Lễ khai giảng năm học mới của sinh viên Công giáo Vinh

Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012



GPVO – 16:30 ngày 23/9/2012, Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, giám mục giáo phận Vinh, đã đánh một hồi trống dài khởi đầu cho năm học mới của sinh viên Công giáo đang học tại các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề ở thành phố Vinh, Nghệ An.




Trước đó, vào lúc 3 giờ chiều, khoảng 1000 bạn trẻ đã tập họp quanh vị giám mục của mình tại tiền sảnh nhà thờ Yên Đại để khai giảng năm học 2012 – 2013.

Trên hàng ghế danh dự, chúng tôi thấy có sự hiện diện của các linh mục FX Hoàng Sĩ Hướng, trưởng ban giới trẻ, Ant Hoàng Trung Hoa, đặc trách sinh viên, Giuse Hoàng Thái Lân, trưởng ban giáo dân, Gioan Phạm Quang Long, trưởng ban truyền thông.

Ngoài ra, còn có khá đông nữ tu của các hội dòng Mến Thánh Giá, Thừa sai Bác ái và Thouret, cùng đông đảo bà con giáo dân trong vùng. Nhà thờ Yên Đại lúc này trở nên quá nhỏ bé so với số lượng người tham dự, do đó tất cả sinh hoạt được diễn ra ở sân nhà thờ.

Về hội sinh viên Công giáo Vinh


Sinh viên Công giáo tại thành phố Vinh hiện có gần 2000 thành viên, chia ra thành 15 nhóm. Mỗi tuần một lần, các nhóm tổ chức sinh hoạt, trong đó các bạn cùng đọc và chia sẻ lời Chúa, trao đổi những vấn đề học tập và cuộc sống, tập hát thánh ca và các bài hát sinh hoạt tập thể.

Các buổi sinh hoạt ban đầu được thực hiện ở nhà riêng, nhưng thường bị quấy rối bởi những nhóm côn đồ tự nhận là “quần chúng tự phát”, nên sau đó phải tổ chức ở các nhà thờ Cầu Rầm, Tân Lộc, Lập Thạch, Làng Anh và An Hậu.

Có vẻ như còn lâu các bạn mới có được một không gian yên bình để tổ chức những buổi sinh hoạt với tư cách là những sinh viên Công giáo.

Ngoài việc học hành, nhiều bạn trẻ còn tham gia học và dạy giáo lý, ca đoàn, thu gom ve chai gây quĩ, làm việc bác ái từ thiện, thăm viếng người bệnh và giúp an táng các thai nhi.

Các bạn cũng đã tạo cho mình một website riêng, svconggiaovinh.org, nơi đăng tải thông tin hoạt động của hội.

Lời nhắn của các mục tử

Trong bài phát biểu tại buổi lễ, cha Antôn Hoàng Trung Hoa đã mượn lời của Đức cha Tôma Vũ Đình Hiệu, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo của HĐGM/VN, mời gọi các bạn sinh đừng xem nhẹ việc đào tạo đạo đức và nhân cách: “Nếu ông chủ bà chủ trong tương lai mà thiếu đạo đức, thì thế giới vật chất này sẽ đè bẹp con người đến mức nào. Vì thế, với tinh thần năm đức tin, chúng ta có trách nhiệm không ngừng phát huy về mặt tri thức như vốn được nhắc nhở, thì chúng ta còn cần phải trau dồi cho mình trở thành người có đức tin vững vàng.”

Cha đặc trách sinh viên nhắc các bạn trẻ nghiêm túc học tập mới có thể phục vụ xã hội sau này. “Trong xã hội được lãnh đạo bởi những con người có bằng cấp giả, thậm chí bằng cấp thật mà kiến thức lại không thật, thì nếu chúng ta chống trả lại thị trường rẽ mạt của bằng cấp, mà thay vào đó là gắng sức để có kiến thức thật, bằng cấp thật, con người thật, thì chính lúc đó chúng ta thực sự xây dựng xã hội cách hiệu quả nhất, cũng như đang làm chứng cho Đức Kitô trong môi trường của mình”.

