Pr. Phan Đình Phong (Quan Lãng) và Mr. Lê Thị Hoài (Quan Lãng) thành hôn

Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

Trụ sở Giáo phận Vinh
32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Sài Gòn

CHỨNG THƯ HÔN PHỐI

Ngày 30/7/2011 tại nhà nguyện trụ sở giáo phận Vinh, Sài Gòn,
Được sự ủy quyền của cha Jos. Phạm Ngọc Quang, quản xứ Quan Lãng,
và sự cho phép của cha Jos Phan Sỹ Phương, quản nhiệm trụ sở,
tôi, linh mục JB Phạm Quang Long,
đã chứng hôn cho

Bên nam:       Pr. Phan Đình Phong
                        Cha: Pr. Phan Đình Chỉnh
                        Mẹ: Anna Phan Thị Nguyệt
                        Thuộc họ Hội Phước, xứ Quan Lãng, giáo phận Vinh.
                        Hiện đang ở Sài Gòn

Bên nữ:          Mr. Lê Thị Hoài,
                        Cha: Jos. Lê Xuân Hoàn
                        Mẹ: Mr. Trần Thị Trang
                        Thuộc họ Đồng Trấm, xứ Quan Lãng, giáo phận Vinh
                        Hiện đang ở Sài Gòn

Trước mặt hai nhân chứng:
                     Pr. Phan Đình Thành, Quan Lãng
                     Anna Nguyễn Thị Anh, Quan Lãng

Linh mục - làm dâu trăm họ?

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011


Khi nghe nói một linh mục được bổ nhiệm làm cha xứ hay cha phó, nhiều người vẫn thường có thái độ thương cảm "Tội nghiệp cha, cha phải làm dâu trăm họ". Không riêng họ, có rất nhiều ông cha, bà phước cũng quan niệm "tôi phải làm dâu trăm họ".
Tại sao lại có quan niệm như thế. Để hiểu rõ thế nào là làm dâu, chắc phải nhắc lại chuyện thời xưa. Khi một người con gái lấy chồng, nàng phải ở lại nhà chồng một thời gian, dài ngắn tùy gia đình chồng. Nàng phải làm tất cả mọi việc nặng nhọc trong nhà, ngoài đồng. Nàng phải làm tất cả những gì mẹ chồng, có khi cả các chị em chồng yêu cầu, giống như một con ở. Có những việc có lý. Có những việc chẳng có lý tý nào. Mẹ chồng, chị em chồng khắt khe, tha hồ sai bảo, phê phán, nguýt lườm. Nàng dâu khổ sở trăm bề, thức khuya dậy sớm, làm tôi mọi cho nhà chồng. Nàng dâu như sống trong ngục tù, sống giữa địch thù, chẳng được một chút tình thương.
Dĩ nhiên không phải tất cả các gia đình nhà chồng đều đối xử tệ như thế với nàng dâu. Có những bố mẹ chồng rất tốt, coi con dâu như chính con đẻ của mình. Nếu mua một món quà cho con gái, họ cũng mua quà cho con dâu.
Khi quan niệm một ông cha làm dâu trăm họ, người ta muốn nói ông cha sẽ phải chịu nhiều khó khăn, bắt bẻ, thiệt thòi, đối nghịch của người giáo dân trong xứ đạo. Ông cha là nàng dâu. Giáo dân là mẹ chồng. Giáo dân là chị em chồng. Sống trong hoàn cảnh đó, ông cha chắc chắn phải có thái độ đối phó, thái độ không thân thiện, thái độ thù nghịch. Lúc nào cũng phải chuẩn bị đương đầu với đấu tranh. Tâm thần bất an, đầu óc căng thẳng, làm sao hai bên ông cha và giáo dân có thể cộng tác trong việc mở mang nước Chúa, xây dựng giáo xứ và giáo hội.
Tôi không phê phán họ. Tôi chỉ thương cho những người có quan niệm như thế. Họ đã làm giảm đi giá trị của tình người. Con người là anh em của con người, là con cùng một Cha trên trời (Ga 20:17).
Tôi vẫn quan niệm ông cha phải luôn luôn "là người yêu của mọi người, người yêu của trăm họ". Chỉ thử nghĩ đến câu "tôi là người yêu của mọi người, tôi là người yêu của trăm họ", chúng ta đã cảm thấy khác như thế nào. Nói đến người yêu, chúng ta nghĩ ngay đến những niềm vui, hạnh phúc và bình an. Những người yêu nhau sẽ cảm thấy sung sướng khi gần nhau và làm việc bên nhau. Họ thầm nghĩ đến nhau và mong được mãi mãi bên nhau.
Là người yêu của mọi người, ông cha sẽ tận tình phục vụ.
Là người yêu của trăm họ, ông cha sẽ vui vẻ giúp đỡ.
Cởi mở, ông cha sẽ sẵn sàng chia sẻ tình thương.
Thoải mái, ông cha sẽ hăng say làm việc.
Tươi vui, ông cha sẽ dễ dàng rao truyền Tin Mừng của Nước Trời.
Ông cha và giáo dân, tất cả mọi người sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc và bình an.
Nếu mỗi người chúng ta, một ông cha, một bà phước, một giáo dân luôn luôn là "người yêu của mọi người, người yêu của trăm họ", thì thiên đàng sẽ hiện diện ngay trên trần thế này, trong bạn, trong tôi và trong mọi người.
bởi Thích Ngô
ngày 10 tháng 11 2011

Mẹ, xin đừng giết con!

Linh mục GB Phạm Quang Long nhận sứ vụ tại trụ sở giáo phận ở Sài Gòn



TSVSG 28/11/2011

Cha Gioan Phạm Quang Long, cho đến nay là quản xứ Mỹ Dụ, vừa được Đức Giám mục Giáo phận, Đức cha Phaolo Nguyễn Thái Hợp, bổ nhiệm làm "giám đốc trụ sở giáo phận Vinh" ở Sài Gòn, đồng thời "đặc trách mục vụ di dân tại Miền Nam".

Trong một buổi lễ trang trọng do Đức Giám mục Giáo phận chủ sự, cùng với các cha đồng tế: FX Nguyễn Sĩ Hướng (quản hạt Cầu Rầm), Giuse Tiến Lộc (Dòng Chúa Cứu Thế), Phêro Nguyễn Chí Thiết, Phêro Lưu Văn Thành (quản xứ Rú Đất), Anton Trần Văn Niên (quản xứ Phù Long), Đaminh Võ Minh Danh (giáo phận Đà Nẵng), ngoài ra còn có sự tham dự của các nam nữ tu sĩ dòng Mến Thánh Giá Vinh, Thừa Sai Bác Ái Vinh và đông đảo anh chị em di dân và sinh viên tại Sài Gòn, cha Gioan Phạm Quang Long đã lãnh nhận sứ vụ mới tại trụ sở Giáo phận.

Giảng trong thánh lễ, Đức Giám mục Giáo phận nói: "Cơ sở này là mái nhà chung cho mọi người tín hữu gốc Vinh di cư, cũng như các thành phần của Giáo phận nhà khi có dịp vào công tác ở Sài Gòn. Các nhân viên ở trong trụ sở này hãy vui lòng tiếp đón họ".

Với cha giám đốc mới, Đức Giám mục nhắn nhủ: "Cha hãy dành thời giờ cho việc chăm sóc mục vụ đối với anh chị em di dân tại Miền Nam. Cha có năng quyền như một cha sở tòng nhân để thi hành các bí tích cho anh chị em. Khi có điều gì cần sự miễn chuẩn, cha hãy liên lạc với Toà Giám mục, chúng ta sẽ ưu tiên cho anh chị em di dân theo tinh thần luật lệ vì con người".

Trong lời đáp từ, cha Gioan Phạm Quang Long cám ơn Đức cha, quí cha, quí nam nữ tu sĩ và anh chị em giáo dân hiện diện trong buổi lễ. Ngỏ lời với những người đồng hương giáo phận Vinh, cha Gioan nói: "Trưa nay, tôi vừa trải qua những giây phút xúc động khi từ giã bà con giáo dân xứ Mỹ Dụ. Tôi thật sự bất ngờ về sự hiện diện đông đảo của anh chị em. Từ nay, cùng với các bạn, tôi trở thành một người di dân. Được sai đến vì anh chị em, tôi không quản ngại và sẵn sàng đáp ứng các nhu cầu của anh chị em như một thừa tác viên".


Sau thánh lễ Ban Điều hành Di dân tại Miền Nam đã có buổi gặp gỡ với Đức Cha Phaolo và cha giám đốc mới, để thảo luận về việc chuẩn bị cho buổi hội ngộ của đồng hương giáo phận Vinh vào ngày 18/12/2011 tại dòng Con Đức Mẹ Phù Hộ ở số 57 đường 4, Tam Phú, Thủ Đức.

