Kính gửi quý Linh Mục,
Tu sĩ nam nữ, chủng sinh và toàn thể giáo dân.
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà anh chị em đều cảm thấy cao đẹp, mọi dân tộc đều khao khát.
Công lý và Hòa bình là hai danh từ mà mấy tháng nay đã khiến cho nhiều người bỡ ngỡ, vì nó đưa ra một đường lối mới, nó trình bày một chủ trương, một cơ cấu mà anh chị em chưa quen thuộc.
Để đáp lại thiện chí của anh chị em mong muốn hiểu biết rõ ràng hầu cùng ưu tư, cùng khắc khoải, cùng cầu nguyện và hành động với Hội Thánh, tôi xin nhắc lại đây: con đường tiến của Hội Thánh trong lịch sử, nguyện vọng của Công Đồng Vatican II, sự thành hình, mục đích và hoạt động của Công lý và Hòa bình.
THỜI ĐẠI MỚI ĐẦY BIẾN CHUYỂN
Thời đại mới, đòi hỏi mới, phương pháp mới. Công đồng Vatican II đã ghi nhận một cách xác tín: “Nhân loại hôm nay đang sống một kỷ nguyên mới của lịch sử, đánh dấu với nhiều thay đổi sâu xa và nhảy vọt đang dần dần lan đến vũ trụ” (MV.4).
“Lịch sử tiến quá nhanh, đến độ mỗi người khó theo dõi. Cộng đồng nhân loại chỉ còn chung một vận mạng, không còn phân tán như xưa với nhiều lịch sử riêng rẽ.” (MV.5).
Chưa lúc nào con người nhiều khả năng, nhiều của cải, nhiều tài lực như hiện nay, thế mà 2 phần 3 nhân loại đang đói rách, và 700 triệu người chưa biết đọc biết viết.
Chưa bao giờ con người ý thức mãnh liệt về tinh thần hiệp nhất, tương trợ, liên đới bằng hiện nay, nhưng cũng chưa bao giờ con người bị cấu xé bởi những bất hòa chính trị, xã hội, kinh tế, chủng tộc, thế hệ, giai cấp như giờ này.
Chưa bao giờ con người khám phá địa cầu và không gian như năm nay, lúc đặt chân lên mặt trăng, nhưng cũng chưa bao giờ con người phải chán nản, cuồng loạn, xáo trộn, mất thăng bằng, hoang mang và bị đe dọa trầm trọng vì chiến tranh như ngày nay, mà con người vừa la nguyên nhân vừa là nạn nhân”.
Nhân loại như ngập chìm giữa biển tối tăm, lo âu, nhìn về Hội Thánh và hỏi:
“Hội Thánh nghĩ gì về con người?
“Hội Thánh muốn đề nghị đường hướng nào để xây dựng xã hội hiện đại?
“Đâu là ý nghĩa cuối cùng của sinh hoạt nhân loại trong thế giới? (MV.11).
Làm sao trả lời được câu hỏi ấy?
Đức Thánh Cha Phaolô VI, Đấng đại diện Chúa Kitô, Người Cha Chung của chúng ta đã vạch cho chúng ta một đường lối trong bức Thông điệp “Phát Triển các Dân Tộc”:
“Các dân tộc đói khổ hạch sách các dân tộc giàu sang” (số 3).
Ta hãy nghe tiếng của họ.
“Hội Thánh động lòng run rẩy khi nghe tiếng kêu từ niềm thao thức ấy và kêu gọi mọi người hãy vì lòng yêu thương đáp lại tiếng gọi của anh em mình” (số 3)
Họ đang ngóng chờ ta.
“Phải hành động gấp, bởi vì số người đau khổ còn quá nhiều và khoảng cách giữa những kẻ tiến người lùi ngày càng lớn” (số 29).
“Sự phát triển đòi hỏi những thay đổi táo bạo, những đổi mới sâu xa. Phải khởi công ngay những cải cách mà không trì hoãn: mỗi người phải đại độ lãnh phần của mình” (số 32).
Khi Đức Thánh Cha vạch rõ những trách nhiệm của chúng ta, ta sẽ tham gia cách nào? Ta dám trì hoãn không?
Không những Đức Thánh Cha Phaolô VI đã nói, nhưng Ngài đã làm, đã tiếp tục công cuộc do Đức Gioan XXIII khởi đầu.
GƯƠNG ĐỨC THÁNH CHA PHAOLÔ VI.
Trái với tập quán của 700 năm về trước, Đức Thánh Cha Phaolô VI trong 7 năm làm Giáo Hoàng, đã 6 lần đích thân đến với thế giới.
Ngài viếng Thánh Địa, Ngài thăm An Độ nghèo đói, Ngài sang Liên Hiệp Quốc trước đại diện 121 nước để kêu gọi hoà bình, tương trợ. Ngài sang Colombia và bán lâu đài để giúp nhân dân xứ ấy một triệu Mỹ kim, Ngài thăm Đại hội Lao Động Quốc Tế tại Genève, Ngài sang Uganda tại Phi châu.
