Gắn liên với Thầy

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012


Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa trái» hay «sinh nhiều hoa trái». Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy». Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu chưa? - Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.

Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.

Tình trạng «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:

* ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: «Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…» (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.

* tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)

* hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.

Khi luôn luôn «gắn liền với» hay «ở lại trong» Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.

JNK