Trần Hiếu
Anh Trần Hiếu. một chuyên viên tâm lý xã hội, cựu Hội trưởng Hội Ái hữu Vinh Bắc California nhiều năm, môt gương mặt trẻ, năng nổ gốc Vinh, đã có nhiều đóng góp cho Công đồng Người Việt nói chugn và cho cộng đồng Công giáo VN nói riêng tại các thành phố miền Bắc California. Anh đã đúc kết những lời phát biểu của Đức giám mục Giuse Nguyễn chí Linh về những vấn đề nóng bỏng của Giáo hôi Việt Nam tại quê nhà những năm vưa qua, trong một cuộc họp mặt thân hữu tại tp San Jose nhân dịp Ngài ghé qua thành phố này trong cuộc viếng thăm Hoa kỳ. Sau đây là bài viết của anh Trần Hiếu (Lão Già Cali).
Trong một cuộc trò chuyện về hiện tình Giáo Hội Việt Nam với một số thân hữu nhân cuộc dừng chân tại San Jose, miền Bắc Cali hôm mồng 6 tháng 3, 2011, Đức Cha Nguyễn Chí Linh, Giám Mục Giáo Phận Thanh Hoá và là Phó Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Việt Nam, đã nói, “Hội Đồng Giám Mục Việt Nam có khác biệt nhưng không chia rẽ”.
Ngài nói rằng đi đâu cũng nghe người ta thắc mắc và đặt vấn đề sự phân hóa trong hàng ngũ các giám mục Việt Nam, và ngài không ngạc nhiên trước các ưu tư được biểu lộ. Tuy nhiên, ngài nói, “Gần đây những tranh cãi về thái độ của HĐGMVN và của Giáo Hội VN đã gây ra một hệ qủa phân hoá rất nghiêm trọng không nên có, mà mình phải có một chiều hướng suy nghĩ lạc quan hơn.”
Đức Cha Nguyễn Chí Linh thăm viếng ngắn ngủi các giáo phận Oakland, Sacramento vùng Bắc Cali, và ghé đến San Jose để tham dự một buổi họp mặt theo lời mời của Hội Bảo Trợ Ơn Thiên Triệu, trụ sở tại San Jose. Ngài sẽ trở về Việt Nam vào ngày 13/3, sau một tháng công du Hoa Kỳ.
Người Công Giáo Việt Nam trong cộng đồng dân tộc
Theo Đức Cha, nhiều người, kể cả các cán bộ cọng sản, càng ngày càng kính nể Công Giáo hơn. Lý do là trong cộng đồng dân tộc, nhất là qua những vụ tranh chấp đất đai, tuy trước sự hung dữ của chế độ độc tài, thì gần như chỉ có người Công Giáo là dám liều thân công khai nói lên sự thật.
Ngài nói, “Tiếng chuông của người Công Giáo gióng lên đã làm cho chính quyền suy nghĩ, dè dặt hơn trong chính sách.” Ngài đánh giá vụ Toà Khâm Sứ và Thái Hà là thành công mà cũng là thất bại của cả hai bên. “Nếu người Công Giáo đấu tranh đòi đất TKS, Thái Hà mà không lấy lại được thì thất bại, còn phía chính quyền và an ninh mà không đàn áp được, thì chính quyền thất bại, nhất là đối với giới quản lý an ninh.”
Đức Cha nhận định rằng, cuộc tranh đấu TKS và Thái Hà đã đưa đến các điểm sau:
Chính quyền vừa không lấy được đất mà còn phải tôn trọng, dè dặt hơn trong những chuyện còn lại. Thực tế thì sau đó nhà nước có nghiên cứu và trả lại một số đất đai ở giáo phận Bùi Chu, Thái Bình, Phan Thiết, Thanh Hoá…
Một vài biểu hiện tích cực khác là từ vụ việc TKS và TH, chính quyền mềm dẻo hơn, và tuy họ đã có hợp đồng xây cất nhưng nhượng bộ chấp nhận triệt hạ hoặc không xây những công trình lớn, mà chọn một giải pháp ở giữa (là làm vườn hoa, công viên).