Cha FX Hoàng Sĩ Hướng khuyến khích các bạn sinh viên gia tăng học hỏi về tri thức lẫn giáo lý theo châm ngôn của thánh Anselmo mà các bạn đã chọn làm quan thầy “đức tin tìm hiểu lý trí”, “để các bạn có thể sống đức tin như một người trí thức, và sinh hoạt tri thức với tư cách là một người có đức tin”.

Trong khi đó, cha Giuse Hoàng Thái Lân nói rằng ngài sẵn sàng đồng hành với các bạn sinh viên trong tư cách là linh mục quản xứ trong vùng, và hứa chuẩn bị cho các bạn có những chỗ sinh hoạt an toàn.

Về phần mình, Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp tỏ ra vui mừng được hiện diện với sinh viên trong ngày khai trường. Ngài kêu gọi các bạn trẻ phải dành thời giờ để học hành, đó là công việc chính, bỏ đi những công việc bên lề, không cần thiết.

“Đây là thời đại của tri thức và khoa học, người ta phải làm giàu bằng chất xám; bởi vì như một câu nói trong dân gian: Nhà giàu ở quê không bằng làm thuê trên tỉnh”.

Trong bài giảng, vị giám mục từng là giáo sư các đại học Công giáo quốc tế khuyên các bạn đừng ham hố quyền lực hay danh vọng. Là bạn học với nhau trong một mái trường thì phải có tinh thần hiệp nhất, không phân biệt địa phương hay chia bè phái. Người trẻ cần phải có tinh thần đơn sơ, trong sáng và chân thực. Các bạn cần cố gắng hơn nữa để trở nên những tri thức Công giáo trong tương lai.

Vị chủ chăn giáo phận cũng không quên cám ơn các gia đình tại hai giáo xứ Cầu Rầm và Yên Đại, đã cưu mang các sinh viên, và ngài kêu gọi họ tiếp tục giúp đỡ để các bạn trẻ an tâm học hành.

Buổi lễ khai giảng kết thúc bằng một bữa ăn buffet đạm bạc nhưng thân tình. 

Các bạn sinh viên Công giáo Vinh thực sự đã có một ngày hội ngộ thật vui tươi, nồng ấm và đạo đức, như khẩu hiệu họ mang trên mình: Sinh viên Công giáo Vinh – hiệp nhất, tin yêu và phục vụ.




Trong khi đó, cùng ngày tại Sài Gòn, các bạn sinh viên Công giáo Giáo phận nhà cũng đã có buổi lễ khai giảng và đón tiếp tân sinh viên tại trụ sở Giáo phận ở 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1.

Nhấn vào đây để xem bản tin >>Ngày gặp gỡ giao lưu sinh viên giáo phận Vinh tại Miền Nam nhân dịp đầu năm học.

Về vụ án các thanh niên Công giáo

Thứ Hai, 24 tháng 9, 2012


Ngày 24/5/2012, tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đã xử phạt bốn thanh niên tại Vinh: Đậu Văn Dương 42 tháng tù, Trần Hữu Đức 39 tháng tù, Chu Mạnh Sơn 36 tháng tù và Hoàng Phong 24 tháng tù (cho hưởng án treo) về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo điểm c, khoản 1, Điều 88, Bộ luật Hình sự hiện hành của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đây là một trong những vụ án đã gây nhiều bất bình và tranh cãi cho dư luận trong nước và quốc tế. Trước phiên tòa phúc thẩm sắp tới, Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh nhận định:


(i) Lập luận của nhà lập pháp Việt Nam, nhất là của các cơ quan tư pháp Nghệ An tại điều 88 (và ngay cả điều 79) Bộ luật hình sự hiện hành về “Tội tuyên truyền chống phá nhà Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” (cũng như “Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”), đã đi ngược lại quy định của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành về “quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật” (Điều 69). Những quyền này đã không được ghi nhận trong Bộ luật dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2005 !

     Bài liên quan:
         * Nhận định về cách bắt người sai pháp luật
         * "Các con vô tội, các con hãy can đảm lên"
         * Nhận định về một số tình hình tại Việt nam hiện nay


Đặc biệt, cách lập luận đó đã đi ngược lại các quy định về quyền tự do ngôn luận, tự do lập hội của luật quốc tế tại Điều 19 Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền của Liên Hiệp Quốc năm 1948 mà Việt Nam là quốc gia thành viên từ ngày 20/9/1977 và Điều 19, khoản 2 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị năm 1966 mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24/9/1982.

