Gắn liên với Thầy

Chủ Nhật, 29 tháng 4, 2012


Trong bài Tin Mừng, Đức Giêsu dùng nhiều lần hai từ ngữ «ở lại trong» và «gắn liền với» Ngài, và coi đó như điều kiện cần thiết để «sinh hoa trái» hay «sinh nhiều hoa trái». Chẳng hạn câu: «Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy». Hai từ ngữ ấy có nghĩa gì? Chúng ta đã thật sự «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu chưa? - Thực ra, ai là người Kitô hữu thì cũng, một cách nào đó, «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu. Nhưng phải nói rằng tình trạng ấy có nhiều mức độ khác nhau, từ hời hợt bên ngoài đến thâm sâu bên trong.

Thật vậy, nhiều người mang danh Kitô hữu, nhưng chẳng có tinh thần Kitô hữu bao nhiêu. Họ là những người Kitô hữu «hữu danh vô thực». Thánh Phaolô có nói về một tình trạng tương tự như vậy trong Do-thái giáo (x. Rm 2,17-23). Có nhiều Kitô hữu có vẻ rất ngoan đạo, đi lễ và rước lễ hằng ngày, có vẻ rất hăng hái trong những việc liên quan đến nhà thờ, hội đoàn, công tác tông đồ. Nhưng đời sống của họ lại chẳng toát lên được tinh thần Kitô giáo, là chân thật, công bằng, yêu thương, thông cảm, tha thứ.

Tình trạng «ở lại trong» và «gắn liền với» Đức Giêsu phải được thể hiện trong ba phạm vi:

* ý thức: luôn luôn ý thức Đức Giêsu ở với mình, ở trong mình. Ngài là tình yêu và sức mạnh của mình. Ngài vô cùng quyền năng, nên với Ngài ta có thể làm được mọi sự. Luôn luôn ý thức Ngài yêu thương mình, nên hoàn toàn tin tưởng và phó thác mọi sự cho tình yêu của Ngài. Nhờ đó, ta luôn luôn bình an, không phải lo lắng gì cho bản thân mình: «Chúa khoan nhân là mục tử tôi, tôi không còn thiếu gì, tôi không còn e sợ nỗi gì…» (Tv 23). Ý thức này phải trở thành một tâm trạng thường hằng của ta.

* tình cảm: luôn luôn yêu mến Ngài, hướng về Ngài, lấy Ngài là lẽ sống cho cuộc đời mình. Vì thế, dấn thân hết mình cho Ngài, cho Nước Ngài, cho kế hoạch cứu độ của Ngài, một cách quảng đại, không so đo tính toán. Ngoài ra, tình yêu của ta đối với Ngài phải được thể hiện cụ thể nơi những hiện thân của Ngài, là tha nhân chung quanh ta, đặc biệt những người gần gũi ta nhất (cha mẹ, vợ con, anh chị em, bạn bè…)

* hành động: luôn luôn làm theo ý muốn của Ngài, theo sự đòi hỏi của tình yêu trong lòng mình. Ý muốn của Ngài được thể hiện qua lời Ngài, qua luật yêu thương của Ngài, qua tiếng lương tâm, qua những biến cố hay hoàn cảnh xảy ra trong đời, đặc biệt những nghịch cảnh.

Khi luôn luôn «gắn liền với» hay «ở lại trong» Ngài, ta sẽ nhận được sức sống, sức mạnh của Ngài, và đời ta sẽ trở thành một cuộc đời tươi đẹp, ý nghĩa, chẳng những đầy sức mạnh, an vui, hạnh phúc mà còn là nguồn sức mạnh, nguồn an vui hạnh phúc cho mọi người nữa.

JNK

Chuyện kể về một linh mục Công Giáo trên tàu Titanic

Thứ Sáu, 20 tháng 4, 2012



VRNs (21.04.2012) - Toronto, USA - Những ngày vừa qua đã có một loạt các hoạt động kỷ niệm 100 năm tàu Titanic gặp nạn diễn ra trên toàn thế giới, nhất là tại thành phố Belfast, nơi “khai sinh” ra con tàu.
Trong số những bí mật chưa được khám phá hết về vụ đắm tàu lịch sử này có câu chuyện về một linh mục Công Giáo, cha Thomas Byles, người đã sẵn sàng nhường phao cứu hộ cho người khác để ở lại trên con tàu Titanic và ban các bí tích sau cùng cho các nạn nhân.

Cha Byles khi ấy 42 tuổi, đang trên chuyến hải trình định mệnh đến New York để làm lễ cưới cho người em của mình là William.
Một số nạn nhân sống sót trong thảm kịch Titanic kể lại rằng khi con tàu đâm vào khối băng ngầm thì cha Byles đang đọc kinh thần vụ ở tầng trên của boong tàu. Khi đó là ngày Chúa Nhật 14 tháng 4 năm 1912.
Cũng theo các nhân chứng có mặt, khi con tàu sắp chìm, vị linh mục này đã mau chóng giúp đỡ các trẻ em và phụ nữ xuống các xuồng cứu hộ, đồng thời ngài cũng tranh thủ giải tội, ban ơn xá giải và sau đó thì lần chuỗi mân côi với các hành khách đang gặp nạn trên tàu.
Bà Agnes McCoy, một trong những nạn nhân sống sót trong thảm họa này, kể lại: “Khi con tàu sắp chìm, Cha Byles đứng dưới boong tàu cùng với các tín hữu Công Giáo; các tín hữu Tin lành và Do thái cũng quỳ cầu nguyện quanh ngài.”
Bà Agnes kể lại với tạp chí New York Telegram ra ngày 22 tháng 4 năm 1912 rằng “cha Byles âm thầm lần chuỗi cầu nguyện cho các linh hồn sắp phải lìa bỏ cõi đời.”
Bạn của cha Byles là cha Patrick McKenna cho biết: “cha Byles đã hai lần từ chối xuống xuồng cứu hộ và để dành chỗ đó cho người khác. Ngài sẵn sàng ở lại trên tàu để hoàn thành trọn vẹn vai trò của mình trong tư cách một linh mục khi mà người khác đang cần đến sứ vụ của ngài.”
Câu chuyện về cha Thomas Byles quả thật là một nét đẹp và đầy ý nghĩa giữa những tang thương và chết chóc trong thảm kịch Titanic.
Anthony Dũng
Dựa theo Patrick B. Craine

Nguồn: Chuacuuthe.com
Tựa đề là của PK

Đức tin của chúng ta là một đức tin chiến đấu và không hề sợ hãi

Thứ Tư, 18 tháng 4, 2012

Dưới đây là bản dịch bài giàng của Đức Cha Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois, vào Thứ Bảy Tuần Bát Nhật Phục Sinh 2012. Ngài nhấn mạnh: “làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con. Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi.”


Chỉ có một lý do cơ bản tại sao Kitô giáo tồn tại và lý do đó là sự kiện Đức Chúa Giêsu Kitô thật sự đã sống lại từ nấm mồ.

Các môn đệ không bao giờ mong chờ sự Phục Sinh. Các chứng từ nhất trí của tất cả bốn sách Tin Mừng là cái chết khủng khiếp của Chúa Giêsu trên thập giá đã hoàn toàn làm tiêu tan tất cả hy vọng của các ông về Chúa Giêsu và về sứ điệp của Người. Người đã chết, và thế là hết. Các ông không còn tìm kiếm gì nữa, và cũng không còn mong đợi gì nữa. 

Các ông đã yêu Người quá nhiều, trong cái nhỉn cùa các ông, Chúa Giêsu là một Đấng Thiên Sai thất bại. Cái chết của Người dường như hoàn toàn cướp đi bất cứ ý nghĩa lâu dài nào không những của giáo huấn mà ngay cả những phép lạ của Người.

Và rõ ràng là các ông đã run sợ về số phận khủng khiếp của Người, dưới bàn tay Công Nghị và người Rôma, có thể dễ dàng trở thành số phận khủng khiếp của các ông. Vì vậy, các ông trốn tránh, run rẩy khiếp sợ, nấp đằng sau những cửa sổ đóng kín và những cánh cửa khóa khóa chặt.

