Chúa nhật I mùa Chay: Đừng chết vì những lời đường mật!

Thứ Bảy, 25 tháng 2, 2012

Lm JB Phạm Quang Long

Cứ đến tuần I mùa Chay, chúng ta lại đọc câu chuyện Chúa Giê-su chịu cám dỗ. Tin mừng thánh Marco hôm nay chỉ nói vắn gọn: “Người ở trong sa mạc 40 ngày, chịu satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú và có các thiên thần hầu hạ người”.


“Người ở trong sa mạc 40 ngày, chịu satan cám dỗ”. Câu ngắn ngủi này gợi nhớ về biến cố xuất hành. Khi ra khỏi Ai Cập, dân Do Thái đi trong hoang địa Sinai 40 năm, ở đó họ đã gặp những thử thách cam go về lòng trung thành với Thiên Chúa (x. Xh 16,1-4; 17,1-17; Đnl 8,2).

Chi tiết “Người sống giữa loài dã thú” làm ứng nghiệm lời tiên báo của Isaia về thời đại Messia: “Sói sống chung với chiên, beo nằm bên dê nhỏ, sư tử với bê ở chung một chuồng, và một đứa trẻ dẫn chúng đi ăn” (11,6). Điều này làm sống lại hình ảnh tốt đẹp thuở ban đầu ở vườn địa đàng, nơi đó con người và sinh vật sống hài hòa với nhau (x. St 2,18-20).

Còn chi tiết “các thiên sứ hầu hạ Người” muốn nói đến việc Thiên Chúa hiện diện và cứu giúp.

Như vậy, Đức Giêsu gặp lại những cám dỗ mà Israel xưa kia đã phải chịu trong hoang địa Sinai, nơi mà Israel đã thất trung với Thiên Chúa, thì Chúa Giêsu, như một Môsê mới, đã trọn vẹn trung thành. Đức Giêsu hoàn tất cuộc Xuất hành mới và lập thành dân mới của Thiên Chúa.

Đó là ý nghĩa của đoạn Tin mừng chúng ta vừa nghe.

Đoạn Tin mừng gợi ý cho chúng ta suy niệm về Đức Giê-su với tư cách là một con người. Đức Giê-su giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi: Ngài cũng bị cám dỗ như chúng ta, nhưng Ngài không nghe theo chước cám dỗ.

Tôi nhớ đến bộ phim “Cơn cám dỗ cuối cùng của Đức Kitô” ( The last temptation of Christ). Bộ phim, được sản xuất năm 1989, phỏng theo tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Hy lạp Nikos Kazantzakis, vốn đã làm xôn xao dư luận một thời. 

Phần cuối của bộ phim kể rằng: Trong giờ phút hấp hối, Giêsu bị ngất đi. Trong cơn hôn mê, chàng thấy mình xuống khỏi thập giá, tìm Mađalêna và cưới nàng làm vợ. Sau đó chàng còn tìm hai cô gái khác là Matta và Maria, và cũng cưới luôn hai người này. Chàng có rất nhiều con và sống hạnh phúc… Cuối cùng, Giêsu tỉnh dậy, lắc đầu xua đuổi cơn cám dỗ, hô to một tiếng: "Mọi sự đã hoàn tất", rồi tắt thở.

Đoạn phim này không có thật, chỉ là hư cấu của nhà văn. Chú tâm vào khía cạnh con người của Đức Giêsu, ông đã tưởng tượng những cơn cám dỗ và những cuộc chiến đấu vô cùng cam go mà con người Giêsu phải đương đầu. Mục đích là để thấy rõ hơn nơi Đức Giêsu chính là mẫu mực cho con người. Tác giả thổ lộ: "Trong khi viết tôi đã cảm động đến phát khóc. Tôi chưa bao giờ cảm thấy máu của Chúa rơi từng giọt vào tim tôi với sự ngọt ngào như vậy, với nỗi đớn đau như vậy."

Nói về nhân tính của Đức Giê-su cũng là một cách đề cập đến những vấn đề của con người. Là Kito hữu, chúng ta được mời gọi sống đạo lý cao siêu trong thân phận phàm nhân yếu đuối, điều mà thánh Phaolo mô tả như là những đồ quý được chứa đựng trong các “bình sành dễ vỡ”. “Điều tôi muốn thì tôi không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7,15).

Là Kito hữu, chúng ta được mời gọi sống bác ái, vui tươi, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ, v,v; trong khí đó xác thịt yếu đuối lôi kéo chúng ta nghiêng chiều về những điều ngược lại: thù hận, bất hòa, ghen tuông, nóng giận, tranh chấp, chia rẽ, bè phái, dâm ô, phóng đãng … và những thứ giống như thế (x. Gl 5,21-22).

Ai trong chúng ta mà không phải thường xuyên đương đầu với những cám dỗ triền miên trong cuộc đời là Kito hữu? Những lúc như thế, hãy nhớ rằng Đức Giê-su đã từng chịu cám dỗ như chúng ta và Ngài đã chiến thắng. Hãy học cùng Ngài, hãy bám vào Ngài để có sức vượt qua cám dỗ.

