Kinh nghiệm về Thiên Chúa

Thứ Bảy, 15 tháng 3, 2014

Lm Gioan Phạm Quang Long, bài giảng Chúa nhật II mùa Chay

Trên con đường lên Giêrusalem, có câu chuyện Chúa hiển dung trên núi Taborê, ở đó Nguời bày tỏ vinh quang của mình cho môn đệ chiêm ngưỡng.

"Khi ấy, Chúa Giêsu đã gọi Phêrô, Giacôbê và Gioan là em ông này, và Người đưa các ông tới chỗ riêng biệt trên núi cao. Người biến hình trước mặt các ông: mặt Người chiếu sáng như mặt trời, áo Người trở nên trắng như tuyết" (Mt 17,1-2).

Người ta suy luận rằng Chúa Giêsu cho các môn đệ cảm nếm vinh quang của Nguời, hầu khuyến khích các ông vững vàng trong cuộc khổ nạn sắp đến. Dù vậy, thì vinh quang của núi Tabore cũng không giúp các ông trung thành với Thầy mình. Họ đã bỏ Chúa trong vườn Giệtsêmani. Phêrô, một trong ba môn đệ có mặt hôm đó, thậm chí còn chối Thầy ba lần.


Tôi thiết nghĩ câu chuyện trên núi Taborê là nơi các môn đệ được thị kiến, để biết Chúa mình như thế nào. Đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa. Kiểu như khi bạn ăn một món nào thì bạn mới biết món đó. Những người chỉ đọc thực đơn hay làm bếp thi không biết được như thế.

Đạo Kitô là đạo kinh nghiệm, trong đó người tín hữu được mời gọi nếm cảm Đấng mình tin, chứ không phải tin theo một giáo thuyết. Đó là kinh nghiệm về Thiên Chúa hay kinh nghiệm gặp gỡ Chúa.

Một cuộc đời tín hữu trưởng thành, nói đúng hơn một người đạo đức thánh thiện là người có kinh nghiệm về Thiên Chúa. Ai đã có kinh nghiệm này rồi thì rất vui, đến mức có thể nói được như thánh Phêrô "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm." (Mt 17,4).

Ông Abraham đã có kinh nghiệm gặp gỡ Thiên Chúa. Thế là ông từ bỏ quê huơng, gia tộc của mình, lên đuờng đi theo tiếng gọi của Chúa.

"Khi ấy, Chúa phán cùng Abram rằng: "Ngươi hãy từ bỏ quê hương, họ hàng và nhà cửa cha ngươi mà đi đến xứ Ta chỉ cho" (St 12,1). Và "Abram liền ra đi, như lời Thiên Chúa phán dạy" (câu 4a).

Ông đã thực hiện một cuộc hành trình đầy mạo hiểm, và ông đã đuợc Thiên Chúa chúc phúc. Ông trở thành tổ phụ của những kẻ tin.

Thánh Phaolô đã trải qua kinh nghiệp gặp gỡ Chúa trên đường Damas. Kinh nghiệm đó giúp ngài dấn thân truyền giáo. Sau này, thánh nhân tuyên bố "Tôi biết tôi tin vào ai".

Sống đạo là nhắm đến cái lí tưởng này: đó là gặp gỡ Chúa trong đời sống hằng ngày, nhất là qua cầu nguyện và khi đương đầu với thử thách của cuộc sống. Ai đã có kinh nghiệm về Chúa rồi thì sẽ không bao giờ bỏ cuộc.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa, xin lấy lời hằng sống mà nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con.

Những sự kiện nổi bật trong năm đầu tiên của Đức giáo hoàng Phanxicô đuợc thế giới chú ý

Thứ Năm, 13 tháng 3, 2014

Thứ Năm 13 tháng 3 năm 2014 là ngày đánh dấu kỷ niệm tròn một năm Đức Hồng Y Jorge Mario Bergoglio của Argentina trong ngôi vị Giáo Hoàng với danh hiệu Phanxicô. Ngài là vị Giáo Hoàng đầu tiên không thuộc lục điạ châu Âu trong suốt 1300 năm qua.