Cử chỉ cao cả của Ngài đầy ý nghĩa. Những chuyến đi của Ngài là những bài dạy hùng hồn. Nhân loại ca ngợi vì đường lối và tinh thần mới do Ngài vạch ra. Thực sự Ngài chỉ làm việc của vị Chủ chăn biết con chiên, với những phương tiện tối tân của thời đại. Ngài đã suy nghĩ lời Đức Thánh Cha Gioan XXIII: “Nếu Hội Thánh không đến với thế giới, thì thế giới không đến với Hội Thánh.”
Hành động ấy do hồn tông đồ của Ngài thúc đẩy, vì như lời Công Đồng: “Mọi canh tân đều bắt nguồn từ nội tâm.”
NGUYỆN VỌNG CỦA CÔNG ĐỒNG VATICAN II.
Chúa Thánh Thần đã dùng Công Đồng Vatican II để đổ vào Hội Thánh nguồn sinh khí mới: Canh tân việc huấn luyện trong Chủng viện, canh tân Phụng Vụ, canh tân các Tu hội, đời sống và việc mục vụ các linh mục, tông đồ giáo dân, thái độ hiệp nhất và đối thoại với các tôn giáo, cải tổ giáo triều có tính cách quốc tế hơn, họp Thượng Hội Đồng Giám Mục hai năm một khóa.
Vì ý thức sự quan trọng của vấn đề, trước khi chia tay nhau, các nghị phụ dự Công Đồng Vatican II đã đưa ra một nguyện vọng quan trọng:
“Để lưu tâm đến những tai ương to lớn mà hôm nay một phần lớn nhân loại là nạn nhân, và để phát triển khắp nơi công bằng cũng như bác ái của Chúa Kitô nhằm phục vụ hạnh phúc của những người nghèo, Công Đồng cho là rất đáng mong ước việc thiết lập một cơ quan của Hội Thánh đại đồng mà mục đích là thúc đẩy các người Công giáo phát triển sự mở mang các miền nghèo nàn và công bình xã hội giữa các quốc gia”. Qua các chuyến công du, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã đau xót nói lên: “Chúng tôi đã được tiếp xúc trực tiếp với những khó khăn ghê giớm đang bóp nghẹt hai lục địa đầy sức sống và đầy hy vọng này (Phi Châu, Nam Mỹ). Chúng tôi thấy tận mắt và như sờ tận tay những nỗi khổ cực …” (Phát Triển các Dân Tộc, số 3).
ĐỨC PHAOLÔ VI ĐÁP LẠI NGUYỆN VỌNG CỦA VATICAN II
Ngày 6-7-1966, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã thiết lập một ủy ban lâm thời, để chuẩn bị tổ chức “Hội đồng Tông đồ giáo dân và văn phòng đặc trách Công lý quốc tế”.
Ngày 6-1-1967, Đức Thánh Cha ban tự sắc “Hội thánh Công giáo Chúa Kitô” (Catholicam Christi Ecclesiam), công bố thiết lập Hội đồng giáo dân và Uy Hội Giáo Hoàng Công Lý và Hòa Bình. Để thí nghiệm, tự sắc phác họa mục tiêu, tổ chức, hoạt động của hai cơ quan.
Ngày lễ Phục Sinh, 26-3-1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã công bố Thông điệp “Phát Triển các Dân Tộc” (Progressio Populorum). Trong phần nhập đề, Ngài dạy rõ:
“Sau hết, vừa rồi đây, để thể hiện nguyện vọng Công Đồng và cũng để mọi người thấy Tòa thánh ủng hộ chính nghĩa của các dân tộc đang cố gắng phát triển như thế nào. Chúng tôi thấy có bổn phận phải thiết lập tại Giáo Triều Roma một Ủy ban trực thuộc Giáo Hoàng có nhiệm vụ “làm cho toàn thể Dân Chúa ý thức trọn vẹn được vai trò mà thời đại hiện tại đang đòi hỏi ở mình, giúp các dân tộc nghèo được thăng tiến: làm cho có sự công bằng giữa các dân tộc, viện trợ cho các dân tộc kém mở mang, để họ có thể phát triển. “Công Lý và Hòa Bình là tên và là chương trình của Uỷ ban này” (Phát triển các dân tộc, số 5).
Như vậy anh chị em thấy là chính Đức Thánh Cha Phaolô VI đã lập ra tổ chức này.