Nhà nước đã từng nói nếu chỉ trả đất cho TKS và Thái Hà mà thôi thì cũng dễ, nhưng họ không thể trả được, vì nếu trả cho tôn giáo thì phải trả cho địa chủ trong cuộc cải cách ruộng đất, trả cho các đối tượng cuộc cải tạo công thương nghiệp, tư sản mại bản, trả cho kiều bào, cho nước ngoài, và các tổ chức… Vì nhà nước hiện nay còn nghèo nên không thể trả được.
Chính quyền lý luận là đối với họ, khi làm cách mạng thì họ cướp tài sản từ tay thực dân, gồm nhà thương, trường học, các cơ sở… nhưng người Công Giáo không chấp nhận lối giải thích đó. Thực tế trong thương thảo thì họ cũng buộc phải nghe tiếng nói của công lý.
Ít nghi kỵ Công Giáo
Điều lạc quan khác, theo Đức Cha Nguyễn Chí Linh, là “càng ngày người ta càng ít ngờ vực nghi kỵ giới CG.” Trước đây một linh mục đứng giảng trong nhà thờ thì có công an chìm theo dõi, ghi chép rồi sau đó họ tới hạch sách, vì họ luôn luôn đề cao cảnh giác sợ người CG gây bạo loạn. “Nhưng mà gần đây thì không thấy bàn tay sắt theo dõi một cách nghiêm ngặt nữa, hoặc ít đi.”
Ngài đan cử các sự kiện:
Các đại lễ của người CG được đưa vào lịch và một khi lên chương trình như thế nào thì làm như vậy, chứ không có những đột xuất, ngẫu hứng, hoặc tự phát. Chính điều nầy làm nhà nước yên tâm. Gần đây các sinh hoạt xảy ra trong khuôn viên nhà thờ thì họ không can dự.
Vì nhờ có cơ hội đi quan sát nước ngoài nhiều hơn, các cán bộ đảng viên cho rằng Việt Nam chẳng giống ai, nhất là về chính sách tôn giáo. Ở trong tỉnh Thanh Hoá nhiều cán bộ cao cấp đã hành hương đất Thánh, tham quan Toà Thánh Vatican. Ngài nói, “Tôi nghe họ diễn tả các cuộc tham quan thì thấy rất là ấm lòng. Nhờ họ thấy được cái bề thế của GHCG ở nước ngoài thì khi về họ tôn trọng mình hơn. Cách ăn nói của họ cũng khiêm tốn hơn”.
Các cán bộ thích quan hệ với các doanh nhân Công Giáo, mà hiện có rất nhiều người thành công, vì nhiều người Công Giáo biết tôn trọng công bằng do ảnh hưởng của Tin Mừng. (Và khi tặng quà giao tế cho các cán bộ chính quyền thì các doanh nhân CG đưa họ đi hành hương Đất Thánh).
Gần đây có dấu hiệu các cán bộ thay đổi phương pháp làm việc, muốn kết thân với giới CG nhiều hơn. Trước đây qui luật của họ là không được để cho đối tượng cảm hoá, như linh mục giám mục thì vì công tác mà đến, chứ thường họ sợ bị “đầu độc”. Bây giờ thì ngược lại, các cán bộ làm công tác tôn giáo phải thân thiện với các đối tượng để chiếm thiện cảm.
Trong trao đổi với chính quyền, những điều tích cực cũng được khám phá. Vì cũng là con người, rất nhiều người có cái tâm. Ngài nói, “Việc ít ngờ vực người CG hơn là một điều can đảm từ nơi họ.”
Về sự phân hoá trong HĐGMVN
Trước câu hỏi về sự phân hoá trong hàng giám mục của Giáo Hội Việt Nam, Đức Cha Nguyễn Chí Linh khẳng định, “Sự phân hoá là hoàn toàn không có”.
Ngài tiếp, “Tôi tham dự những cuộc họp thường niên của HĐGM thì chẳng bao giờ thấy các đấng chống nhau. Trong cuộc họp khi nói đến nhà cầm quyền thì các đấng cũng nói thẳng cẳng, không sợ gì. Ở ngoài thì người ta nói coi chừng bị đặt máy nghe lén, gài người nọ người kia, trong thực tế vào họp thì các đức cha có sợ gì đâu, vẫn cứ nói một cách ngang nhiên. Ở ngoài người ta khai thác là HĐGM chia rẽ nhưng thực tế thì không có.”