Dưới đây là các sự kiện đặc biệt đã diễn ra trong một năm, theo thứ tự ngày tháng, dưới triều đại ĐGH Phanxicô được cả thế giới chú ý.

13 tháng 3 năm 2013: Ngay sau khi được bầu làm Giáo Hoàng lấy tên là Phanxicô. Ra mắt quần chúng tại quảng trường thánh Phêrô, người ta tưởng đức tân Giáo Hoàng sẽ chúc lành cho khánh hành hương, nhưng ngược lại, Ngài xin họ hãy cầu nguyện cho Ngài để Ngài hoàn thành sứ vụ Chúa trao phó. Nghiã cử này được báo chí ca tụng và coi Ngài là vị Giáo Hoàng khiêm tốn.

14 tháng 3: Buổi sáng đầu tiên sau ngày được bầu Giáo Hoàng, Ngài đến khách sạn nơi đã cư ngụ trong thời gian tham dự bầu Giáo Hoàng để thanh toán chi phí ăn ở.

15 tháng 3: Vị tân Giáo Hoàng gửi lời nhắn nhủ đồng hương Argentina rằng đừng đi Roma tham dự lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng của Ngài mà hãy dùng tiền đó để giúp người nghèo.

16 tháng 3: Ngài Nói với các ký giả: “Tôi muốn một Giáo Hội khắc khổ , và lo cho người nghèo.”"

19 tháng 3: Trong lễ khai mạc sứ vụ Giáo Hoàng, Ngài kêu gọi bảo vệ những kẻ yếu thế. Giới quan sát quốc tế nhận xét đây là vị Giáo Hoàng đứng về phía người nghèo.

23 tháng 3: Vị Giáo Hoàng đương nhiệm đi gặp ĐGH danh dự là Đức Bênêđictô XVI tại phía nam thành phố Roma.

26 tháng 3: ĐGH Phanxicô quyết định không dọn vào ở phòng rộng rãi và sang trọng dành cho Giáo Hoàng mà chọn một phòng bình thường ở nhà khách dành cho các vị giáo sĩ đến Roma.

28 tháng 3:  ĐGH gây ngạc nhiên cho các vị bảo thủ trong Giáo Hội. Thứ năm Tuần Thánh, Ngài đến thăm trại tù thanh thiếu niên ở Roma. Tại đó Ngài đã cử hành nghi lễ Rửa Chân và đã rửa chân và hôn chân không những cho các thanh niên mà còn cho cả phụ nữ và người Hồi Giáo. Truyền thống trước đây chỉ những người Công Giáo phái nam mới được rửa chân.

5 tháng 4: ĐGH tuyên bố Giáo Hội phải dứt khoát và quyết liệt loại trừ giáo sĩ xâm phạm tình dục thiếu niên. Những kẻ xâm phạm phải bị nghiêm khắc trừng phạt.

13 tháng 4: ĐGH đưa ra một quyết định quan trong là thiết lập uỷ ban gồm một số các vị Hồng Y trên toàn thế giới để giúp Ngài hoạch địnhđường lối cai quản Giáo Hội và cải cách việc điều hành giáo triều.

2 tháng 5: ĐGH danh dự Bênêđictô XVI dọn về ở trong khuôn viên Tòa Thánh Vatican, đánh dấu một thời đại đầu tiên vị Giáo Hoàng đương nhiệm và ĐGH danh dự cùng chung sống tại Tòa Thánh Vatican..

16 tháng 5: ĐGH lên tiếng kêu gọi thế giới tài chánh hãy cải cách để giúp người nghèo. Ngài lên án giới tài phiệt mà Ngài gọi là “các nhà độc tài kinh tế không có trái tim”. Chính vì điều này, nhiều giới tài phiệt đã chụp mũ cho Ngài là một người Mác Xít.