Đây là một dịp tĩnh tâm Mùa Vọng chuẩn bị mừng Chúa Giáng Sinh. Đức Giám mục Giáo phận sẽ có buổi nói chuyện và chủ sự thánh lễ đồng tế. Một số linh mục sẽ đến giúp anh chị em di dân lãnh nhận bí tích giao hoà.

Được biết cha Gioan Phạm Quang Long thuộc giáo xứ Hoà Ninh, Quảng Bình, vốn là tu sĩ của dòng Thiên An Huế, theo học triết học và thần học tại Đại Chủng viện Xuân Bích Huế, nhập tịch giáo phận Vinh năm 2005, lãnh nhận sứ vụ linh mục ngày 8/8/2006 tại Xã Đoài, quản xứ Mỹ Dụ từ tháng 12/2006 đến tháng 11/2011.

Để được chăm sóc mục vụ, anh chị em di dân tại Miền Nam có thể liên lạc với cha Gioan Phạm Quang Long tại địa chỉ 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, phường Đakao, quận 1, TP HCM, số điện thoại 08-3911-0669. Ngoài ra, tại đây còn có các lớp giáo lý hôn nhân và dự tòng.
 

If... Nếu...

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

If you never felt pain, then how would you know that I am a Healer?
Nếu bạn không bao giờ cảm thấy đau, thì làm sao bạn biết Tôi là
người chữa lành?


If you never had to pray, How would you know that I am a Deliverer?
Nếu bạn không bao giờ phải cầu nguyện, thì làm sao bạn biết
Tôi là người đáp lời cầu?


If you never had a trial, how could you call yourself an overcomer?
Nếu bạn không bao giờ có thử thách, làm sao bạn có thể cho mình là người vượt qua?


If you never felt sadness, How would you know that I am a Comforter?
Nếu bạn không bao giờ cảm thấy buồn, làm sao bạn biết
Tôi là người an ủi?


If you never made a mistake, How would you know that I am a forgiver?
Nếu bạn không bao giờ làm điều lầm lỗi, làm sao bạn biết
Tôi là người tha thứ?


If you knew all, How would you know that I will answer your questions?
Nếu bạn biết tất cả, làm sao bạn biết Tôi sẽ trả lời những câu hỏi của bạn?


If you never were in trouble, How would you know that I will come to your rescue
Nếu bạn không bao giờ bị phiền toái, làm sao bạn biết
Tôi sẽ đến giải cứu bạn?

If you never were broken, Then how would you know that I can make you whole?
Nếu bạn không bao giờ hư hỏng, thì làm sao bạn biết
Tôi có thể chữa lành bạn


If you never had a problem, How would you know that I can solve them?
Nếu bạn không bao giờ có phiền toái,  làm sao bạn biết
Tôi có thể giải quyết những phiền toái?


If you never had any suffering, Then how would you know what I went through?
Nếu bạn không bao giờ có đau khổ, thì làm sao bạn biết
những gì Tôi đã trải qua?


If you never went through the fire, Then how would you become pure?
Nếu bạn không bao giờ tôi luyện trong lửa, làm sao bạn trở thành tinh luyện?


If I gave you all things, How would you appreciate them?
Nếu tôi  cho bạn tất cả, làm sao bạn có thể hài lòng chúng?


If I never corrected you, How would you know that I love you?
Nếu tôi không bao giờ sửa chữa bạn, làm sao bạn biết tôi thương bạn?


If you had all power, Then how would you learn to depend on me?
Nếu bạn có quyền năng, thì làm sao bạn sẽ học để tin cậy vào Tôi?


If your life was perfect, Then what would you need me for?
Nếu cuộc đời của bạn hoàn hảo, thì bạn sẽ cần tôi làm gì?