Khi Đức Kitô Phục Sinh bất ngờ hiện ra giữa các ông, phản ứng của các ông là sửng sốt nghi ngờ. Các ông đơn thuần không thể tin ở mắt mình.

Thực tại chỉ rất từ từ bắt đầu thâm nhập ý thức của các ông khi Chúa Giêsu đưa ra bằng chứng về sự Phục Sinh của Người. Người đã cho thấy những vết thương trên tay, chân, và cạnh sườn Người. Chúa Giêsu còn cho các ông chạm vào Người. Người bẻ bánh và ăn với các ông. Và chỉ sau đó các ông mới có thể tự mình thừa nhận điều xem ra hoàn toàn không thể được - một người thật sự đã chết đã sống lại thật! Đấng Chịu Đóng Đinh giờ đây đứng trước mặt các ông là Chúa Phục Sinh, vinh hiển và chiến thắng của các ông. 

Việc Người trỗi dậy từ nấm mồ hoàn toàn có thật giống như việc Người chết trên thập giá. Sự Sống Lại là bằng chứng biểu hiện quyền năng vô song của Thiên Chúa Toàn Năng. Sự kiện không thể tránh được của việc Phục Sinh xác nhận mọi lời Chúa Giêsu đã từng nói và mọi công việc Chúa Giêsu đã từng làm.

Tin Mừng là sự thật. Chúa Giêsu là Đấng Kitô, Đấng Cứu Thế đã được hứa của dân Israel. Chúa Giêsu là Đấng Cứu Độ thế gian. Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa.

Không có lời giải thích nào khác cho Kitô giáo. Nó đáng lẽ đã chết và hoàn toàn biến mất khi Đức Kitô chết và được mai táng, ngoại trừ cho một sự thực rằng Đức Kitô đã sống lại thật, và rằng trong thời gian 40 ngày trước khi Lên Trời, Người đã tiếp xúc qua lại với các Tông Đồ và các môn đệ, và trong một dịp ngay cả với hàng trăm kẻ đã theo Người.

Bài Đọc Tin Mừng hôm nay cho ngày Thứ Bảy trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh này được lấy từ Chương 16 của Tin Mừng Thánh Marcô. Nó kết thúc với một mệnh lệnh từ môi miệng Chúa Giêsu, được ban cho các môn đệ của Người, cho toàn thể Hội Thánh, cũng được ban cho anh chị em và tôi tụ họp ở đây hôm nay: "Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo"

Chúng ta đã nghe trong Bài Đọc Thứ Hai hôm nay từ sách Tông Đồ Công Vụ rằng cùng một Công Nghị đã lên án Chúa Giêsu đã ngạc nhiên trước sự mạnh dạn của Thánh Phêrô và Thánh Gioan. Trong khi biết rằng các ông là những kẻ thất học và bình thường, họ nhận ra các ông như bạn đồng hành của Chúa Giêsu. Họ cảnh báo các ông không bao giờ bao giờ được nhân danh Chúa Giêsu mà giảng dạy hoặc nói với bất cứ ai nữa.

Tuy nhiên, các kỳ lão và luật sĩ cũng có thể đã cố gắng để xoay ngược triều sóng, hoặc ngăn chặn trận tuyết lở. Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã thấy Đức Kitô Phục Sinh bằng cặp mắt của mình. Thánh Phêrô và Thánh Gioan đã được đầy Thánh Thần. Các ông hỏi xem có phải là điều đúng “trước mặt Thiên Chúa không khi chúng tôi nghe lời các ông hơn là nghe lời Thiên Chúa. Chúng tôi không thể không nói ra những gì chúng tôi đã nghe, và đã thấy.”

Thánh Phêrô vàThánh Gioan cùng tất cả các Tông Đồ, bắt đầu trước hết tại Giêrusalem trong xứ Giuđêa và xứ Galilêa, và sau đó đến tận cùng trái đất, đã công bố sự Phục Sinh và Tin Mừng cho tất cả mọi người mà các ông đã gặp.

Theo chứng từ rõ ràng của Thánh Kinh, các Tông Đồ đã từng là những người bình thường - như anh chị em và tôi. Đức tin của của các ngài đã không phải luôn luôn mạnh mẽ. Các ngài đã lầm lỗi. Các ngài đã phạm tội. Các ngài thường sợ hãi và bối rối.

Nhưng việc gặp gỡ Chúa Phục Sinh đã thay đổi tất cả mọi sự về các môn đệ đầu tiên này, và biết Chúa Phục Sinh cũng phải thay đổi tất cả mọi sự về chúng ta.

Anh chị em biết, làm một Kitô hữu không bao giờ dễ dàng và nó không giả thiết là dễ dàng! Thế gian, xác thịt và ma quỷ sẽ luôn luôn yêu những gì thuộc về chúng, và sẽ luôn luôn ghét chúng ta. Như Chúa Giêsu đã từng bảo trước, chúng đã ghét Thầy, thì chúng chắc chắn sẽ ghét các con.

Nhưng đức tin của chúng ta, khi được sống cách trọn vẹn, là một đức tin chiến đấu và một đức tin không hề sợ hãi. Căn cứ vào quyền năng của việc Phục Sinh, không có gì trong thế gian này, và không có gì trong hỏa ngục, mà chung cuộc có thể đánh bại một Hội Thánh duy nhất, thật sự, thánh thiện, Công Giáo và Tông Truyền của Thiên Chúa.

Trong hai ngàn năm qua, những kẻ thù của Đức Kitô chắc chắn đã cố gắng hết sức. Nhưng hãy nghĩ về điều ấy. Hội Thánh sống sót và thậm chí phát triển mạnh mẽ trong những thế kỷ bị đàn áp khủng khiếp, trong những ngày của Đế Quốc Rôma.

Hội Thánh thoát khỏi những cuộc xâm lăng của dân man di. Hội Thánh vẫn tồn tại sau nhiều làn sóng Thánh Chiến của Hồi Giáo. Hội Thánh sống sót thời đại cách mạng. Hội Thánh sống sót chủ nghĩa Quốc Xã và Cộng Sản.

Và trong quyền năng của Phục Sinh, Hội Thánh sẽ sống sót sự thù ghét của Hollywood, ác ý của các cơ quan truyền thông, và sự tàn ác gian dối của kỹ nghệ phá thai.

Hội Thánh sẽ sống sót sự tham nhũng cố hữu và bất tài tuyệt đối của chính quyền tiểu bang Illinois của chúng ta, và thậm chí cả thái độ khinh thị có tính toán của Tổng thống Hoa Kỳ, các viên chức được chỉ định trong Bộ Y Tế và Dịch Vụ Nhân Sinh, cùng đa số hiện nay của Thượng Viện liên bang.

Nguyên xin Chúa thương xót linh hồn của những chính trị gia làm bộ là Công Giáo trong Hội Thánh, nhưng trong cuộc sống công cộng của họ, lại như Giuđa Iscariot, phản bội Chúa Giêsu bằng cách bỏ phiếu và sẵn sàng hợp tác với những điều tự bản chất là ác.

Là Kitô hữu chúng ta phải yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ bắt bớ mình, nhưng là Kitô hữu chúng ta cũng phải đứng lên bênh vực những gì chúng ta tin và luôn luôn sẵn sàng chiến đấu cho Đức Tin. Những ngày mà trong đó chúng ta hiện đang sống đòi phải có một đạo Công Giáo anh hùng, không phải Công Giáo ngẫu nhiên. Chúng ta không còn có thể là những người Công Giáo một cách tình cờ, nhưng thay vào đó phải là những người Công Giáo bằng xác tín. Trong gia đình riêng của chúng ta, trong các giáo xứ của chúng ta, nơi chúng ta sống và nơi chúng ta làm việc - giống như thế hệ tông đồ đầu tiên - chúng ta phải là chứng nhân mạnh bạo cho Quyền Làm Chúa của Đức Chúa Giêsu Kitô. Chúng ta phải là một đạo binh những người Công Giáo không hề biết sợ, sẵn sàng hiến tất cả mọi sự chúng ta có cho Chúa, là Đấng đã hiến tất cả vì phần rỗi chúng ta.

Hãy nhớ rằng trong quá trình lịch sử, các chính quyền khác đã cố gắng buộc các Kitô hữu phải chui rúc và ẩn nấp chỉ trong phạm vi các nhà thờ của họ như các môn đệ đầu tiên bị nhốt trong nhà Tiệc ly.

Vào cuối thế kỷ thứ19, Bismark đã khai mào "Kultur Kamp,” một cuộc chiến tranh Văn hóa, chống lại Hội Thánh Công Giáo Roma, bằng cách đóng cửa tất cả các trường học và bệnh viện, tu viện và đan viện Công Giáotrong Đế quốc Đức.

Clemenceau, có biệt danh là "kẻ ăn linh mục," đã cố gắng làm cùng một điều như thế ở Pháp trong thập niên thứ nhất của thế kỷ 20.

Hitler và Stalin, vào những thời điểm nhân đạo hơn của họ, chỉ cho phép một số nhà thờ được mở cửa, nhưng không chấp nhận bất cứ sự cạnh tranh nào với nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, dịch vụ xã hội, và chăm sóc y tế.

Trong việc vi phạm rõ ràng Tu Chính Án Thứ Nhất của chúng ta, Barack Obama - với chương trình cấp tiến, phò phá thai và thế tục cực đoan của ông, giờ đây xem ra có ý đi theo một con đường tương tự.

Bây giờ sự thể đã xảy ra như thế ở Mỹ đến nỗi đây là một cuộc chiến mà chúng ta có thể thua, nhưng trước tòa phán xét đáng kính sợ của Thiên Chúa Toàn Năng, đây không phải là một cuộc chiến mà bất cứ tín hữu Công Giáo nào vẫn có thể còn đứng trung lập.

Mùa thu này, mọi người Công Giáo giữ đạo phải bỏ phiếu, và phải bỏ phiếu theo lương tâm Công Giáo của mình, hoặc vào mùa thu năm sau các trường Công Giáo, các bệnh viện Công Giáo, các Trung tâm Công Giáo Newman của chúng ta, tất cả các việc thừa tác vụ của chúng ta -- chỉ trừ những ngôi nhà thờ của chúng ta-- có thể bị đóng cửa dễ dàng. Bởi vì không một cơ sở Công Giáo, trong bất cứ hoàn cảnh nào, có thể hợp tác với sự dữ tự bản chất là việc giết chết sự sống của người vô tội trong bụng mẹ.

Không có một cơ sở phục vụ Công Giáo nào - và vâng, thưa Tổng Thống, vì các trường học và bệnh viện Công Giáo của chúng tôi là các cơ sở phục vụ - có thể vẫn còn trung thành với Quyền Làm Chúa của Đức Kitô Phục Sinh và Tin Mừng Sự Sống vinh quang của Người nếu các cơ sở này bị bắt buộc phải trả tiền cho việc phá thai.

Giờ đây hãy nhớ lại cái gì đã là kinh nghiệm đổi đời, là điều hoàn toàn biến đổi các môn đệ đang sợ hãi và run rảy này thành những tông đồ chẳng còn biết sợ hãi và anh hùng. Các ngài đã gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh. Các ngài đã tôn kính vết thương thánh của Người. Các ngài đã ăn uống với Người.

Đó không phải là những gì chúng ta cùng làm ở đây với nhau, sáng hôm nay trong Thánh Lễ diễu hành hàng năm của nam nhân này sao?

Đây là ngày thứ bảy của Bát Nhật Phục Sinh, một Lễ Trọng rất cao cả và trung tâm của đức tin Công Giáo của chúng ta, mả ngày Phục Sinh được cử hành vừa trọn tám ngày, và mùa Phục Sinh được cử hành cách vui mừng như 50 Ngày Đại Lễ Phục Sinh. Nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần, Đức Kitô đã trỗi dậy từ nấm mồ -- đang ở giữa chúng ta. Lời Thánh của Người dạy chúng ta chân lý. Mình và Máu Thánh của Người trở nên lương thực và thức uống của chúng ta.

Đức Kitô Phục Sinh là Chúa Vĩnh Cửu của chúng ta; Đầu của Thân Thể Người, là Hội Thánh; vị Thượng Tế của chúng ta; Thầy của chúng ta; vị Chỉ Huy của chúng ta trong cuộc chiến đáng chiến đấu này.

Chúng ta không có gì để sợ hãi, nhưng chúng ta có một thế giới để chinh phục cho Người. Chúng ta không có gì để sợ hãi, vì chúng ta có một số phận vĩnh cửu trên thiên đàng. Chúng tôi không có gì để sợ hãi, dù đất có thể động, vương quốc có thể mọc lên và xụp xuống, ma quỷ có thể dữ tợn, nhưng Thánh Michael Tổng Lãnh Thiên Thần, và tất cả các đạo binh thiên quốc, chiến đấu thay cho chúng ta.

Bất kể điều gì xảy ra trong thời điểm chóng qua này, vào cuối thời gian và lịch sử, Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa và Chúa Giêsu là Chúa, đến muôn thủa muôn đời.

Christus vincit! Christus regnat! Christus imperat!

Đức Kitô chiến thắng! Đức Kitô hiển trị! Đức Kitô truyền lệnh! 


+ GM. Daniel R. Jenky, C.S.C., Giám Mục Peoria, Illinois


http://vietcatholic.com/

Tại sao Giáo hội bị ghét?

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

TGM Fulton Sheen
TGM Fulton Sheen là nhà giảng thuyết lừng danh vào thập niên 1960 
Tôi hân hạnh thuộc về một Giáo Hội người ta ghét. Đã hẳn, kẻ nhận biết bản tính thần linh của Giáo Hội thì yêu Giáo Hội. Nhưng, kẻ tưởng Giáo Hội là lỗi thời, lạc hậu, dị đoan, ma thuật thì ghét Giáo Hội. Kẻ chịu ơn thiêng liêng của Giáo Hội, thì mến Người như Mẹ vậy. Các kẻ khác thì xua đuổi Người, hoặc ít là làm ngơ vậy. Các môn phái chia rẽ nhau về nhiều điều, nhưng hợp nhau trong sự coi Giáo Hội là kẻ thù chung.

Thế gian đối xử với Giáo Hội y hệt như đã đối xử với Đức Kitô. Ngài cũng được yêu mến, nhưng cũng bị ghét bỏ. Không có ai được quí trọng như Ngài, nhưng cũng không có ai bị khinh dể như Ngài.

Người ta tự hỏi: “Tại sao Phật Giáo không bị ghét, mà Công Giáo lại bị? Tại sao Đức Phật không bị bêu nhục mà Đức Kitô lại bị?”

Ta hãy nói về sự yêu ghét đối với Đức Kitô, rồi sẽ nói về sự yêu ghét đối với Giáo Hội.

Trong cuộc đời Chúa chúng ta, sự yêu và sự ghét đã tỏ lộ cách mãnh liệt, hơn bất cứ trong cuộc đời người nào khác. Ngài báo trước mình sẽ được yêu mến cũng như bị ghét dơ. Ngài nói người ta sẽ thờ phượng Ngài cũng như sẽ khinh dể Ngài. Ngài sẽ được yêu mến nhiệt tình và bị ghét dơ cực độ. Ngài bảo cho biết cuộc song đấu ấy sẽ kéo dài cho đến ngày thế mạt; người ta sẽ dựng cho Ngài một cây thập giá, nhưng treo trên đó rồi, Ngài sẽ kéo những tấm lòng yêu mến lên với Trái Tim đầy bác ái của Ngài: “Khi nào Tôi bị treo lên, Tôi sẽ kéo mọi sự lên cùng Tôi”.

