Bài giảng của ĐTGM Leopoldo Girelli tại Nhà thờ Hướng Phương

Thứ Hai, 5 tháng 12, 2011




Bài giảng lễ
của Đức Tổng Giám mục Leopoldo Girelli
tại Nhà thờ Hướng Phương, Quảng Bình
sáng ngày 05/12/2011


Kính thưa anh chị em,
Tôi rất vui mừng khi được gặp gỡ anh chị em tại nhà thờ Hướng Phương thân yêu này. Chuyến viếng thăm của tôi tới Giáo phận Vinh, trong tư cách người đại diện của Đức Thánh Cha Bênêđictô XVI, là biến cố đáng nhớ, đồng thời, cũng là niềm vui tinh thần chung cho tất cả anh chị em và tôi hân hạnh tham dự niềm vui đó hôm nay. Tôi xin gửi lời chào cảm mến tới Giám mục của anh chị em, Đức Cha Phalô Nguyễn Thái Hợp, các linh mục, các nữ tu và toàn thể tín hữu đang hiện diện nơi đây.

Trong trình thuật Tin Mừng về người bại liệt hôm nay, trước khi chữa anh, Đức Giêsu tha thứ tội lỗi cho anh và chính điều này đã gây nên những khó chịu cho một số kinh sư đang hiện diện. Đức Giêsu muốn biểu lộ cách tỏ tường rằng Người được Chúa Cha gửi tới để cứu chữa con người cách toàn diện về tinh thần và thể xác, và rằng sự bại liệt nặng nề nhất của con người thì không thể thấy được, sự bại liệt bởi tội lỗi gây nên và chỉ có Thiên Chúa mới giải thoát chúng ta. Cùng lúc, Đức Giêsu chỉ cho người bại liệt biết rõ mình hơn bằng cách nhắc nhở anh về phẩm giá siêu việt của mình.

Đức Giêsu cho chúng ta biết bản thân chúng ta. Qua việc biểu lộ mình là Con của Chúa Cha nhân từ, Người tha thứ tội lỗi chúng ta, Đức Giêsu đặt trước chúng ta ý nghĩa đầy đủ của cuộc sống con người, của tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa. Việc chữa trị bại liệt thân thể trở thành dấu chỉ của đời sống mới khi phẩm giá chúng ta được phục hồi như là những con trai và con gái của Thiên Chúa. Mùa Vọng là thời gian thuận tiện giúp chúng ta hồi phục phẩm giá mình, khuyến khích chúng ta “đừng sợ. Này đây, Chúa người đang tới” như chúng ta vừa nghe trong Bài đọc I, sách tiên tri I-sai-a.

Từ ‘Vọng” xuất phát từ tiếng Latin adventus, đang tới. Trong nghĩa cổ xưa, từ ‘Vọng’ [mà chúng ta dùng trong ngôn ngữ Phụng Vụ] chỉ sự đang tới của một quan chức hoặc chuyến viếng thăm của một vị vua hay hoàng đế đến một tỉnh. Tuy nhiên, chúng ta dùng từ ‘Vọng’ để diễn tả tương quan giữa chúng ta với Đức Giêsu Kitô: Đức Giêsu là Vua, người đã đi vào tỉnh nghèo có tên là trái đấtđể viếng thăm tất cả mọi người. Nghĩa chính yếu của từ “vọng” [hoặc tới] là Thiên Chúa đây rồi, Người không rời bỏ thế giới, Người không rời bỏ chúng ta. Ngay cả khi chúng ta không thể nhìn thấy hoặc đụng chạm Người như thể là chúng ta đụng chạm các thực tại khả giác. Người đây rồi và đến viếng thăm chúng ta bằng nhiều cách khác nhau. Ý nghĩa của từ ‘Vọng’ bao gồm sự viếng thăm; Thiên Chúa đi vào cuộc sống chúng ta và muốn nói chuyện trò thân tình với chúng ta.

Trong cuộc sống hàng ngày, tất cả chúng ta đều có kinh nghiệm là dành quá ít thời gian cho Chúa và cũng ít thời gian cho mình. Chúng ta bị cuốn hút vào các công việc. Thông thường các hoạt động cuốn hút chúng ta với nhiều thú vị; độc chiếm sự quan tâm của chúng ta. Ngoài ra, chúng ta còn dành nhiều thời gian cho việc giải trí và các hình thức tiêu khiển khác. Phụng vụ Mùa Vọng mời gọi chúng ta dừng lại trong tĩnh lặng, để khám phá một sự hiện diện: sự hiện diện của Thiên Chúa. Mùa Vọng khuyến khích chúng ta chiêm ngắm Chúa hiện diện. Toàn bộ cuộc sống chúng ta giống như một cuộc viếng thăm, cách thức trong đó Thiên Chúa đến với chúng ta và trở nên gần gũi chúng ta trong mọi hoàn cảnh.

Điểm nổi bật khác của Mùa Vọng là hoài bão trong hi vọng. Mùa Vọng thúc đẩy chúng ta tìm hiểu ý nghĩa của thời gian và lịch sử như là cơ hội thuận tiện cho ơn cứu độ của chúng ta. Đức Giêsu tỏ bày thực tại mầu nhiệm này qua nhiều dụ ngôn. Cũng như trong bài Tin Mừng hôm nay, sự gặp gỡ giữa người bại liệt và Đức Giêsu diễn tả cơ hộ thuận tiện cho ơn cứu độ. Người bại liệt không thể di chuyển được và đang đợi chờ sự giúp đỡ giải thoát.

Ước gì tất cả chúng ta luôn tỉnh thức đợi chờ để niềm hi vọng in dấu hành trình sự hiện hữu của chúng ta. Nếu cuộc sống chúng ta thiếu sự hiện diện của Thiên Chúa, niềm hi vọng của chúng ta vẫn còn trống rỗng. Mùa Vọng trở thành cơ hội gợi lên trong chúng ta ý nghĩa đích thực của việc đợi chờ: trở về tâm điểm của niềm tin chúng ta, đó chính là mầu nhiệm Đức Kitô sinh tại Bê-lem. Đến với chúng ta, Đức Giêsu đã mang lấy chúng ta và tiếp tục ban cho chúng ta món quà tình yêu và ơn cứu độ của Người. Hiện diện giữa chúng ta, Đức Giêsu nói với chúng ta qua các hình thức khác nhau: qua Kinh Thánh, qua năm phụng vụ, qua các thánh, qua các biến cố của cuộc sống thường ngày, qua vẻ huy hoàng của thế giới thụ tạo. Nếu Người hiện diện, niềm hi vọng của chúng ta sẽ không trống rỗng.

Kính thưa anh chị em,
Chúng ta cần có kinh nghiệm vững chắc sự hiện diện của Chúa trong cuộc sống mình, đặc biệt trong Mùa Vọng này. Nguyện xin Đức Mẹ La Vang và các thánh tử đạo Việt Nam trợ giúp giáo xứ Hướng Phương và Giáo phận Vinh. Amen.

+TGM Leopoldo Girelli

giaophanvinh.org