I Love you,
Jesus

Tôi Thương bạn,
Giêsu



http://www.thanhlinh.net/

Văn hóa Cain


Trong xã hội có hai phong trào với khuynh hướng đối nghịch là Phò Sự Sống (Pro-life) và Phò Chọn Lựa (Pro-choice). Dùng từ ngữ “phò chọn lựa” cho nhẹ nhàng dễ nghe và dễ thuyết phục nhưng đúng nghĩa ẩn dấu là phò phá thai. Phong trào Phò Chọn Lựa được bảo lãnh và ủng hộ bởi nhiều tổ chức xã hội. Nó cũng trở thành đề tài sôi bỏng trong các buổi thuyết trình tranh cử của các ứng viên thuộc các đảng phái chính trị. Mạng sống của các thai nhi trong bụng mẹ đang bị các đảng phái chính trị tranh dành và tìm chỗ dựa để tiến thân. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác can thiệp vào số mệnh của các thai nhi như vấn đề kinh tế, thương mại, dược phẩm, thực phẩm và dân số.
Ngày nay, nhiều nước trên thế giới đã mở cửa cho các dịch vụ phá thai. Những phong trào ủng hộ Phò Phá Thai hay Phò Chọn Lựa (Pro-choice) lý luận rằng: Phá thai là để bảo vệ quyền của người phụ nữ. Phá thai là để ngăn ngừa bệnh di truyền. Phá thai vì trẻ thơ dị tật. Phá thai là để bảo vệ quyền sống của người mẹ. Phá thai vì bị lỡ lầm. Phá thai vì bị hiếp đáp ngoài ý muốn. Phá thai để giảm bớt khó khăn kinh tế. Phá thai trở thành một dịch vụ kiếm tiền cho các Bệnh Xá. Phá thai để giải quyết vấn đề nhân mãn. Phá thai để tìm chọn đứa con ưa thích. Phá thai là để chọn lựa phái tính. Phá thai để cha mẹ tự do sống hưởng thụ. Phá thai vì người cha hèn nhát không nhận trách nhiệm. Phá thai là để giới hạn con số mà nhà nước chủ trương. Có muôn vàn cách biện minh cho hành động giết trẻ thơ một cách hợp pháp. Nhiều cha mẹ coi các thai nhi như là gánh nặng cuộc đời. Họ muốn trút bỏ nó đi cho rảnh nợ. Phá thai thật sự là giết người đó. Đây là tội ác của nhân loại.
Phá thai là một tội ác thật nghiêm trọng (Thông điệp Tin Mừng Về Sự Sống của ĐGH JP II. Số 61). Phá thai là gì? Phá thai là giết chính con thơ của mình. Bóng tối đang bao trùm vạn vật qua sự ghen tương nghi kỵ: Nhưng chính vì quỷ dữ ganh tị mà cái chết đã xâm nhập thế gian. Những ai về phe nó đều phải nếm mùi cái chết (Kn. 2:24). Con người nại vào nhiều lý do để giết chết con thơ một cách tàn nhẫn. Có khi thai nhi bị giết vì họ muốn giữ danh giá của gia đình dòng tộc. Có khi phá thai vì cha mẹ đang phải theo đuổi danh vọng và sự nghiệp. Có khi giết con vì con cản trở bước đường học vấn hay tiến thân. Nhiều người coi thai nhi chưa là con người và không có quyền được đối xử như một con người. Họ đã đang rao truyền văn hóa sự chết. Văn hóa của sự tiêu diệt. Văn Hóa Cain là văn hóa sự chết. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. (Stk 9: 6).
Câu truyện phá thai là giết người. Một thiếu phụ tay ẵm một thiếu nhi bước vào phòng mạch bác sĩ gia đình. Thưa bác sĩ, xin bác sĩ vui lòng giải quyết khó khăn nầy: đứa nhỏ đây mới chưa đầy một tuổi, và tôi lại mang thai nữa rồi. Chắc bác sĩ cũng biết là tôi không muốn có con liên tục như vậy. Tôi không đủ sức chịu đựng được. Thế thì bà muốn tôi giúp gì đây? Bất cứ điều gì có thể cất được các của nợ này. Sau một hồi suy nghĩ, bác sĩ trả lời: Tôi có một cách giải quyết tốt hơn để giúp bà. Nếu bà không có hai đứa con sinh gần nhau như vậy, tốt nhất là giết đứa con bà đang ẵm trong tay, vì đối với tôi, giết đứa trong bụng bà hay giết đứa trong tay bà thì cũng như nhau. Vả lại, nếu giết đứa trong bụng thì lại còn nguy hiểm cho bà nữa. Vừa nói xong, vị bác sĩ vươn tay lấy con dao nhỏ và bảo người thiếu phụ đặt đứa nhỏ lên đùi bà, đưa đầu em nhỏ ra phía ông ta. Lúc đó người thiếu phụ tái xanh mặt và thét lên: Đồ sát nhân. Chỉ vài lời nói, vị bác sĩ đã thuyết phục được người thiếu phụ trẻ hiểu ra rằng việc ông ta đề nghị giết đứa con một tuổi của bà thì cũng chẳng tệ hại hơn lời thỉnh cầu giết đứa bé chưa sinh trong bụng bà. Đàng nào cũng là giết người. Chỉ có một điều khác biệt là tuổi của hai đứa trẻ hơn kém mà thôi.
Bào thai chính là con người. Hãy quan sát thai nhi, trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ, người trưởng thành và người già chỉ khác nhau về thời gian phát triển. Thai nhi là con người nhỏ bé cô thân, cô thế nhất và không có khả năng tự vệ. Người thân cận gần gũi nhất là mẹ và cha. Mẹ cha lại không thương yêu bảo vệ nhưng đồng lõa với các bác sĩ và ý tá để tẩy trừ, làm hại và giết chết. Muốn giết chết một thai nhi, người ta phải dùng bạo hình. Những hình thức giết thai nhi còn ghê rợn hơn tất cả những hình thức mà con người đã dùng để tra trấn và phanh thây kẻ thù. Không còn thiếu hình thức nào bạo tàn hơn mà con người không dùng. Họ dùng kẹp bóp cho nát sọ, dùng máy hút làm tan nát tấm thân bé bỏng, cắt chân tay khi trẻ thơ còn đang sống và cắt vặn cổ cho chết. Có khi bơm nước muối mặn làm cháy da non và phỏng người rồi ngộp chết. Trẻ sơ sinh trong bụng mẹ đã làm gì hại đến các bác sĩ, ý tá hay cha mẹ mà xử qúa tàn nhẫn đến như vậy. Các trẻ thơ đau đớn, gào thét, giẫy dụa và chết lịm mà không hề được nương tay.
Có nhiều cách giết thai nhi mà các bác sĩ và y tá xử dụng hằng ngày. Nhà thương không còn là nơi để tỏ lòng yêu thương chữa lành nữa. Bệnh xá hay trạm xá cũng không còn là nơi ân xá nữa rồi. Khi thai nhi còn rất nhỏ đang sống yên hàn trong cung lòng mẹ, thì người ta dùng các chất hóa học như thuốc phá thai và nước hóa chất để trục xuất thai nhi khỏi bào thai. Khi thai nhi đã phát triển, người ta đã dùng những dụng cụ kinh hồn để tiêu diệt. Đầy đủ các thứ vũ khí giết người như búa, kìm, kéo, dao, xiên, dùi, móc và kẹp. Cung lòng của người mẹ trở thành pháp trường để hành hình các trẻ thơ vô tội. Thai nhi vô phương tự vệ. Thật tội nghiệp cho kiếp thai nhi bé bỏng. Chẳng ai thèm nghe tiếng kêu gào oan ức của các thơ nhi. Thật xót xa! Con người còn xử ác độc nhiều hơn nữa qua các phương thế diệt trừ các thai nhi non nớt. Họ dùng các phương tiện hợp pháp dưới đây để giết chết:
1.     Máy hút: xé nát bào thai khỏi tử cung và hút ra.
2.     Nông và nạo
3.     Nông và kéo
4.     Bơm nước muối
5.     Bơm chất prostaglandia
6.     Cắt dạ con.
Nông và kéo: Người ta dùng một cái kẹp có răng, thường bào thai trên 18 tuần, vĩ xương đã cứng, người ta phải vặn và cắt. Đầu phải bị đập nát bằng cách đục một lỗ hổng ở sọ và dùng máy hút để hút não bộ ra ngoài cho sọ nảo xẹp lép mới kéo thân xác nát tan của thai nhi ra khỏi cung lòng mẹ được.
Cắt dạ con: Người ta cắt một đường trên bụng của Người mẹ để lôi thai nhi ra. Thường thai nhi sinh ra còn sống, người ta phải giết thai nhi bằng cách vặn cổ, bóp mũi, miệng, hoặc nhận chìm trong nước.
Phá thai là một điều tuyệt đối sai, bởi vì nó xâm phạm quyền căn bản của con người là quyền được sống. Ta sẽ đòi mỗi con vật phải đền nợ máu các ngươi, tức là mạng sống của các ngươi; Ta sẽ đòi con người phải đền nợ máu, Ta sẽ đòi mỗi người phải đền mạng sống của người anh em mình. Ai đổ máu con người, thì máu nó sẽ bị con người đổ ra, vì Thiên Chúa đã làm ra con người theo hình ảnh Thiên Chúa. Về phần các ngươi, hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, hãy lan tràn và nảy nở thật nhiều trên mặt đất."(Stk 9:3-7).Xưa hai anh em Cain và Abel con cùng cha mẹ, vì ghen tương mà đã giết nhau: Cain không muốn nghĩ về em mình và từ chối nhận trách nhiệm mà mỗi người phải có đối với người khác (Tmvss. 8).
Bộ Giáo Luật hiện hành quyết định: Người nào thực sự cung cấp việc phá thai tự động chịu vạ tuyệt thông (Số 1396). Trong sách Xuất Hành, nêu ra những khoản luật rất tỉ mỉ để bảo vệ người mẹ cũng như thai nhi. Không ai có quyền làm hư hại hay tổn thương:Nếu đàn ông đánh nhau mà xô phải một người đàn bà có thai, làm sẩy thai.. thì phải bồi thường theo đòi hỏi của người chồng…Nếu có gây tổn thương, thì ngươi phải lấy mạng đền mạng, (Xh 21:22-23). Những bàn tay vấy máu trẻ thơ vô tội sẽ phải đền trả nợ máu. Chúng ta cũng không thể hiểu được tại sao có nhiều người phò phá thai đến thế. Phò chọn lựa hay phò phá thai là phò sự chết, trong khi chính họ muốn sống và hưởng thụ. Họ đòi quyền được phá thai. Nhà cầm quyền là những người đại diện dân là lo bảo vệ an sinh cuộc sống xã hội cho mọi người. Thế mà, có những nhà Lập Pháp lại ủng hộ quyền được giết chết trẻ thơ trong bụng mẹ. Thật là vô lý và trớ trêu.
Mục tiêu của đời sống văn minh nhân loại là cần nâng cao và bảo vệ sự sống. Trái lại, nhiều người tìm đủ mọi cách thế để hạn chế sự sống. Nhiều người còn hãnh diện và dương oai về chủ trương giết chết biết bao thai nhi. Họ ích kỷ không muốn chia sẻ hoa trái của sự sống. Muốn hưởng thụ trọn vẹn nguồn phú túc mà Thượng Đế đã trao ban. Có biết bao nhiêu nhân tài tiềm ẩn trong các thai nhi bị giết. Trong số các trẻ bị hại có những thiên tài và thánh nhân của thế kỷ. Con người xã hội đang tự tiêu diệt chính tương lai của nhân loại. Phá thai càng ngày càng nhiều vì có luật pháp hỗ trợ, vì chính sách chủ trương của nhà nước và vì đời sống luân lý đạo đức đang xuống dốc trầm trọng. Nhiều người không còn nhận ra sự cao quý của sự sống con người và chối bỏ trách nhiệm của chính mình.
Lạy Chúa, Chúa là nguồn ban sự sống. Chúa tạo dựng con người mang hình ảnh của Thiên Chúa. Hình ảnh đã bị con người lạm dụng cho những sở thích riêng. Xin cho chúng con biết trân quý, tôn trọng, bảo vệ và nuôi dưỡng sự sống của từng cá nhân. Sự sống khởi sự ngay từ giây phút đầu tiên khi tựu thai trong lòng mẹ và phát triển cho tới lúc trưởng thành. Ai cũng có quyền được sống, được hít thở không khí, được tắm nắng mặt trời và hưởng dùng mọi nguồn phú túc tự nhiên mà Thiên Chúa đã đặt để trong vũ trụ. Xin cho chúng con sống trọn vẹn đời sống trong tình yêu của Chúa. Chúng con biết rằng sự sống hay sự chết đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York.
Nguồn: from mailings

Amen nghĩa là gì?