Ngài bảo người ta sẽ mến Ngài hơn cha mẹ yêu con cái, hơn con cái yêu cha mẹ. Như thế không có nghĩa là cha mẹ thôi yêu con cái, hoặc con cái thôi yêu cha mẹ. Nhưng có nghĩa là họ phải yêu nhau trong Ngài. Ngài không bảo ta phải bớt lòng yêu nhau, nhưng chỉ bảo phải mến Ngài trên hết. Như vậy, chẳng hợp lý sao ? Nào toàn thể chẳng hơn cá phần? Ngọn lửa chẳng hơn tia sáng ? Vòng tròn chẳng hơn cánh cung? Đền thờ chẳng hơn cây cột? Đấng Tạo Hóa chẳng hơn các tạo vật ? Thiên Chúa chẳng đáng mến hơn mọi người sao?


Hãy đi ngược dòng lịch sử, xem có người nào khi đã chết, còn được người ta yêu mến đến mức tế tự, cầu đảo chăng ? Trong mọi thời đại, Thánh Giá Chúa Giêsu vẫn thấm đầm nước mắt tình yêu… Các thế hệ đã hăm hở chạy đến cùng Cây Thánh Giá, và tuyên xưng như Thánh Phaolô xưa: “Ai sẽ tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Kitô? Tôi tin rằng dù sự sống hay sự chết, dù Thiên thần, lãnh thần hay quyền thần; dù tương lai hay sức mạnh; dù sự cao sâu hay bất cứ sự vật nào, có sức tách biệt chúng tôi ra khỏi tình yêu Đức Giêsu Kitô Chúa chúng tôi ! ”

Điều ấy, Napoléon đã nhận ra, như các bậc vĩ nhân trước ông đã từng chân nhận. Trong cảnh cô đơn tại đảo Hélène, ông suy nghĩ về sự phù du đời mình cũng như đời vua Louis XIV, khi ông viết “Đại đế này chết đã từ lâu, quần thần bỏ mặc, có khi còn bị khinh rẻ, nay nằm to vo một mình trong lăng mộ. Ông không còn là chủ tể của họ nữa. Chỉ còn là cái thây trong quan tài. Đó cũng là số phận của tôi. Chẳng bao lâu nữa, sắp tới nơi rồi. Thật xa cách nghìn trùng, giữa số phận khốn khổ của tôi so với Vương Quyền Chúa Giêsu hằng được cao rao, yêu mến, tôn thờ khắp vũ trụ”.

Hoặc bạn có muốn thêm chứng cứ nữa chăng ? Thì hãy đặt tay lên ngực mấy người quen rước lễ hằng ngày, tất sẽ thấy ngọn lửa tình yêu Chúa Giêsu nhóm lên tại đó. Hãy đến gõ cửa các Dòng nữ ẩn tu, như Dòng Cát Minh, Dòng Clara, để hỏi: “Tại sao các chị vào Dòng, có phải vì thất tình chăng ?” Lập tức các Chị trả lời: “Không, tôi vào đây không phải vì thất tình. Tôi chưa bao giờ thất bại về tình yêu. Mối tình đầu, cũng là mối tình duy nhất của tôi, đó là lòng kính mến Thiên Chúa, là Chúa của tôi.”

Tưởng không cần thêm chứng cứ nào nữa.

Chính sự khát khao một tình yêu toàn hảo, là cái dẫn ta đến Đấng đã dựng nên ta vì Ngài, và thiếu Ngài ta không thể hạnh phúc được. Ngài đã tìm kiếm trái tim hèn yếu của ta. Khác tất cả các trái tim đã từng sống động, Thánh Tâm Ngài đã được yêu mến trên hết mọi sự, hơn cả sự sống nữa. Ta có thể theo văn hào Pascal mà kết luận:“Chúa Giêsu đã muốn được người ta yêu mến. Ngài đã đạt, vậy Ngài là Thiên Chúa.”

Bây giờ, ta xét mặt khác về cuộc đời Chúa Giêsu: chính sự người ta ghét Ngài cũng minh chứng Ngài là Thiên Chúa. Ngài nói Ngài sẽ bị thế gian ghét bỏ cho đến ngày tận thế. Thế gian đây, phải hiểu là tinh thần thế tục, mâu thuẫn với tinh thần Phúc Âm.

Hãy nhớ lại các giai đoạn đời sống của Chúa. Ngài vừa sinh ra được bốn mươi ngày, Cụ già đáng kính Simêon đã nói với Đức Mẹ rằng Ngài sẽ là dấu hiệu gây sự chống đối. Điều ấy, Thánh Gioan sẽ diễn tả sau này: “Ngài đã đến trong thế gian, nhưng thế gian không tiếp nhận.”Ngài chưa được hai tuổi, thì quân lính vua Hêrôđê tuốt gươm hạ sát các Anh Hài vô tội, mà không hạ sát được Ngài. Đến tuổi trưởng thành, trước khi chịu nạn, Ngài nhìn thăm thẳm về những thế hệ tương lai, mà tiên báo là thế gian sẽ ghét Ngài. Mối thù ghét ấy theo sát bản thân Ngài, đến nỗi tất cả những kẻ yêu mến Ngài, cũng sẽ bị thế gian ghét bỏ nữa. Ngài nói: “Nếu thế gian ghét các con, thì hãy biết rằng, nó đã ghét Thầy trước. Nếu các con thuộc về thế gian thì thế gian đã yêu các con như kẻ thuộc về nó. Nhưng vì các con không thuộc về thế gian, và Thầy đã kéo các con ra khỏi thế gian, nên nó ghét các con. Hãy nhớ lời Thầy bảo các con: đầy tớ không hơn chủ nhà. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, thì cũng sẽ bắt bớ các con… Họ sẽ làm mọi điều ấy vì cớ d anh Thầy, bởi họ không biết Đấng đã sai Thầy.”

Vậy, Ngài sẽ bị người ta thù ghét. Thật là một lời tiên tri kỳ dị !


Ngài đã làm gì nên tội chứ ?

Ngài hiền hoà, khiêm nhượng hết lòng. Ngài hiến mạng để cứu dộ muôn dân. Phúc Âm của Ngài rao giảng sự thương yêu, đối với cả kẻ thù. Lúc hấp hối, Ngài tuyên bố tha thứ cho những kẻ giết hại Ngài. Người ta đã ghét Ngài vô cớ, như Ngài đã nói trước. Ngài chữa các thương tật, lại bị đả thương. Ngài cho kẻ chết sống lại, lại bị giết chết. Ngài cải ác khuyến thiện,mà lại bị đóng đinh thập giá. Ngài đem sự sống thần linh hoà giải loài người, mà bị kẻ thù hạ sát vũ nhục.

Còn những kẻ yêu mến Ngài, tại sao cũng bị ghét nữa ?

Họ phải sống nghèo như Ngài đã sống nghèo.Họ ước ao nên hoàn thiện như Cha trên Trời, và khiêm nhượng như Chúa Giêsu, là Đấng đã rửa chân cho họ. Họ vui mừng khi bị bách hại. Họ chúc phúc cho người trù rủa. Lời trù rủa ấy dường như chứng minh cho sự lương hảo của họ. Bùn nhơ kẻ xấu ném họ, dường như lại công nhận họ là người trong sạch.

Một đời sống như thế, một giáo lý như vậy, thật không có gì là đáng ghét. Vậy phải tìm lý do sự ghét dai dẳng ấy ở nơi khác.

Có kẻ cho Chúa Giêsu là phỉnh gạt, và Phúc Âm là gian dối. Nếu quả như thế, thì chúng tôi đã lầm, và kẻ kia có lý. Nếu sự ghét Chúa là chính đáng, thì nó phải canh tân xứ sở, cải hoá nhân tâm, làm nên những điều vĩ đại. Thành tích mỹ hảo của nó ở đâu ? Nó đã giải thoát dân nào khỏi đồi phong bại tục ? Nó đã khích lệ, an ủi được bao nhiêu tâm hồn? Đâu là Nữ Tu bác ái, Nữ Tu người nghèo của nó ? Sự ghét Chúa có sản sinh anh hùng tuẫn nghĩa, thiếu nữ đồng trinh, gia đình hạnh phúc chăng ?