Khi biết mình yếu đuối, chúng ta cần chạy trốn những dịp tội; tập nói không với cám dỗ ngay từ đầu. 

Trường hợp thánh Benedicto là một thí dụ điển hình về sự chống trả cám dỗ. 

Để sống cho một mình Thiên Chúa, Benedicto trốn lên miền núi, ẩn mình trong một cái hang, thinh lặng cầu nguyện và ăn chay hãm mình. Bộ áo dòng là một tấm da cừu, thực phẩm là rễ cây và ít mẩu bánh mì người ta gởi tới trong một cái thúng cột giây thả xuống.

Ma quỷ rất tức giận vì các nhân đức thánh nhân. Chúng dùng nhiều chước cám dỗ để lôi kéo Ngài bỏ sa mạc trở về thế gian. Ngài thường làm dấu thánh giá để xua đuổi các cơn cám dỗ. Một lần kia bị cám dỗ về tình dục, Ngài liền cởi áo và lăn mình vào bụi gai đến chảy máu ra. Từ đó tư tưởng xấu hoàn toàn bị chinh phục và không còn quấy rầy Ngài nữa.

Mặt khác, chúng ta cần biết biện phân nhằm nhận ra đâu là cạm bẫy của ma quỉ để tránh né. Dối trá, chia rẽ, lừa gạt, thù hận… đó là bản chất của ma quỉ hay những kẻ thuộc về nó.

Truyện kể rằng có một con bọ cạp và con ếch gặp nhau ở bờ suối. Bọ cạp nhờ ếch cõng trên lưng để băng qua suối. 

Ếch hỏi: ‘Làm sao bảo đảm rằng anh sẽ không chích tôi? 


Bọ cạp đáp: ‘Bởi vì nếu tao chích mày, tao cũng sẽ chết chìm’. 

Nghe xuôi tai, ếch cõng bọ cạp qua suối, nhưng đến giữa dòng thì bọ cạp chích ếch. Ếch bị tê liệt, không bơi được và cả hai bắt đầu chìm.


Biết cả hai sắp chết chìm, nhưng chỉ còn chút thời gian, ếch hỏi: ‘Tại sao ông chích tôi’?

Bọ cạp đáp: ‘đó là bản chất của tao’.

Con ếch bị chết vì nghe lời bọ cạp, mặc dầu nó biết trước bọ cạp là độc. 

Vậy ai là kẻ khôn ngoan thì đừng chết vì những lời đường mật của thế gian.

ĐC Hoàng Đức Oanh nói về nhà đất Giáo hội bị nhà cầm quyền chiếm dụng

Thứ Hai, 20 tháng 2, 2012

Đức giám mục Kontum đề xuất hướng giải quyết tài sản nhà đất của Giáo Hội
GM Hoàng Đức Oanh: "Ban Tài Sản cùng với các Giáo phận và Dòng tu trao đổi và thoả thuận đi tới một danh sách phân thành 3 loại. Loại 1: Gồm các chủng viện, tu viện, nhà thờ… Chiếm đoạt các cơ sở loại này cũng có nghĩa là cấm đạo! Có khác chi một con người bị chặt hết chân tay không còn hoạt động được! Loại này dứt khoát đòi lại, không có chuyện khoan nhượng!

                                            TOÀ GIÁM MỤC KONTUM
                                            Office of the Bishop - Diocese of Kontum
                                            146 Trần Hưng Đạo - Kontum - Việt Nam
                                            Số 17/VT/’12/tgmkt

                                            Kontum ngày 15.02.2012


Kính gửi: Đức Cha Tôma Nguyễn văn Tân
                 Giám Mục Giáo Phận Vĩnh Long.
                 103 Đường 3/2. Tp Vĩnh Long.
                  Email: tgmvinhlong@gmail.com;
                     tomatan@gmail.com

Trọng kính Đức Cha,
Sống trên mảnh đất Tây Nguyên nhiều đặc thù, Giáo phận Kontum chúng con đã phải trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt kéo theo bao hậu quả đau đớn. Đặc biệt từ 1972, hầu như các cơ sở của Giáo Hội phía bắc tỉnh Kontum đã bị chiến tranh tàn phá bình địa. Còn sau 1975, các cơ sở tôn giáo hầu như nằm trong tay quản lý của chính quyền. Có nơi thì mượn mà tới nay không trả như Trung tâm tình thương; có chỗ thì tịch thu như Trường đào tạo Yao phu Cuenot ở Kontum hay Nhà thờ Hiếu Đạo ở Pleiku. Chúng con đã hơn một lần đòi lại nhưng tới nay vẫn chưa có kết quả. Hình như chẳng ai có quyền hay dám giải quyết. Hình như “không ai bảo được ai”. Chẳng lẽ đấy là lề lối hành xử của chính quyền mới?Do đó, chúng con rất thông cảm với Đức Cha và Giáo phận Vĩnh Long khi hay biết chính quyền có chương trình biến chất Đại chủng viện Vĩnh Long mà không quan tâm tới nguyện vọng chính đáng của phía Giáo hội. Chắc hẳn dân rất bức xúc! Nỗi bức xúc đó ngày càng tăng, vì tài sản của Giáo hội hầu như dần dần bị biến dạng vô tội vạ!