26 tháng 6 : ĐTC thiết lập uỷ ban đặc biệt điều tra và cải cách hệ thống Ngân Hàng Vatican. Giới truyền thông gọi đây là một hành động can đảm của ĐTC muốn chỉnh đốn cơ sở gây tai tiếng cho Giáo Hội

28 tháng 6 : Đức Ông Nunzio Scarano có liên hệ chặt chẽ với ngân hàng Vatican bị bắt vì đã giúp các tay tài phiệt chuyển hàng triệu Euros từ Thụy Sĩ về Ý Đại Lợi.

2 tháng 7. Sau vụ chính phủ Ý bắt Đức Ông Scarano, hai giám đốc của ngân hàng Vatican từ chức.

8 tháng 7. ĐTC lần đầu tiên ra khỏi Roma, Ngài đến đảo Lampedusa cử hành thánh lể tưởng niệm hàng ngàn di dân bất hợp pháp cố gắng vượt biển từ Bắc Phi Châu đến Ý để tìm cơ hội sinh sống.

19 tháng 7: ĐTC thiết lập một ủy ban gồm một giáo sĩ đứng đầu và 7 giáo dân cố vấn cho Ngài về các vấn đề kinh tế và đưa ra các nguyên tắc để cải tiến sự minh bạch và buộc áp dụng đúng nguyên tắc kế toán.

23 tháng 7: ĐTC lần đầu tiên tông du ngoại quốc. Ngài đến Ba Tây, một đám đông hơn 3 triệu người đón Ngài tại bãi biển Copacabana. Chưa một vị lãnh tụ nào trên thế giới được đông đảo dân chúng đón chào như ĐTC Phanxicô.

29 tháng 7: Trên chuyến máy bay trở về Vatican từ Brasil, ĐTC đã có cuộc nói chuyện thoải mái với các ký giả. Ngài đã nói một câu bất hủ mà báo chí thường hay nhắc lại: “ Nếu một người đồng tính tìm kiếm Thiên Chúa và có thiện chí thì tôi là ai mà phán xét họ ("If a person is gay and seeks God and has good will, who am I to judge him?")

5 tháng 9: ĐTC gửi thư cho hội nghị gồm các nhà lãnh đạo các cường quốc kinh tế trên thế giới gọi tắt là G20 họp tại St. Petersburg. Ngài nói với Tổng Thống Nga Vladimir Putin, chủ nhà đăng cai hội nghị rằng bất cứ giải pháp quân sự nào nhằm giải quyết xung đột ở Syria cũng đều vô ích.

19 tháng 9: Trả lời cuộc phỏng vấn quan trọng đầu tiên Ngài nói Giáo Hội phải thoát khỏi nỗi ám ảnh với giáo lý về phá thai, ngừa thai và đồng tính luyến ái và hãy bao dung thương xót hơn ngay cả khi không thể thay đổi giáo lý

22 tháng 9: Trong một bài phát biểu ứng khẩu tại Cagliari , Sardinia, ĐTC tấn công hệ thống kinh tế toàn cầu, nói rằng hệ thống đó không được dựa trên căn bản cho tiền là thần thánh.

4 tháng 10: Đi thăm Assisi là nơi sinh quán của thánh Phanxicô, ĐTC tuyên bố Giáo Hội phải lột xác từ bỏ " phù phiếm , kiêu ngạo, tự hào và khiêm tốn phục vụ những người nghèo nhất .

23 tháng 10: ĐTC đã giải chức một vị Giám Mục người Đức vì đã dùng 31 triệu Euros tức 43 triệu Mỹ Kim của giáo phận đề xây dựng nhà ở cho mình trong tòa Giám Mục.

1 tháng 12: Tuần báo Time của Hoa Kỳ chọn ĐGH Phanxicô là nhân vật của năm 2013, gọi Ngài là vị Giáo Hoàng của dân chúng

12 tháng 12: Trong một sứ điệp có nội dung về hoà bình, ĐTC nói các món tiền lương khổng lồ và các món tiển thưởng lớn là dấu chỉ của một nền kinh tế xây dựng trên sự tham lam và bất bình đẳng.

