Về ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo

Thứ Hai, 14 tháng 5, 2012

LTS: Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng trong bài nhận định liên quan đến bài Tin Mừng Chúa Nhật tuần này đã đề cập đến vấn đề ơn Cứu Độ ngoài Kitô Giáo như sau:

Ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta 



Cha Raniero Cantalamessa, thần học gia Phủ Giáo Hoàng
Thánh Gioan, một trong các tông đồ, thấy một người không trong nhóm các môn đệ nhân danh Chúa Giêsu mà trừ quỷ liền cấm người này làm thế. Khi ông thuật lại điều này với Chúa Giêsu, Chúa phán với ông rằng “Đừng ngăn cản người ta …vì ai không chống lại chúng ta là ủng hộ chúng ta” (Mc 9:39, 40).

Đây là chủ đề có một tầm quan trọng hiện nay. Chúng ta nghĩ thế nào về những người ngoại, những người ăn ở nhân lành và có những dấu chỉ của thần khí, mặc dù không tin nơi Đức Kitô và không thuộc về Giáo Hội. Họ có thể được cứu rỗi không?

Thần học đã luôn nhìn nhận khả năng, theo đó, Thiên Chúa có thể ban ơn cứu độ cho một số người theo những cách thức bên ngoài những cách thức thông thường là có đức tin nơi Đức Kitô, chịu phép rửa tội và là thành viên của Giáo Hội. 

Xác tín này đã được củng cố thêm trong thời đại tân tiến này, sau các khám phá địa lý và những tiến bộ trong khả năng truyền thông giữa các dân tộc khiến cho cần thiết phải ghi nhận rằng có vô số những con người, mà không phải lỗi tại họ, đã không hề được nghe lời công bố Tin Mừng, hay nghe trong một cách thế không phù hợp, từ những người đi chinh phục đất mới hay những kẻ thực dân lừa đảo, đến mức khó có thể chấp nhận được. 

Công Đồng Vaticanô II dạy rằng “Thánh Thần, trong một cách thế chỉ mình Chúa biết, ban cho mọi người khả năng được liên kết với mầu nhiệm phục sinh của Đức Kitô, và do đó, được cứu rỗi” ["Gaudium et Spes – Hiến Chế Vui Mừng và Hy Vọng" số. 22]. 

Đức tin Kitô Giáo của chúng ta đã thay đổi chăng? Không, chừng nào chúng ta tiếp tục tin vào hai điều này: Thứ nhất, Chúa Giêsu là, một cách khách quan và chân thật, đấng trung gian và đấng cứu độ duy nhất của toàn thể loài người, và rằng những ai không biết Ngài, nếu họ được cứu rỗi, đã được cứu rỗi nhờ vào Ngài và vào cái chết cứu độ của Ngài. Thứ hai, là những ai, dù không thuộc vào Giáo Hội hữu hình, nhưng có “ý hướng” khách quan về Giáo Hội, hình thành một Giáo Hội rộng lớn hơn mà chỉ có Chúa biết.

Trong bài Tin Mừng, Chúa Giêsu dường như đòi hỏi hai điều từ những người “ngoại”: họ không “chống” lại Ngài, nghĩa là họ không tích cực chống lại đức tin và các giá trị của đức tin, chẳng hạn, họ không tự nguyện đặt mình chống lại Thiên Chúa. 

Thứ hai, nếu họ không thể phụng sự và yêu mến Thiên Chúa, tối thiểu, họ phụng sự và yêu mến hình ảnh của Ngài, là con người, đặc biệt, những người đang cần giúp đỡ. Thật vậy, đoạn Tin Mừng tiếp tục nói về những người “ngoại” với những lời sau: “Ai cho anh em uống một chén nước vì lẽ anh em thuộc về Đấng Kitô, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu”.

Tuy nhiên, sau khi minh xác về tín lý, tôi tin cũng thực cần thiết để sửa đổi một số sai lầm khác: thái độ nội tâm của chúng ta, tâm lý của chúng ta như những tín hữu. Ta có thể hiểu, nhưng không thể chia sẻ, mâu thuẫn khó che đậy của một số tín hữu khi thấy đặc quyền liên quan đến đức tin vào Chúa Kitô và địa vị thành viên trong Giáo Hội của mình sụp đổ. Người ta nói: “Vậy thì là một Kitô hữu tốt có ích gì cơ chứ?”.

Trái lại, chúng ta nên vui mừng vô biên trước những khai mở mới này của thần học Công Giáo. Biết rằng anh chị em bên ngoài Giáo Hội cũng có cơ may được cứu rỗi thì còn có gì có sức giải thoát và thuyết phục về lòng quảng đại và ý chí vô biên của Thiên Chúa hơn là lời này “Đấng muốn cho mọi người được cứu độ” (1 Tm 2:4). Chúng ta hãy biến ao ước của Môsê thành ước vọng của chính chúng ta như đã được ghi trong bài đọc thứ Nhất Chúa Nhật tuần này: “Phải chi ĐỨC CHÚA ban Thần Khí trên toàn dân của Người!”. (Ds 11:29).

Biết như thế liệu chúng ta có nên để mọi người yên trong xác tín của họ và ngừng truyền bá đức tin nơi Chúa Kitô vì người ta cũng có thể được cứu rỗi bằng những con đường khác mà? Dĩ nhiên là không.

Nhưng điều mà chúng ta nên làm là nhấn mạnh đến lý do tích cực hơn là lý do tiêu cực. Lý do tiêu cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì ai không tin vào Ngài sẽ bị kết án muôn đời”; lý do tích cực là thế này: “Hãy tin vào Chúa Giêsu, bởi vì thật là tuyệt vời để được tin nơi Ngài, được biết Ngài, để được có Ngài kề bên như đấng cứu độ trong cuộc sống và trong giờ chết”.