Chuyện tài sản của người dân, cách riêng của các giáo hội, đã và đang làm khổ bao nhiêu người. Từ mọi phía. Nếu Giáo hội có lên tiếng đòi lại các cơ sở thuần túy tôn giáo và chính yếu, thì không chỉ “vì là tài sản vật chất”, mà còn vì cái “quyền tự do tôn giáo” cũng như vì quyền lợi của những người dân thấp cổ bé miệng bị oan ức khắp nơi đã bị tước đoạt từng tấc đất tấc ruộng do mồ hôi xương máu đổ ra từ bao đời. Cụ thể và rõ ràng như vụ cưỡng chế tài sản của gia đình Ông Đoàn Văn Vươn ngày 05.01.2012 vừa qua ở Tiên Lãng. Tạ ơn Chúa cám ơn gia đình Ông Đoàn Văn Vươn. Vụ việc này đã và còn đang thu hút sự quan ngại của thế giới cũng như của những người tha thiết đến quê hương đất nước này! Vụ việc này “mở mắt” được nhiều người!

Về chuyện đất đai tài sản của Giáo Hội, chúng con thiển nghĩ đã đến lúc giữa Giáo hội và Chính quyền cần ngồi lại giải quyết một lần sao cho nhẹ nhàng và tốt đẹp! Tội nghiệp cho nhiều người hôm nay phải gánh chịu những việc làm bất công của những người đi trước “đã nhẹ nhàng rũ tay và đáp bãi an toàn”. Nhiều tài sản đã bị “họ” “biến hóa”! Chúng ta có thể nghĩ tới mô hình Hiệp Ước Latran giữa Tòa Thánh và chính quyền Italia thời 1929 không? Giáo hội có thể đi bước trước? Có thể đưa ra một đề nghị gợi ý “một tiến trình ba bước” như sau được không?

* Bước 1 :

Có một Ban phụ trách tài sản của Giáo hội đi thu thập toàn bộ các cơ sở của Giáo hội hiện do Nhà Nước đang quản lý từ 1954.

Các Giáo phận, các Dòng tu lập danh sách này với đầy đủ chi tiết cần thiết như : cơ sở ban đầu là gì; ngày tiếp thu; sử dụng vào việc gì? Tiếp thu kiểu nào? Sau đó và nay đang sử dụng ra sao? Đề nghị cụ thể?

* Bước 2 :

Ban Tài Sản cùng với các Giáo phận và Dòng tu trao đổi và thoả thuận đi tới một danh sách phân thành 3 loại :

1) Loại 1: Gồm các chủng viện, tu viện, nhà thờ… Chiếm đoạt các cơ sở loại này cũng có nghĩa là cấm đạo! Có khác chi một con người bị chặt hết chân tay không còn hoạt động được! Loại này dứt khoát đòi lại, không có chuyện khoan nhượng!

2) Loại 2: Gồm các cơ sở giáo dục, từ thiện bác ái như trường học, bệnh viện, cô nhi viện… Loại này để chính quyền tiếp tục sử dụng theo đúng mục đích ban đầu. Nếu làm sai, tất cả các nơi đều lên tiếng phản ứng.

3) Loại 3: Là tất cả các tài sản khác như đất đai, ruộng vườn, … Giáo hội không đòi lại các cơ sở này và để phục vụ xã hội. Loại này có thể lên tới 60% tài sản của mỗi nơi.

* Bước 3 :

Ban Tài Sản sẽ trao cho chính quyền danh sách đã được thỏa thuận. Từ đó toàn thể Giáo hội Việt Nam sẽ có tiếng nói và phản ứng chung theo mục đích loại 1 và loại 2 trên đây. Không có phản ứng lẻ tẻ. Không còn phải nhìn ngó nhau. Như vậy Giáo hội đã mở lối thênh thang cho chính quyền bước tới. Như vậy sẽ tránh cho xã hội không còn phải bận tâm đối phó. Đó là một thể thức yêu Nước thiết thực và cụ thể.

Trọng kính Đức Cha,

Thay mặt toàn thể gia đình Giáo phận Kontum, chúng con hoàn toàn hiệp thông với Đức Cha và Quý Giáo phận trong việc đòi chính quyền Vĩnh Long giải quyết vụ việc có tình có lý theo đúng phép công bằng và đạo đức.

Hiệp thông trong niềm tin vào Thiên Chúa là Chủ lịch sử.

+ Micae Hoàng Đức Oanh
Giám mục Giáo phận Kontum.


Các giáo phụ nói về ngừa thai và phá thai

Chủ Nhật, 19 tháng 2, 2012

Mới đây, chính phủ Obama muốn ủy thác cho mọi người, kể cả các viện Công giáo, trả giá cho việc ngừa thai, các loại thuốc triệt sản và phá thai, đã nêu lên vấn đề giáo huấn Công giáo về các vấn đề này.