Khởi công tái thiết trụ sở Giáo Phận Vinh tại Saigòn.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011


Sàigòn, Việt Nam (21/04/2007) -- Vào sáng ngày 21 tháng 4 năm 2007, Ðức Cha Phaolô Maria Cao đình Thuyên Giám Mục Giáo Phận Vinh, Ðức Cha Phaolô Nguyễn Thanh Hoan, Giám Mục Giáo phận Phan thiết, Ðức Ông Lê xuân Hoa, Ðại diện Giáo Phận Vinh ở Miền Nam cùng đồng tế với hơn 30 linh mục gốc Giáo Phận Vinh trong thánh lễ làm phép viên đá đầu tiên, khởi công tái thiết trụ sở Giáo Phận phận Vinh, toạ lạc tại số 32 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quận 1, Saigòn.
Trụ sở Giáo Phận Vinh là cơ sở do cha chính Joan Baotixita Trương cao Khẩn xây dựng sau Hiệp định Genève, để phục vụ cho gần 50 ngàn giáo dân Vinh di cư vào Nam. Sau cha chính Khẩn là cha chính Cao văn Luận. Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, cơ sở có nhiều bước "thăng trầm". Cho đến nay, trước hiện tượng xuống cấp trầm trọng, được sự quan tâm của 2 Ðức cha và ưu ái của mọi thành phần giáo dân giáo phận Vinh khắp nơi, Trụ sở Giáo phận Vinh tại Saigòn chính thức khởi công xây dựng. Cơ sở mới sẽ là 2 toà nhà cao tầng: Khu A gồm 1 trệt, 6 lầu và sân thượng với 2,334 m2 và Khu B gồm 1 tầng hầm, một trệt, 3 lầu và sân thượng với 737 m2. Khu B dành cho trụ sở Giáo phận và khu A là cao ốc văn phòng có thể kinh doanh.
Phát biểu trước thánh lễ, Ðức Giám Mục Phaolô Maria cho rằng tái thiết trụ sở Giáo phận Vinh này là một "trách nhiệm lịch sử của con cái Giáo phận đối với các bậc tiền bối đã có công xây dựng, bảo vệ và duy trì". Trong bài giảng thánh lễ, Ðức Cha Phaolô Nguyễn thanh Hoan nhấn mạnh đến "sức mạnh của Ðức Tin và Tình Yêu... có Chúa ở đâu mọi chuyện đều trở nên tốt đẹp." Ðức Giám Mục Phan Thiết cũng cho rằng số phận của trụ sở giáo phận cũng đã vượt qua đêm đen, cũng như con thuyền của các Tông đồ vượt khỏi giông tố nhờ Chúa sống lại và hiện ra với các Tông đồ như bài Phúc âm đọc trong thánh lễ. Ngài cũng kêu goi sự hiệp nhất giữa mọi thành phần Dân Chúa gốc Giáo Phận Vinh khắp nơi, không vì ích lợi riêng tư mà tất cả vì Nước Chúa và Giáo phận, trong tâm tình con cái một nhà.
Ðược biết, sau biến cố di cư năm 1954 cả thế giới đều thán phục tinh thần bất khuất của dân Quỳnh Lưu hoặc kinh ngạc với những tấm hình người di cư kiên gan chờ đợi, dầu nước thuỷ triều đã dâng lên ngập thân mình...
Tài liệu giáo phận Vinh miền Nam trước đây cho biết, sau năm 1954 khoảng 50,000 giáo dân gốc Vinh tụ họp thành các giáo xứ trong nhiều giáo phận như Giáo Xứ Thanh Bồ Ðức Lợi, Chính Trạch, Nhượng Nghĩa Nội Hà ở Ðà Nẵng; Giáo Xứ Hoà Ninh, Ðồng Lác ở Qui Nhơn và Nha Trang; rồi Ban Mê Thuột 5 Giáo Xứ; Ðà Lạt 1 Giáo Xứ, Xuân Lộc 5 Giáo Xứ, Phan Thiết 7 Giáo Xứ chưa kể số giáo dân sống chung từng cụm ờ Sàigòn và miền Tây. Hiện số giáo dân gốc Vinh trong miền Nam có thể đã lên tới 200,000 người, kể cả những giáo dân vào Nam lập nghiệp sau 1975, đặc biệt là ở Dakmil, Bình Già, Xuân Sơn. Ðức Giám Mục Phan Thiết và Linh mục Thi sĩ Xuân Ly Băng xuất thân từ giáo phận Vinh.
Công trình tái thiết Trụ sở Vinh hiện nay tại Saigòn do Linh Mục Nguyễn đình Thục (quản xứ Tân Việt - Tân Bình) trông coi với trợ lý là Linh Mục Phan Sĩ Phương từ Giáo Phận Vinh. Theo thiết kế, Khu B được xây dựng trước và hoàn thành sau 7 tháng. Còn khu A tiếp tục xây dựng sau khi cao ốc B đã được đem vào xữ dụng.
JB Hữu Quang

Các thánh tử đạo Việt Nam: Nếu hạt lúa miến chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011


