Lá xanh rụng xuống ...
Bài giảng của Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp trong lễ an táng cha Anton Phạm Đình Phùng tại Thuận Nghĩa ngày 01 tháng 6 năm 2012.Đã là người thì ai cũng phải chết. Có triết gia đã định nghĩa con người như một “con vật” sinh ra để chết. Sinh, bệnh, lão, tử là những chặng đường đời bó buộc, mà kẻ trước người sau, tất cả chúng ta đều phải trải qua. Cái chết vì vậy trở thành sự kiện tất nhiên của thân phận làm người ở đời.
Thánh Tôma Aquinô gọi con người là hữu thể biên cương, nằm giữa vô biên và giới hạn, bất tử và phải chết, linh thiêng và có xác thân… Cũng như Đức Kitô đã đi qua cái chết để phục sinh vinh hiển thì con người cũng chỉ có thể bước vào cõi vĩnh hằng khi bước qua biên cương của hữu hạn, vô thường. Cái chết, vì vậy là một ngưỡng cửa dẫn vào cõi trường sinh.
Tuy nhiên, khi đối diện với cái chết của những người thân yêu, nhất là những cái chết quá bất ngờ và đột ngột như cái chết của cha Antôn Phạm Đình Phùng, không ai không khỏi bàng hoàng, đau xót… Sự hiện diện đông đảo của quý ông bà và anh chị em trong thánh lễ an táng này, phải chăng đã nói lên điều đó?
Bản thân tôi cũng đã trải qua những giây phút bàng hoàng và xúc động đến độ không thể nói thành tiếng khi loan báo cho nhân viên Tòa Giám mục ai tín này. Sáng hôm đó, ngày 29/5/2012, vào lúc 5g27 phút, khi tôi xuống cầu thang để lên xe đi đặt viên đá đầu tiên cho nhà thờ giáo xứ Thịnh Lạc, Hương Khê, thì điện thoại reo và anh Bùi Viết Toàn cho biết cha Phùng vừa từ trần. Tôi sững sờ kinh ngạc, vì chiều 28/5, qua điện thoại tôi còn nói chuyện với cha và chúc cha lên đường bình an. Nào ngờ đó là cuộc điện đàm cuối cùng với cha và tiếng chuông điện thoại của anh Toàn trở thành hồi chuông báo tử: cha Antôn Phạm Đình Phùng đã vội vã nằm xuống, vĩnh viễn lìa xa cuộc đời này. Vĩnh viễn từ giã Giáo phận Vinh. Vĩnh viễn chỉ hưởng dương chứ chưa hưởng thọ. Mãi mãi ở tuổi trung niên!
Suốt mấy ngày hôm nay tôi như bị ám ảnh bởi thân phận con người. Ôi, con người thật cao cả, bất khả xâm phạm, bất khả thay thế, to lớn vô cùng. Bởi vì con người được dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa và hơn nữa, nhờ Đức Kitô làm người, con người được làm con Thiên Chúa. Nhưng con người cũng quá mỏng dòn, mong manh, gian truân, lận đận! Phải chăng vì được dựng nên từ bụi đất, nên con người sẽ trở về cát bụi? Nói gì thì nói, cuối cùng thời gian sẽ nghiền nát tất cả thành cát bụi!
Sách Giảng viên cho rằng vì được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa, nên con người được làm chủ vũ trụ. Nhưng, mặt khác, vì xuất thân từ bụi đất, rồi ra con người sẽ trở về bụi đất: “Mọi sự đều đi về một nơi / mọi sự đều đến từ bụi đất / mọi sự đều trở về bụi đất”. Nói cho cùng, cuộc đời cũng nhẹ tênh như một cọng rơm trước gió. Chỉ cần gió thổi nhẹ là bay đi. Tất cả chỉ là hư vô, hão huyền, phù vân, phi lý.
Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong một lúc xuất thần đã sáng tác bài Cát bụi bất hủ:
“Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi.
Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời
mặt trời soi một kiếp rong chơi
Để một mai vươn hình hài lớn dậy.
Ôi cát bụi tuyệt vời
mặt trời soi một kiếp rong chơi
Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi…”
Để một mai tôi về làm cát bụi…”
Thánh Phêrô, lấy lại ý tưởng của Isaia, đã ví von đời người như cỏ héo hoa tàn: “Mọi phàm nhân đều như cỏ và tất cả vinh quang của họ cũng đều như hoa cỏ; cỏ thì khô, hoa thì rụng. Lời Chúa vẫn tồn tại đến muôn thuở muôn đời” (1 Ph 1,24-25).