Ngài phân tích từ ngữ “chia rẽ” khác với từ “khác biệt”. Ngài nói, “Cũng như trong một gia đình bố thích ăn cay mẹ không thích; hoặc người hàng xóm hay sinh sự thì người bố bảo thôi, „tránh voi chẳng hổ mặt nào‟, „im đi cho nó yên chuyện‟, còn người vợ thì bảo rằng „để nó láo rồi nó
quen đi‟… Thì cách đối xử với người hàng xóm tuy khác nhau, nhưng không có nghĩa là hai vợ chồng chống nhau.”
Đối với chế độ CS, ngài nói rằng, “Không riêng gì Công Giáo mà các tôn giáo khác cũng chẳng ai ưa”, tuy nhiên cách cư xử trong HĐGM cũng có các khuynh hướng khác nhau. Ngài nói có hai khuynh hướng chính: một là của những vị cho rằng không thoả hiệp được với CS, không thể mềm dẻo với họ; còn khuynh hướng thứ hai thì cho rằng trong một hoàn cảnh thử thách thì “khôn chết, dại cũng chết, biết thì sống” nên phải biết cư xử mềm dẻo để bảo vệ quyền lợi giáo hội.
Ngài nói thêm, “HĐGMVN xem ra càng ngày càng ý thức sự mềm dẻo đó; nhưng không phải phía bên Giáo Hội mềm dẻo thôi, mà cả phiá nhà cầm quyền CS. Vì họ là con người, khi mình tử tế, họ cũng tử tế lại.” Ngài tiếp, “Con người với nhau ấy mà, cũng như người hàng xóm dữ thì chúng ta phải làm gì để cảm hoá họ rồi từ từ họ cũng có đáp lễ nào đó trong cuộc sống. Chia sẻ một khung trời với nhau mà cứ căng thẳng, mặt hằm hằm với nhau thì làm sao mà sống được.”
Về những thắc mắc HĐGM yên lặng trước các sự việc như vụ Cha Lý, vụ đập phá Thánh Gía Đồng Chiêm, Cồn Dầu… Đức Cha Nguyễn Chí Linh giải thích rằng, “Thật ra, cọng sản tự nó là bất công, là u tối, và trước cả một thế giới dày đặc bóng tối nếu ngồi mà chưởi thì lải nhải suốt ngày suốt đêm không hết chuyện!” Ngài đặt vấn đề, “Nếu mình nói hết mọi sự như vậy thì có ai nghe nữa không?”
Dư luận các giám mục bị “thuần hoá”
Trước câu hỏi, “Có dư luận cho rằng một số vị trong HĐGMVN đại khái là „tham chức tham quyền‟, phe phái „tam ca áo tím‟, „lục ca áo tím‟, là các vị bị cọng sản thuần hoá”, Đức Cha Nguyễn Chí Linh qủa quyết, “Cho đến bây giờ, không có một giám mục nào theo cọng sản”.
Ngài giải thích dư luận bị đầu độc do hiện tượng truyền thông một chiều, và tệ hại hơn nữa là hiện có những ý đồ, kế hoạch và cả chiến lược nhằm gây chia rẽ Công Giáo, đặc biệt giữa người trong nước và hải ngoại. Ngài nêu các sự kiện:
Khi người ta nói đến Đức Cha Nhơn thì họ đưa cái hình ảnh ĐC Nhơn đi lầm lũi cúi mặt xuống đất, kèm với những bài viết rằng đó là một người đẩy Đức Tổng Kiệt đi chỗ khác; “nhưng mà vấn đề của chúng ta là họ nói như vậy có đúng không? Cả một quãng đời làm giám mục mấy chục năm rồi chả lẽ ngài xấu xa đến mức đó. Thì về Đà Lạt mà hỏi thời ngài làm giám mục ở đó ngài đã làm gì cho GH? Họ cố ý làm con người ĐC Nhơn bị méo mó đi.”