Didache.jpg



Một số nhà phê bình đã lầm lẫn cho rằng Công giáo cấm làm các việc này khi nói tới Tông thư Humanae Vitae (Sự sống Con người, 1968 – nói về điều chỉnh sinh sản) của ĐGH Phaolô VI năm 1968, hoặc hoặc Tông thư Casti Connubii (1930 – nói về tiết hạnh hôn nhân) của ĐGH Piô XI năm 1931.Tông thư của ĐGH Piô XI được viết để đáp lại sự thay đổi luân lý của Anh giáo, đã xói mòn nhiều thế kỷ do sự kết án của Tin Lành về việc ngừa thai bằng cách cho phép điều đó từ Hội nghị Lambeth ngày 15-8-1930.ĐGH Phaolô VI viết Tông thư Humanae Vitae để phản đối loại thuốc ngừa thai mới được phát minh, không chấp nhận đó là phương tiện tránh thai hợp pháp đối với người Công giáo. Tuy nhiên, các Tông thư này, cùng với gần 100 phán quyết của Tòa thánh trong thế kỷ XX kết án việc tránh thai nhân tạo, chỉ trình bày lại lịch sử của thần học luân lý về vấn đề này.Người Công giáo biết lịch sử này về giáo huấn luân lý về việc ngừa thai và phá thai để lấy lại vị thế của mình ngược với ủy quyền này, cũng như biết sống tốt đức tin Công giáo hơn. Vì thế, chúng ta sẽ đưa ra một số văn bản từ các nguồn của các Giáo phụ thời kỳ đầu của Kinh thánh để chứng minh Kinh thánh đã phản đối những việc này như thế nào, phổ biến trong xã hội Hy La.
The earliest reference to contraception and abortion is in the Didache (/
ˈdɪdək/; Koine Greek: Διδαχή; Didachē nghĩa là Giáo huấn) hoặc Giáo huấn của 12 Tông đồ, tài liệu này từ nửa sau thế kỷ I hoặc đầu thế kỷ II. Didache viết: “Người ta không được hạn chế sinh sản, không được giết thai nhi bằng cách phá thai, hoặc giết cái gì do mình gây ra”.Nhiều bản dịch gọi là “thực hành ma thuật” (practice sorcery) vì từ ngữ Hy Lạp đôi khi có nghĩa đó (x. Kn 12:4; Gl 5:20; Kh 18:23). Tuy nhiên, nó cũng có nghĩa là thực hành y học hoặc dùng độc dược, và thuật ngữ này có thể ám chỉ các biện pháp tránh thai, đó là trường hợp trong các văn bản sau đây.Một văn bản thời kỳ đầu là Epistle of Barnabas (Thư của Thánh Barnaba): “Người ta không được giết một đứa trẻ bằng cách phá thai, cũng không được hủy hoại nó sau khi nó sinh ra”. Điều này cũng cho thấy rằng các Kitô hữu thời kỳ đầu cấm phá thai.Thế kỷ II, thánh Clêmentô thành Alexandria viết trong Paedagogus (Παιδαγωγός, tác phẩm thứ nhì trong ba tác phẩm nổi tiếng của ngài): “Các phụ nữ dùng loại thuốc phá thai nào đó thì không chỉ giết phôi thai mà còn giết cả nhân loại”. Câu này ủng hộ cách dịch của chúng ta đối với từ Didache bàng cách nói đến cách dùng thuốc phá thai.
Năm 177, Athenagoras thành Athens viết trong cuốn Supplication for the Christian (Thỉnh cầu người Kitô giáo): 
“Khi chúng tôi nói rằng các phụ nữ dùng thuốc phá thai là phạm tội giết người, và sẽ phải trả lẽ trước mặt Chúa về việc phá thai, chúng ta phá thai vì luật nào?”Đây là văn bản đầu tiên trong nhiều văn bản của các Giáo phụ xác định việc phá thai với tội sát nhân, cho thấy giá trị cao đối với tính người của thai nhi. Cuốn Lời xin lỗi của Tertullian năm 197, ông vẫn hiệp thông với Giáo hội, ghi: “Trong trường hợp của chúng ta, giết người một lần cũng bị cấm, chúng ta không thể hủy hoại ngay cả bào thai còn trong tử cung, vì thai nhi đã lấy máu từ các phần cơ thể để là chất bổ dưỡng. Cản trở sinh sản là cách giết người mau hơn; dù người ta giết một sinh vật đã ra đời hoặc hủy hoại một sinh vật sắp sinh ra”. Chính Tertullian là người đã kết hôn và hiểu phẩm giá của thai nhi trong tử cung.Thế kỷ III, Minucius Felix (năm 226) viết trong cuốn Octavius“Bằng cách uống thuốc, có một số phụ nữ hủy hoại con người trong chính cung lòng mình, vậy là họ phạm tội giết người”.Khoảng năm 228, thánh Hippôlytô viết về các phụ nữ không lập gia đình, kể cả một số người là Kitô hữu, có thai “bất hợp pháp”. Trong cuốn Refutation of All Heresies (Bác bẻ các Tà thuyết), thánh Hippôlytô viết: “Phụ nữ là tín hữu mà lại dùng thuốc ngừa thai và bó buộc mình, để họ loại bỏ cái mình thụ thai vì không muốn có con hoặc vì nô lệ hoặc vì bạn tình, vì mục đích gia đình và vật chất. Đó là trái đạo lý vì vừa phạm tội dâm dục vừa phạm tội sát nhân! Vả lại, sau những hành động trơ tráo như vậy, họ không còn biết xấu hổ khi nhận mình là Công giáo”.Thánh nhân cân nhắc động thái của họ là chối bỏ tình trạng Kitô hữu. Tài liệu Constitutions of the Holy Apostles (Hiến pháp của các Tông đồ) viết: “Người ta không được giết con mình bằng cách phá thai, hoặc giết cái gì được tạo ra, vì mọi thứ được hình thành và tiếp nhận linh hồn từ Thiên Chúa, nếu nó bị giết thì sẽ bị trả báo, vì đã hủy hoại bất chính”.Câu này chứng tỏ rằng bào thai có linh hồn và sự sống của nó phải được bảo vệ ngay từ khi thụ thai.Thế kỷ IV, các tác giả Hy Lạp và Latin đã nói về các vấn đề này. Thánh Augustinô (*) viết trong cuốn On Marriage and Concupiscence (Hôn nhân và nhục dục, năm 419): “Tôi giả sử, dù người ta không ăn nằm với vợ để sinh con đẻ cái, không để dâm dục làm bế tắc việc sinh con vì ý xấu. Những người làm vậy, dù họ là vợ chồng, thì không còn là vợ chồng; hoặc họ ngăn cản thực tế hôn nhân, nhưng với một người đứng đắn đã che giấu điều ô nhục”.Thánh Basiliô Cả viết trong First Canonical Letter (Thư Giáo luật thứ nhất, năm 374): “Phụ nữ cố ý hủy hoại đứa con chưa sinh của mình là phạm tội giết người. Với chúng ta, không có hướng dẫn để được hoặc không hình thành. Trong trường hợp này, đó không chỉ về việc sinh ra người được xác nhận, mà phụ nữ đó còn tự tấn công mình, vì trong đa số trường hợp, các phụ nữ đều muốn chết. Hủy hoại thai nhi là thêm trọng tội khác, tội giết người lần thứ nhì, với mọi sự kiện, nếu chúng ta coi điều đó là cố ý làm”.Lý do ngài nói đến “việc điều tra có được định hình hay không” mà một số thần học gia nghĩ rằng một linh hồn không phát triển trong bào thai cho tới táng thứ ba hoặc muộn hơn. Thánh Basiliô cho biết rằng điều này không là vấn đề vì ở bất cứ giai đoạn nào thì việc hủy hoại bào thai đều là “tội trọng” và là “giết người”. Pace Nancy Pelosi nói rằng vì thánh Augustinô nghĩ rằng linh hồn bắt đầu có trễ trong thai kỳ, do đó việc phá thai có thể chấp nhận trong thời gian đầu. Thánh Basiliô cho rằng lý luận sai lầm như vậy là vô căn cứ (unfounded).Thánh Giêrônimô viết trong Lá thư 22 gởi Eustochium (năm 396): “Một số người, khi thấy mình có con ngoài ý muốn, họ dùng thuốc để phá thai, và khi họ chết với đứa con (thường xảy ra), họ vào “thế giới thấp” mang theo tội không chỉ là tội ngoại tình chống lại Thiên Chúa, mà còn phạm tội tự tử và giết con mình. Những người này nói: “Tới mức tinh khiết thì mọi thứ đều tinh khiết. Lương tâm tôi đủ hướng dẫn cho tôi. Trái tim thuần khiết là cái Thiên Chúa kiếm tìm”.Ở đây, thánh Giêrônimô từ chối lương tâm của sự phá thai là sự hướng dẫn đầy đủ. Những điều này được làm rõ trong các thế kỷ sau, lương tâm phải được định hình đúng để Thiên Chúa có thể thực sự tìm được tâm hồn thuần khiết trong mỗi con người.Không chỉ các thần học gia nổi tiếng nói về việc phá thai và tránh thai, một số Công đồng cũng đề cập. Công đồng Elvira ở Tây Ban Nha (năm 305) tuyên bố 2 điều cấm cử hành các bí tích cho các phụ nữ phá thai: “Nếu một phụ nữ có thai vì tội ngoại tình, khi chồng vắng nhà, và sau đó phụ nữ này hủy bỏ đứa con, phụ nữ này không được rước lễ cho tới lúc chết, vì phụ nữ này phạm 2 trọng tội”. Giáo luật 68 viết: “Nếu một tân tòng mang thai vì gian dâm và giết hại đứa con, phụ nữ này chỉ có thể được rửa tội lúc cuối đời”.Quyết định tương tự cũng đạt được tại Công đồng Ancyra (năm 314): “Liên quan các phụ nữ phạm tội gian dâm và phá thai, hoặc những người được thuê làm thuốc phá thai, họ không được rước lễ cho tới lúc chết”.Không Giáo phụ nào hoặc Công đồng nào đưa ra ý kiến ngược lại về vấn đề tránh thai và phá thai. ĐGH Piô XI, Chân phước Phaolô VI và Chân phước Gioan Phaolô II cũng đưa ra giáo huấn về vấn đề tương tự bắt đầu từ các thế hệ đầu tiên, tiếp tục qua thời Trung cổ, và được các nhà cải cách Tin Lành dạy. Chính Martin Luther gọi những người dùng biện pháp tránh thai là “ngu xuẩn”, “thú vật” và “con heo”. Còn John Calvin nói rằng việc tránh thai “bị kết án” và “hết sức ghê tởm” trong khi phá thai là “trọng tội không thể chuộc tội”.
Các ĐGH đã kêu gọi Giáo hội áp dụng phương pháp luân lý và thánh thiện đối với hôn nhân và sinh sản con cái. Chúng ta định hình lương tâm theo ánh sáng của truyền thống kiên định này, đồng thời chúng ta dạy và sống như vậy nhờ hồng ân Thiên Chúa ban cho chúng ta.



TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ NCRegister.com)



(*) Khi viết điều này, ngài đã làm giám mục GP Hippo, ngài cũng đã “có tiếng” là sống với vợ lẽ 14 năm và có 1 con trai với bà này. Do đó, ngài có kinh nghiệm sống gia đình và rút kinh nghiệm từ những sai lầm của mình.


Tôn giáo và hạnh phúc


Tôn giáo và Hạnh phúc
VRNs (20.02.2012) – European Social Survey – Cuối năm 2011, để phân tích kinh nghiệm về nỗ lực của tôn giáo đối với hạnh phúc, người ta đã sử dụng các dữ liệu từ 3 đợt (2002/2003, 2004 và 2006) của tổ chức Nghiên cứu Xã hội Âu châu (ESS – European Social Survey) đối với 114.019 cá nhân ở 24 quốc gia.
Các dữ liệu này cung cấp thông tin về đặc tính cá nhân như giới tính, tuổi tác, thu nhập, sức khỏe tổng quát theo quan điểm cá nhân, tình trạng hôn nhân, hoạt động chính, số con và trình độ học vấn, và những phương diện khác,…
Khi làm trắc nghiệm thống kê tìm các mối tương quan các biến số giữa hạnh phúc và tôn giáo, người ta có kết quả chủ yếu là:
1. Có hệ quả quan trọng thuộc về tôn giáo đối với hạnh phúc. Những người theo một tôn giáo nào đó sẽ sống hạnh phúc hơn những người không có tôn giáo.
2. Tôn giáo hoặc giáo phái có hệ quả quan trọng đối với hạnh phúc. Người Tin Lành, các tín đồ Kitô giáo khác và người Công giáo cho biết họ hạnh phúc hơn người theo Chính thống giáo và các Giáo hội Đông phương.
3. Dường như có mối quan hệ tích cực giữa mức độ tôn giáo ở một người đối với hạnh phúc: Càng sùng đạo càng hạnh phúc. Tuy nhiên, những người tự coi mình là “không có tôn giáo” (0) có mức hạnh phúc tương đối so với những người có mức 5 về tỷ lệ sùng đạo.
4. Thường xuyên tham dự các nghi lễ tôn giáo cũng tương quan với hạnh phúc: những người hàng ngày tham dự các nghi lễ tôn giáo thì hạnh phúc hơn những người không tham dự.
Trầm Thiên Thu

Đời người tu hành

Thứ Năm, 16 tháng 2, 2012



Linh mục FX Lê Viết Hùng
Sinh năm 1941, tại giáo xứ Đức Lân, Nghệ An,
Đi tu lúc 16 tuổi;
hơn 10 năm tu luyện tại trường Tiểu và Đại Chủng viện;
13 năm tù đày;
11 năm bị quản chế;
chịu chức linh mục lúc 58 tuổi;
13 năm thi hành chức linh mục;
qua đời ở tuổi 71.





TIỂU SỬ CHI TIẾT


Linh mục Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng sinh ngày 29/10/1941 tại giáo họ Diệu Ốc, giáo xứ Đức Lân, hạt Đông Tháp (thuộc xã Phúc Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An).
+ Năm 1957-1959: Học ở chủng viện dự bị Xuân Phong

+ Năm 1959-1965: Học ở Tiểu chủng viện Xã Đoài

+ Năm 1968: Chính quyền cộng sản bắt đi cải tạo hơn 10 năm tại trại giam Cổng Trời và sau khi được trả tự do còn bị quản chế đến năm 1998

+ Vào Đại Chủng viện Vinh Thanh: 12-08-1998

+ Thụ phong Linh mục: 26-1-1999

+ Từ tháng 1999 - 2008: Đặc trách đào tạo tiền chủng sinh tại Tòa Giám mục Xã Đoài.

+ Năm 2004: kiêm phụ trách giáo xứ Bùi Ngọa

+ Từ ngày 19-8-2008 đến nay: Quản xứ Trung Song.

+ Vì tai nạn giao thông trên đường đi dâng lễ, ngài đã từ trần hồi 2h20’ ngày 14/2/2012.

Hưởng thọ 71 tuổi, 13 năm linh mục.