Theo đó, hành vi của những thanh niên nói trên thực sự chỉ là những tiếng nói lương tâm ôn hòa trong các quyền nhân thân căn bản của con người, hướng đến một xã hội tiến bộ. Luật pháp cho họ quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến các loại tin tức và ý kiến căn bản, không phân biệt ranh giới, bằng truyền miệng, bản viết hoặc bản in, bằng hình thức nghệ thuật, hoặc thông qua bất cứ phương tiện truyền thông đại chúng nào khác theo sự lựa chọn của mình. Đây là nhận thức chung của nhân loại về quyền của con người và là mục đích, nguyện vọng chính đáng của tất cả các thành viên trong xã hội, không thể tùy tiện quy kết hành vi tội phạm được.

(ii) Tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt đã hoặc đang theo học tại các trường đại học, cao đẳng của Việt Nam. Họ xuất thân từ các gia đình nông dân chất phác và cần cù. Không những không hề có tiền án, tiền sự, mà họ vẫn hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội. Nếu họ có những hành vi như tòa án đã nêu thì cũng chỉ là những hành vi nhỏ nhặt, có động cơ mục đích nhắm đến là một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển. Thử hỏi những bằng chứng mà tòa án Nghệ An đưa ra đã đủ để kết tội các em về loại tội phạm an ninh quốc gia hay không? Liệu có gây hoang mang và bất bình trong dư luận không?

(iii) Qua việc bắt, điều tra, xét xử vụ án trong thời gian qua, công luận đã nhận thấy có nhiều sai phạm thủ tục tố tụng vốn đã được quy định chặt chẽ tại Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành: Vi phạm việc bắt người (Điều 80), vi phạm do không tổ chức việc đối chất (Điều 138), vi phạm trong việc thu giữ tài sản, tang vật (Điều 145), vi phạm trong việc thu thập chứng cớ và chứng minh động cơ phạm tội (Điều 63-78) và cuối cùng là vi phạm do không trả hồ sơ điều tra bổ sung khi thiếu những chứng cứ quan trọng và vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng (Điều 168). Với những vi phạm nghiêm trọng như vậy, làm sao tránh được việc kết án oan sai và trái luật.

Vì những bất cập của việc áp dụng luật pháp Việt Nam và các vi phạm tố tụng đó, chúng tôi đề nghị Tòa phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại toàn diện vụ án và có những quyết định thật sự khách quan và công bằng, đảm bảo việc thi hành đúng pháp luật Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế, và tôn trọng quyền lợi của công dân, đáp ứng mong mỏi của dư luận.

Xã Đoài, ngày 28 tháng 8 năm 2012
Ban Công lý Hòa bình Giáo phận Vinh
giaophanvinh.org

Đòi "những lẽ phải không ai chối cãi được"

Chủ Nhật, 23 tháng 9, 2012



GPVO - Vào những ngày cuối tháng Tám vừa qua, thân nhân của 17 thanh niên Công giáo và Tin lành - đa số là người Nghệ An, thuộc Giáo phận Vinh, bị bắt và giam giữ trong một năm qua - đã có cuộc hành trình tìm kiếm công lý cho con em của mình.

Trên hành trình đó, họ tới kêu oan và trình đơn tại Văn phòng Chính phủ Việt Nam tại Hà Nội.

Khi lủi thủi, nặng bước trên đường phố Hà Nội trong những ngày ấy chắc không ai còn có tâm trí để ý tới những khẩu hiệu, băng rôn tràn ngập phố phường Hà Nội chào mừng ‘Cách mạng Tháng Tám’ và ‘Quốc khánh 2/9’.


Là những người dân lam lũ, sớm tối quen với ruộng đồng, khi tới Văn phòng Chính phủ chắc cũng ít người trong số họ còn nhớ rằng cách đây không xa, tại Quảng trường Ba Đình, vào ngày 2 tháng Chín năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng công bố bản Tuyên ngôn Độc lập, chính thức khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Và chắc cũng ít ai nhớ rằng, Bản Tuyên ngôn độc lập đó được bắt đầu: “Hỡi đồng bào cả nước! Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”.