Bài giảng của Đức cha Giuse Võ Đức Minh tại Đại hội Dân Chúa 24-11-2010
– Kn 3, 1-9: Chúa chấp nhận các ngài như của lễ toàn thiêu.
– 2 Cr 4, 7-15: Chúng tôi luôn mang trong thân xác mình sự chết của  Đức Kitô.
– Ga 12, 24-26: Nếu hạt lúa miến chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt.
Kính thưa Cộng đoàn phụng vụ,
Bài Phúc Âm của lễ Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay (Ga 12, 24-26), tập trung vào biểu tượng hạt lúa miến, được hiểu là biểu tượng của chính Chúa Kitô, từ đó ý nghĩa tỏa lan sang các Kitô hữu, đặc biệt các Kitô hữu chết vì đạo đã được Giáo Hội tôn phong Hiển Thánh hoặc Chân Phước, để nêu gương cho mọi thành phần Dân Chúa đang tiếp tục cuộc hành trình đức Tin giữa dòng đời.
“Nếu hạt lúa miến không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình”. Câu này chứa đựng một chân lý thật sâu sắc, đó là: ý nghĩa và giá trị của hạt lúa miến hệ tại cuộc hiện hữu của nó cho kẻ khác, để phục vụ kẻ khác. Nếu không như thế, nó sẽ “trơ trọi một mình”. “Trơ trọi một mình” là đặc điểm của cuộc hiện hữu vị kỷ, ích kỷ, và vì thế không có ích cho kẻ khác. Chúa Giêsu nhấn mạnh rằng: hạt lúa miến chỉ đạt được phẩm giá cao quý của nó, khi chấp nhận từ bỏ chính mình, để phục vụ sự sống và sự tăng trưởng của mọi người.
“Nếu nó chết đi, thì sẽ sinh nhiều bông hạt”: Chắc hẳn trong đoạn Phúc Âm này, Chúa Giêsu nghĩ tới kinh nghiệm trồng trọt của nhà nông: hạt-lúa-giống gieo vào lòng đất phải mục nát, phải thối rữa, phải chết đi, tức là phải chấp nhận mất căn tính hạt lúa, nhìn ở bình diện hiện tượng, để nẩy thành cái mầm, rồi lớn lên thành cây lúa chính, từ đó nẩy sinh thêm nhiều cây lúa phụ, tất cả cùng mang nhiều bông hạt. Chỉ một hạt lúa chết đi, mà sinh ra hằng trăm hạt lúa mới. Đó là sự gia tăng về số lượng. Đến lượt những hạt lúa mới phát sinh từ cái chết của hạt-lúa-giống, cũng chấp nhận bị nghiền nát, nghĩa là chấp nhận mất căn tính hạt lúa, để trở thành tinh bột, hoà mình với nước, với men, nhờ đó dậy men lên, rồi trải qua thử thách của lửa để trở thành tấm bánh thơm ngon và giàu chất dinh dưỡng cho con người. Đó là sự gia tăng về chất lượng. Đối với hạt lúa miến, một cách nào đó, chết đi là tự hủy ra không; còn gia tăng số luợng và chất lượng là siêu thăng bản chất của hiện hữu. Vì thế, cái chết của hạt lúa miến được Chúa Giêsu chọn làm biểu tượng cho sự tự hạ, tự hủy của Người như bước chuẩn bị cần thiết cho việc Thiên Chúa siêu thăng và tôn vinh Người qua mầu nhiệm Phục Sinh. Như vậy, Tự hạ và Siêu thăng qua sự Chết và sự Phục sinh, đó là như một quy luật chi phối định mệnh của Hạt Lúa Miến. Mặt khác, vì là một biểu tượng minh họa cách sâu sắc ơn gọi của Vua Kitô và của các Kitô hữu, nên Hạt Lúa Miến cũng là một huyền nhiệm.
“Máu các Vị Tử Đạo là hạt giống từ đó nẩy sinh nhiều tín hữu Kitô”.
Câu nói lừng danh này của Tertulianô năm xưa có giá trị trước tiên đối với dòng Máu của Vua Giêsu, Vị Tử Đạo vĩ đại, đã đổ ra trên Thánh Giá. Máu các Kitô hữu Tử đạo cũng có được khả năng sinh sản thiêng liêng ấy, là vì các ngài đã được nuôi dưỡng bằng Máu-Thánh-Thể của Vua Giêsu chịu đóng đinh. Ngoài ra chúng ta thấy được ý nghĩa đích thực của cuộc sống và cái chết của các Thánh Tử Đạo Việt Nam,  khi chúng ta suy gẫm về các hành động và lời nói của các ngài dưới ánh sáng Lời Chúa.
Trước tiên, tử đạo có nghĩa là làm chứng, mà đỉnh cao của việc làm chứng là chấp nhận chết hoặc đổ máu mình ra để khẳng định niềm tin vào Thiên Chúa, tiếp nối hành động của chính Vua Giêsu trên Thánh Giá. Cái chết để làm chứng triệt để như thế đuợc đồng hóa với “của lễ toàn thiêu” như Sách Khôn ngoan trong bài đọc 1 nói với chúng ta (x. Kn 3, 6). Theo tác giả Thư Do Thái, khi Đức Kitô đổ máu mình ra trên Thánh Giá, là lúc Người “tự hiến tế làm lễ vật vô tì tích cho Thiên Chúa, nhờ Thần Khí vĩnh cửu thúc đẩy” (Dt 9, 14). Vậy thì, hành động của các Thánh Tử Đạo chấp nhận chết vì đức tin cũng được thúc đẩy bởi Chúa Thánh Thần và nhờ đó các ngài trở thành “của lễ toàn thiêu”, và “của lễ thiêng liêng” (x. Rm 12, 2; 1 Pr 2, 5) được Thiên Chúa ưng nhận. Thánh Phaolô Phạm Khắc Khoan, linh mục tử đạo, cầu nguyện trước khi bị hành hình cùng một lúc với hai Thầy Kẻ Giảng như sau: “Vinh danh chúc tụng ngợi khen Thiên Chúa là Chúa Cả trời đất, chúng con xin dâng mạng sống cho Ngài” [1]. Vâng, hành động của các Thánh Tử Đạo tế hiến mạng sống mình làm của lễ toàn thiêu và của lễ thiêng liêng, được tô điểm thêm bởi Hy tế ngợi khen (x. Dt 13, 15; Hs 14, 3…). Cái chết lành thánh của các ngài, cũng giống như cái chết cứu độ của Chúa Giêsu, diễn ra trong tâm tình cầu nguyện sâu lắng.
Thánh Tử Đạo Carolô Cornay Tân, một linh mục thừa sai Pháp, trả lời vị quan tòa thẩm vấn mình rằng: “Chúng tôi chỉ chuyên lo giảng đạo, khuyên người ta ăn ngay ở lành, dạy con cái thờ cha kính mẹ, kêu gọi thần dân vâng phục vua quan, tôi đâu có thể đi ngược lại giáo huấn của mình mà chống nhà vua được?” [2]. Câu nói sau đây của Thánh linh mục tử đạo Phaolô Lê Bảo Tịnh thật hết sức ý nghĩa: “Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý, nhưng linh  hồn tôi là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được” [3].
Bài học thứ hai là thái độ kiên định trong sứ vụ làm chứng cho sự thật.Đây là nét nổi bật nhất của Vua Giêsu Tử Đạo và của tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam. Chúa Giêsu làm chứng cho sự thật này, là: “Thiên Chúa yêu thương thế gian đến nỗi ban Con Một, để phàm ai tin vào Con của Người thì khỏi phải diệt vong, nhưng có sự sống đời đời” (Ga 3, 16). Chính Chúa Giêsu ý thức mình là quà tặng của Chúa Cha. Người đến thế gian, “để phục vụ và hiến ban mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mt 20, 28). Người trở thành Con Đường cứu độ, dẫn tới Sự Sống đời đời và vì thế Người là hiện thân của Sự Thật, nghĩa là của ý muốn cứu độ thế gian của Thiên Chúa Cha. Sự Thật ấy là nội dung chính yếu của Tin Mừng. Về phần mình, các Thánh Tử Đạo Việt Nam nhất quyết không bước qua hoặc giẫm lên Thánh Giá, biểu tượng của Đạo Giêsu, mà vua quan phong kiến xưa gọi là “tả đạo Gia-tô”; các ngài chấp nhận bị giết để làm chứng trước mặt mọi người rằng Đạo Gia-tô, Đạo Giêsu là Đạo Thật, là Con Đường đích thực dẫn vào Sự Sống bất diệt. Dầu thế gian đón nhận hay khước từ, thì mọi Kitô hữu hôm nay vẫn phải dùng lời nói và cả cuộc sống của mình làm chứng cho Sự Thật đó, theo gương Chúa Giêsu và các Chứng Nhân đức tin anh dũng.
Bài học thứ ba là lòng bác ái không bờ bến đối với mọi người, kể cả những người giết hại mình. Về điểm này, chính Chúa Giêsu đã nêu gương một cách cụ thể: không những Người dạy các môn đệ phải “yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi” mình (x. Mt 5, 44), mà chính Người, khi bị treo trên Thánh Giá, đã cầu xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết hại Người (x. Lc 23, 34). Thánh Emmanuen Lê Văn Phụng, trùm trưởng của họ đạo Đầu Nước, Cù Lao giêng, đã nói lời trăng trối với con trai của mình tại pháp trường: “Con ơi, hãy tha thứ, đừng tìm báo thù kẻ tố cáo cha nhé”[4]. Có thể nói: tất cả các Thánh Tử Đạo Việt Nam khi bị thẩm vấn, cầm tù và hành quyết, không hề nói một lời trách móc, mỉa mai hay nguyền rủa những kẻ làm hại mình. Càng suy gẫm về những lời đối đáp của các ngài với vua quan bách hại các ngài, hay những lời các ngài tâm sự với người thân của mình, chúng ta mới thấy được điều kỳ diệu của Đạo Tình Thương mà Chúa Giêsu đã đem đến thế gian: Tình thương mạnh hơn sự chết; Tình thương chiến thắng hận thù.
Kính thưa cộng đoàn,
Trong ngày kỷ niệm đúng 50 năm trước, tức vào ngày 24-11-1960, Đức Giáo Hoàng Chân Phước Gioan XXIII ban hành Sắc chỉ Venerabilium Nostrorum thiết lập Hàng Giáo Phẩm Công Giáo tại Việt Nam. Với tâm tình tri ân, tại cuộc hội ngộ lịch sử này của Đại Hội Dân Chúa Việt Nam, chúng ta hãy “Tạ ơn Thiên Chúa về hồng ân đức tin vào Chúa Giêsu Kitô. Hồng ân này đã được rất đông các Vị Tử Đạo đón nhận cách quảng đại, sống và làm chứng; các ngài là những người muốn loan báo chân lý và tính phổ quát của niềm tin vào Thiên Chúa”[5].
Ngoài ra, chúng ta chân thành xin các ngài chuyển cầu cho chúng ta biết dùng ân huệ của Năm Thánh hồng phúc này và dùng việc nhớ lại chứng từ cao quý của các ngài để kích động đức mến, gia tăng đức cậy và củng cố đức tin mà đôi lúc bị thử thách bởi chính đời sống thường ngày của chúng ta [6].
Nguyện xin Đức Mẹ La Vang, Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, hướng dẫn chúng ta đến với Chúa Giêsu, để cùng với Con yêu dấu của Mẹ và Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, chúng ta đi vào huyền nhiệm Hạt Lúa Miến: chết đi mới sinh nhiều bông hạt, làm nên nhiều tấm bánh, bẻ ra, chia sẻ cho đồng bào của chúng ta được sống và sống dồi dào. Chúng ta chia sẻ sự sống với đồng bào, không chỉ bằng bánh vật chất, mà bằng cả bánh nhân văn và văn hóa, nhất là bánh Lời Chúa và Bánh Thánh Thể; có tất cả các thứ bánh đó thì mới thực sự có sự phát triển toàn diện của mỗi người và mọi dân tộc; và có chia sẻ những tấm bánh đó cho  mọi người, nhất là người nghèo và người bị gạt ra lề xã hội, mới thực sự tạo được sự HIỆP THÔNG toàn diện và sâu sắc trong Giáo Hội, để Giáo Hội trở nên Bí Tích, nghĩa là “dấu chỉ và khí cụ của sự hiệp nhất giữa con người với Thiên Chúa và giữa con người với nhau” [7]. Theo nghĩa đó, “xây dựng sự HIỆP THÔNG trong Giáo Hội là chìa khóa của  SỨ VỤ” [8] làm chứng cho Chúa Kitô và Phúc Âm của Người. Amen.
––––––––––––––––
[1] Xem Kinh Sáng ngày 24/11, điệp ca 2.
[2] Xem Kinh Sách ngày 24/11, điệp ca 1.
[3] Xem Kinh Sáng ngày 24/11, điệp ca của Thánh ca Tin Mừng.
[4] Xem Tài Liệu Làm Việc của Đại Hội Dân Chúa, cước chú 109.
[5] Xem Huấn từ ĐTC Bênêđictô XVI ngỏ với HĐGMVN ngày 27-06-2009.
[6] Xem Thư ĐTC Bênêđictô XVI gửi ĐC Chủ Tịch HĐGMVN dịp lễ khai mạc Năm Thánh tại Sở Kiện 24-11-2009.
[7] Xem TLLV, chương II.
[8] Xem Sứ điệp Khánh Nhật Truyền Giáo năm 2010 của ĐTC Bênêđictô XVI.