-----------------------------------

Lễ an táng Lm FX Lê Viết Hùng

“Nỗi niềm thương tiếc Cha vô hạn, chúng con đau, cả giáo xứ đau khi nghe tin Cha đã lìa xa chúng con. Ngôi thánh đường Cha xây, những dự định của Cha trong năm mới này lẽ nào vắng bóng Cha, chúng con không tin nổi điều này, lần này chúng con biết Cha đã ra đi, đi mãi…”
Lời tiễn biệt của vị chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ, cũng là tiếng khóc xé lòng của toàn thể anh chị em linh tông, huyết tộc, thân bằng quyến thuộc cùng gần 3.000 con tim của giáo xứ Trung Song trong ngày tiễn Cha Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng về với lòng đất mẹ.
Không một lời giã biệt, không một dấu hiệu báo trước về sự ra đi. Trong giờ cơm tối, để chuẩn bị đi dâng Thánh lễ tại một họ lẻ trong giáo xứ, cha con còn bàn với nhau về một chuyến đi mục vụ sẽ thực hiện trong ngày mai. Sau khi ra khỏi nhà không xa, một tai nạn giao thông đã lấy đi mạng sống của ngài. Từ Trung Song, tin Cha xứ qua đời đến quá bất ngờ, người người sửng sốt và đau đớn.
Con người mảnh khảnh nhưng đầy cương nghị ấy sinh ra và lớn lên tại giáo họ Diệu Ốc, xứ Đức Lân. Năm 13 tuổi, cái tuổi mà bao bạn bè đồng lứa đang mải mê thả diều, đuổi chuồn bắt bướm, thì chú Hùng đã khăn gói quả mướp rời xa gia đình khởi đầu  đời tu nơi Trường tập Xuân Phong. 16 tuổi, thầy Hùng được gọi vào Trường Latinh (Tiểu chủng viện). Thời gian 6 năm trôi nhanh với những dự phóng ấp ủ cho hành trình linh mục. Mãn Tiểu chủng viện rồi kẻ giảng (giúp xứ) 3 năm… Tưởng chừng mọi sự đã hanh thông với ngày về Trường Lý đoán (Đại Chủng viện). Nhưng (một chữ nhưng mặn chát, uất nghẹn), thầy Hùng bị chính quyền cộng sản bắt giam chỉ vì là “cán bộ” của Chúa, của Giáo Hội, với cái án không bao giờ được xử, không hẹn ngày về… khởi đầu cho những năm dài thương khó. 13 năm đằng đẵng qua hết “trại” này đến “trại khác, và cuối cùng là Trại giam Cổng Trời (Hà Giang) – nơi lưu dấu những chứng nhân tử đạo và bao phận tù nhân oan ức phải vùi xác rừng xanh…
Năm 1981, thầy Hùng được trả tự do, nhưng là thứ tự do trong vòng quản chế. Dù sao đi nữa, ngọn lửa tông đồ vẫn âm ỉ cháy trong con tim và đôi mắt của con người không bị khuất phục bởi cường quyền. Năm 1992, thầy được gọi vào giúp Tòa Giám mục và học hàm thụ tại Đại chủng viện Vinh Thanh, và rồi dù muộn mằn, xây xước, năm 1999, thầy đã được thụ phong Linh mục. Kể từ đó, với tư cách là mục tử, cha Phanxicô Xaviê đã miệt mài dấn thân trong những trách vụ mà bề trên giao phó, từ đặc trách lớp Tiền chủng viện Xã Đoài, quản xứ Bùi Ngọa, linh hướng, cha giải tội cho dòng Mến Thánh Giá Xã Đoài, và sau cùng là quản xứ Trung Song…
Từ 3 ngày nay, Trung Song trắng một màu tang tóc, u buồn. Buổi sáng ngày 16/02, trời mưa tầm tã, ngày tiễn cha đi…
Thánh lễ an táng và nghi thức tiễn biệt cố linh mục Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng diễn ra lúc 9 giờ. Đức Cha già Phaolô Maria Cao Đình Thuyên chủ tế Thánh lễ trước sự hiện hiện của gần 100 linh mục trong và ngoài giáo phận, quý chủng sinh, nam nữ tu sĩ và đông đảo bà con xa gần.
Giảng trong Thánh lễ, Đức Cha Phaolô Maria nói về sự chết như là cánh cửa mở ra cho đời sống miên viễn. Nhờ cái chết của mình, Chúa Giêsu đã hủy diệt cái chết của chúng ta, nhờ sự sống lại của Ngài, Ngài đã phục hồi sự sống cho chúng ta (x. Lời tiền tụng trong Kinh nguyện Thánh Thể Mùa Phục Sinh). Qua cái chết của Chúa, người Kitô hữu có khả năng đi vào sự sống đời đời, tiến tới mối hiệp thông với Thiên Chúa, Đấng đã đến với nhân loại qua Chúa Phục Sinh. Như thế, cái chết của cha Phanxicô Xaviê mở ra chân trời mới, là cửa ngõ đưa ngài vào Nước Trời. Do đó, cái chết của ngài không phải là ngõ cụt, một sự thất bại, nhưng đem lại cho ngài sự sống đời đời.
Đức Cha cũng nhấn mạnh đến thứ hoa trái thiêng thánh mà người linh mục đã miệt mài gieo vãi suốt những năm tháng sống trên trần gian. Hoa trái đó không chỉ được định hình ở những công trình xây dựng, ở một số quan điểm, việc làm đạo đức mà quan trọng hơn, nó còn được biểu hiện suốt hành trình kiếm tìm, lựa chọn và cống hiến trọn vẹn cho lẽ sống cuộc đời.
Sau nghi thức phó dâng và tiễn biệt là lễ di quan ra khu vực huyệt mộ. Bà con giáo dân đứng kín dọc các lối đi khi di ảnh và linh cữu rước qua, lưu luyến tiễn biệt người mục tử đáng kính về nơi an nghỉ cuối cùng.
Khép lại chặng hành trình 71 năm cuộc đời trần thế, 13 năm linh mục, cha Phanxicô Xaviê Lê Viết Hùng đã đột ngột vĩnh viễn nằm xuống giữa nỗi đau, sự trống vắng của người ở lại. Lời ai điếu trong nước mắt nhưng với niềm tín thác mạnh mẽ vào Chúa Phục sinh, chúng ta chắc rằng, linh hồn cố linh mục Phanxicô Xaviê sẽ được thưởng công xứng đáng với những hy sinh của một đời mục tử mà ngài đã dấn thân không mỏi.
Jos. Văn Huệ