25 tháng 12. Cử hành thánh lễ Giáng Sinh đầu tiên trong ngôi vị Giáo Hoàng, ĐTC kêu gọi người vô thần cùng như các tín hữu các tôn giáo hãy cùng nhau xây dựng hòa bình

5 tháng 2 năm 2014 : Uỷ ban Liên Hiệp Quốc cáo buộc Tòa Thánh đã nhắm mắt làm ngơ trước các vụ giáo sĩ xâm phạn tình dục thiếu nhi. Cáo buộc bị Tòa Thánh phản bác và giới quan sát cho đây là một ý đồ muốn bôi nhọ Giáo Hội.

22 tháng 2 : ĐTC Phanxicô tấn phong 19 tân Hồng Y thuộc các vùng trên toàn thế giới. Đặc biệt trong lễ tấn phong, có sự hiện diện ĐGH danh dự Bênêđictô XVI.

24 tháng 2: Đức Thánh Cha thiết lập một bộ mới tên là Bô Kinh Tế. Cầm đầu bộ này là vị Hồng Y nhưng nhiều chuyên viên kinh tế được mời tham gia điều hành và cố vấn là giáo dân

9 tháng 3: ĐTC và các cộng sự viên của Ngài tại Vatican bước vào tuần tĩnh tâm mùa chay được tổ chức tại một địa điểm phía nam Roma, bên ngoài Tòa Thánh Vatican. Điều đặc biệt người ta thấy là ĐTC không ngồi riêng rẽ mà cùng ngồi trong hàng ghế với các vị Hồng Y , Giám Mục.

st

Trùng tu nghĩa trang giáo phận

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chủ sự thánh lễ đánh dấu hoàn tất việc trùng tu nghĩa trang giáo phận chiều ngày 9/3/2014.

Đồng tế trong thánh lễ có Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức cha Phaolo Cao Đình Thuyên, các linh mục và đông đảo các thành phần dân Chúa.

Năm 1970, nghĩa trang Tòa Giám mục Xã Đoài đựoc di dời từ vùng đất Cồn Kỳ thuộc xã Nghi Diên vào khuôn viên nhà thờ Chính tòa như hiện nay. 

Việc quy hoạch tổng thể và trùng tu, tôn tạo đuợc thực hiện gần một năm qua, với sự cộng tác của một số doanh nhân trong Giáo phận Vinh.

Nghĩa trang này là nơi an nghĩ của các linh mục, các chủng sinh, các nữ tu và những người phục vụ cho Giáo phận.

Lm Gioan Phạm Quang Long tổng hợp

Thành lập giáo hạt Kẻ Dừa

ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp vừa kí quyết định số 2/14 - QĐ.TGM, ngày 03 tháng 03 năm 2014, thành lập giáo hạt Kẻ Dừa.

Tân giáo hạt được tách từ giáo hạt Đông Tháp, bao gồm 7 giáo xứ Kẻ Dừa, Đăng Cao, Phú Vinh, Phúc Lộc, Đức Lân, Vĩnh Hòa và Phi Lộc.

Giáo xứ Kẻ Dừa được chọn làm sở hạt và do cha Anton Trần Văn Công phụ trách. 

Lm Gioan Phạm Quang Long tổng hợp

Thư mục vụ mùa Chay 2014

TÒA GIÁM MỤC XÃ ĐOÀI
Nghi Diên, Nghi Lộc, Nghệ An
Số 01/14 - TMV. TGM                                                     
Xã Đoài, ngày 05/03/2014
                   
