Đời người tu hành

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012



Linh mục FX Lê Viết Hùng
Sinh năm 1941, tại giáo xứ Đức Lân, Nghệ An,
Đi tu lúc 16 tuổi;
hơn 10 năm tu luyện tại trường Tiểu và Đại Chủng viện;
13 năm tù đày;
11 năm bị quản chế;
chịu chức linh mục lúc 58 tuổi;
13 năm thi hành chức linh mục;
qua đời ở tuổi 71.





TIỂU SỬ CHI TIẾT


Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng sinh ngày 29/10/1941 tại giáo họ Diệu Ốc, giáo xứ Đức Lân, hạt Đông Tháp (thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
+ Năm 1957-1959: Học ở chủng viện dự bị Xuân Phong

+ Năm 1959-1965: Học ở Tiểu chủng viện Xã Đoài

+ Năm 1968: Chính quyền cộng sản bắt đi cải tạo hơn 10 năm tại trại giam Cổng Trời và sau khi được trả tự do còn bị quản chế đến năm 1998

+ Vào Đại Chủng viện Vinh Thanh: 12-08-1998

+ Thụ phong Linh mục: 26-1-1999

+ Từ tháng 1999 - 2008: Đặc trách đào tạo tiền chủng sinh tại Tòa Giám mục Xã Đoài.

+ Năm 2004: kiêm phụ trách giáo xứ Bùi Ngọa

+ Từ ngày 19-8-2008 đến nay: Quản xứ Trung Song.

+ Vì tai nạn giao thông trên đường đi dâng lễ, ngài đã từ trần hồi 2h20’ ngày 14/2/2012.

Hưởng thọ 71 tuổi, 13 năm linh mục.