Các thánh tử đạo Việt Nam: Những lời nhắn đáng nhớ

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011


Thánh Ane Lê Thị Thành
Có một câu chuyện thật cảm động xảy ra trên dòng sông Gianh, Quảng Bình, gần chỗ chúng ta đang đứng đây. Mùa nước lũ cách đây 7 năm, chính xác là ngày 26/11/2004, chị Maria Trần Thị Mai, một người giáo dân xứ Phù Kinh, đã hi sinh vì cứu người trong lũ. Sau khi đã cứu được 7 người, chị Mai đã mãi mãi ra đi, để lại 5 đứa con dại.


Hồi đó, báo chí viết rất nhiều về hiện tượng này. Người ta nói nhiều về chị Mai và gia đình, nhất là về nỗi đau mất mẹ mà 5 đứa con phải chịu. Đáng chú ý là một bài trên báo Tuổi Trẻ có tiêu đề 'Mạ không về nữa thiệt rồi', với lời kết thúc như thế này: "Đau xót quá cái hình ảnh mấy chị em chiều chiều ra bến sông trước nhà ngóng mẹ trở về từ con thuyền nhỏ sau một ngày chài lưới, nhưng từ chiều nay với các em, người mẹ thương yêu ấy đã không về nữa! Mãi mãi không về nữa!"

Đọc bài báo đó, tôi cảm thấy nghèn nghẹn, không cầm nổi nước mắt. Nhưng tôi cũng có cảm giác là thiếu một điều gì đó, vì tuyệt nhiên người ta tránh né, không đề cập đến một chi tiết quan trọng: chị Mai là một người Công giáo. Tôi cho rằng đây là một yếu tố thiết yếu, quyết định hành động của chị.
Thử hỏi tại sao chị Mai có hành động anh hùng như vậy? Thưa vì lòng bác ái Kitô giáo thúc đẩy mà chị đã hi sinh mạng sống mình để cứu tha nhân. Chị đã thực thi lời Chúa dạy: Hãy yêu tha nhân như chính mình. Trong cuộc đời, chị đã đọc không biết bao nhiêu lần kinh Đạo Đức Chúa Trời có mười điều răn.Mười điều răn được tóm lại thành hai điều: Yêu mến Chúa trên hết mọi sự, và yêu người như mình ta vậy. Chị được nhà nước truy phong danh hiệu anh hùng. Còn chúng ta có thể phong thánh cho chị. Không có tình yêu nào cao cả cho bằng chết cho bạn hữu mình. Chết cho người khác được sống có thể xem như tử đạo. Đó thật là một chứng tá sống động cho mỗi người Kitô hữu chúng ta.
Hôm nay trong ngày lễ Các Thánh Tử đạo Việt Nam, chúng ta vui mừng, vinh dự và khâm phục khi chiêm ngưỡng 117 tấm gương sáng chói của các bậc tiền nhân, đại diện cho hơn 130.000 chứng nhân đức tin, đã anh dũng hy sinh vì tình yêu đối với Đức Kitô.
Vua quan và lý hình thời đó chắc chắn đã ngạc nhiên thắc mắc: Không biết vì sao những người này lại hy sinh mạng sống mình? Bản thân mỗi người chúng ta cũng có thể tự hỏi: Nhờ đâu mà các ngài có sức vượt qua mọi đau khổ cực hình như thế? Và trong ngày lễ hôm nay, các ngài để lại cho chúng ta những thông điệp nào? Thông điệp, message, đơn giản là lời nhắn. Các ngài muốn nhắn nhủ chúng ta là hậu thế của các ngài những điều gì đây? Rất nhiều vấn nạn chúng ta có thể đặt ra trong ngày lễ này. Câu trả lời tiềm tàng trong các bản văn phụng vụ đọc trong ngày lễ hôm nay.
Chúng ta hãy nghe lời một bà mẹ có bảy người con trai phải chết nội trong một ngày, thế mà bà vẫn can đảm chịu đựng nhờ niềm trông cậy bà đặt nơi Chúa. Bà dùng lời Chúa mà nói với các con rằng: "Không phải mẹ ban cho các con thần khí và sự sống. Cũng không phải mẹ sắp đặt các phần cơ thể cho các con. Chính Đấng Tạo Hóa càn khôn đã nắn đúc nên loài người, và đã sáng tạo nguồn gốc muôn loài. Chính Người do lòng thương xót cũng sẽ trả lại cho các con thần khí và sự sống, bởi vì bây giờ các con coi trọng Luật Lệ của Người hơn bản thân mình".
Bài đọc 2 trích thư gửi tín hữu Roma thì đưa ra câu hỏi: "Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?" Và câu trả lời đi liền kề: "Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta".
Còn bài Tin mừng Luca thật ngắn gọn, nhưng đó là lời sự sống cho các môn đệ Chúa: "Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ mình, vá thập giá mình hằng ngày mà theo. Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi thì sẽ cứu được mạng sống ấy. Người nào được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì?"
Cha ông chúng ta ngày xưa đã nghe những lời đó. Các ngài suy gẫm những lời đó, và lấy làm phương châm sống cho mình. Thật vậy, chúng ta có thể nghe lời các ngài sau đây, và nhận thấy rằng lời các ngài tương hợp với lời Chúa, bởi vì lời của các ngài bắt nguồn từ lời Chúa, và lời các ngài phản ảnh lời Chúa.
Thánh Phaolo Tịnh viết cho các chủng sinh ở Kẻ Vĩnh như thế này: "Những cực hình này thường làm cho người khác buồn sầu, nhưng nhờ ơn Chúa giúp, tôi vẫn đầy vui sướng hân hoan, bởi vì tôi không chỉ có một mình, nhưng có Đức Kitô ở cùng tôi. Người mang tất cả sức nặng thập giá, chỉ để cho tôi đỡ phần nhẹ nhất". Ngài thưa với quan án rằng: "Thân xác tôi ở trong tay quan, quan muốn làm khổ thế nào tùy ý. Nhưng linh hồn là của Chúa, không có gì khiến tôi hy sinh nó được".
Thánh Anrê Kim Thông nói: "Thà tôi bị lưu đày và phải chết vì Chúa, chứ tôi không chối đạo".
Thánh Phêrô Quí gửi cho mẹ mình:
"Dù trăng trói, gông cùm tù rạc
Chén ngục hình xiềng tỏa chi nề
Miễn vui lòng cam chịu một bề
Cho trọn đạo trung thần hiếu tử".
Thánh Simon Hòa nói với các con: Chúa đã muốn cha chịu khổ hình, cha xin vâng ý Người cho trọn".
"Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!" (thánh Teophano Ven).
Các thánh tử đạo ngày xưa không có được tiện nghi như chúng ta ngày nay: các ngài không có điện thoại di động, không có email, không biết dùng Yahoo Messenger. Nếu có chắc các ngài đã để lại cho chúng ta những lời nhắn. Thế nhưng chính cuộc đời của các ngài nhắn nhủ chúng ta rất nhiều điều. Trong dịp lễ năm nay, tôi xin ghi lại ba lời nhắn đáng nhớ mà các thánh Tử đạo đã âm thầm gửi lại chúng ta:
  1. Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình.
  2. Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô.
  3. Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì
Thời nào cũng đầy những cạm bẫy, những cám dỗ làm cho chúng ta xa Chúa. Để giữ vững đức tin, lúc nào chúng ta cũng gặp nhiều tình huống khó khăn, thậm chí hết sức khó khăn, buộc chúng ta phải chọn lựa dứt khoát: bỏ Chúa hay theo Chúa. Khi chúng ta bị cám dỗ muốn phá thai, ngừa thai chẳng hạn, hãy nhớ lại lời nhắn của bà mẹ có 7 người con: "Coi trọng Luật Lệ của Chúa hơn bản thân mình." Khi chúng ta được mời mọc về một lối sống xa rời tinh thần Tin mừng, hay là lỗi lời khấn như các chị nhà dòng ở đây chẳng hạn, hãy tâm niệm lời của thánh Phaolo: 'Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô'. Khi chúng ta gặp những cám dỗ ngọt ngào, đi gia nhập hội đoàn này, tổ chức kia, tỉ như: "không có gì đâu, anh vẫn được phép giữ đạo như thường…", thì hãy nhớ lời của Chúa: 'Được cả thế giới mà mất chính mình thì nào có lợi gì'; hay lời của thánh Teophano Ven: 'Tôi thiết nghĩ sự sống đời này đâu quý hóa đến độ tôi phải bỏ đạo mà mua!'
Ngày nay, không còn những cuộc bách hại như xưa, nhưng văn hóa và lối sống hưởng thụ thời nay cản trở chúng ta thực thi các đòi hỏi của Tin mừng. Giữa thế giới văn minh, tiện nghi, việc đạo được dễ dàng , e rằng có khi chúng ta bước qua Thánh giá, sống ngược với đức tin, mà vẫn không hay: Đó là khi chúng ta sống ích kỷ, chỉ chăm lo đến ốc đảo của riêng mình; đó là khi chúng ta bỏ qua lời thề ước của hôn nhân để ngoại tình; đó là khi những người mẹ giết con bằng hành vi phá thai, nạo thai; đó là khi những người trẻ buông thả về đời sống tình dục; đó là khi chúng ta coi trọng những cuộc nhậu nhẹt say sưa hơn là kinh lễ; đó là khi chúng ta chia rẽ, hận thù và phá vỡ mối giây hiệp nhất trong cộng đoàn.
Mừng kính Các Thánh Tử Đạo Việt Nam hôm nay cũng là dịp để chúng ta nói lên lời đoan hứa quyết tâm trước các bậc tiền bối: Quyết tâm làm Kitô hữu cho đến chết.
Có ai trong chúng ta có ước muốn đạo đức là được tử đạo không? Có thể Chúa không muốn chúng ta tử đạo theo nghĩa chặt, nhưng Chúa muốn chúng ta sống đạo để nên thánh. Nên thánh là ơn gọi căn bản của mỗi người Kitô hữu chúng ta. Đọc những lời nhắn đáng nhớ qua cuộc đời của các thánh tử đạo Việt Nam, tôi xin nêu lên một định nghĩa về sự thánh thiện: Thánh thiện là làm cho cuộc sống mình, lời nói của mình tương hợp với lời Chúa. Để được như vậy, thì chúng ta cần phải nghe lời Chúa hằng ngày, đọc và suy niệm lời Chúa hằng ngày, lâu ngày, lâu tháng, lâu năm. Nhờ đó lời Chúa thấm vào trong lòng, làm cho mọi suy nghĩ, phản ứng và việc làm của chúng ta mới phù hợp với lời Chúa. Amen.
Lm JB Phạm Quang Long