Không chỉ thế, Bản Tuyên ngôn ấy - một văn kiện lịch sử, bất hủ, chứa đựng nhiều giá trị nhân quyền, dân sinh tốt đẹp, được soạn và đọc bởi chính một người đồng hương của họ cách đây 67 năm - còn khảng khái nêu rõ: “Người ta sinh ra tự do và bình đẳng về quyền lợi; và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi. Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”.

Hay họ chọn ra Hà Nội, quyết định đến Văn phòng Chính phủ để kêu oan cho con em mình trong những ngày cuối tháng Tám đó vì họ muốn nhắc chính quyền Việt Nam nhớ lại Bản Tuyên ngôn ấy và để người dân - trong đó có con em họ - được thực hiện những quyền căn bản nhất mà Tạo hóa cho họ.



Nhưng dù nhớ hay quên, dù việc họ ra Hà Nội vào dịp đó chỉ là một sự trùng hợp hay được sắp xếp trước, với việc họ lặn lội ra Hà Nội kêu oan, tìm công lý cho con em mình, họ một lần nữa cương quyết khẳng định rằng con em họ vô tội và quyết tâm đi tìm ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’.

Hơn ai hết, chính họ hiểu rõ rằng con em mình không làm gì nên tội. Trái lại, con em họ chỉ thực hiện ‘những quyền không ai có thể xâm phạm được’, như ‘quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc’.

Không chỉ họ, những ai quan tâm đến vụ việc, am hiểu luật pháp, yêu chuộng công lý, tự do hay thấy băn khoăn, nhức nhối trước những vấn nạn đang xảy tại Việt Nam đều biết rõ rằng việc bắt giam những thanh niên, sinh viên này là xâm phạm những quyền căn bản nhất của con người.

Và vì vậy, càng ngày càng có nhiều người hiệp thông, cầu nguyện và lên tiếng bênh vực cho những bạn trẻ này và thân nhân của họ.

Có thể những yêu cầu, nguyện vọng của họ không được chính quyền lắng nghe, nhưng trong 4 ngày trên hành trình kêu oan cho con em mình, thân nhân của 17 bạn trẻ Công giáo và Tin lành đã được nhiều người đón tiếp, động viên, khích lệ và nâng đỡ.

Chẳng hạn, tại Châu Sơn, họ được Đức TGM Giuse Ngô Quang Kiệt, Cộng đoàn Đan sĩ tại đây đón tiếp, dâng lễ cầu nguyện cho họ, cho con em họ. Về lại Nghệ An, họ được chính Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, Giám mục Giáo phận Vinh, ân cần đón tiếp, thăm hỏi từng gia đình một.

Kết thúc chuyến đi, họ quy tụ tại Linh địa Trại Gáo - nơi có Đền Thánh Antôn và Trung tâm hành hương nổi tiếng của Giáo phận Vinh - và được Cha Antôn Nguyễn Đình Thăng tiếp đón và dâng lễ cầu nguyện cách riêng cho 17 bạn trẻ cũng những tù nhân lương tâm đang bị bách hại.

Việc các thân nhân được các vị chủ chăn đón tiếp và dâng lễ cầu nguyện cho con em của họ mang rất nhiều ý nghĩa vì những lời thăm hỏi, động viên, những thánh lễ, lời kinh đó không chỉ nâng đỡ, khuyến khích, thêm sức mạnh cho họ và con em họ đang bị giam giữ.

Qua những cử chỉ đó, các vị chủ chăn cũng muốn nói lên rằng những bạn trẻ này và thân nhân của họ không còn đơn độc trên hành trình tìm kiếm công lý, đòi tự do. Hơn nữa, bằng chính sự tiếp đón và những lời cầu nguyện ấy, các vị chủ chăn cũng muốn nhấn mạnh rằng các bạn trẻ này là những thành viên - những thành viên tốt và ngoan - của cộng đoàn, cộng đồng, của đất nước và những việc làm của các em không còn mang tính cá nhân, và đặc biệt không có gì sai trái.