Có biết bao người chết sầu não, bao linh hồn đói Bánh Trường Sinh, bao linh hồn tội lỗi cầu ơn tha thứ. Sự ghét Chúa có đem lại sự an ủi, nhân ái, an bình chăng ? Không !

Người ta gán cho Chúa Giêsu sự lừa gạt để ghét Ngài. Nhưng đó chưa phải là cội gốc đâu. Trải qua các thời đại, đã có quá nhiều nhà trí thức nghiên cứu về Đức Kitô và thờ lạy Ngài; nên không thể chấp nhận Ngài là kẻ lường gạt được.

Vậy giải thích sự hiềm khích kia thế nào ?

Phải tìm lý do trong một đức tính, mà chỉ một mình Ngài sở đắc. Chưa hề có người nào bị ghét cay ghét đắng cho bằng Chúa Giêsu. Chưa có Vị Giáo Tổ nào báo trước mình sẽ bị ghét, và thực tế đã bị ghét bỏ. Người ta không ghét Đức Phật, Đức Khổng hay Ông Mahômet. Một ít người bị ghét lúc sinh thời như Neron, Hốt Tất Liệt, hay Bismark. Nhưng ngày nay, còn có ai nghĩ đến ghét họ nữa !

Chẳng còn ai xúc phạm mộ Neron. Cũng chẳng còn ai sỉ mạ Bismark nữa. Họ chết là hết bị ghét. Cả hoàng đế nước Đức, sau thế chiến thứ 1, bị nhân dân và thế giới vũ nhục, nay cũng không còn ai ghét nữa.

Sự thù ghét đối với mọi người đã tiêu tan, mà sao đối với Chúa Giêsu vẫn tồn tại ? Đâu là lý do ?

Vậy, căn nguyên sự ghét là gì ? Đó là những cái ngăn cản thị dục người ta.
Tại sao người ta ghét hoàng đế Neron khi ông ta còn sống ? Là vì sự phóng dật của ông ta, ngăn cản dân Rôma thiết lập nền công bằng xã hội. Nay sự phóng dật ấy đã nát trong mồ, nên không ai ghét ông ta nữa.

Chẳng còn ai ghét, ai khinh Tibère, Domitien, Ivan và Nestorius nữa. Bởi vì không còn ai là những chướng ngại vật.

Nhưng về Chúa Giêsu thì khác hẳn.

Hai mươi thế kỷ đã qua, sự ghét Ngài vẫn chưa nguôi. Lý do: vì Ngài còn là một chướng ngại vật làm cản trở tội lỗi, tính ích kỷ, thuyết vô thần và tinh thần thế tục.
Tinh thần Đức Kitô còn tiếp tục hoạt động nơi những kẻ mến Ngài.

Ngài phản đối các dân không muốn nhìn nhận Thên Chúa.

Ngài quở trách kẻ ơ hờ bỏ việc cầu nguyện, kẻ tội lỗi không chịu sửa mình.
Ngài là Đấng Thiên Chúa, không chịu xuống khỏi thập giá, để được hoan hô nhất thời.
Ngài là tiếng nói thúc giục những tâm hồn bất an, từ bỏ tinh thần thế tục, để thủ đắc sự tự do của con cái Thiên Chúa.

Đức Kitô còn, thì sự thù ghét Ngài vẫn còn.

Nếu Ngài còn mãi, sống mãi, thì Ngài phải là Thiên Chúa.

Vì thế, môn đệ của Ngài còn bị bách hại, bao lâu tinh thần thế tục chưa bị tiêu trừ. Nhưng khi tinh thần ấy bị tiêu trừ thì chúng ta toàn thắng.

“Trong thế gian, các con sẽ đau khổ, nhưng hãy trông cậy, vì Thầy đã thắng thế gian.”Đó là lý do Giáo Hội bị người ta ghét.

Chúa chúng ta được yêu mến nồng nhiệt và ghét bỏ dữ dội, vì Ngài là Thiên Chúa. Người ta ghét Ngài, là bởi người ta ghét tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa. Giáo Hội là tổ chức thông ban sự sống của Thiên Chúa, nên mới bị thù ghét đến như vậy.

(…) Thời nay, nếu Bạn muốn gặp Chúa Giêsu, xin hãy tìm đến Giáo Hội, và Giáo Hội không chịu thích nghi với thế gian đâu.

Hãy tìm đến Giáo Hội mà thế gian ghét bỏ như nó ghét bỏ Chúa Giêsu. Giáo Hội bị tố cáo là lạc hậu như Chúa Giêsu bị tố cáo là vô học.

Hãy tìm đến Giáo Hội mặc dù Giáo Hôi bị khinh khi, vì Giáo Dân không có địa vị cao trong xã hội. Như người xưa đã chế nhạo Chúa Giêsu, vì là người Nadarét.

Hãy tìm đến Giáo Hội, mặc dù Giáo Hội bị tố cáo là quỷ ám, cũng như Chúa Giêsu bị tố cáo là đồ đệ của quỷ vương.

Có kẻ cuồng tín, chủ trương phải nhân danh Thiên Chúa mà huỷ Giáo Hội đi; cũng như xưa kẻ đóng đanh Chúa Giêsu tưởng làm như vậy là phụng sự Thiên Chúa.

Thế gian chối bỏ Giáo Hội khi Giáo Hội công bố mình bất khả ngộ, cũng như Philatô chối bỏ Chúa Giêsu, khi Ngài tuyên bố Mình là Chân Lý. Thế gian xua đuổi Giáo Hội như đã xua đuổi Chúa Giêsu. Nhưng Giáo Hội được con cái yêu mến, ngang với Chúa Giêsu, mặc dầu họ rất khác nhau về tư kiến.

Tiếng nói của Giáo Hội là tiếng nói của Đấng Sáng Lập.

Bạn hãy vâng nghe. Rồi bạn sẽ hiểu. Thế gian ghét Giáo Hội, vì Giáo Hội không thuộc về thế gian. Và nếu Giáo Hội không thuộc về thế giới này, thì thuộc về một thế giới khác. Và bởi Giáo Hội thuộc về thế giới khác, thì Giáo Hội được yêu mến vô cùng và cũng bị ghét bỏ vô cùng, như chính Đức Kitô vậy.

Nhưng chỉ có sự gì thuộc về Thiên Chúa, mới được yêu mến vô cùng, hoặc bị ghét bỏ vô cùng.

Vậy phải kết luận: Giáo Hội thuộc về Thiên Chúa, Giáo Hội là cuộc sống Đức Kitô kéo dài trong thế giới. Vì thế, chúng tôi yêu mến Giáo Hội, chúng tôi hy vọng được chết trên cánh tay lành thánh của Giáo Hội.

Trích chương XII “Yêu và ghét” trong tác phẩm Người Galilê muôn thuở của TGM Fulton Sheen.


Tản mạn về việc nên thánh

Thứ Ba, 10 tháng 4, 2012

Một cuộc thăm dò dư luận mới đây trên mạng internet đưa ra một cái nhìn không mấy khả quan về Kitô giáo khởi đầu ngàn năm thứ ba này. Có một xu hướng đáng báo động đối với người tín hữu Chúa Kitô: đó là khuynh hướng đánh mất sự thánh thiêng, lối sống xa rời tinh thần Tin mừng, lãng tránh không đề cập đến Thiên Chúa trong cuộc sống hằng ngày của những người tự nhận mình là kẻ tin vào Đức Giêsu Kitô. Trong bối cảnh đó, thật là ý nghĩa đối với chúng ta khi cùng nhau suy nghĩ về việc nên thánh.

Thế nào là sự thánh thiện?