TINH THẦN VÀ MỤC TIÊU CỦA CÔNG LÝ VÀ HÒA BÌNH
Trong huấn từ ban cho Uỷ ban Công Lý và Hòa Bình, ngày 21-4-1967, Đức Thánh Cha đã phác họa một cách rõ rệt tinh thần và mục tiêu của Công Lý và Hòa Bình: “… Trước mắt Cha, các con tiêu biểu nguyện vọng cuối cùng của Công Đồng Vatican II thực hiện (MV.90). Như ngày xưa và ngay cả bây giờ, mỗi khi ngôi Thánh đường hoặc tháp chuông đã hoàn thành, người ta đặt trên nóc nhà hình con gà trống. Hình ảnh này tượng trưng đời sống Công giáo. Cũng giống thế, được đặt trên ngôi nhà thiêng liêng của Công Đồng, Uỷ Ban này không có nhiệm vụ nào khác bằng gìn giữ con mắt của Hội Thánh thức tỉnh, quả tim của Hội Thánh rung cảm và bàn tay của Hội Thánh sẵn sàng đưa hành động bác aí đến với thế giới, như nhiệm vụ của Hội Thánh đòi hỏi, ngõ hầu xúc tiến phát triển các dân tộc nghèo khổ, và cổ vũ thực hiện công bình xã hội giữa các quốc gia.”
NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI Ý THỨC TRÁCH NHIỆM CỦA MÌNH
Nhiều người công giáo nghĩ rằng đi nhà thờ, xem lễ, đọc kinh, làm tuần cửu nhật là chu toàn phận sự một người Công giáo tốt.
Nhưng Chúa Giêsu dạy: “Không phải kẻ nói: Lạy Chúa, Lạy Chúa là được cứu rỗi, chỉ có kẻ thực hiện Thánh ý Chúa Cha mới được cứu rỗi”. Lại đến ngày tận thế, Chúa sẽ phán xét: “Ta đói các con đã cho ăn; Ta khát các con đã cho uống; Ta lữ hành các con đã đón nhận; Ta rách rưới, các con đã cho áo mặc; Ta yếu liệt, các con đã viếng thăm; Ta ở tù, các con đã đến với Ta … Ta nói thật cho các con, khi đối xử như thế với người hèn mọn nhất trong anh em, thì các con đã làm cho chính mình ta vậy” (Mt.25, 31-40).
Vì muốn vạch con đường sống đạo và hành đạo ấy cho giáo dân mà Hội Thánh, trong lúc ban hành thể thức mới về cách hướng các ân xá, đã ban ba cách Ân xá, có ý giúp giáo dân làm cho những việc thường ngày trong đời sống họ được thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô:
Ân xá thứ nhất ban cho giáo dân nào khi làm việc bổn phận và chịu khốn khổ ở đời này mà có lòng khiêm tốn trông cậy Chúa và cầu nguyện, dầu trong tâm hồn cũng được.
Ân xá thứ hai ban cho giáo dân nào vì Đức Tin mà xả thân thí của với lòng nhân ái để giúp anh em lâm cơn ngặt nghèo.
Ân xá thứ ba ban cho giáo dân nào vì muốn đền tội mà tự ý kiêng bỏ một điều mình được phép làm mà mình thích thú.
Khi vạch đường lối mới này, Hội Thánh muốn cho giáo dân không tìm sự thánh thiện viển vông, ngược lại, giáo dân phải hiểu rằng: việc họ làm thường ngày ở công sở, ngoài thị trường, ngoài đồng áng đều là “nối tiếp công việc của Đấng Tạo thành, tham gia vào việc thực hiện chương trình Thiên Chúa trong lịch sử”. Bởi vì sứ điệp Kitô giáo, thay vì làm cho con người dửng dưng trước những nhu cầu công ích của anh em đồng loại, thì trái lại, thúc đẩy con người coi đó là nhiệm vụ rất khẩn trương (MV.34).
Mỗi khi người Công giáo “lãng quên bổn phận đối với đồng loại, tức quên bổn phận đối với Chúa, và làm như thế là nguy hại cho phần rỗi đời của mình”. Tôi xin nhắc lại đây một lần nữa giáo huấn rất mãnh liệt và rõ rệt của Công Đồng: “Tách rời Đức Tin và sinh hoạt nhân loại hằng ngày của nhiều người phải kể là một trong những sai lầm lớn của thời đại chúng ta. Chúng ta chớ dựng lên bức tường giả tạo giữa sinh hoạt nghề nghiệp hay xã hội với đời sống tôn giáo” (MV.43). Chúng ta hãy tĩnh thức để thức tĩnh kẻ khác. Nếu người Công giáo không ý thức trách nhiệm của mình. “Nếu đời sống đạo của họ chỉ thu hẹp trong nhà thờ với vài việc đạo đức thì lầm lạc lắm”, và công việc canh tân của Công Đồng Vatican II vô ích. Anh chị em hãy theo lời Đức Thánh Cha: “giữ con mắt Hội Thánh tỉnh thức” để nhìn các dấu hiệu của thời đại.
MỖI NGƯỜI VÀ MỌI NGƯỜI CÔNG GIÁO CÓ BỔN PHẬN ĐEM HỘI THÁNH VÀO TRONG THẾ GIỚI NGÀY NAY
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Đức Chúa Cha đã yêu thương trần gian và sai Con Một Ngài đến cứu trần gian. Công việc cứu chuộc vẫn tiếp tục. Như Chúa Kitô, Hội Thánh phải nhập thế, mà Hội Thánh không phải chỉ là Đức Thánh Cha hay giáo triều La Mã. Hội Thánh là tất cả Dân Chúa dưới quyền lãnh đạo của Đức Thánh Cha, đại diện Chúa Kitô. Riêng đối với giáo dân, anh chị em phải nhận định rõ nhiệm vụ đem Hội Thánh vào trong thế giới ngày nay.