Những điều này được nêu rõ trong trong bản nhận định ‘Về vụ án các thanh niên Công giáo’ của Ban Công lý và Hòa bình Giáo phận Vinh hôm 28/08/2012. Bản nhận định đó ghi rõ việc bắt, điều tra, kết tội, xét xử vụ án không chỉ vi phạm Hiến pháp, Luật tố tụng hình sự Việt Nam mà còn đi ngược với các Tuyên ngôn, Công ước Quốc tế về nhân quyền mà chính quyền Việt Nam đã ký kết.

Hơn nữa, Ban Công lý và Hòa bình cũng nhấn mạnh rằng ‘tất cả các thanh niên bị bắt và xét xử đều là những sinh viên tốt’, ‘xuất phát từ những gia đình nông dân chất phác, cần cù’ và luôn ‘hăng say tham gia các hoạt động tích cực vì lợi ích của cộng đồng và xã hội’.

‘Nếu họ có những hành vi như tòa án đã nêu thì cũng chỉ là những hành vi nhỏ nhặt, có động cơ mục đích nhắm đến là một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển’.

Không chỉ thế, việc những thanh niên này bị bắt giam, xét xử vì muốn xây dựng ‘một xã hội tự do, tiến bộ và phát triển’, chỉ vì sống ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’ của mình cũng thu hút quan tâm, ủng hộ của dư luận thế giới. Kể từ khi những bạn trẻ này bị bắt cách đây 1 năm, nhiều cá nhân, tổ chức quốc tế đã lên tiếng bênh vực họ.

Ngày 25/07/2012, Giáo sư Allen Weiner, Giám đốc Chương trình Luật Quốc tế thuộc Trường Luật, Đại học Stanford, Mỹ đã gửi thỉnh nguyện thư lên Ủy ban Điều tra về Giam giữ tùy tiện của Liên hiệp quốc (UNWGAD) trình bày về việc bắt và giam giữ phi pháp 17 thanh niên này.

Trong một lần trả lời phỏng vấn đài RFI, khi được hỏi điều gì đã khiến ông thay mặt 17 thanh niên đệ trình thỉnh nguyện thư lên cơ quan chuyên điều tra về giam giữ tùy tiện của Liên hiệp quốc, giáo sư Allen Weiner trả lời rằng ‘những người trẻ này đã có các hoạt động thể hiện quan điểm chính trị và sự phản đối ôn hòa, vốn được hiến pháp [Việt Nam] quy định’.

Theo học giả về Luật quốc tế này, đó cũng ‘là các quy định mà chính Việt Nam tự chấp thuận khi trở thành thành viên ký kết vào Công ước quốc tế về quyền dân sự và quyền chính trị của công dân. Và những gì đang diễn ra cho thấy Việt Nam đang vi phạm cam kết của chính mình và vi phạm nhân quyền của các nhà hoạt động này. Vì vậy, vụ việc của 17 thanh niên này là một trường hợp quá rõ ràng, khiến tôi khó lòng từ chối không lên tiếng’.

Hay mới đây, hôm 27/08/2012, 12 tổ chức vận động nhân quyền quốc tế đã ký tên trong một kiến nghị thư gửi Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng “khẩn thiết kêu gọi chính phủ của ông hãy rút bỏ mọi cáo buộc đối với những người đang bị giam cầm mà chưa xét xử và miễn tội vô điều kiện những người đã kết án”. Vì theo bản kiến nghị, những người này “chỉ đơn giản thực hiện quyền tự do ngôn luận, tự do hội họp và lập hội của họ được luật pháp quốc tế đảm bảo”.

Chuyến đi 4 ngày để kêu oan cho 17 thanh niên của thân nhân của họ đã kết thúc. Nhưng có thể nói hành trình đòi công lý của họ chưa chấm dứt.