Thánh thiện là một thuật ngữ loại suy mà nghĩa đầu tiên dùng để chỉ sự toàn thiện tuyệt đối hay sự thánh thiêng của Thiên Chúa. Thứ đến, người ta còn dùng thuật ngữ này để chỉ những thụ tạo chia sẻ sự thánh thiêng của Người. Theo nghĩa này, tất cả những ai ở trong tình trạng ân sủng thì được gọi là “thánh”. Nó còn được dùng để chỉ những gì được dành riêng cho Thiên Chúa, như nước thánh, thánh đường, thánh nhạc, đời thánh hiến… Sau cùng, thánh thiện còn là phẩm tính của những người mà cuộc sống họ hoàn toàn hoà hợp với đức tin.

Khi nói về các thánh nhân, điều trước tiên chúng ta nghĩ đến họ là những con người hoàn hảo. Nhưng thực tế lại không hẳn như thế: Các thánh cũng là những kẻ tội lỗi như chúng ta, nhưng biết chỗi dậy khi vấp ngã, và họ ý thức rằng mình cần được tha thứ. Nên thánh hay trở thành con cái Thiên Chúa là phó thác cho Thiên Chúa và để cho Người trở thành Thiên Chúa trong và qua chúng ta. Sự thánh thiện thực sự không thuộc về chúng ta; chính Chúa Giêsu biến đổi chúng ta cho đến khi chúng ta giống như Người. Phần đóng góp của chúng ta là cộng tác với Người và để cho Người tự do nhào nặn theo ý mình.

Các mối phúc trình bày cho chúng ta chân dung của một vị thánh là như thế nào. Thánh nhân là người không quá khích, người ước mong một thế giới công bình và sẵn sàng làm hết sức mình để đạt được điều đó, ngay cả khi bị ngược đãi hay bị loại trừ. Một vị thánh đồng thời là người nhân từ, đầy yêu thương, nhạy cảm với nỗi khổ đau của tha nhân. Và trên hết thánh nhân là người thuộc về Thiên Chúa, như trường hợp của ngôn sứ Êlisa hay thánh Biển Đức …

Đặc tính của sự thánh thiện

Có thể làm một phép so sánh với tình trạng hạnh phúc, để nói về những đặc tính của sự thánh thiện. Cũng giống như khi bạn đang sống trong hạnh phúc, thì bạn không nghĩ đến hạnh phúc; bởi vì ngay khi bạn ý thức về sự hạnh phúc của mình thì bạn không còn hạnh phúc nữa. Hạnh phúc thật không thể được tạo ra và không thể trắc nghiệm được, vì nó nằm ngoài lãnh vực của ý thức.

Sự thánh thiện cũng vậy. Ngay khi bạn ý thức về sự thánh thiện của mình, thì sự thánh thiện ấy bị hư hoại và méo mó. Tay trái bạn không biết hành vi tay phải đang làm là tốt lành hay đáng công. Bạn chỉ làm vì việc ấy xem ra tự nhiên phải làm như vậy. Dường như tất cả các nhân đức mà bạn có thể nhìn thấy nơi mình không phải là nhân đức gì cả, nhưng là điều mà bạn đã tạo ra và khôn lanh vun đắp, rồi cưỡng đặt vào bản thân mình. Nếu đó là nhân đức thật có lẽ bạn đã vui hưởng nó một cách trọn vẹn, và cảm nhận nó một cách tự nhiên đến độ bạn không hề nghĩ đó là nhân đức gì cả. Chúng ta cứ nhìn những đứa trẻ, chúng đâu có ý thức về sự ngây thơ vô tội của mình, nhưng chúng lại được Chúa Giêsu coi là mẫu gương cho tất cả chúng ta: “Nếu các ngươi không nên giống trẻ thơ thì sẽ chẳng được vào nước Trời”. Vậy đặc tính đầu tiên của sự thánh thiện là đương sự không tự ý thức được.
    
Đặc tính thứ hai là tính phi nỗ lực. Nỗ lực có thể làm thay đổi lối sống, chứ không thay đổi con người của bạn. Giống như việc nỗ lực có thể đưa thức ăn vào miệng, nhưng không thể tạo ra sự ngon miệng; nó có thể giữ bạn trên giường, mà không thể tạo ra giấc ngủ; nó có thể ép bạn thốt ra một lời khen ngợi, nhưng không thể tạo ra sự thán phục tận thâm tâm; thì cũng vậy, nỗ lực có thể thực hiện những hành vi phục vụ, nhưng không thể tạo ra tình yêu hay sự thánh thiện.
    
Nỗ lực chính là sự khôn lanh của cái tôi. Nó thúc đẩy bạn tìm cách tôn vinh bản thân, chứ không phải để trở thành điều Thiên Chúa muốn về bạn. Nó đi tìm những phương pháp, kỹ thuật mà sản xuất ra những con người mệnh danh là thánh thiện, nhưng khô cằn, cứng nhắc, máy móc, vô hồn và bất nhẫn với người khác cũng như với chính bản thân mình. Loại người “thánh thiện” kiểu ấy là những con người bạo lực, đối lập với chính sự thánh thiện và yêu thương.
    
Sự thánh thiện còn có một đặc tính nữa, đó là không ham hố. Nếu bạn ước ao hạnh phúc, bạn sẽ lo lắng kẻo không đạt được nó. Lúc nào bạn cũng sống trong tình trạng không thoả mãn. Tình trạng không thoả mãn này sẽ giết chết hạnh phúc mà bạn đã cất bước đi tìm. Khi bạn ham hố sự thánh thiện cho bản thân, bạn nuôi nấng chính thói tham lam; và tham vọng này làm cho bạn trở nên ích kỷ, háo danh và không còn thánh thiện chút nào nữa.
    
Sự thánh thiện không có thể tìm thấy nơi những con người tham lam, tham vọng, ưu tư, xao xuyến, háo hức, cố gắng, kiếm chác, tiến thân, thành đạt. Còn nơi thánh nhân, có một nhận thức sắc bén, nhanh nhạy, xuyên thấu, và tỉnh thức, làm tan biến tất cả sự ngu xuẩn và tính ích kỷ, quyến luyến và sợ hãi.

Lời kết
    
Những dòng suy tư trên đây không phải là kim chỉ nam giúp cho ai đó nên thánh, nhưng chỉ là một nỗ lực nhỏ bé trình bày cho người đọc một cái nhìn phản tỉnh về sự thánh thiện. Bản chất của sự thánh thiện thì không thể phân tích và mô tả cụ thể được; nhưng hoa trái của nó thì có thể cảm nhận được qua nhiều phương diện khác nhau. Chúng ta có thể đo lường được mức độ của sự thánh thiện không? Chắc chắn là không. Tuy nhiên, chúng ta có một điểm qui chiếu, đó là chính Chúa Giêsu, vị Thánh - Nhân đích thực. Bởi vì Người không những là mẫu gương của sự thánh thiện mà còn là nguồn mạch của sự thánh thiện. Ngày ngày, Người thúc đẩy và trợ lực chúng ta, và sự thánh thiện của chúng ta phụ thuộc vào sự đáp trả của chúng ta đối với ân sủng của Người.


Lm JB Phạm Quang Long
Phỏng theo Anthony de Mello

Exsultet - Tin mừng Phục sinh

Thứ Năm, 5 tháng 4, 2012

Chúa nhật Lễ Lá 2012: Cầu nguyện xin ơn biết tha thứ

Thứ Ba, 3 tháng 4, 2012

Cách đây 2 tuần tôi có đi xem buổi suy niệm cuộc thương khó của Chúa Giê-su tại hội trường dòng Chúa Cứu Thế do các bạn trẻ nhóm kịch Rapboni diễn theo cuốn “Phúc Âm Thứ Năm”. Người ta lập luận rằng không chỉ nên đọc Phúc Âm bằng mắt, bằng miệng, mà còn phải đọc bằng cả tâm hồn. Khi ấy, kịch bản sẽ không còn là kịch bản, sân khấu sẽ chính là cuộc đời, diễn viên hóa thân thành nhân vật Tân Ước để hòa nhập với khán giả và nội dung thì không gì khác hơn Lời Chúa hôm nay.