Người ta nói „Tam Ca‟ „Lục Ca Áo Tím‟ thì trong đầu chúng ta chỉ có ý nghĩ Đức Cha Đọc là người ở nhóm nầy, Đức Cha Minh ở nhóm kia… Thực sự các ngài giỏi về mục vụ nào đó thì liên kết với nhau để làm việc, nhưng bên ngoài người ta cố thêu dệt ở một khiá cạnh tiêu cực nào đó.
Trong vụ Đức Tổng Kiệt, việc loan những tin bí mật do ở ba vế: Toà Thánh Vatican, Đức Tổng Kiệt, và nhà nước — vì họ trực tiếp liên hệ. Truyền thống ngoại giao của Toà Thánh không bao giờ tiết lộ các chi tiết thương thảo; Đức Tổng Kiệt thì chắc chắn ngài cũng không thể biết hết được và nếu ngài có biết thì ngài cũng có sự kín đáo cần thiết, và nếu ngài có nói thì cũng chỉ nói một số điều thôi. Vậy nếu làm một cuộc giải trừ thì chúng ta biết đó là ai.
Cho đến nay các thông tin được loan ra với tư cách một kẻ giấu mặt, hoặc họ lấy bút danh mà chẳng biết đó là ai. Họ là người trong bóng tối vãi ra chuyện “tam ca” “lục ca” rồi gieo rắc hận thù khắp mọi nơi. Chỉ một vài bài chống phá nhà nước với những bloggers như Mẹ
Nấm, Điếu Cày… là người ta tóm cổ ngay. Tại sao những bài từ đó cho đến nay chửi CS như thế không ai làm gì, chúng ta nhận định tự khắc chúng ta có phán đoán đúng đắn.
Khi nói về giới lãnh đạo Giáo Hội, người ta dùng từ và cách nói rất khiếm lễ, để gây ác cảm. Làm như vậy để chúng ta rơi vào cái bẫy của họ là phá tinh thần hiệp thông. Các bài viết họ nói để nhân danh sự thật nhưng sự thật đó để xây dựng GH hay để đấu tố một cá nhân nào đó? Mục đích chính của họ nhằm làm cho giáo dân ngờ vực.
Ngài nói, “Các giám mục không phải là thánh” nhưng người ta diễn tả các giám mục dành dựt chỗ nọ chỗ kia là để làm bộ mặt các ngài xấu đi. Ngài nói, “Trong một tình huống phải chấp nhận Toà Thánh sắp xếp chứ tôi cam đoan không ai muốn về làm Tổng Giám Mục Hà Nội trong một tình huống dầu sôi lửa bỏng, nay người nọ phản đối mai người kia kê kích như vậy”.
Khi xử dụng phương pháp nhập tâm, nghĩa là nói đi nói lại một chuyện để cho người ta tin, là có cố ý tuyên truyền; và nếu “có ai ra mồm thì ông chơi cho tới cùng”. Vì thế không thể dựa vào thông tin trên báo đài để cho đó là sự thật.
Ngài nói rằng, “Sứ mệnh người Công Giáo, của HĐGM là làm chứng cho Chúa giữa dòng đời, biến cải cuộc sống toàn diện, chứ không phải thấy người cọng sản làm sai thì điểm mặt.” Ngài bày tỏ điều đáng buồn là “người trong nước, ngoài mẫu cố chung là ai cũng không ưa chế độ, nhưng người ở ngoài thay vì thương hại, thông cảm mà còn kết án những người trong cũi, đang sống những ngày rất là lầm than, dưới ách độc tài.”
Phản ứng của các giám mục
Trước các công kích của truyền thông một chiều, Đức Cha Nguyễn Chí Linh cho hay, trong các cuộc họp các giám mục có bàn phương thức đối phó như là viết bài phản từ; nhưng mà không lâu sau đó thì người ta thấy những bài phản từ cũng chẳng đi đến đâu. Ngài nói, “Những người nói càn thì họ rất hung dữ, họ ném đá tới tấp, truy nã cho tới cùng.” Vì vậy, xu hướng của các giám mục bây giờ là “Cây ngay thì bóng tròn”, “Mình đàng hoàng thì rồi họ cũng nhận ra.” “Có giám mục thì cho rằng giáo hội đang trải qua những thử thách để mà trưởng thành.” “Trong thời đại ngày nay các đức cha cũng nên nghe các công kích như vậy cho quen dần đi.”