Chừng nào những 17 thanh niên này chưa được tự do, chưa được bình đẳng, chừng nào những quyền căn bản, bất khả xâm phạm được nhấn mạnh trong Bản tuyên ngôn ấy cách đây gần 70 năm còn bị xâm phạm thì chừng đó vẫn còn có người cương quyết đi tìm công lý, dám lên tiếng đòi tự do, bình đẳng vì đó là những quyền Tạo hóa cho con người, vì đó là ‘những lẽ phải không ai chối cãi được’, và đơn giản vì ‘không có gì quý hơn độc lập, tự do’.

Xuân Lộc, giaophanvinh.org

Người cầu nguyện cho phụ nữ hiếm muộn mang bầu qua đời

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2012

Cha Toma Thiện, người cầu nguyện cho phụ nữ hiếm muộn mang bầu, đã qua đời hồi 19 giờ ngày 9 tháng 9 vừa qua tại đan viện Thiên Phước, Sài Gòn, hưởng thọ 79 tuổi.

Thánh lễ an táng đã được cử hành ngày 12/9/2012 tại đan viện Thiên Phước do ĐGM Phêrô Nguyễn Văn Khảm chủ sự. Cùng đồng tế với ngài có khoảng 50 linh mục triều và dòng.

Số người tham dự thánh lễ khá đông, ngồi kín cả sân nhà thờ và tràn ra đến ngoài cổng. Họ là những người đến từ khắp mọi miền đất nước, trong đó có rất nhiều anh chị em lương dân, những người tự nhận cha Toma Thiện là ân nhân của mình, vì  họ tin rằng nhờ lời cầu nguyện của ngài mà được chữa lành bệnh tật hay được có con. Nhiều bà mẹ còn đem theo cả đứa con, là hoa trái của lời cầu nguyện, để tiễn biệt vị đại ân nhân của mình lần cuối.


Sự kiện cha Toma Thiện, đan sĩ Biển Đức thuộc đan viện Thiên Phước, Tam Bình, Thủ Đức, cầu nguyện cho người hiếm muộn có con đã trở nên một hiện tượng cách đây 5 năm về trước. Đó là vào năm 2007, một số chị em được cho là đã mang thai nhờ lời cầu nguyện của ngài. 


Tin tức này mau chóng được loan đi, và dòng người tuôn đến đan viện xin cầu nguyện càng ngày càng đông. Nhiều người đã đạt được ước nguyện là có những đứa con như ý, nhưng cũng có nhiều người khác thất vọng vì phải mang bầu nhiều hơn thời gian bình thường, từ 12 đến 20 tháng, mà không có con.

Ngoài việc cầu nguyện cho người vô sinh mang thai, nhiều người khác với đủ thứ bệnh tật cũng được coi là đã được chữa khỏi nhờ lời cầu nguyện của vị đan sĩ tốt lành này.

Hiện tượng này đã gây ra những phản ứng trái chiều trong Giáo hội và xã hội vào thời điểm đó. Trong đạo cũng như ngoài đời, có nhiều người tỏ thái độ hồ nghi, còn những người khác thì khâm phục về những sự kiện bất thường, không thể giải thích được theo quan điểm của y khoa hay thần học.


Hiện tượng này đã gây ra những phản ứng trái chiều trong Giáo hội và xã hội vào thời điểm đó. Trong đạo cũng như ngoài đời, có nhiều người tỏ thái độ hồ nghi, còn những người khác thì khâm phục về những sự kiện bất thường, không thể giải thích được theo quan điểm của y khoa hay thần học.


Cha Toma Thiện, tên rửa tội là GB Lê Thanh Các, sinh năm 1933 tại giáo xứ Hướng Phương, Quảng Bình. Năm 20 tuổi, người thanh niên quê bọ này gia nhập đan viện Thiên An, Huế, và mang tên Toma Thiện từ ngày khấn dòng tại đây.

Dòng Biển Đức có truyền thống coi ngày khấn dòng như là ngày rửa tội thứ hai. Ngày đó, người ta chọn cho mình một vị thánh bảo trợ, tên thánh này là tên gọi trong dòng, và trở nên thông dụng đến mức người ngoài dường như không còn nhớ đến tên thật của đan sĩ đó.