Trong buổi suy niệm người dẫn đặt ra câu hỏi: Ai phải chịu trách nhiệm về cái chết của Đức Giê-su? Rồi lần lượt từng người đóng các vai Gioan, Phero, Philato, Giuda Iscario, Maria Madalena và một đại diện dân chúng, là những người có liên quan đến vụ án Đức Giê-su, bước lên sân khấu trả lời câu hỏi đó và nói lên sự liên lụy của mình.

Tôi thấy còn thiếu một đại diện của các thượng tế hay luật sĩ và biệt phái, vì họ là người chịu trách nhiệm lớn về cái chết của Chúa. Khi xem vở kịch đó xong thì tôi lại nảy sinh câu hỏi khác: Tại sao các thượng tế lại quyết tâm giết Đức Giê-su? Và lúc này đây cũng vậy, khi đọc Tin mừng về cuộc thương khó của Chúa thì trong tôi vẫn bị ám ảnh câu hỏi này: Tại sao các thượng tế lại quyết tâm giết Đức Giê-su?

Tôi cứ nghĩ mãi về câu trả lời cho riêng mình: đó là do lòng ghen ghét mà người Do-thái giết Chúa Giê-su. Và hôm nay một chi tiết trong bài Tin mừng cho tôi một gợi ý nơi đoạn nói về Philato răng: “Ông thừa biết chỉ vì ghen tị mà các thượng tế nộp Người.”

Chúa Giê-su chịu khổ nạn vì tội lỗi chúng ta và để cứu độ chúng ta, như kinh Tin Kính đã xác định. Tuy nhiên lý do trực tiếp gây ra cái chết của Chúa Giê-su là bởi lòng ghen ghét đố kị của con người.

Lòng ghen ghét hận thù gây ra biết bao thảm kịch trong lịch sử loài người. Trong buổi chiều hôm nay, tôi xin gợi ý với các bạn về cách cầu nguyện để xin ơn biết tha thứ, vứt bỏ sự oán hận trong lòng.

Chúa Giêsu nhấn mạnh sự tha thứ khi cầu nguyện: “Khi anh em đứng cầu nguyện, nếu anh em có chuyện bất bình với ai, thì hãy tha thứ cho họ, để Cha của anh em là Đấng ngự trên trời, cũng tha lỗi cho anh em” (Mc 11,25).

Đây là một luật căn bản của mọi lời cầu nguyện. Chúa Giêsu đã nhiều lần lưu ý chúng ta: Nếu các ngươi không tha thứ cho người ta, các ngươi sẽ không được tha thứ; và các ngươi sẽ không thể nào kết hợp được với Thiên Chúa. “Vậy, nếu khi anh sắp dâng lễ vật trước bàn thờ, mà sực nhớ có người anh em đang có chuyện bất bình với anh, thì hãy để của lễ lại đó trước bàn thờ, đi làm hoà với người anh em ấy đã, rồi trở lại dâng lễ vật của mình” (Mt 5,23-24).

Nhiều người cầu nguyện không hiệu quả bởi vì họ nuôi oán hận trong lòng mình. Nhiều lần tôi phải kinh ngạc vì gánh nặng oán hận mà người ta mang theo trong cuộc đời. Họ oán hận bề trên, oán hận vợ, con, cha mẹ, bạn bè láng giềng. Họ đã không lường trước được các thiệt hại do oán hận gây ra cho đời sống cầu nguyện, và trong nhiều trường hợp cả về sức khỏe nữa.

Bao nhiêu cảm xúc cay đắng, giận hờn và ghen ghét đã đầu độc lục phủ ngủ tạng khiến chúng ta phải quằn quại.Thế mà thật lạ kỳ, người ta cứ bám riết chúng.

Thầy giáo yêu cầu mỗi chúng tôi mang một túi nilông sạch và một bao tải khoai tây đến lớp. Sau đó thầy bảo cứ hễ chúng tôi không tha thứ lỗi lầm cho người nào đó thì hãy chọn ra một củ khoai tây viết tên người đó và ngày tháng lên rồi bỏ nó vào túi nilon. Sau vài ngày, có nhiều túi trở nên vô cùng nặng.

Sau đó thầy lại yêu cầu chúng tôi phải luôn mang cái túi theo bên mình dù đi bất cứ đâu, tối ngủ phải để túi bên cạnh, làm việc thì đặt trên bàn. Sự phiền phức khi phải mang vác cái túi khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng gánh nặng tinh thần mà mình đang chịu đựng. Không những thế, chúng tôi còn phải luôn để tâm đến nó, nhớ đến nó và nhiều khi đặt nó ở những chỗ chẳng tế nhị chút nào.

Qua thời gian, khoai tây bắt đầu phân huỷ thành một thứ chất lỏng nhầy nhụa. Đây thật là một ẩn dụ sinh động về cái giá mà chúng ta phải trả cho việc khư khư ôm lấy giận hờn trong lòng. Trong thâm tâm chúng ta thường cho rằng tha thứ là một món quà đối với người được tha thứ nhưng bạn thấy đấy, rõ ràng là món quà cho chính chúng ta.

Đôi khi người ta thấy việc cho đi bất kì sản vật nào, dù quí báu mấy, còn dễ dàng hơn là bỏ qua một mối giận hờn đối với ai đó. Người ta cương quyết không tha thứ! Chúa Giêsu dạy rõ ràng về điểm này: Nếu anh em không chịu tha thứ cho người ta, Cha trên trời cũng không tha thứ cho anh em.

(Hai anh chị con cùng một cha bố, nhưng lại ghét nhau, đến mức chị đó nói rằng: Nếu lên thiên đàng mà gặp thấy anh này thì tôi sẽ đi chỗ khác)

Vì thế ngay bây giờ, anh chị em hãy loại bỏ hết những mối oán giận trong lòng. Nếu không việc cầu nguyện của chúng ta sẽ bị tổn thiệt. Nếu cần, đừng ngại tốn thời giờ, tù phải tốn nhiều ngày ròng rã chỉ dành cho một chuyện đó mà thôi.

Hãy lập danh sách gồm những người chúng ta ghét, ác cảm, khó ưa hay khó tha thứ. Giận ghét là cảm xúc thường xuyên bị người tu hành trấn áp, chỉ sau cảm xúc nhục dục. Đôi khi ta gặp một vài tu sĩ nói rằng mình không ghét ai hết và yêu thương mọi người, nhưng qua cách nói năng và hành động, họ để lộ ra những oán hờn cay đắng đối với người này, người kia. Một cách đơn giản để lột mặt nạ những cảm xúc bị trấn áp kia, chúng ta hãy lập danh sách những người khó ưa hay người ta có thành kiến, cuối cùng là những người ghét chúng ta. Danh sách này có thể tiết lộ một số điều đáng ngạc nhiên, chứng minh rằng chúng ta vẫn đang nuôi trong lòng một số ác cảm hay giận hờn nào đó.

Loại trừ sự giận hờn

Sẽ làm gì với danh sách kia? Không đòi hỏi chúng ta phải tha thứ ngay lập tức. Điều đó chỉ đưa đến chỗ đè nén những cảm xúc oán hờn mà thôi. Khi giải quyết những mối căm hờn, việc bộc lộ cảm xúc oán hận là điều lý tưởng, rất ích lợi. Bộc lộ oán hận là chúng ta trực tiếp đến trao đổi vấn đề với đối tượng và thể hiện thái độ căm giận của chúng ta cho họ biết một cách thẳng thắn. Nhưng không may, điều lý tưởng này không phải lúc nào cũng có thể làm được, hoặc vì đối tượng kia ở xa, hoặc nếu gần thì họ có thể không đáp ứng thái độ của chúng ta một cách xây dựng.