-----------------------------------

Lễ an táng Lm FX Lê Viết Hùng

“Nỗi niềm thương tiếc Cha vô hạn, chúng con đau, cả giáo xứ đau khi nghe tin Cha đã lìa xa chúng con. Ngôi thánh đường Cha xây, những dự định của Cha trong năm mới này lẽ nào vắng bóng Cha, chúng con không tin nổi điều này, lần này chúng con biết Cha đã ra đi, đi mãi…”
Lời tiễn biệt của vị chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, cũng là tiếng khóc xé lòng của toàn thể anh chị em linh tông, huyết tộc, thân bằng quyến thuộc cùng gần 3.000 con tim của giáo xứ Trung Song trong ngày tiễn Cha Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng về với lòng đất mẹ.
Không một lời giã biệt, không một dấu hiệu báo trước về sự ra đi. Trong giờ cơm tối, để chuẩn bị đi dâng Thánh lễ tại một họ lẻ trong giáo xứ, cha con còn bàn với nhau về một chuyến đi mục vụ sẽ thực hiện trong ngày mai. Sau khi ra khỏi nhà không xa, một tai nạn giao thông đã lấy đi mạng sống của ngài. Từ Trung Song, tin Cha xứ qua đời đến quá bất ngờ, người người sửng sốt và đau đớn.
Con người mảnh khảnh nhưng đầy cương nghị ấy sinh ra và lớn lên tại giáo họ Diệu Ốc, xứ Đức Lân. Năm 13 tuổi, cái tuổi mà bao bạn bè đồng lứa đang mải mê thả diều, đuổi chuồn bắt bướm, thì chú Hùng đã khăn gói quả mướp rời xa gia đình khởi đầu  đời tu nơi Trường tập Xuân Phong. 16 tuổi, thầy Hùng được gọi vào Trường Latinh (Tiểu chủng viện). Thời gian 6 năm trôi nhanh với những dự phóng ấp ủ cho hành trình linh mục. Mãn Tiểu chủng viện rồi kẻ giảng (giúp xứ) 3 năm… Tưởng chừng mọi sự đã hanh thông với ngày về Trường Lý đoán (Đại Chủng viện). Nhưng (một chữ nhưng mặn chát, uất nghẹn), thầy Hùng bị chính quyền cộng sản bắt giam chỉ vì là “cán bộ” của Chúa, của Giáo Hội, với cái án không bao giờ được xử, không hẹn ngày về… khởi đầu cho những năm dài thương khó. 13 năm đằng đẵng qua hết “trại” này đến “trại khác, và cuối cùng là Trại giam Cổng Trời (Hà Giang) – nơi lưu dấu những chứng nhân tử đạo và bao phận tù nhân oan ức phải vùi xác rừng xanh…
Năm 1981, thầy Hùng được trả tự do, nhưng là thứ tự do trong vòng quản chế. Dù sao đi nữa, ngọn lửa tông đồ vẫn âm ỉ cháy trong con tim và đôi mắt của con người không bị khuất phục bởi cường quyền. Năm 1992, thầy được gọi vào giúp Tòa Giám mục và học hàm thụ tại Đại chủng viện Vinh Thanh, và rồi dù muộn mằn, xây xước, năm 1999, thầy đã được thụ phong Linh mục. Kể từ đó, với tư cách là mục tử, cha Phanxicô Xaviê đã miệt mài dấn thân trong những trách vụ mà bề trên giao phó, từ đặc trách lớp Tiền chủng viện Xã Đoài, quản xứ Bùi Ngọa, linh hướng, cha giải tội cho dòng Mến Thánh Giá Xã Đoài, và sau cùng là quản xứ Trung Song…
Từ 3 ngày nay, Trung Song trắng một màu tang tóc, u buồn. Buổi sáng ngày 16/02, trời mưa tầm tã, ngày tiễn cha đi…
Thánh lễ an táng và nghi thức tiễn biệt cố linh mục Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng diễn ra lúc 9 giờ. Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế Thánh lễ trước sự hiện hiện của gần 100 linh mục trong và ngoài giáo phận, quý chủng sinh, nam nữ tu sĩ và đông đảo bà con xa gần.
Giảng trong Thánh lễ, Đức Cha Phaolô Maria nói về sự chết như là cánh cửa mở ra cho đời sống miên viễn. Nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã hủy diệt cái chết của chúng ta, nhờ sự sống lại của Ngài, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta (x. Lời tiền tụng trong Kinh nguyện Thánh Thể Mùa Phục Sinh). Qua cái chết của Chúa, người Kitô hữu có khả năng đi vào sự sống đời đời, tiến tới mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng đã đến với nhân loại qua Chúa Phục Sinh. Như thế, cái chết của cha Phanxicô Xaviê mở ra chân trời mới, là cửa ngõ đưa ngài vào Nước Trời. Do đó, cái chết của ngài không phải là ngõ cụt, một sự thất bại, nhưng đem lại cho ngài sự sống đời đời.
Đức Cha cũng nhấn mạnh đến thứ hoa trái thiêng thánh mà người linh mục đã miệt mài gieo vãi suốt những năm tháng sống trên trần gian. Hoa trái đó không chỉ được định hình ở những công trình xây dựng, ở một số quan điểm, việc làm đạo đức mà quan trọng hơn, nó còn được biểu hiện suốt hành trình kiếm tìm, lựa chọn và cống hiến trọn vẹn cho lẽ sống cuộc đời.
Sau nghi thức phó dâng và tiễn biệt là lễ di quan ra khu vực huyệt mộ. Bà con giáo dân đứng kín dọc các lối đi khi di ảnh và linh cữu rước qua, lưu luyến tiễn biệt người mục tử đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng.
Khép lại chặng hành trình 71 năm cuộc đời trần thế, 13 năm linh mục, cha Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng đã đột ngột vĩnh viễn nằm xuống giữa nỗi đau, sự trống vắng của người ở lại. Lời ai điếu trong nước mắt nhưng với niềm tín thác mạnh mẽ vào Chúa Phục sinh, chúng ta chắc rằng, linh hồn cố linh mục Phanxicô Xaviê sẽ được thưởng công xứng đáng với những hy sinh của một đời mục tử mà ngài đã dấn thân không mỏi.
Jos. Văn Huệ