Trong sắc lệnh Tông Đồ giáo dân (số 1), Công Đồng nhắn nhủ thiết tha: “Hoàn cảnh hiện tại bắt giáo dân phải hoạt động tông đồ cách rộng rãi và mạnh mẽ hơn. Thực vậy, dân số càng ngày càng tăng: khoa học và kỷ thuật tiến bộ; mối liên đới giữa người với người thêm chặt chẽ. Nhưng điều đó không những mở rộng tới vô tận môi trường tông đồ của người giáo dân, môi trường này một phần lớn chỉ có họ (giáo dân) mới đi vào được, nó còn nẩy ra nhiều vấn đề mới, đòi hỏi họ đặc biệt quan tâm và nghiên cứu”.
Hoặc người Công giáo sẽ đem Hội Thánh vào trong thế giới.
Hoặc người Công giáo để Hội Thánh sống bên lề thế giới.
Hoặc các phương tiện tối tân của thời đại sẽ phục vụ công cuộc của Hội Thánh.
Hoặc chính các phương tiện của phát minh khoa học thời nay trở lại làm khí cụ trở ngại cho hành động cứu rỗi của Hội Thánh.
Anh chị em phải làm gì?
Người Công giáo chân thành phải khiêm tốn, can đảm và hiện diện trong xã hội. Trong Thông điệp “Hòa bình thế giới”, Đức Gioan XXIII đã dạy cách thiết thực: “Các hiền tử của ta sẽ không được tự mãn, vì cho rằng mình đã được ánh sáng đức tin, hay là đang ôm ấp một hoài bão được làm việc thiện. Nhưng họ còn phải có mặt trong các chế độ xã hội và từ bên trong, họ phải gieo ảnh hưởng vào các cơ cấu ấy nữa” (số 81).
Có đức tin nhờ lời giảng dạy, nhưng anh chị em hãy thử xét, mỗi tuần nghe giảng nửa giờ, còn mỗi ngày mười mấy giờ, và mỗi tuần bảy ngày, con cái anh chị em, nghe bao nhiêu câu chuyện, bài hát, nghe đài quốc nội và quốc tế, có khi vô ích. Hơn thế nữa trong hai năm, số vô tuyến truyền hình ở Việt Nam đã lên đến 350,000 chiếc, mỗi tháng có 20 phút của Công giáo. Còn các chương trình khác? Hiện giờ thật đáng khen những cố gắng của chuyên viên, nhưng nếu ta không quan tâm, trong tương lai, có thể suốt 30 ngày, mỗi ngày 20 giờ, con cái ta sẽ bị đầu độc. Không ai không đau khổ vì nạn cao bồi, du đãng, hippi, gia đình tan vỡ, ly dị, thiếu niên phạm pháp (có luật sư trong một năm đã phải xử đến 100 vụ ly dị và cũng chừng ấy vụ thiếu niên phạm pháp). Một viện bảo sanh lớn ghi trong thống kê năm 1967, 12,841 trẻ sơ sinh, nhưng trong số ấy có 4,470 khai theo họ cha, còn 8,371 trẻ phải khai theo họ mẹ. Nghĩa là cứ 100 trẻ thì chỉ có 30 đứa trẻ có cha mẹ kết hôn đàng hoàng thôi. Đó là xã hội Việt Nam (1967) chứ không phải Âu Mỹ đâu xa.
Nhiều lãnh vực xã hội trở nên xa xăm, biệt lập, đối với những hạng người ấy, những công việc ấy lắm lúc chúng ta có thái độ lãnh đạm, nếu không phải là khinh miệt, bỏ rơi, lên án, vô trách nhiệm. Nhưng nếu ta vắng mặt, ta không có tiếng nói thì ai sẽ cứu rỗi họ, và nếu đến với họ là tiên tri giả, là muông sói mặc lốt chiên, thì số phận họ khốn khổ quá, đáng thương quá!
Ở đây tôi không có ý làm một bảng thống kê, nhưng tôi muốn nêu lên một ít con số để anh chị em lại gần thực tế và giúp anh chị em suy nghĩ.
Năm 1969 dân số Việt Nam 17,867,000 người, trong số đó:
- Có 5,628,271 thiếu niên dưới 18 tuổi với tỷ số 33.1% với toàn dân.
- Có 2,267,412 học sinh tiểu học, 570,627 học sinh trung học, 39,944 sinh viên đại học, 1,096,000 binh sĩ, độ 300,000 thanh niên du đãng, 300,000 gái mãi dâm, 250,000 công nhân sở Mỹ.