Hôm nay huy hoàng ngày mai tan hoang

Gm Vũ Duy Thống
Bài giảng tại Đại hội Dân Chúa ngày 23/11/2010
Lc 21, 5-11"Không còn hòn đá nào nằm trên hòn đá nào"

Trích đoạn TM hôm nay xem ra khó hiểu đối với các môn đệ năm xưa cũng như với thính giả thế kỷ 21. Cứ như là sét đánh ngang tai. Khi các môn đệ hí hửng trầm trồ trước vẻ huy hoàng tráng lệ của đến thờ, vốn là niềm tự hào của quốc gia và tôn giáo, tưởng được thầy mình đồng cảm vun vào, ai ngờ lại được thầy cho một bài học bất ngờ lắng đọng: hôm nay huy hoàng, ngày mai sẽ tan hoang; bây giờ Đền thờ có vươn cao vững bền đi nữa, thì nay mai cũng có ngày sụp đổ hoang tàn. Nghe mà lạnh người. Nhưng qua đó nói lên điều gì?

1-Trước hết, Chúa Giêsu muốn khắc họa một chân lý: mọi công trình vật thể đều bị chi phối bởi định luật của vật thể là hiện biến khôn lường. Những công trình ấy vừa nhờ vào bàn tay nắn nót của con người mà có, nhưng đồng thời cũng vượt thoát khỏi tầm tay níu giữ của con người. Bao nền văn hóa cực thịnh đã qua đi, bao nền văn minh sán lạn đã sụp đổ. Hễ đã có khởi đầu ắt sẽ có kết thúc; hễ đã có xuất phát tất phải có tận cùng. Chuyện bình thường như hoa nở hoa tàn. Nhưng không bình thường chút nào khi chuyện ấy lại xảy đến bất ngờ và chính mình cũng can dự vào. Đền thờ Giêrusalem, công trình vật thể tôn giáo Chúa Giêsu từ nhỏ đến lớn đã nhiều lần đến hành hương, cũng phải chịu chung một định luật là sự sụp đổ.

Trong hướng nhìn toàn cục, vũ trụ vật chất sẽ thay đổi để bước vào trời mới đất mới của TC. Qua sụp đổ tới vươn lên, qua đau khổ tới vinh quang, qua sự chết mới vào sự sống mới. Những tai họa cách này cách khác như lụt lội, động đất hoặc những tai nạn như rớt máy bay, tàn sát lẫn nhau, ngoài góc nhìn thời sự như một tai ương, cũng cần đặt trong hướng nhìn cánh chung để nhận ra chân lý này.

Trong bối cảnh những ngày cuối cùng của năm PV, chân lý Chúa Giêsu nêu lên còn giúp tín hữu nhận thức sâu sắc hơn: mọi sự sẽ qua đi, chỉ có Chúa là tồn tại; mọi sự là tương đối, chỉ có Chúa là Đấng tuyệt đối.

2- Không chỉ công bố chân lý, Chúa Giêsu còn muốn trang bị cho các môn đệ một thái độ sống phù hợp, thay vì dừng chân say mê trước vẻ đẹp của Đền thờ, hãy tiếp bước Người trên mọi nẻo hành trình sứ vụ; thay vì tuyệt đối hóa điều chỉ là tương đối, hãy gắn bó với Chúa mà tiến tới đích điểm vĩnh tồn; thay vì chỉ luẩn quẩn với những câu hỏi “khi nào và cách nào” để nhận biết điểm cuối của con người trong vũ trụ, hãy luôn sống tỉnh thức sẵn sàng (như lời xướng All).

Tỉnh thức sẵn sàng không là tiêu cực bó gối khoanh tay bất lực nhìn ngày Chúa đến, cũng không phải là băn khoăn lắng lo chống đỡ né tránh tiếng Chúa gọi mình, mà thực ra phải là tích cực xây dựng cuộc đời để ngày Chúa đến với mình cũng chính là ngày mình đã mong mỏi tìm đến với Chúa. Ngày của Chúa cũng chình là ngày làm nên bằng mọi ngày sống hôm nay.

Thánh GIUSE bổn mạng Giáo HộiChúa Giêsu mà ĐHDC kính mừng đặc biệt hôm nay vừa là một tấm gương vừa là một người mẫu sống tinh thần tỉnh thức một cách ứng trực. Tất cả mọi biến cố trong đời của Ngài bên cạnh Đức Trinh Nữ Maria và Chúa Giêsu đều trải ra trong tinh thần ứng trực tỉnh thức sẵn sàng này, từ biến cố đón nhận Đức Maria đã có thai về làm bạn đời, qua biến cố Chúa Giêsu sinh ra trong hang đá, đến biến cố phải đem gia đình thánh trốn sang Ai Cập và sau này việc lạc mất Chúa Giêsu trong Đền thánh. Chắc chẳng phải vô tình mà Phúc Âm thường mô tả việc Thánh Giuse lắng nghe tiếng Chúa trong đêm và tỉnh dậy mau mắn thi hành ý Chúa, mà hữu ý trình bày mẫu gương của một con người luôn luôn tỉnh thức sẵn sàng tuân theo ý Chúa. Xin Thánh Giuse giúp từng người chúng ta và giúp Giáo Hội Việt Nam  cũng biết sống tinh thần tỉnh thức như Ngài.

3- Cuối cùng, Chúa Giêsu còn mở ra một lối sống phó thác cậy trông.Đại Hội Dân Chúa đã bước sang ngày thứ hai với những thuyết trình tham luận và phát biểu thật phong phú. Đã có những trầm trồ về tầm vóc lịch sử của Đại Hội 350 năm mới có một lần; đã có những xuýt xoa về nét đẹp sự kiện gặp gỡ của mọi thành phần dân Chúa trong 26 Giáo Phận Việt Nam; và cũng có những tiếc rẻ thời gian Đại Hội 3 ngày quá ít cho một định hướng canh tân Giáo Hội Việt Nam trong tương lai. Xét cho cùng, cũng chỉ là tâm tình tự nhiên rất thật giống như tâm tình của các môn đệ trước vẻ huy hoàng của Đền thờ.

Đại Hội Dân Chúa cũng như bất cứ Đại Hội nào rồi cũng sẽ kết thúc, nhưng điều sẽ không bao giờ kết thúc, đó chính là việc cầu nguyện trong tâm tình phó thác cậy trông. Xin cho Giáo Hội Việt Nam trở nên trong thực tế điều mình là trong lý tưởng, được nên dấu chỉ khả tín và nên khí cụ khả ái cho sự hiệp thông với Thiên Chúa cũng như với mọi thành phần khác của Giáo Hội và xã hội. Xin cho mọi thành viên Giáo Hội tùy theo bậc sống và điều kiện hiện tại biết luôn phấn đấu trở thành những nhà kiến tạo hiệp thông. Hiệp thông với Chúa, với nhau để có thể thực thi sứ vụ làm cho mọi người được hiệp thông trong cùng một sự sống của Thiên Chúa.