Family

Thứ Tư, 15 tháng 2, 2012

FAMILY = Father And Mother, I Love You!
Gia đình = Ba và mẹ, con yêu ba mẹ

36 cách giảm bớt căng thẳng

Thứ Tư, 8 tháng 2, 2012

1- Cầu nguyện.
2- Đi ngủ đúng giờ.
3- Thức dậy đúng giờ, để bạn có thể khởi đầu một ngày mới không vội vã.
4- Nói không với những dự án không phù hợp với thời gian biểu hay sức khoẻ của bạn.
5- Uỷ thác nhiệm vụ cho người khác có năng lực.

6- Đơn giản hóa và sắp xếp lại cuộc sống của bạn.
7- Ít coi như nhiều. Mặc dù một thường không đủ, nhưng hai thì quá nhiều.
8- Dành thời gian làm thêm những công việc để đạt được mục tiêu.
9- Hãy từ từ. Thời gian sẽ giúp bạn thực hiện những thay đổi lớn và những dự án khó khăn; đừng dồn đống những công việc khó lại với nhau.
10- Trong mọi việc, hãy thực hiện từng bước một.

11- Phải biết phân biệt điều lo lắng với điều quan tâm. Khi một tình huống làm bạn quan tâm, hãy tìm ra điều Chúa muốn bạn làm, và tránh mọi lo âu khắc khoải. Nếu bạn không thể làm gì để cải thiện tình hình, thì hãy quên nó đi.
12- Chi tiêu theo túi tiền của bạn; đừng dùng thẻ tín dụng cho những chi phí thường nhật.
13- Chuẩn bị những đồ dự phòng: một chìa khóa xe để trong ví, một chìa khóa nhà giấu trong vườn, hay những con tem dự trữ…
14- Giữ thinh lặng! Theo lời khuyên đơn sơ này, bạn sẽ tránh được vô vàn rắc rối.
15- Nhiều khi bạn hãy tự coi mình như một đứa trẻ, và làm vui lòng nó.

16- Mang theo một cuốn Kinh thánh bên mình để đọc những khi phải chờ đợi.
17- Tập thể dục đều đặn và đầy đủ.
18- Ăn uống điều độ.
19- Sống có tổ chức, sao cho mọi thứ có trật tự.
20- Trong khi lái xe, bạn có thể nghe những bản nhạc giúp cải thiện cuộc sống của mình.

21- Viết ra những suy tư và cảm hứng của mình.
22- Mỗi ngày, hãy dành thời gian để ở một mình.
23- Nếu gặp rắc rối, hãy trình bày với Chúa ngay tại hiện trường. Cố gắng giải quyết vấn đề ngay khi mới bắt đầu. Đừng đợi đến khi đi ngủ mới cố gắng và cầu nguyện.
24- Làm bạn với những người tốt lành.
25- Cần có một bộ sưu tập những đoạn Kinh thánh ưa thích ở bên mình.

26- Nhớ rằng nhịp cầu ngắn nhất giữa thất vọng và hy vọng là lời “Cám ơn Chúa Giêsu!”
27- Phải biết vui cười.
28- Vui cười nhiều hơn nữa!
29- Làm việc một cách nghiêm túc, nhưng đừng đối xử với bản thân một cách quá nghiêm trọng.
30- Hãy tập cho mình có thái độ khoan dung, tha thứ.

31- Đối xử tử tế với những người không tử tế. Bởi vì họ là những người cần đến điều đó nhất. 
32- Đừng đề cao cái tôi của mình.
33- Hãy nói ít và lắng nghe nhiều.
34- Làm chậm nhịp sống của bạn lại.
35- Hãy luôn luôn tự nhủ rằng bạn không phải là tổng giám đốc của vũ trụ này.
36- Mỗi tối trước khi đi ngủ, hãy nghĩ đến điều gì làm bạn hài lòng nhất, điều mà bạn hài lòng nhất từ trước tới nay.


Tác giả: Vô danh
Bản dịch tiếng Việt: Lm GB Phạm Quang Long