Xã hội Việt Nam ta còn giữ được một hình thức lễ độ, khuôn phép, nhưng với số người đứng tuổi dần dần ra đi và thế hệ mới đang lên, Hội Thánh có đi sâu vào cái thế giới Việt Nam này không? Có thấm nhuần lòng người dân Việt Nam không? Có nhập vào cuộc sống của người Công giáo Việt Nam không?
Chúng ta xin cho “Nước Cha trị đến”, Chúa đã ban ơn, còn ta, ta làm gì? Ơn Chúa ở trong ta đã vô ích rồi sao?
Chúng ta ước mong và cầu nguyện cho Hòa bình, nhưng người Công giáo đã chuẩn bị Hòa Bình chu đáo chưa? Với một số binh sĩ sẽ giải ngũ, với mấy mươi vạn công nhân thất nghiệp, với từng vạn sinh viên tốt nghiệp đại học không đủ công sở, xí nghiệp, kỹ nghệ, thì cảnh nghèo khó bần cùng, chia rẽ, tranh chấp, trộm cướp, trụy lạc, sẽ là một nỗi đe dọa khủng khiếp cho nền văn minh, cho luân lý, cho toàn dân Việt Nam. Cầu nguyện cho Hòa bình mà không suy nghĩ, không lo lắng là thử phép Chúa. Kinh cáo mình mới có câu: “và những điều thiếu sót”, có khi đó là điều trọng và nhiều nữa. Anh chị em hãy nghe lời Đức Thánh Cha: “Không ai có quyền thản nhiên nhìn số phận của con người anh em mình đang chìm đắm trong bần cùng, đang bị ngu dốt dày vò, đang khổ cực vì thiếu an ninh. Người tín hữu cũng phải chạnh lòng như Chúa Kitô, Đấng đã nói rằng: “Ta thương xót quần chúng” (Nc. 8.2). Tất cả mọi người cùng thành tâm khẩn cầu Thiên Chúa cho nhân loại, một khi đã ý thức được những tai họa to lớn ấy thì để lòng trí mà tìm cách đẩy lui nó (Td. Phát Triển các dân tộc 74,74). Anh em hãy trở nên quả tim của Hội Thánh, biết rung cảm trước cảnh tượng đau xót ấy.
NGƯỜI CÔNG GIÁO PHẢI LÀM MỘT CUỘC CÁCH MẠNG XÃ HỘI
Đứng trước một tương lai quá mù mịt, những vấn đề quá bao la và phức tạp, lòng anh chị em rung cảm vì xót xa. Tiếng Đức Thánh Cha kêu gọi lại càng thúc bách:
“Sự phát triển đòi hỏi những thay đổi táo bạo, những đổi mới sâu xa, phải hành động gấp, bởi vì số người đau khổ còn quá nhiều …”
Cuộc cách mạng xã hội ấy, Đức Thánh Cha tóm lại trong danh từ “phát triển”.
Một điều tối quan trọng là phải hiểu đùng nghĩa tiếng phát triển. Người ta thường hiểu: phát triển nghĩa là làm cho giàu có (enrichissement); hoặc là làm tăng giá trị nhờ các phương pháp khoa học (mise en valeur), hoặc khuếch trương bành trướng (expansion); hay là năng suất tối đa (maximation). Tất cả quan niệm ấy chỉ nhắm bên ngoài, chỉ chú ý đến “số lượng”, mà không quan tâm đến giá trị con người toàn diện và tất cả mọi người.
“Phát triển” theo ý Đức Thánh Cha Phaolô VI là thăng tiến con người toàn diện, và thăng tiến mọi người, thăng tiến mọi quốc gia, mọi tầng lớp xã hội.
“Trong ý định của Thiên Chúa, mỗi người sinh ra là để được phát triển, vì mỗi đời sống là một sứ mạng” (số 15).
Đi cho đến cùng, phát triển không thể rời khỏi ơn thiên triệu, nghĩa là tiếng Chúa gọi con người thăng tiến ngày càng “giống hình ảnh Con Một Chúa Cha” (Rm 8.29).
Một nền nhân bản siêu việt làm cho con người sống đầy đủ tột độ cũng chưa đủ làm sao cho con người phát triển toàn diện, tuy là tốt đẹp và đáng mong lắm. Anh chị em hãy xem nước Nhật, Thụy Điển, là những quốc gia có tổ chức xã hội hoàn bị nhất, số con trong gia đình ít nhất, mà cũng lại là nơi có tỉ số tự tử cao vào bậc nhất.
Phát triển chân chính là sống “ra người hơn” theo thiên nhiên phú bẩm cho ta và ơn thánh sủng Chúa đã đổ vào tâm hồn ta.
Phát triển như thế đã trở nên một bổn phận. Bổn phận mỗi cá nhân, mỗi dân tộc, phải làm lợi những tài đức (Phúc Âm gọi là nén bạc) Chúa đã trao cho. Ngày trước Đức Piô XII đã dạy: “Phải làm cho nhân loại từ một thế giới man rợ đến một thế giới xứng với con người đến một thế giới xứng với con Chúa.”
