liên quan đền tôn giáo. Lãnh đạo Tin Lành CB Gahatraij nói : “Chúng tôi cho rằng dân số chúng tôi nhiều hơn là theo bản báo cáo nầy. Vấn nạn ở đây là trong cuộc điểu tra dân số nầy, nhiều người mới trở lại đạo sợ nói ra tôn giáo của mình và vì thế mà được ghi là tìn đồ Ần giáo”. Rồi gì nữa? “khi những người phụ trách thu thập số liệu khôbg gặp được dân vì đi vắng,thì họ ghi ngay là tín đồ Ấn giáo”.
+ (CWN 29/11) Tiêu chuẩn định nghĩa nghèo khó : Nhu cầu,chứ không phải đô-la
ĐHY Peter Turkson,chủ tịch Hội Đồng Giáo Hoàng về Công Lý và Hoà Bình,đã nói với cử toạ Radio Vatican : Sự nghèo khó phải được hiểu không chỉ là việc thiếu tiền bạc,mà còn là thiếu phương tiện tiếp cận với giáo dục,chăm sóc y tế và những tài sản khác. ĐHY nhận định rằng trong quá khứ,một người sống với 1 đô-la một ngày được định nghĩa là nghèo.Nhưng một người có thể có thu nhập lớn hơn đáng kể mà vẫn thiếu phương tiện tiếp cận được với những nhu cầu cơ bản. Chờ đợi một cuộc hội thảo chuyên đề do Vatican tài trợ về những nguyên nhân của nghèo đói, Vị giáo phẩm người Phi Châu nói rằng vấn nạn nầy có thr63 được định nghĩa tốt hơn dưới dạng phương tiện tiềp cận (access)
+ (UcaNews 29/11) Những bài thánh ca phảng phất hương vị đặc trưng Hàn quốc.
Khi nghĩ tới ‘nhạc”, người Hàn thưởng nghĩ tới nhạc cổ điển hoặc nhạc pop Tây phương.Cũng vậy,đa số người Công giáo Hàn nghĩ tới nhạc đạo là những bản hát bình ca, những thánh lễ do các nhà sáng tác cổ điển như là Bach,Handel và Mozart hoặc các bài thánh nhạc nhập từ Tây phương. Tuy nhiên, Cha Dòng Khổ Nạn Paul Maria Kang Su-gun,54 tuổi, nghĩ khác. Khi còn thiếu niên, Cha đã học Trường trung học quốc gia Gukak,một trường đào tạo nhạc truyền thống Triều Tiên (Gukak hoặc nhạc dân tộc) và tự hỏi tại sao nếu nhạc truyền thống Hàn tráng lệ mà các tín hữu chỉ hát toàn những bài thánh ca Tây phương. Ngài mơ ước một ngày nào đó sẽ sáng tác những bài thánh nhạc bằng Gukak. Những bài hát Thánh lễ Hàn quốc đầu tiên của ngài,gồm cả “Kyrir”,”Gloris”, “Alleluia” và “Agnus Dei” được các nữ tu Phao-lô ghi năm 1987 khi Cha đang ở là một tập sinh. Theo Cha, nhạc truyền thống Hàn đã bị thực dân Nhật khinh miệt và là mục tiêu hàng đầu trong chính sách “tiêu huỷ” của họ chông lái văn hoá Triều Tiên trong đầu thế kỷ 20. …Sau CĐ Vatican II, đã có một vài cố gắng kết hợp nhịp điệu và giai điệu truyền thống Triều Tiên vào nhạc Giáo Hội,nhưng ngài nói rằng “không có thánh nhạc Triều Tiên đích thực” trước ngài. Sau khi thụ phong LM năm 1992, Ngài bắt đầu một lớp thánh nhạc trong nhạc truyền thống và phát hành một đĩa nhạc với kinh mân côi. Nhưng để thành một nhạc sĩ Triều Tiên nhà nghề, ngài cảm thấy cần phải học nhiều hơn về nhạc Tây phương,vì thế ngài sang Hoa Kỳ và đến Viện Giáo Hoàng Thánh Nhạc ở Roma để nghiên cứu Thánh nhạc và về lại Hàn quốc năm 2009. Năm đó ngài thành lập Viện Thanh Nhạc Hàn Quốc ở Seoul để dạy thanh nhạc Hàn quốc, phối hợp với janggu – một loại trống bịt hai đầu với một đai hẹp ở giữa,chỉ dùng cho đệm nhạc Hàn và các điệu múa dân tộc, – vào phụng vụ. Ngài cũng sáng lập các ca đoàn thánh ca Hàn ở các Tổng giáo phận Seoul và Gwuangju,cũng như tại các giáo phận Suwon và Uijeongbu. Nay những giấc mơ của ngài đang bắt đầu hiện thực, với việc tuyển lựa khoảng 70 bài thánh ca Hàn, cho một cuốn thánh nhạc Công giáo mới,sẽ được phát hành bởi HĐGM Hàn vào năm 2015 để dùng cho cả nước.
+ (CWN 29/11) Tình hình các linh mục tu sĩ ở Hoa Kỳ
Theo số liệu trong các phiên bản 2011 và 2012 Danh Bạ Công giáo Chính Thức,trong thời kỳ một năm:
  •  Con số nữ tu ở Hoa Kỳ giảm 2.000 (từ 57.113 còn 55.045
  • Con số linh mụv giảm nhẹ từ 40,271 còn 40.203
  • Con số chủng sinh giảm từ 5.247 còn 5.015 (chủng sinh triều không giảm)
  • Con số các thầy trợ sĩ giảm từ 4.650 còn 4.518
  • Con số phó tế vĩnh viễn tăng từ 17.436 lên 17.816
   
   
GIÁO     LUẬT ĐƯỢC LÀM CHO DỄ HIỂU
   
Website     : http://canonlawmadeeasy.com
Trang     web nầy được Cathy Caridi,JCL,thàng lập để cung cấp những câu trả lời rõ     ràng cho những câu hỏi liên quan tới giáo luật do các tín hữu Công giáo     bình thường đặt ra,mà không dùng tất cả những thuật ngữ đặc biệt về luật mà     các luật gia giáo luật biết và thích. Trong quá khứ,Cathy đã cho đăng các     bài viết cả trong những tạp chí chuyên đề lẫn trên những trang mạng Công     giáo nổi tiếng. Hiện Bà đang hành nghề luật và dạy học ở Roma. 

