GPVO - Vào những ngày cuối tháng Tám vừa qua, thân nhân của 17 thanh niên Công giáo và Tin lành - đa số là người Nghệ An, thuộc Giáo phận Vinh, bị bắt và giam giữ trong một năm qua - đã có cuộc hành trình tìm kiếm công lý cho con em của mình.
Trên hành trình đó, họ tới kêu oan và trình đơn tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.
Khi lủi thủi, nặng bước trên đường phố Hà Nội trong những ngày ấy chắc không ai còn có tâm trí để ý tới những khẩu hiệu, băng rôn tràn ngập phố phường Hà Nội chào mừng ‘Cách mạng Tháng Tám’ và ‘Quốc khánh 2/9’.
Là những người dân lam lũ, sớm tối quen với ruộng đồng, khi tới Văn phòng Chính phủ chắc cũng ít người trong số họ còn nhớ rằng cách đây không xa, tại Quảng trường Ba Đình, vào ngày 2 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Và chắc cũng ít ai nhớ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập đó được bắt đầu: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.
Không chỉ thế, Bản Tuyên ngôn ấy - một văn kiện lịch sử, bất hủ, chứa đựng nhiều giá trị nhân quyền, dân sinh tốt đẹp, được soạn và đọc bởi chính một người đồng hương của họ cách đây 67 năm - còn khảng khái nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.
Hay họ chọn ra Hà Nội, quyết định đến Văn phòng Chính phủ để kêu oan cho con em mình trong những ngày cuối tháng Tám đó vì họ muốn nhắc chính quyền Việt Nam nhớ lại Bản Tuyên ngôn ấy và để người dân - trong đó có con em họ - được thực hiện những quyền căn bản nhất mà Tạo hóa cho họ.
Nhưng dù nhớ hay quên, dù việc họ ra Hà Nội vào dịp đó chỉ là một sự trùng hợp hay được sắp xếp trước, với việc họ lặn lội ra Hà Nội kêu oan, tìm công lý cho con em mình, họ một lần nữa cương quyết khẳng định rằng con em họ vô tội và quyết tâm đi tìm ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’.
Hơn ai hết, chính họ hiểu rõ rằng con em mình không làm gì nên tội. Trái lại, con em họ chỉ thực hiện ‘những quyền không ai có thể xâm phạm được’, như ‘quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’.
Không chỉ họ, những ai quan tâm đến vụ việc, am hiểu luật pháp, yêu chuộng công lý, tự do hay thấy băn khoăn, nhức nhối trước những vấn nạn đang xảy tại Việt Nam đều biết rõ rằng việc bắt giam những thanh niên, sinh viên này là xâm phạm những quyền căn bản nhất của con người.
Và vì vậy, càng ngày càng có nhiều người hiệp thông, cầu nguyện và lên tiếng bênh vực cho những bạn trẻ này và thân nhân của họ.
Có thể những yêu cầu, nguyện vọng của họ không được chính quyền lắng nghe, nhưng trong 4 ngày trên hành trình kêu oan cho con em mình, thân nhân của 17 bạn trẻ Công giáo và Tin lành đã được nhiều người đón tiếp, động viên, khích lệ và nâng đỡ.
Chẳng hạn, tại Châu Sơn, họ được Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Cộng đoàn Đan sĩ tại đây đón tiếp, dâng lễ cầu nguyện cho họ, cho con em họ. Về lại Nghệ An, họ được chính Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, ân cần đón tiếp, thăm hỏi từng gia đình một.
Kết thúc chuyến đi, họ quy tụ tại Linh địa Trại Gáo - nơi có Đền Thánh Antôn và Trung tâm hành hương nổi tiếng của Giáo phận Vinh - và được Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng tiếp đón và dâng lễ cầu nguyện cách riêng cho 17 bạn trẻ cũng những tù nhân lương tâm đang bị bách hại.
Việc các thân nhân được các vị chủ chăn đón tiếp và dâng lễ cầu nguyện cho con em của họ mang rất nhiều ý nghĩa vì những lời thăm hỏi, động viên, những thánh lễ, lời kinh đó không chỉ nâng đỡ, khuyến khích, thêm sức mạnh cho họ và con em họ đang bị giam giữ.