NHỮNG TRỞ NGẠI CHO VIỆC PHÁT TRIỂN
1 – Tham lam
Đối với giáo dân cũng như dân tộc, mục đích tối hậu của phát triển không phải là thêm nhiều của; tuy nhiên chúng ta công nhận của cải vật chất cần cho con người được an ninh, tự do và hân hoan nẩy nở.
Dù thế, con người còn tham lam quá độ, lúc ấy “lòng con người trở nên chai đá và khép kín lại, con người không còn đến với nhau vì tình nghĩa nhưng chỉ vì lợi lộc, lợi lộc đã làm cho con người chống đối nhau và chia rẽ nhau” (Td. Phát Triển. 19)
Anh chị em thấy đủ mọi hình thức tham lam: tham lam của cá nhân, tham lam của đoàn thể, tham lam của giai cấp xã hội, tham lam của các quốc gia. Con người là đồng thủ phạm và là tù nhân của sự tham lam ấy.
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Là dân Chúa, anh chị em hãy suy nghĩ, hãy tự vấn lương tâm, hãy góp phần xây dựng hòa bình an lạc cho đất nước, nhưng nếu “thượng hạ giai chinh lợi” tham nhũng, bất công bằng bất cứ hình thức nào, công khai hay âm thầm, có tổ chức khoa học hay lộ liễu, đều là những tội đối với đồng bào và kêu đến tận trời. Thánh Gioan dạy: “Kẻ có của cải trên đời, nếu thấy anh em mình túng bấn mà khóa lòng dạ lại, không thương nó, thì lòng mến Chúa ở trong kẻ ấy thế nào được?” (1 Gio. 3,12).
Anh chị em hãy sống tinh thần thanh bần của Phúc âm và hãy nhớ lời khuyên bảo đơn sơ và xác thực của Đức Gioan XXIII: “Các con đừng nghĩ đến mình vì các con sẽ thấy mình thiếu nhiều, các con hãy nhìn đến kẻ nghèo khổ, rồi các con sẽ nhìn thấy mình còn nhiều của dư thừa và xa xỉ” (triều yết 11-9-1962).
2- Tinh thần duy vật
Khi mãi tìm tiện nghi và của cải, con người sẽ mù quáng và quên bỏ các giá trị thiêng liêng. Đó là duy vật thực tế, sống động mà xã hội ta đã khởi sự hô hấp, và mỗi ngày từ Âu Mỹ tràn ngập sang. Thật là điên dại đối với con người và các dân tộc trong lúc “vì ham sống vật chất mà hy sinh lý do của cuộc sống” (Td. Phát Triển, 40).
Những chiến dịch chống nạn đói, chống bệnh tật, mù chữ, rất hữu ích. Nhưng nếu nó cũng mang theo các tệ đoan duy vật thì vô tình nó đầu đôc dân chúng.
Nếu phát triển chỉ nhắm mặt kinh tế, vật chất, thì nền nhân bản ấy chỉ có thể thắng lợi ngoài bì phu.
3- Bạo động
Giữa căng thẳng của cơn khủng hoảng hầu như không lối thoát, con người dễ bị lôi cuốn phản ứng bạo động.
Hội Thánh đã tố cáo những “tình trạng bất công kêu tận trời” mà lại cấm bạo động sao?
Xin thưa, Hội Thánh khuyên tránh “những cuộc nội loạn và cách mạng làm cho thêm bất công, đem đến chênh lệch và gây thêm tàn phá” (Phát Triển, 31).
Nhưng chúng ta cũng không quên rằng Đức Thánh Cha cho là hợp lý trong “trường hợp để đánh đổ một chế độ độc tài rõ rệt và kéo dài quá lâu, làm thương tổn nặng nề đến những quyền lợi căn bản của con người, vốn nguy hại lớn cho ích chung của xứ sở”.
Hội Thánh không dạy chấp nhận cách nhẫn nhục các bất công, ngược lại, dạy cách rõ rệt: “Tình trạng hiện tại phải được đương đầu một cách can đảm, những bất công phải được dẹp tan và lướt thắng, những cải cách khẩn cấp phải được áp dụng không trì hoãn” (Td. P.T; 32).
Tiếng nói đanh thép của Đức Thánh Cha kêu gọi, tỉnh thức tinh thần trách nhiệm của anh chị em, thay vì tặng quà, giúp đỡ với tinh thần trên dưới, giàu nghèo, quan thầy với bầy tôi, anh chị em hãy hòa mình vào cuộc sống của họ, chia sẻ nỗi khổ nhục của họ, giúp họ tìm lại phẩm giá và khả năng.
Làm như thế chúng ta tự giúp mình thoát khỏi tình trạng kém mở mang thiêng liêng, xã hội và công dân.
Xin anh chị em tự hỏi mình: “Tôi đã sống xứng với tiếng gọi của Chúa chưa?”
Phát triển toàn diện phải đi liền với phát triển toàn thể nhân loại.