 + (CWN 29/11) Vatican tước bỏ tước hiệu “Đức Ông” của linh mục bất đồng người Áo
Thủ lãnh phong trào bất đồng các LM Áo đã bị Vatican tước bỏ tước hiệu “Đức ông”. Vatican thông báo ngày 29/11 : Cha Helmut Schuller, cầm đầu Sáng Kiến Các LM Áo (SKCLMA)và là cựu tổng đại diện TGP Vienne, không còn giữ tước hiệu nầy nữa. Hành động nầy đến hơn một năm sau khi SKCLMA tung ra “Lòi Kêu gọi Bất tuân”,khuyến khích các giáo sĩ không tuân theo các giáo huấn GH về những vấn đề bao gồm đồng tính quan hệ mật thiết với nhau và việc truyền chức LM cho nữ giới. Hơn 400 LM Áo đã bay tỏ sự ủng hộ đối với phong trào bất đồng. ĐHY Christoph Schonborn TGP Vienne đã nhiều lần cảnh cáo các LM bất đồng,phản đối cách đặc biệt việc họ tán thành với bất tuân công khai.Nhưng vị HY người Áo tránh hành động kỷ luật,ngoài việc thông báo vào tháng 6 rằng các LM đã ủng hộ “Lời kêu gọi bất tuân” sẽ không giữ một số vai trò lãnh đạo trong TGP Vienne. Vatican đã thúc đẩy các GM Áo hành động liên quan đến SKCLMA. Thứ Năm Tuân Thánh,trong Lễ Dầu,Đức Thánh Cha Biển Đức XVI nhận định trong bài giảng lễ, rằng “một nhóm LM từ một quốc gia Châu Âu đã đưa ra một lệnh bất tuân” và nói rằng chiều hướng nầy nghịch với “việc nên đồng hình dạng với Chúa Ki-tô,vốn là điều kiện tiên quyết cho một sự csnh tân đích thực”.
+ (CWN 29/11) Lột bỏ cách giải thích “lạc giáo” về Công Đồng Vatican II
Tân Tổng trưởng Thánh Bộ Tín Lý Đức Tin,TGM Gerhard Muller đã nói rằng các tín hữu Công giáo duy truyền thống đưa ra một “cách giải thích lạc giáo” về Công Đồng Vatican II,nếu họ khẳng định rằng Công Đồng nầy có những thay đổi triệt để trong các giáo huấn Giáo Hội. Ngài nói rằng một giải thích chính xác về những tuyên bố của Công Đồng Vatican II phải giả định rằng những tuyên bố của Công Đồng giữ đúng với các giáo huấn của Giáo Hội đã được thiết lập. Vị TGM người Đức ủng hộ mạnh mẽ lý lẽ do Đức Thánh Cha Biển Đức XVI đưa ra,rằng “cách giải thích về tính liên tục” được đòi buộc để hiểu biết đúng đắn về Công Đồng Vatican II.
+ (Genetique.org 30/11) Kết thúc chính sách một con ở Trung Quốc?
Ở Trung Quốc, chính sách một con duy nhất được đưa ra năm 1979 có thể sẽ trở nên mềm dẻo hơn. Quả thật, theo tờ nhật báo chính thức,China Daily, Zhang Weiqing,cựu giám đốc uỷ ban toàn quốc kế hoạch hoá gia đình phụ trách việc đưa ra chinh sách nầy, đã xác định rằng “uỷ ban nầy,cộng tác với các viện nghiên cứu dân số khác, đã trình chính phủ một báo cáo và một kế hoạch hành động liên quan đến một thay đổi về chính sách”. Uỷ ban nầy là một cơ quan tư vấn của chính phủ trung ương. Về nội dung chủ yếu,”cuộc cải tổ nầy liên quan đến các dân thành thị,những người có thể được phép có đứa con thứ hai,cả khi một trong hai bố mẹ không phải là con một – điều kiện đòi buộc ngày nay để tránh quy định nầy. Bắc Kinh đồng ý nới áp lực lên tầng lớp trung lưu, tầng lớp vốn dễ chỉ trích chính phủ nhất, nhưng tìm cách để đáp ứng thách đố kinh tế trước mắt”. Zhang Weiqing giải thích :”chính sách được linh động nầy trước hết có thể áp dụng trong các vùng có năng suất hơn về mặt kinh tế, vốn phải đối mặt với những thách đố lớn hơn về dân số, với một dân số đang già đi đáng kể và một dòng thác quan trọng các lao động di dân đang tràn vào”. Như vậy, ngay cả khi biện pháp nầy có thể tỏ ra “rụt rè”, bài viết xác định rằng “đây là lần đầu tiên mà mục đích được lập trình của hệ thống ba chục năm nầy được một cơ quan nhà nước nói rõ ra”. Hiện nay,”tỷ lệ sinh sản là 1,18 con trên một phụ nữ và 13,3% dân số đã qua 60 tuổi. Một tỷ lệ sẽ tăng lên tới 33% vào năm 2050”.

Nguồn: Xuân Bích VN