Những vấn đề lớn của đất nước
Trước câu hỏi là có những quan tâm về các vấn nạn lớn của đất nước xã hội như bô xít, hải đảo Trường Sa, Hoàng Sa mà HĐGM không lên tiếng làm tín hữu bất bình, Đức Cha Nguyễn Chí Linh nói rằng có những hạn chế trước sự lên tiếng:
Xét khiá cạnh chính trị trên thế giới, khi đặt vấn đề biên giới, hải đảo của đất nước và HĐGM phải lên tiếng, thì phải xét khi mình nói có được gì hay không? Nếu việc lên tiếng của mình không mang lại hiệu qủa nào, thì mình trở thành người “lắm mồm”, bởi vì mình nói một chuyện không thực tế.
Về vấn đề Bôxít, là một hồ sơ mang tính khoa học mà cho đến bây giờ nó ngoài khả năng thẩm định của mình, nên không biết chính xác. Mình cần phải có chuyên gia mới nói được. Hiện tại trong nội bộ đảng cọng sản có hai phe, một phe chống dự án, một cho là không có tác hại gì hết, như vậy vô tình khi mình nói thì có vào một trong hai phe của đảng hay không?
Ngoài ra, khi lên tiếng thì mình muốn người ta nghe ý kiến của mình. Bây giờ, chính trong nội bộ đảng cũng có nhiều người lên tiếng, gồm những vị tai mắt, đảng viên cao cấp, mà chẳng ai nghe, cũng như chuyện Vinashin, cho nên xét cho cùng mình vừa không có đủ thông tin chính xác để quyết định lên tiếng hay không lên tiếng, mà tiếng nói của mình cũng không ai nghe.
Mặt khác, để giải quyết chuyện đất nước, vấn đề đặt ra là phải làm gì để cứu lấy đất nước, còn phương cách thì mỗi người mỗi khác. Đối với tôi anh phải lên tiếng, còn đối với người khác thì chưa chắc đã là như thế. Họ nói thế hệ nầy bây giờ tối tăm kém cỏi, muốn giải phóng đất nước thì phải gửi người đi du học càng nhiều càng tốt để về cứu nước. Vậy nếu cho rằng HĐGM không lên tiếng là sai, thì mình đã loại trừ hết các tiếng nói, nghĩa là mình lùa HĐGMVN vào một lập trường mà thôi, mà chưa chắc lập trường đó đúng. Lên tiếng chưa chắc đã được gì hay chưa mà nhiều khi “lãnh thẹo”.
“Trước một hiện tình đất nước như vậy, chúng ta phải làm gì?” Ngài đã trả lời, “Tôi nghĩ mình phải lạc quan mình tin vào ngày mai. Theo Lời Chúa dạy thì mình phải hoà giải, không phải hoà giải với CS, nhưng mà hoà giải từ trong lòng mình. Vì Chúa không cho phép người có đạo có kẻ thù. Mình phải giữ lập trường của mình, mình không theo họ, mình không để họ thuần hoá, nhưng mà mình không được phép ghét họ.”
“Chúng ta cần tâm niệm xác tín điều nầy Chúa Thánh Thần thì liên kết, đổi mới tâm hồn, còn ma qủy thì gieo rắc sự chia rẽ. Vì vậy nếu những thông tin nào làm chúng ta nghi kỵ nhau bên nầy với bên kia hoặc bên kia với bên nầy thì chúng ta phải coi chừng, kẻo chúng ta rơi vào cạm bẫy của ma qủy là những bàn tay lông lá ở trong bóng tối nó đạo diễn nó giật giây, nó dùng mọi cách để làm cho con cái Giáo Hội mình xâu xé nhau, làm cho sức mạnh của Giáo Hội bị suy yếu.-”