Một chi thể phải yếu đau thì toàn thân phải cực khổ.
Muốn đạt mục tiêu phát triển toàn diện và liên đới; Đức Thánh Cha Phaolô VI nêu lên 3 khía cạnh của bổn phận:
a- Bổn phận liên đới
Anh em của tôi là người không cơm ăn, không áo mặc, là người mù chữ, là người thất vọng.
“Chống bần cùng, tuy cấp bách và cần thiết nhưng không đủ. Vấn đề chính là thiết lập một xã hội, trong đó mỗi người, không phân biệt nòi giống, tôn giáo, quốc tịch, có thể sống một đời sống đầy đủ là con người” (Phát Triển, 47).
Liên đới không phải chỉ là bổn phận giữa cá nhân với cá nhân, mà còn là bổn phận giữa dân tộc với dân tộc.
Trí khôn nhân loại đã đẩy lui các biên giới của vũ trụ: không gian và đại dương đã mở các bí mật cho con người; bệnh tật đã đầu hàng trước khám phá và tiến bộ lạ lùng của khoa học, kỹ thuật. Nhưng còn nạn đói là thảm kịch xưa nhất, mà cũng là thảm kịch của thời đại. Tương lai của văn minh và hòa bình thế giới bị đe dọa nặng nề, vì như nhà bác học dinh dưỡng trứ danh Josué de Castro nói: “ Người ta làm ra nạn đói”. Xâm lăng, trở ngại của thiên nhiên, ngu dốt không sử dụng kỹ thuật tối tân, mê tín theo một số tục lệ tôn giáo, độc quyền của một số quốc gia trên các nguyên liệu, tạo ra đói khổ: trong 3 người trên thế giới có hai người đói. Hằng năm có 20 triệu người chết đói, và trên thế giới có 500 triệu người không bao giờ no. Đức Thánh Cha nói: “Đây là vấn đề sống còn của các dân tộc nghèo, của sự hòa hợp dân tộc trong các nước kém mở mang và của hòa bình thế giới” (Phát Triển, 55).
b- Bổn phận công bình xã hội
Để thực hiện bổn phận liên đới, Đức Thánh Cha Phaolô VI đã hô hào, giúp đỡ nhiều chính trị gia, nhiều nhà kinh tế học trên con đường chống nạn đói, dành phần dư thừa của nước giàu đem giúp các nước nghèo. Tại Bombay, Ngài đã kêu gọi thiết lập một ngân quỹ quốc tế, đóng góp bởi một phần kinh phí, để đem giúp các nước đói kém nhất. Trên thực tế đã có nhiều tiến bộ, các nước dần dần ý thức tham gia. Nếu không có các biện pháp ấy thì tuyên ngôn nhân quyền, kêu gọi hòa bình, chỉ là ảo tưởng và giả hình.
Nhưng tất cả các biện pháp ấy phải đặt trên công bình xã hội, nếu không, “các nước nghèo sẽ hết tín nhiệm ở nước giàu khi họ có cảm tưởng là tay này cho, tay kia lấy lại” (Phát Triển, 56).
Sự cạnh tranh thương mãi vô lương tâm, kẻ yếu bị bóc lột và chấp nhận điều kiện của kẻ mạnh, là “chế độ của con cáo tự do trong chuồng gà tự do”.
Nếu chủ nghĩa tự do cạnh tranh thương mãi vi phạm công bình xã hội, thì chúng ta cũng không quên chủ nghĩa quốc gia quá khích và chủ nghĩa chủng tộc quá khích. Nó tạo nên tủi nhục, hận thù, chia rẽ, tranh chấp ngay giữa lòng các dân tộc; công lý, cuộc sống an bình và sinh mạng bị đe dọa, nhất là khi có tranh chấp vụ lợi bên ngoài nhúng tay vào. Nigeria Biafra là nạn nhân điển hình: trên 2 triệu người chết đói trong hai năm nay vì tranh chấp bộ lạc, vì giành giựt dầu hỏa.
Công lý là tôn trọng lẫn nhau. Muốn có công lý ta hãy tự đặt mình vào địa vị của người kia. Công lý chỉ được hoàn hảo khi đi đến chỗ thiện cảm với nhau, thân thiết với nhau.
c– Bổn phận bác ái huynh đệ
Đức Thánh Cha Phaolô VI nhận định: “Xã hội loài người đau đớn trầm trọng. Nguyên nhân của bệnh tình này không phải là tài nguyên của thiên nhiên kiệt quệ hay lòng tham của một số người vơ vét, mà chính là thiếu tình huynh đệ giữa người với người, cũng như giữa dân tộc với dân tộc” (Phát Triển, 66).
Chỉ có tình bác ái huynh đệ mới tiêu hủy được những nguyên nhân của bất công, của tội ác, của khốn cùng.
Chỉ có tình bác ái huynh đệ mới ngăn cản được “sự tiến bộ của những người này khỏi thành trở ngại cho sự phát triển của những người khác”. Vì đó là dấu hiệu của sự bất công tận gốc rễ.