Đan sĩ là người Kitô hữu hiến dâng cả cuộc đời mình để tìm kiếm và gặp gỡ Thiên ChúaĐời sống đan tu được thực hiện trong môi trường thinh lặng và cô tịch; cùng với một số phương tiện đặc thù: im lặng và cầu nguyện liên lỉ, các giờ kinh phụng vụ, đọc sách thiêng liêng và nhiều phương thức bỏ mình khác, dọn đường cho việc hoán cải và thanh luyệt con tim.

Bởi việc tìm kiếm Thiên Chúa là lẽ sống, là mục tiêu cứu cánh của hiện hữu, nên cuộc đời đan sĩ thực là tinh giản. Tinh giản có nghĩa là chỉ có một mối bận tâm và một mục tiêu, đó là nghĩa đầu tiên và thâm thúy nhất của từ đan sĩ.

Say mê với lý tưởng đó, thầy Toma Thiện hài lòng với ơn gọi của mình trong tư cách là một trợ sĩ dòng Biển Đức, với phương châm sống "Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng" (Lc 17,10).

Nhưng vì cộng đoàn thiếu nhân sự, bề trên gọi ngài đi học đại chủng viện. Vốn sẵn có tư chất thông minh, nên ngài sớm hoàn thành chương trình triết học và thần học. Rồi ngài được phong chức linh mục ngoài sự mong đợi của bản thân ở tuổi 42. 

Trong gần 60 năm sống đời đan tu, ngài đã ở các đan viện Thiên An (Huế), Thiên Hòa (Buôn Ma Thuột) và Thiên Phước (Sài Gòn). Ngài cũng đã nắm giữ nhiều chức vụ, trong đó có nhiều năm làm bề trên cộng đoàn Thiên Hòa và sau đó là phó bề trên cộng đoàn Thiên Phước.

Dù ở cương vị nào thì ngài vẫn tỏ ra là một người đơn giản, vui tươi, lạc quan, hài hước và hay giúp đỡ người khác. Người viết bài này được gặp ngài nhiều lần cũng như có thời gian ở với ngài, và nhận thấy rằng đây là mẫu người mà nhiều người thích sống với.

Năm 2008, ngài bị tai nạn giao thông rất nặng. Kể từ đó, ngài nằm liệt giường cho đến khi qua đời. 
Vị đan sĩ tốt bụng này đã cầu nguyện chữa lành cho nhiều người, mà không tự chữa được cho mình. Cuộc đời và sự ra đi của cha Toma Thiện thật đơn giản và nhẹ nhàng như câu châm ngôn sống của ngài "Tôi chỉ là đầy tớ vô dụng".



Tại nhà hỏa táng Bình Dương
Lm Gioan Phạm Quang Long

Giáo xứ Diên Trường khánh thành nhà xứ

Chủ Nhật, 2 tháng 9, 2012





Sáng nay lúc 7h00 ngày 31 tháng 8 năm 2012, giáo xứ Diên Trường long trọng tổ chức Thánh Lễ Khánh Thành ngôi Nhà xứ và thánh lễ ban Bí tích  thêm sức cho khoảng 300 em. 

Mở đầu Thánh lễ Cha chánh xứ Phêrô Nguyễn Văn Hùng đại diện cho cộng đoàn con cái giáo xứ DiênTrường có lời chân thành cảm ơn tới Đức cha, cùng quý Cha trong và ngoài giáo hạt, quý thầy Phó tế, quý thầy chủng sinh, quý xơ  và các ban nghành, các tốp thợ và toàn thể ân nhân thân nhân cùng toàn thể cộng đoàn đã giúp đỡ cách này hày cách khác, và đặc biệt về đây hiệp ý dâng thánh lễ cầu nguyện cho giáo xứ, để đến hôm nay ngôi Nhà xứ được khánh thành khang trang lộng lẫy. 

Đức cha già khả kính Phaolo Maria Cao Đình Thuyên chủ sự thánh lễ, Ngài chia sẽ niềm vui cùng Cha xứ và bà con trong giáo xứ Diên Trường, Ngài chúc Cha con một bến một thuyền để đưa giáo xứ ngày càng phát triển hơn về mọi mặt.. 

Sau đây là một vài hình ảnh mà phóng viên nghiệp dư ghi lại tại buổi lễ...


















Nguồn: Blog Tiến râu