THƯ MỤC VỤ MÙA CHAY NĂM 2014

Anh chị em thân mến,
Mùa Chay năm 2014 đã đến. Một lần nữa, tôi thân ái gửi tới quý Cha, quý Chủng sinh, quý Tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em lời cầu chúc bình an và ân sủng của Chúa Kitô. Mùa Chay là thời gian thuận lợi để mỗi người chúng ta thanh luyện đời sống và củng cố đức tin. Nhân dịp này, tôi muốn gửi tới anh chị em một vài tâm tình nhằm giúp nhau sống tốt Mùa Chay và xây dựng Giáo phận.
1. Sứ Điệp Mùa Chay 2014
Trong Sứ điệp Mùa Chay đầu tiên triều đại của mình, Đức Thánh Cha Phanxicô mời gọi mọi người chúng ta chiêm ngắm Chúa Giêsu, Đấng từ bi nhân hậu, đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mang lấy thân phận phàm nhân và bằng lòng chịu chết vì chúng ta (x. Pl 2, 6-8). Bất chấp chúng ta là những người tội lỗi, Người đã tự nguyện đồng hình đồng dạng và thân thiện với chúng ta. Người gánh lấy những yếu đuối, tội lỗi và chấp nhận trở nên nghèo để chúng ta được giàu có (x. 2Cor 8, 9). Suốt Mùa Chay thánh này, mọi người chúng ta được mời gọi, noi gương Chúa Giêsu, sẵn sàng và mau mắn quan tâm giúp đỡ những người đang sống trong tình trạng lầm than vật chất, luân lý và tinh thần. Tùy khả năng của mình, chúng ta được mời gọi sống liên đới và có những hoạt động cụ thể để thoa dịu những nỗi thương đau (x. Sứ Điệp Mùa Chay 2014).
2. Canh tân đời sống gia đình
Theo chương trình hành động của Hội Thánh tại Việt Nam, năm 2014 được chọn là Năm Phúc âm hóa đời sống gia đình. Gia đình là Hội Thánh tại gia. Gia đình là nền tảng của xã hội. Muốn canh tân Giáo hội và xã hội phải canh tân đời sống gia đình. Hiện nay, các gia đình đang đối mặt với nhiều khủng hoảng. Bởi vậy, Hội Thánh nhận thấy cần phải tăng cường và canh tân mục vụ gia đình, phải xem mục vụ gia đình là hoạt động quan trọng. Giáo Hội kêu gọi anh chị em “xây dựng gia đình mình thành một cộng đoàn cầu nguyện, sống tình yêu hợp nhất thủy chung, phục vụ sự sống và hăng say loan báo Tin Mừng” (Thư Chung hậu Đại hội XII HĐGMVN năm 2013).  Trong tâm tình đó, tôi đề nghị anh chị em thực hiện các việc cụ thể sau đây.
2.1. Tổ chức cầu nguyện tại gia
Trong năm nay, tôi khích lệ các gia đình duy trì việc cầu nguyện chung với nhau; đồng thời kêu gọi các giáo xứ phát triển các tổ liên gia và hằng tuần tổ chức cầu nguyện. Hơn nữa, tôi đề nghị các cha xứ hãy tổ chức trong giáo xứ các buổi học hỏi các văn kiện của Tòa Thánh và của Hội Đồng Giám mục Việt Nam, nhằm giúp mọi người tiếp cận và hiểu biết giáo huấn của Giáo hội liên quan đến đời sống gia đình. Nhờ cùng nhau cầu nguyện và thấm nhuần Giáo huấn của Giáo hội, anh chị em có thể giúp nhau thăng tiến trong đời sống đạo đức và xây dựng đời sống gia đình trên các chuẩn mực Tin Mừng.