Tính bác ái huynh đệ ấy phải được thực hiện đối với lớp người trẻ cần được tiếp đón, đối với những người di dân cần được nâng đỡ. Tình bác ái huynh đệ ấy phãi được thực hiện bởi các nhà kinh doanh, những chuyên viên đi giúp phát triển ở nước ngoài.
Tình bác ái huynh đệ ấy phải được thực hiện qua các hiệp ước quan trọng giữa các quốc gia.
Tình bác ái huynh đệ ấy chỉ được thành hình và tồn tại khi công nhận một uy quyền quốc tế hữu hiệu, một cơ cấu pháp lý để chuẩn bị, phối hiệp và điều hành.
Không có bác ái huynh đệ thì không thể nào xây dựng hòa bình chân chính và vĩnh cửu được. Các dân tộc ngày càng khó chịu các nỗi bất công, và sự giận dữ của họ đã rung động thế kỷ 20 này! Các dân tộc giàu đã xung đột nhau trong thế kỷ 20 này cũng vì mâu thuẫn trong việc phát triển, vì họ nhằm phát triển thế lực thay vì phát triển nhân đạo. Ông René Maheu, Giám đốc cơ quan văn hóa quốc tế Unesco đã nói: “Phát triển là một trạng thái tinh thần, nhất là, phát triển là một việc của lương tâm” (Tuyên ngôn 19-4-1967).
Đức Thánh Cha đã trưng lời văn hào Nicolas Bardiaeff, rất đáng cho ta suy nghĩ: “Bánh tôi ăn là vấn đề vật chất, bánh tôi cho anh em là vấn đề thiêng liêng” (Huấn từ 20-4-1967).
Nhân loại không mua hòa bình bằng bác ái huynh đệ thì phải trả giá hòa bình rất cao bằng sự khủng khiếp. Ngay từ 1963, nghĩa là 7 năm trước đây, người ta tính rằng khối bom nguyên tử của thế giới lên tới 320,000 megatôn (mỗi megatôn là một triệu tấn). Nếu đem chia ra cho nhân loại trên thế giới thì mối người được 10 tấn. Đang lúc 2 phần 3 nhân loại đói thì mỗi giờ chiến tranh tiêu thụ hết 14 tỉ Mỹ kim. Với giá một chiếc oanh tạc cơ thôi, người ta có thể xây 75 bệnh viện, mỗi cái có 100 giường, tặng 50,000 chiếc máy cày cho các nước kém mở mang, săn sóc tất cả các người phong cùi trên thế giới và trả lương cho 250,000 giáo viên trong một năm.
Anh chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Tôi chắc anh chị em hiểu vì sao mà Đức Thánh Cha kêu gọi hòa bình, vì sao người sáng lập Công Lý và Hòa Bình, và tinh thần của Công Lý và Hòa Bình là gì?
Xin anh chị em hãy nghe lời Đức Thánh Cha tha thiết mời gọi:
“Giờ hành động đã điểm … Hết thảy mọi người và hết thảy mọi dân tộc đều phải lãnh lấy trách nhiệm… Người Công giáo phải sẵn sàng đứng đầu hàng ngũ những kẻ không từ chối một cố gắng nào để xây dựng, trong thực tế, một nền luân lý quốc tế hợp đạo công bình” (Phát Triển, 81).
Đức Thánh Cha đã kêu gọi các Hội Đồng Giám Mục, các Chủng viện, các Đại học, các Hội Đồng, các nhóm nghiên cứu, mọi đoàn thể giáo dân, đặc biệt giới trẻ, trong chương trình học vấn, trong các cuộc tĩnh tâm, giảng thuyết, dạy giáo lý, phải “học hỏi để hành động” (étude pour l’action).
Đức Thánh Cha dạy cũng phải hợp tác chặt chẽ với các tôn giáo bạn, với các tổ chức quốc gia và quốc tế để học hỏi và hành động cho công lý và hòa bình.
Anh Chị em thân mến trong Chúa Kitô,
Tôi chân thành cám ơn các anh em trong chức Linh Mục, các tu sĩ, các chiến sĩ đã hy sinh nhiều cho Công Lý và Hòa Bình trong năm qua. Tôi xin dùng tiếng của Đức Thánh Cha Phaolô VI: “Có thể nói anh em là tông đồ của công cuộc phát triển và hữu ích” (Td. Phát Triển, 86).
Trong niềm tin tưởng vô biên của ơn Chúa và lòng từ ái của Đức Mẹ Maria, chúng ta hãy hy sinh cầu nguyện và dấn thân phục vụ trong năm mới 1970.
Xin Thiên Chúa Ba Ngôi ban phúc lành cho anh chị em và xin cầu nguyện cho tôi.
Nha Trang, ngày 1 thang 1 năm 1970
Ngày Quốc Tế Hòa Bình
+ Phanxico X. Nguyễn Văn Thuận
Nguồn: Công giáo Việt Nam