Có một nữ tu nọ cảm thấy không thể nào tha thứ cho một chị trong cộng đoàn. Suốt nhiều tháng, chị cầu xin ơn để tha thứ, nhưng không hiệu quả. Cuối cùng, theo sự hướng dẫn của cha linh hướng, chị trực tiếp đến gặp đối tượng kia, với sự hiện diện của một người thứ ba giữ vai trò trung gian thật khéo léo; và sự tha thứ đã đến một cách dễ dàng đến độ chị cảm thấy không còn gì để tha thứ nữa. Một nữ tu khác đã lâm vào cảnh hết sức đau khổ và khó xử vì bị một chị khác dưới quyền vu khống. Cảm xúc oán hận cứ sôi sục trong lòng suốt nhiều tháng trời khiến chị không thể nào cầu nguyện được. Cha linh hướng đề nghị chị gặp người kia trong trí tưởng tượng. Chị tha hồ bộc lộ cảm xúc bị tổn thương và giận giữ của mình bằng cách đập mạnh vào chiếc gối. Sau đó, người nữ tu đã có thể tha thứ cho chị em mình. (Các chị nếu có giận ai thì đập gối cũng được, chớ có ra đập phá hoa lá ngoài vườn).

Cầu nguyện như một phương thế hữu hiệu giúp thực hiện việc tha thứ. Tuy nhiên các lời cầu nguyện không phải lúc nào cũng có thể thay thế được những cảm xúc hằn sâu trong lòng mà chúng ta cần phải loại bỏ ra khỏi con người của chúng ta.

Cách tha thứ bằng cầu nguyện

Sau đây là một số phương thế hiệu quả để xin ơn tha thứ và loại trừ oán hận:

1/ Hãy cầu nguyện cho lợi ích của đối tượng. Đây là điều Chúa Giêsu đã nhắc đến trong bài giảng Bát phúc. Khi cầu nguyện cho người ấy, thái độ chúng ta sẽ thay đổi lạ lùng: bắt đầu là quan tâm, tích cực liên đới, thậm chí còn yêu thương họ. Và một khi đã yêu thương rồi, chúng ta sẽ dễ dàng tha thứ.

2/ Hãy nhìn nhận những bất công xảy đến cho chúng ta đều do Thiên Chúa an bài và đều hướng theo một mục đích mầu nhiệm. Nói rằng Thiên Chúa ‘cho phép xảy ra’ là chưa đủ. Người không chỉ ‘cho phép’ mà còn đặt kế hoạch và điều khiển mọ sự. Cuộc tử nạn của Đức Kitô, một thảm kịch vô cùng bất của nhân loại, đâu phải chỉ được Cha trên trời cho phép xảy ra mà thôi. Chính Thiên Chúa đã tích cực an bài, đã muốn và đã tiền định điều đó.

Nếu chúng ta cũng biết nhìn nhận tử nạn trong cuộc sống mình – tức là những bất công xảy đến, thực sự hay do tưởng tượng – như Chúa Giêsu đã nhìn nhận cuộc tử nạn của Nngf là do thánh ý và chương trình của Chúa Cha đã an bài tiền định, chúng ta sẽ không còn đeo đẵng vào những nguyên nhân đệ nhị là những con người đã làm chúng ta đau khổ và tổn thương nữa. Chúng ta sẽ nhìn vượt qua những con người ấy để thấy được Cha trên trời là Đấng nắm giữ các nguyên nhân tác động đến mọi biến cố trong cuộc sống và là Đấng tiền định mọi đau khổ để đem lại thiện ích cho chúng ta và thế giới. Nhờ đó, chúng ta dễ dàng tha thứ cho những người bách hại và những kẻ thù nghịch.

Tuy nhiên, điều này lại có thể đưa đẩy chúng ta vào một khó khăn mới: trút nỗi oán hận vào Thiên Chúa mỗi khi tai họa xảy đến! Mặc dù đức tin và trí hiểu cho họ biết rằng Thiên Chúa tiền định tất cả những điều đó chỉ vì lợi ích của họ, nhưng trái tim và tình cảm không thể không chống lại Thiên Chúa là tác nhân tiền định những điều tai họa trong khi Người vẫn có thế cản trở. Khi cảm xúc giận Thiên Chúa nổi lên, chúng ta cứ để cho nó bộc lộ ra trước sự hiện diện của Người. Tôi biết mình trọn niềm tin tưởng nơi Thiên Chúa đến độ tôi dám bộc lộ thái độ tức tối với Người, cũng giống như với ban thân của tôi. Tôi không ngại bộc lộ trước mặt họ những cảm xúc tiêu cực, vì tôi tin chắc họ hiểu tôi và mến tôi; và kết quả là sau vụ ‘đụng độ’ ấy, tình thân giữa chúng tôi càng khắng khít hơn.

Một nhân vật thánh thiện như ông Job đã từng trút nỗi bực tức lên Thiên Chúa. Điều đó là một biểu hiện tình thân giữa ông đối với Người. Thật kỳ diệu là cuối cùng Thiên Chúa đã khen ngợi và đề cao ông Job, trong khi Người quở trách bạn bè của ông. Sau khi chúng ta bộc lộ hết những cảm xúc tiêu cực đối với Thiên Chúa, thì chúng ta sẽ dần dần vơi đi. Tình yêu của chúng ta sẽ trỗi dậy và sẽ vui mừng thấy rằng cuộc ‘đụng độ’ với Thiên Chúa không những làm hại mà còn củng cố mối tương giao giữa chúng ta với Người.

3/ Điều thứ ba chúng ta hãy làm để loại trừ nỗi cay đắng và bực tức: là hãy đến trước Đức Kitô tử nạn và nhìn thẳng vào Người trên thập vì bất công. Chỉ một lúc sau, chúng ta sẽ tự cảm thấy xấu hổ và ngượng ngập vì chúng ta làm to chuyện những bất công cỏn con. Không xấu hổ sao được khi vẫn xưng mình là môn đệ Đức Kitô? Không ngượng ngùng sao được vì biết rằng theo Chúa là chấp nhận dấn thân như Người tức là vác thập giá mỗi ngày?

Một số người đã áp dụng phương pháp trên đây đã cảm thấy hân hoan vì được kể là xứng đáng chịu đau khổ như Thầy chí thánh. Thật tuyệt vời nếu chúng ta cũng đạt đến trình độ như họ.

Để kết thúc tôi xin kể câu chuyện này:

Văn hào Nga Léon Tolstoi có kể câu chuyện ngụ ngôn như sau:  Có một người hành khất đến trước cửa nhà một người giàu có để xin bố thí. Nhưng mặc cho người khốn khổ van xin, người giàu có vẫn ngoảnh mặt làm ngơ. Đến một lúc không chịu được những lời van xin đó thay vì bố thí, người giàu có đã lấy đá ném vào người hành khất.
Con người khốn khổ ấy lặng lẽ nhặt lấy hòn đá cho vào bị rồi thì thầm trong miệng: "Ta mang hòn đá này cho đến ngày nhà ngươi sa cơ thất thế. Ta sẽ dùng nó để ném trả lại ngươi."
Năm tháng trôi qua, lời chúc dữ của người hành khất đã thành sự thật. Vì tham nhũng, ngươì giàu có bị tước đoạt tất cả tài sản và bị tống giam vào ngục. Ngày hôm đó người hành khất cũng chứng kiến cảnh người ta áp giải người giàu có vào ngục. Nỗi căm hờn sôi sục trong lòng ông. Ông đi theo đoàn người áp tải tay không rời hòn đá mà người giàu có đã ném vào người ông cách đây mười mấy năm. Ông muốn ném hòn đá đó vào người tù để rửa sạch mối nhục hằng đeo đẳng bên ông.
Nhưng cuối cùng nhìn thấy gương mặt tiều tụy đáng thương của kẻ đang bị cùm tay, người hành khất thả nhẹ hòn đá xuống đất rồi tự nhủ: "Tại sao ta phải mang nặng hòn đá này từ bao năm qua?  Con người này, giờ đây chi là một kẻ khốn khổ như ta.