2.2. Chương trình mục vụ đối với những gia đình gặp khủng hoảng
Trong các giáo xứ còn có nhiều gia đình đang gặp những khó khăn, khủng hoảng. Nguyên nhân của những khủng hoảng ấy có thể là do thành viên trong gia đình nghiện ngập rượu, ma túy, cờ bạc và dâm ô... Những người đó đang đánh mất ý nghĩa cuộc sống, thiếu những viễn tượng tương lai và mất hy vọng. Trầm trọng hơn, có những gia đình tan vỡ vì vợ chồng ly tán. Trước những hoàn cảnh ấy, tôi kêu gọi các cha xứ và anh chị em hãy dành cho họ sự quan tâm đặc biệt. Các giáo xứ hãy xây dựng những chương trình mục vụ cụ thể, lâu dài để giúp những người đang sa vòng tệ nạn được thoát khỏi các tính mê nết xấu, các gia đình đang rạn nứt được hàn gắn, các gia đình ly tán được đoàn tụ, các đôi vợ chồng bất thuận bất hòa được hòa hợp, cùng nhau xây dựng lại đời sống gia đình vì hạnh phúc của nhau và của con cái.
Anh chị em được mời gọi sống, làm chứng cho sự thánh thiện và bảo vệ  truyền thống gia đình Công giáo. Tuy nhiên, hơn bao giờ hết, chúng ta cần thể hiện sự cảm thương, lòng từ bi nhân hậu đối với nhau, nhất là với những người đang gặp khó khăn.
3. Đóng góp xây Đại Chủng Viện
Như anh chị em biết, công trình xây dựng và tái thiết Đại Chủng Viện Vinh Thanh đã khởi công từ ngày 08/06/2012. Đây là một trong những công trình trọng điểm, nhằm đáp ứng nhu cầu đào tạo linh mục cho Giáo phận. Hiện nay, sau gần hai năm thi công, công trình tái thiết đã đạt được khoảng 70% tổng thể. Giáo phận chân thành ghi ơn những tổ chức và cá nhân đã quảng đại đóng góp tiền của, công sức cho công trình to lớn và quan trọng này.
Trong thời gian tới, Giáo phận rất mong mọi thành phần Dân Chúa trong và ngoài Giáo phận, quý ân nhân xa gần tiếp tục rộng tay hỗ trợ, để công trình được tiếp tục thi công và kịp hoàn thành vào dịp kỷ niệm 100 năm Đại Chủng Viện Xã Đoài được thành lập (03/12/2014). Riêng đối với con cái trong Giáo phận Vinh, ngoài khoản đóng góp hàng năm cho Giáo phận, tôi tha thiết kêu gọi các cha xứ và Hội Đồng Mục Vụ các giáo xứ có sáng kiến cổ động gây quỹ cho việc xây dựng Đại Chủng Viện. Trong Mùa Chay này, các giáo xứ dành một Chúa Nhật để thực hiện việc quyên góp đó.
Anh chị em thân mến, Mùa Chay là mùa làm việc lành phúc đức. Ước gì trong Mùa Chay thánh này, mọi thành phần Dân Chúa trong toàn Giáo phận luôn hăng say lập công phúc qua đời sống chuyên cần cầu nguyện, hy sinh và làm việc bác ái, cũng như góp phần tích cực vào những công việc chung của Giáo phận.
Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và gìn giữ anh chị em trong bình an của Người. Xin anh chị em cũng cầu nguyện cho tôi và cho Giáo phận nữa.
Thân ái trong Chúa Kitô,
 Giám mục giáo phận Vinh                                               
X Phaolô Nguyễn Thái Hợp, OP.
(đã ký và đóng dấu) 

Thuyên chuyển linh mục tại giáo phận Vinh tháng 3/2014

ĐGM Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã ra quyết định số 3/14 - QĐ.TGM, ngày 07 tháng 03 năm 2014, bổ nhiệm và thuyên chuyển nhiệm sở một số linh mục trong Giáo phận Vinh như sau:
1. Linh mục Antôn Trần Đình Văn, nguyên Quản xứ Mẫu Lâm, nay Quản xứ Vĩnh Hòa, xã Hợp Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
2. Linh mục Phêrô Nguyễn Văn Hà, nguyên Quản hạt Kẻ Dừa, nay Quản xứ Mẫu Lâm, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
3. Linh mục Antôn Trần Văn Công, nguyên Quản lý giáo phận, nay Quản hạt và Quản xứ Kẻ Dừa, xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An.
4. Linh mục Bênađô Trần Xuân Thùy làm Quản lý giáo phận, Tòa Giám mục Xã Đoài, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.
5. Linh mục Giuse Hồ Đức Ký, thuộc dòng Đaminh, nay làm phụ tá cho cha Tôma Aquino Hoàng Trọng Hiếu, tại Giáo xứ Bố Sơn, xã Nghi Vạn, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An.