Phù vân, hão huyền, cát bụi, cỏ khô, hoa héo… tất cả chỉ là những hình ảnh diễn tả cái giới hạn, mong manh, vô thường của cuộc đời. Lý tưởng thì vô hạn, nhưng đời người sao quá ngắn ngủi và mong manh!
Mấy ngày nay, mỗi lần nghĩ đến sự ra đi quá đột ngột của cha Phùng, một linh mục thông minh, nhiệt thành và năng động mà giáo phận đang cần đến, trong đầu tôi cứ lởn vởn lời khẩn nài của vua Êzêkia: “Lạy Chúa, con như người thợ dệt, đang mải dệt đời mình, bỗng dưng bị tay Chúa cắt đứt ngay hàng chỉ” (Is 38,12).
Không gian, cảnh vật còn sờ sờ đó, mà người cũ đã nghìn trùng xa cách. Nhiều người lúc này đang nhớ cha như nhớ một nỗi đau. Có người cứ day dứt hỏi: Sao cha ra đi vội vàng và bất ngờ như thế giữa lúc nhiều công việc còn dang dở, tuổi đời và tài năng đang ở độ chín muồi?
Xét theo phương diện nhân loại, mọi sự chia ly đều kéo theo nỗi buồn, nỗi đau. Khi đối diện với cái chết, nhất là cái chết của người thân yêu… thì cái mất mát, nỗi đau, nỗi buồn… lập tức đột biến thành cấp số nhân. Mọi cái chết đều gây sầu thảm, nhưng cái chết của những người còn trẻ, đang sung sức… biến thành thê thảm, nghẹn ngào hơn! Không phải vô lý mà có người đã uất ức, phản kháng, gào to lên: “Lá vàng còn ở trên cây / Lá xanh rụng xuống, trời hay chăng trời!”.
Tại sao Chúa lại cắt đứt hàng chỉ như vậy? Tại sao một giáo phận đang thiếu linh mục trầm trọng, mà Chúa lại tiếp tục lấy đi một trong những người có khả năng nhất? Chúa có chương trình đặc biệt nào dành cho cha, khi Ngài muốn cha ngừng dệt đời mình ở vào tuổi trung niên?
Chẳng ai có thể đưa ra một câu trả lời thỏa đáng. Tuy nhiên, niềm tin vào Đức Kitô luôn mời gọi chúng ta cố gắng khám phá và nhận diện chương trình cũng như ý định của Thiên Chúa đối với mỗi người chúng ta. Niềm tin luôn mách bảo cho chúng ta phải chấp nhận trong tin tưởng và bước đi trong hy vọng. Đức tin cũng giúp chúng ta mở rộng tầm nhìn và cõi lòng để đón nhận sự sống của Thiên Chúa. Kinh Tiền tụng cầu cho người quá cố nhắn nhủ chúng ta: “Lạy Chúa, đối với các tín hữu Chúa, sự sống thay đổi chứ không mất đi, và khi nơi nương náu ở trần gian bị hủy diệt thì lại được một chỗ ở vĩnh viễn nơi quê trời”.
Qua cuộc đối thoại với cô Marta mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng hôm nay, một lần nữa Chúa Giêsu tái xác quyết: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết, cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy, sẽ không bao giờ phải chết” (Ga 11, 25-26). Chúa đang hỏi mỗi người chúng ta như đã hỏi cô Maria: “Con có tin thế không?” Chắc chắn Ngài cũng đang mong chờ mỗi người chúng ta nói lên lời tuyên xưng giống như cô Marta.
Đứng tại bàn thờ nhìn xuống quan tài của cha đặt giữa nhà thờ, tôi chợt nhớ một câu hát thật ý nghĩa: “Người chết nối linh thiêng vào đời”. Thật kỳ diệu, tuy cha nằm bất động và chơ vơ ở đó, nhưng đang nối kết chúng tôi với cha và nối kết cuộc đời này với cõi vô biên. Cách đây 43 năm cha đến với cõi nhân gian này, bây giờ cha rời bỏ chúng tôi để về Nhà Cha, nơi quê hương vĩnh cửu. Có đến thì có đi. Đó là chuyện dĩ nhiên, phải không? Ước mong cha vẫn tiếp tục thúc đẩy sự nối kết giữa mọi thành viên trong giáo xứ với nhau, cũng như giữa giáo xứ với giáo hạt và giáo phận.
Xin gửi cha về lòng đất mẹ. Và hẹn gặp nhau mai sau nơi quê hương vĩnh cửu...
+ GM Phaolô Nguyễn Thái Hợp