Qua những cử chỉ đó, các vị chủ chăn cũng muốn nói lên rằng những bạn trẻ này và thân nhân của họ không còn đơn độc trên hành trình tìm kiếm công lý, đòi tự do. Hơn nữa, bằng chính sự tiếp đón và những lời cầu nguyện ấy, các vị chủ chăn cũng muốn nhấn mạnh rằng các bạn trẻ này là những thành viên - những thành viên tốt và ngoan - của cộng đoàn, cộng đồng, của đất nước và những việc làm của các em không còn mang tính cá nhân, và đặc biệt không có gì sai trái.
Những điều này được nêu rõ trong trong bản nhận định ‘Về vụ án các thanh niên Công giáo’ của Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh hôm 28/08/2012. Bản nhận định đó ghi rõ việc bắt, điều tra, kết tội, xét xử vụ án không chỉ vi phạm Hiến pháp, Luật tố tụng hình sự Việt Nam mà còn đi ngược với các Tuyên ngôn, Công ước Quốc tế về nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đã ký kết.
Hơn nữa, Ban Công lý và Hòa bình cũng nhấn mạnh rằng ‘tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt’, ‘xuất phát từ những gia đình nông dân chất phác, cần cù’ và luôn ‘hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội’.
‘Nếu họ có những hành vi như tòa án đã nêu thì cũng chỉ là những hành vi nhỏ nhặt, có động cơ mục đích nhắm đến là một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển’.
Không chỉ thế, việc những thanh niên này bị bắt giam, xét xử vì muốn xây dựng ‘một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển’, chỉ vì sống ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’ của mình cũng thu hút quan tâm, ủng hộ của dư luận thế giới. Kể từ khi những bạn trẻ này bị bắt cách đây 1 năm, nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế đã lên tiếng bênh vực họ.
Ngày 25/07/2012, Giáo sư Allen Weiner, Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế thuộc Trường Luật, Đại học Stanford, Mỹ đã gửi thỉnh nguyện thư lên Ủy ban Điều tra về Giam giữ tùy tiện của Liên hiệp quốc (UNWGAD) trình bày về việc bắt và giam giữ phi pháp 17 thanh niên này.
Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI, khi được hỏi điều gì đã khiến ông thay mặt 17 thanh niên đệ trình thỉnh nguyện thư lên cơ quan chuyên điều tra về giam giữ tùy tiện của Liên hiệp quốc, giáo sư Allen Weiner trả lời rằng ‘những người trẻ này đã có các hoạt động thể hiện quan điểm chính trị và sự phản đối ôn hòa, vốn được hiến pháp [Việt Nam] quy định’.
Theo học giả về Luật quốc tế này, đó cũng ‘là các quy định mà chính Việt Nam tự chấp thuận khi trở thành thành viên ký kết vào Công ước quốc tế về quyền dân sự và quyền chính trị của công dân. Và những gì đang diễn ra cho thấy Việt Nam đang vi phạm cam kết của chính mình và vi phạm nhân quyền của các nhà hoạt động này. Vì vậy, vụ việc của 17 thanh niên này là một trường hợp quá rõ ràng, khiến tôi khó lòng từ chối không lên tiếng’.
Hay mới đây, hôm 27/08/2012, 12 tổ chức vận động nhân quyền quốc tế đã ký tên trong một kiến nghị thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng “khẩn thiết kêu gọi chính phủ của ông hãy rút bỏ mọi cáo buộc đối với những người đang bị giam cầm mà chưa xét xử và miễn tội vô điều kiện những người đã kết án”. Vì theo bản kiến nghị, những người này “chỉ đơn giản thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội của họ được luật pháp quốc tế đảm bảo”.
Chuyến đi 4 ngày để kêu oan cho 17 thanh niên của thân nhân của họ đã kết thúc. Nhưng có thể nói hành trình đòi công lý của họ chưa chấm dứt.
Chừng nào những 17 thanh niên này chưa được tự do, chưa được bình đẳng, chừng nào những quyền căn bản, bất khả xâm phạm được nhấn mạnh trong Bản tuyên ngôn ấy cách đây gần 70 năm còn bị xâm phạm thì chừng đó vẫn còn có người cương quyết đi tìm công lý, dám lên tiếng đòi tự do, bình đẳng vì đó là những quyền Tạo hóa cho con người, vì đó là ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’, và đơn giản vì ‘không có gì quý hơn độc lập, tự do’.
Xuân Lộc, giaophanvinh.org