Đừng đòi hỏi Giáo Hội phải làm gì cho mình nhưng biết tự cật vấn mình đã làm được gì cho Giáo Hội. Đừng đứng bên ngoài hoặc bên trên Giáo Hội để phê bình chỉ trích, nhưng phải hơn hãy đứng trong Giáo Hội để nỗ lực yêu mến chung xây. Nếu Chúa Giêsu đã yêu Giáo Hội là hiền thê dù Giáo Hội còn đang cần thanh luyện, thì mỗi tín hữu cũng yêu mến Giáo Hội mẹ mình hết lòng, yêu bằng khả năng của khối óc bằng sức vóc của đôi tay và bằng mê say của tâm hồn. Thiết nghĩ đó là lối sống phó thác và cậy trông đích thực và tích cực, một mặt lắng sâu trong cầu nguyện và mặt khác nỗ lực dựng xây.

Hôm qua, khi đúc kết ngày làm việc, ĐC Tổng Thư Ký đã cô đọng lại trong chữ “thiết tha”: Thiết tha yêu mến Giáo Hội, thiết tha góp ý xây dựng Giáo Hội. Có những thiết tha vỡ thành nụ cười; cũng có những thiết tha đọng lại trong giọt nước mắt. Nhưng từ thiết tha đến dựng xây, từ lý tưởng tới hiện thực, khoảng cách vẫn còn đó. Xin cho Giáo Hội Việt Nam, nhờ lời cầu bầu của thánh Giuse, biết thu hẹp khoảng cách đó lại. Như vậy, lòng hẹn lòng, các đại biểu: trong khi chưa có Bộ mặt Giáo Hội mình mong muốn ưa thích, hãy bắt đầu xây dựng Giáo Hội bằng cách đón vào trong sự ưa thích của mình Giáo Hội mà mình đang có.

Nguồn: ĐạihộiDânChúa.Net

Đồng hương hạt Can Lộc họp mặt lần thứ 11

Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2011

Sài Gòn ngày 10/12/2011, hội đồng hương hạt Can Lộc tổ chức họp mặt truyền thống lần thứ 11, quy tụ toàn thể anh chị em trên đất Sài Gòn và những vùng lân cận. Chủ đề của cuộc gặp gỡ: "Lạy Chúa, con phải làm gì?"

Để có được ngày gặp mặt truyền thống đầy thân tình và ấm áp này, ngay từ những ngày đầu tháng 11, hàng loạt những hoạt động vui chơi tập thể, giao lưu nối kết đã được ban điều hành tổ chức khá sôi động. Bằng những email, sms… chương trình hội ngộ đã được các bạn trong toàn giáo hạt đồng loạt truyền tay nhau, nên dẫu đang ở tận Bình Dương, Bình Phước, hay Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu… không mấy ai bỏ lỡ cơ hội gặp gỡ này.



Như những năm trước, Tu viện Don Bosco lại rộng mở chào đón đoàn con ly hương như lòng mẹ ngóng chờ con thơ xa nhà lâu ngày trở về đoàn tụ. Chỉ sau ít phút nghỉ mệt, các bạn trẻ nhanh chóng bắt tay vào công việc chuẩn bị sao cho ngày gặp mặt được thành công nhất, hài lòng nhất. Từ Hòa Mỹ, Trại Lê…đến Tràng Đình, Kim Lâm…những lều trại lần lượt được dựng lên trông thật ấn tượng. Bằng bàn tay khéo léo và sự sáng tạo đầy nhiệt tâm, dường như ai ai cũng muốn giáo xứ mình thật nổi bật. Chỉ trong khoảng 2 tiếng đồng hồ, 8 “căn nhà” của 8 giáo xứ đã hoàn thiện trong sự ngạc nhiên của mọi người. Phía ngoài khuôn viên, một không gian rộng lớn đã được ban điều hành của Hội Đồng Hương tận dụng tổ chức đêm lửa trại. Chưa tới 19h, mọi công việc phục vụ cho đêm hội đã được hoàn tất.

Có lẽ sự có mặt và những lời động viên ân cần của Cha Đặc Trách di dân giáo hạt Gioan Trần Văn Trinh, quý Thầy, quý Souer… cũng như tình cảm nồng ấm mà những người trẻ trao cho nhau nơi miền đất khách quê người là những động lực giúp các bạn nhanh chóng hòa nhập.



Có thể nói, giữa đất Sài Thành ồn ào với đầy đủ những hoạt động giải trí thú vị cho ngày cuối tuần mà Hội Đồng Hương Can Lộc quy tụ được đông đảo bạn trẻ tham gia buổi họp mặt truyền thống đã là thành công ngoài sức mong đợi rồi. Không chỉ có vậy, biết bao hoạt động đã được các bạn dày công tập luyện, từ văn nghệ tới thể thao đã được diễn ra hết sức tốt đẹp.

Điều đặc biệt hơn nữa có lẽ phải kể đến chương trình ẩm thực. Do quy tụ từ chiều thứ 7 tới hết ngày Chủ nhật, và vui chơi lửa trại, nên trong đêm cuối tuần, một gian hàng ẩm thực với đầy đủ các món ăn nhẹ, đặc sắc đã được các giáo xứ bày biện rất bắt mắt. Bạn muốn thưởng thức món trái cây tráng miệng trong cái nóng Miền Nam ư? Đơn giản thôi, xin mời ghé qua giáo xứ gian hàng Giáo xứ Tràng Đình nhé. Sẽ có đủ cây trái  từ xoài, me, cóc, ổi… đến nhãn lồng, quýt ngọt. Muốn 1 ly café cho đêm buổi tối cuối tuần thêm dư vị? Các bạn trong giáo xứ Kim Lâm sẽ sẵn sàng phục vụ chu đáo!

Dù không nói ra, nhưng nhìn sâu vào ánh mắt hân hoan, nụ cười rạng rỡ trên những khuôn mặt lấm tấm mồ hôi khi vui chơi lửa trại…ai ai cũng cảm nhận được nhựa sống tràn trề đang lan tỏa trong mỗi tâm hồn. Buổi lửa trại kết thúc khi chuông đồng hồ đã báo hiệu sang ngày mới nhưng chẳng ai muốn rời xa… Cảm giác thân thương ấm áp của ngày gặp mặt như xoa dịu bao nỗi lắng lo, ưu tư thường nhật trong cuộc sống tha hương …Dẫu vậy, khi lửa tàn, anh chị em đã cầm trên tay ngọn lửa yêu thương, ngọn lửa của lòng mến, niềm tin, và chuyền cho nhau để gắn kết và tự nhủ lòng hãy quyết tâm!


Sáng sớm Chủ nhật, toàn thể các bạn trẻ khởi động ngày mới với trận  chung kết bóng đá giữa giáo xứ Hòa Mỹ và Trại Lê. Sân thể thao của Dòng Don Bosco như vỡ òa với lượng cổ vũ đông đảo từ phía cổ động viên. Tinh thần thi đấu hết mình, với những màn đi bóng kĩ thuật, trận chung kết thực sự đã cống hiến cho người xem những hình ảnh đẹp mắt, ấn tượng. Có thể nói, ngoài niềm vui chung, anh chị em giáo xứ Trại Lê là những người hạnh phúc hơn khi mang về danh hiệu “Nhà vô địch” của giải bóng đá nam Hội Đồng Hương.

Thánh Lễ  gắn kết tình liên đới và hiệp nhất của anh chị em đồng hương được Cha đặc trách di dân ân cần chia sẻ rất nhiều tâm sự. Ngoài những thông điệp, những tri ân dạy dỗ của vị mục tử dành cho đoàn chiên, ngài còn nói lên những ưu tư, trăn trở và khó khăn mà các bạn trẻ có thể phải đối mặt trong thời đại hôm nay. Cả thánh đường như ngưng đọng khi vị chủ chăn đưa ra những dẫn chứng những bài học và khuyên nhủ các bạn trẻ:

“Đường trơn thế ai đi mà nhớ ngó
Nhỡ ra rồi gai nhọn đã vào chân”

Chia tay nhau với vũ khúc “Lạy Chúa! Con lên đường”, niềm tin, sự quyết tâm, cùng ngọn lửa tin yêu, ngọn lửa trung thành với lí tưởng và niềm tin đã chọn càng được thêm củng cố. Nhớ nghe em, dù cuộc sống muôn vàn khó khăn thử thách, nhưng trong những bộn bề ấy, em hãy  luôn tỉnh táo để biết rằng, có Chúa luôn dõi bước em đi và đồng hành cùng em !
                                     
Giuse Lâm Văn Học